| Hotline: 0983.970.780

Đi bẫy lộc biển

Thứ Tư 24/10/2012 , 10:23 (GMT+7)

Mực Cô Tô (Quảng Ninh) ngon số một và giá bán bao giờ cũng gấp rưỡi gấp đôi tất cả các loại mực nơi khác. Người ta bảo mực là lộc của biển.

Mực Cô Tô (Quảng Ninh) ngon số một và giá bán bao giờ cũng gấp rưỡi gấp đôi tất cả các loại mực nơi khác. Người ta bảo mực là lộc của biển.

>> Công dân số một trên đảo
>> Thẳm xa đảo Trần

Tôi đi dọc con đường nhỏ xuyên đảo đầy sim hoang, ổi dại, xuyên qua những chòm xóm đầy vị tanh tao của mực, của cá tôm. Xã đảo Thanh Lân có dân của 14 tỉnh thành quy tụ và cả những người dân tộc Hoa sinh sống. Từng xem nhiều cảnh câu mực nhưng bẫy mực thì lần đầu tiên tôi chứng kiến ở đây.

Mươi năm trở lại đây, tại Thanh Lân có đến 30 hộ hành nghề bẫy thứ lộc đặc biệt ấy. Nghề này thịnh từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch khi con mực ở ngoài khơi về quanh đảo sinh sản.

Bẫy được làm từ 12 đoạn thân cây rừng xung quanh bịt bằng lưới, có miệng là hai mảnh lưới khép lại đủ một khe để mực chui qua, đỉnh bẫy lợp lá dừa nước. Một viên đá tròn nặng chừng 20 - 30 kg buộc vào để dìm xuống, một cái can làm phao nổi để giữ bẫy luôn ở đúng vị trí. Mồi nhử là trứng mực được buộc trên cầu lồng. Để có được thứ mồi độc đáo này ngư phủ phải ngụp lặn vào các rạn san hô săn trứng. Trứng đem bẫy phải là trứng non mới đẻ, màu trắng tinh khôi mới dụ được mực vào, còn già đã ngả màu cỏ úa là vứt. Cách này có thể bẫy được cả mực cái lẫn đực. Cách phân biệt đực cái khá dễ, con đực mình thon, dài có hai cái “cà” ở dưới lưng còn cái bụng phồng trứng.


Mồi bằng trứng mực

Mực lá chuyên sinh sống ở các bãi đá rạn san hô, không háo đèn như mực ống. Những đêm rằm, trăng tãi ánh bạc loang mặt biển, mực lá đi chơi thành đàn. Năm nay, Thanh Lân được mùa mực, mỗi tháng một hộ thu 40 - 50 triệu đồng là thường, chưa trọn mùa mà có những nhà đã được trên 200 triệu như gia đình Phong - Liên.

Ông Nguyễn Văn Chuyên, một tay săn mực có hạng, quê Nam Định đến đảo năm 1997. Ở quê nhà chỉ quen cái cày, cái cuốc chứ chưa quen tấm lưới, mái chèo nhưng ra đây giờ ông đã thành thạo đủ món. “Binh pháp” bẫy mực được ông Chuyên đúc rút phải đánh ở chân cồn, đón lõng đúng luồng đi dạo của con mực từ cồn xuống.

Thủa mới vào nghề ông từng mày mò thí nghiệm đủ thứ mồi bẫy như nấu cháo hoa đổ vào túi ni lông bó tròn lại hay dùng bông gòn cho vào túi ni lông nhưng không thể đánh lừa được lũ mực khôn ngoan bằng thứ trứng giả đó. Dường như phải có chút vấn vương của giới tính mới đủ kích thích chúng. Khi mắc bẫy, có con không chịu thúc thủ ngay mà quyết liệt trốn chạy. Giống mực đi lùi, vùng vẫy đến đít tầy, đến trầy xước cùng mình, đến tụt hết nhớt mà chết.

Thời điểm kéo lồng phải vào lúc nước dào (nước lên) hoặc nước chiến (nước xuống) còn khi nước dào đỉnh rồi xuống nếu thu hoạch rất dễ bị xoay lồng, con mực thoát ra ngoài mất. Nước đục sẽ thu kém, nước trong thu nhiều, trời nắng thu khá hơn trời mưa, đó đã thành quy luật. “Mút lờ” chính là ám hiệu riêng của ngư dân Thanh Lân chỉ về những cái bẫy mực rải khắp đáy lồng, nhấc đẫy cả hai tay. Với 100 bẫy lồng có buổi ông Chuyên thu 60 - 70 kg mực, bỏ túi dăm bảy triệu đồng.

Pành pạch. Pành Pạch. Chiếc thuyền gỗ cũ kỹ phun khói mù mịt, rung lên một hồi lấy đà rồi chòng chành vọt đi. Giờ đã cạn mùa đánh bắt. Mưa lây rây, mình tôi trú trong mái thuyền còn ba bố con ông Chuyên co ro ngoài khoang. Ngay cả những buổi biển động sóng cấp 5, 6, 7 vẫn không ngăn cản nổi họ theo những chuyến đi săn triền miên suốt tháng. Đứa con gái đứng ở mũi thuyền, thằng con trai điều khiển ga, đánh lái còn ông bố phía đầu khoát tay chỉ phương hướng. Trên khoang thuyền có hai cái thùng nhựa lớn, một đựng trứng, một đựng mực. Đám trứng dài như những ngón tay, mọc thành chùm, trắng tinh khôi, trắng mời gọi, trắng gợi tình…


Bẫy mực lồng

Cách bờ chừng một hải lý (1.852 m), chiếc thuyền hãm tốc, tiếng ga bớt thốc tháo. Ông Chuyên đứng choãi chân, tay cầm một chiếc sào dài có thanh sắt uốn cong ở đầu quơ một vòng sát mặt nước, móc vào cái phao kéo dây lồng. Búi gân trên tay ông căng phồng. Đám bọt khí nổi ùng ục trên mặt biển. Cái can trồi lên, cuối cùng là cái lồng sâu dưới 7 - 8 m nước cũng nổi lên.

Mỗi cái phao được bọc loại lưới xanh, đỏ, tím vàng… khác nhau chính là “chữ ký” riêng của mỗi chủ lồng. Giữa biển bạc, sóng cồn, ngắm từ xa khi cái phao còn nhỏ như một hạt thóc, nhấp nhô họ cũng biết phao đó ai là chủ. Đang lướt trên mặt biển đứa con gái bỗng hô “Đứt phao”, chiếc thuyền bẻ lái xoay một vòng tròn rồi dừng lại. Mắt tôi còn chưa nhìn thấy cái gì ngoài màu nước xanh ngắt, ông Chuyên đã nhảy xuống lặn ngụp một hồi rồi túm vào dây bẫy lúc này chỉ còn thấy mờ mờ qua cái can đầy hà bám. Đu người lên khoang, với can nước ngọt dội ào ào xuống đầu cho mắt khỏi xót, ông khoát tay ra lệnh cho thằng con tiếp tục hành trình.

Tôi ngắm không biết chán cảnh cha con ông Chuyên kéo dây lồng mực. Họ kéo thẳng, căng, nhanh, đều cho đầu bẫy ngổng lên để mực không thoát ra. Người kéo, người buông dây ăn ý như tiếng ca, nhịp phách một đêm ả đào phố cổ.

Biển lẫn trong mù sương, phút chốc bỗng chang chang nắng. Con mực trắng nhờ nhờ vừa rời khỏi mặt nước gặp ánh sáng bỗng chuyển sang màu đỏ sậm. Phun nước phìn phịt, mắt nó trong veo tựa một giọt sương to, lấp lánh sáng dưới ánh mặt trời.

Thuyền trôi qua Cô Tô nhỏ rồi Mâm Xôi, một hòn đảo vun đầy đặn tựa cái mâm xôi, giữa biển khơi mà như thơm hương lúa mới. Ông Chuyên rỉ rả lưới vây lồng nên thưa chỉ bắt mực to, nhỏ để cho con, dành cho cháu. Có cái bẫy lâu ngày ngâm trong nước mặn đã tơ tướp lá, méo xệch méo xoạc toan vứt bỏ mà vẫn thu đầy. Thì ra thẩm mỹ của con mực khác biệt lắm với thẩm mỹ của con người. Mỗi con mực cái khi vào lồng đều ghi dấu ấn của mình bằng cách đẻ một buồng trứng.

Có những lồng nhấc lên toàn thấy trứng bám trắng xóa xung quanh cầu mà không hề thấy mực thì có thể đã có người lấy trộm. Lại có những cái lồng khi nhấc lên đầu xuống dưới, đít lên trời, ông lầu bầu: “Mấy cậu trẻ lấy vội lấy vàng, bỏ lung tung đây mà! Mấy hôm rồi biển động, thúng không ra nổi, đói nên đêm qua biển lặng họ mới lấy mực của mình. Anh em người ta khó khăn, biển giúp mình thì mình đỡ họ nhưng bỏ bừa bỏ bãi thế này mực sao vào nổi nữa”. Cái tình của ông bố có 8 mặt con này xem mênh mông tựa nước biển.


Thu mua mực trên bè

Tôi nằn nì xin thử kéo vài cái lồng. Phần vì sàn thuyền nhầy nhớt mực đứng chân trần chực ngã, phần bởi lồng nặng một lúc đã mệt phờ nên phải rút lui. Mỗi lồng thả cách nhau 200 - 300 m, tính ra thu xong 100 cái lồng bố con ông Chuyên đã kéo dăm bảy tấn hàng trên một quãng đường 10 km sóng gió. 9 kg mực được ông bán ngay tại lồng bè thu 1,4 triệu đồng, trừ tiền dầu còn lãi 1,2 triệu đồng. Thuyền bẻ lái quay lại rồi neo gần bãi. Lấy dao rạch bụng những con mực tươi nhất bớt lại, ông rửa bằng nước mặn rồi bật bếp gas luộc. Bê đĩa mực còn nghi ngút khói, lão ngư cười: “Chú cứ xơi, bọn trẻ nhà tôi giờ cứ nhắc đến mực là sợ”. Ngồi trên mái thuyền, chiêu ngụm rượu quê, nhẩn nha dăm ba miếng mực. Vị thơm, ngon, giòn, đậm thấm đẫm của cuống lưỡi, đầu môi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm