| Hotline: 0983.970.780

"Dị nhân" trên đèo Mã Yên Sơn

Thứ Năm 05/08/2010 , 10:00 (GMT+7)

Trên đỉnh đèo Mã Yên Sơn quanh năm mây vật gió vờn có một ông lão mù sống cô đơn một mình suốt ba mươi năm qua. Sống một thân một mình cô độc giữa núi rừng hoang vu nên cái đài là người bạn tâm giao duy nhất với ông mấy năm qua.

Trên đỉnh đèo Mã Yên Sơn quanh năm mây vật gió vờn có một ông lão mù sống cô đơn một mình suốt ba mươi năm qua. Chứng kiến cuộc đời ông, ai cũng đinh ninh, ông người khổ nhất thế gian. Vậy mà khi trò chuyện với ông lão bất hạnh ấy, rất nhiều người sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp và đáng sống đến nhường nào.

Chiếc đài tậm tạch là bạn ngày đêm với ông trên đèo Mã Yên Sơn.

30 năm làm “chú ngựa” thồ hàng

Đèo Mã Yên Sơn thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đi hết con đèo ngoằn ngèo hiểm trở đó là đến nhà ông Tuấn "mù". Gọi là nhà cho nó oách chứ thực chất túp lều đó trông chẳng khác gì cái chuồng nhốt dê. Vật dụng đáng giá nhất trong căn nhà của ông Tuấn có lẽ là bốn cái cột và vài tấm ngói phờ - lô. Còn lại hầu hết là phên nứa cũ nát cùng mớ chăn chiếu lùng nhùng.

Ông Tuấn mù trước căn nhà ''chuồng dê'' của mình.
Rít một hơi thuốc lào, ông Tuấn cười khà khà bảo, nhà che phên như vậy để gió lùa vào cho nó mát, bịt vào làm gì cho nó bí. Dứt lời, ông dò dẫm về phía góc nhà lấy cây gậy rất thuần thục, sau đó ông cầm một bó đóm đi về phía nhà bên cạnh và bảo chúng tôi ngồi đợi ông một lát. Vài phút sau, ông lò dò trở về với trên bó đóm đang cháy rừng rực trên tay. Rụm rụm đám lửa, ông Tuấn đặt siêu nước lên. Trong lúc đợi nước sôi, tôi tranh thủ tìm hiểu về cuộc đời ông lão khắc khổ này.

Ông Ngô Văn Tuấn là người dân tộc Dao sinh năm 1952 tại Cam Đường, Lào Cai. Lên bốn tuổi đôi mắt ông bị mù sau biến chứng của một trận lên sởi, nhà nghèo không có tiền để chạy chữa nên gia đình Tuấn đành bất lực nhìn đôi mắt của cậu dần chìm vào bóng tối. Cuộc binh biến năm 1979 nổ ra, Tuấn cùng dân làng chạy giặc đến xã Bảo Hà lánh nạn rồi định cư lại luôn.

Phiêu bạt về mảnh đất heo hút nhưng không có lấy một người thân thích đi theo, không một xu dính túi, cũng chẳng có nghề nghiệp gì giắt lưng. Với hoàn cảnh éo le như vậy đến người lành lặn ngày kiếm hai bữa cháo còn chật vật huống chi là người mù như ông Tuấn. Đêm đêm nằm trong căn chòi bằng lá dựng tạm trên đỉnh núi, ông Tuấn cứ trằn trọc mãi không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai. Chẳng nhẽ lại đi ăn xin? Không! Thanh niên sức dài vai rộng không thể đi ăn xin được. Tuấn tự nhủ như vậy.

Hôm sau, Tuấn đến gõ cửa từng nhà bà con trong bản để xin làm thuê. Lúc thì nhổ sắn, khi thì bẻ ngô, có lúc lại giã gạo giúp dân làng. Một thời gian sau, khi chiếc máy xát gạo đầu tiên được đưa về trung tâm xã, ông Tuấn được bà con trong bản tạo điều kiện cho làm công việc gùi thóc, ngô xuống cầu Lúc, cách bản hơn 2km để xát gạo, xát ngô đem về. Mỗi lần gùi 30kg thóc, ngô đi xát, ông Tuấn được trả hai bát gạo. Chính nhờ công việc lạ đời có một không hai đó đã giúp ông Tuấn duy trì cuộc sống mấy chục năm qua. Ông Tuấn không chỉ đảm nhiệm công việc chuyển thóc thành gạo mà còn được dân bản giao trọng trách đi mua các nhu yếu phẩm hàng ngày như muối, nước mắm, dầu hoả... Những lần như vậy ông Tuấn được trả công bằng một bữa cơm trắng no nê.

Cô Hoàng Thị Thuận - Y tá thôn Bản Lúc - người thường xuyên mang tiền trợ cấp lên giúp ông Tuấn bộc bạch: “Cho đến tận bây giờ, người dân bản Lúc vẫn không thể nào lý giải được, con đường đi từ bản đến trung tâm xã toàn dốc núi hiểm trở, người lành đi còn bị ngã liên tục vậy mà hơn 30 năm qua, ông Tuấn chưa bao giờ làm rơi vãi của người dân dù chỉ là một hạt gạo”. Nhờ dân làng đùm bọc mà ông Tuấn có cơm ăn, áo mặc. Song, cũng chính nhờ ông Tuấn mà bà con nơi đây bớt được một lao động phải thường xuyên nghỉ làm nương để đi lo những công việc mà ông Tuấn "mù” vẫn âm thầm như chú ngựa thồ, chuyên chở suốt 30 năm qua.

Ăn cơm với ớt

Nhóm lửa nấu cơm trưa.
Đã gần 12h, ông Tuấn mời chúng tôi ở lại ăn trưa. Lục tục bê nồi cơm nhão nhoét bé xíu bằng bàn tay ra giữa nền đất, ông Tuấn lôi ra từ trong chiếc chạn mốc meo một bát ớt dằm muối ăn dở đã bốc mùi chua chua. Đợi mãi chẳng thấy thức ăn đâu, tôi nóng ruột hỏi ông không có gì ăn à? Lúc này tôi thấy ông giật mình buông bát đũa xuống nói: “Chết thật! Tôi quên mất là các anh không ăn được những thứ này. Tôi nghèo lắm, chẳng có gì mời anh cả, hai bữa cơm của tôi ngày nào chủ yếu cũng chỉ ăn với ớt như thế này thôi”. Cổ họng tôi chát đắng, không thể tin nổi một ông lão mù suốt ba mươi năm qua phải ăn cơm với ớt để duy trì cuộc sống. Tôi chợt nghĩ, nếu có một kỷ lục nào đó về người ăn ớt lâu và nhiều nhất ở Việt Nam thì ông lão Tuấn "mù” chắc chắn sẽ dành giải quán quân.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên như vậy, ông Tuấn cười khì khì thật thà tâm sự rằng: Với ông ngày được hai lưng cơm nát là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Ông khoe căn nhà ông đang ở được Nhà nước làm cho mấy năm trước và hiện mỗi tháng ông nhận trợ cấp 120.000 đồng. Số tiền đó ông để dành mua các nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, bột giặt và pin nghe đài là vừa đủ. Tôi hỏi ông có hay mua thịt về ăn không? Sau một hồi suy nghĩ, ông trả lời một cách vô tư: “Có lẽ phải đến nửa năm nay tôi chưa được nếm mùi vị của thịt. Ngay cả rau xanh thi thoảng đi xin hay người ta đem cho mới được cải thiện một bữa. Thèm rau lắm nhưng mà không trồng được nên đành phải ăn cơm với ớt dằm muối trắng thôi”.

Cô Thuận cho biết thêm, do không nhìn thấy gì nên ông Tuấn không tự trồng rau nên thỉnh thoảng bà con mỗi người lại cho ông mớ rau để ông đỡ bị xót ruột và táo bón. Cứ lâu lâu ông Tuấn lại nhờ lũ trẻ trâu đi hái hộ ớt răm mọc ở quanh làng về ngâm muối ăn dần. “Ớt nhiều khi ông Tuấn còn phải ăn dè ấy chứ! Mỗi bữa chỉ được ăn vài quả thôi! Ăn nhiều nhỡ hết cây nó không ra kịp thì biết lấy gì mà ăn”, cô Thuận ngậm ngùi chia sẻ.

Ông Tuấn trên đường đi gùi gạo về bản.
Nghèo, đói cùng cực là vậy nhưng tháng nào ông Tuấn cũng dành ra 20 nghìn đồng để mua pin về nghe đài. Sống một thân một mình cô độc giữa núi rừng hoang vu nên cái đài là người bạn tâm giao duy nhất với ông mấy năm qua. Đây là món quà người ta kỷ niệm cho ông cách đây 5 năm để ông nghe cho đỡ buồn. Ghé sát cái đài vào tai, ông Tuấn lấy tay đập nhẹ nhẹ vào thành loa, đài bỗng kêu lên khọt khẹt rồi một âm thanh quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên. Ông Tuấn tâm sự: Ông rất thích nghe các chương trình ca nhạc, cải lương, chèo, quan họ trên VOV2, nghe thời sự, chính trị trên VOV1. Ông cũng thật thà cho biết ông không thích nghe tuồng và ca trù, những lúc bật đài thấy phát hai chương trình này là ông vặn sang kênh khác ngay. Sở dĩ cái đài của ông Tuấn hay bị tậm tịt là do một lần ông đi dép siêu nhẹ gặp trời mưa ngã bị gãy mất ăng ten. Từ đó đến nay muốn mua một cái đài mới nhưng mua đài thì sẽ không có gạo để ăn, không có nước mắm và muối để trộn ớt, nghĩ vậy nên ông Tuấn lại thôi.

Giữa trưa, ánh nắng ngoài trời như muốn thiêu đốt căn nhà chật chội hôi hám của ông Tuấn. Lo sợ nắng nóng làm “người bạn” duy nhất của mình bị hỏng ông Tuấn đem đài ra treo lên cây mơ ở trước nhà cho mát. Và thế là ông cứ ngồi đó say sưa thưởng thức những bài hát vang lên từ cái đài tậm tịt. Chứng kiến hình ảnh đó, chúng tôi có cảm tưởng như chưa bao giờ ông Tuấn "mù" thấy cuộc đời mình ở tận cùng của sự tối tăm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm