| Hotline: 0983.970.780

Điện thoại lúc 0 giờ

Thứ Năm 19/06/2014 , 13:15 (GMT+7)

Việc chuyên đi viết bài điều tra theo đơn thư tố cáo bạn đọc gửi tới tòa soạn biến tôi thành kẻ thù của rất nhiều kẻ mà chẳng cần nói, bạn đọc hẳn cũng nhận ra chúng là ai. Rất nhiều đêm, cứ vào lúc 0 giờ, điện thoại bàn nhà tôi (lúc đó còn ở Tân Mai, Hà Nội) lại đổ chuông.

Cho đến khi về hưu vào ngày 1/5/2014, tôi đã làm việc qua 3 tờ báo là Đại Đoàn Kết; Doanh nghiệp và Nông nghiệp Việt Nam (NNVN). Ở hai tờ Doanh nghiệp và NNVN, có hai nhiệm vụ mà tôi hay được phân công nhất. Một là đi dự Tòa nhằm tường thuật những phiên tòa xét xử những đại án gây chấn động dư luận xã hội, như vụ Vũ Xuân Trường, đại úy công an kiêm trùm buôn bán ma túy; vụ Khánh Trắng, trùm giang hồ chợ Đồng Xuân; vụ Nguyễn Văn Tám, trùm ma túy đất Lai Châu;

Rồi vụ Đoàn Văn Vươn cùng một số người bị truy tố về hai tội “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” ở Tiên Lãng, Hải Phòng; vụ Dương Chí Dũng và đồng bọn ở Vinaline “Tham ô” và “Cố ý làm trái”; vụ Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng và đồng phạm “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”…

Trong những buổi dự tòa đó, tôi luôn tìm cách thể hiện quan điểm của Ban Biên tập báo một cách rõ ràng nhất, rành mạch nhất. Và cũng chính vì thế mà một số bài tường thuật của tôi đăng trên báo đã khiến không ít người có quyền chức “không hài lòng”.

Như khi đang dự phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, tôi đã bị hai người mặc thường phục, một nam một nữ “áp giải” từ phòng dành cho báo chí ra sân tòa. Đến giữa sân, một người trợn mắt:

- Tại sao anh lại viết sai về chức vụ của ông T. (một người có chức vụ lớn ở TP. Hải Phòng)?

Tôi cáu:

- Nếu tôi viết sai điều gì về ông ấy, thì khi ông ấy có ý kiến bằng văn bản lên báo tôi, Ban Biên tập báo sẽ phân xử. Không liên quan gì đến anh chị. Yêu cầu để tôi tiếp tục làm nhiệm vụ.

Họ bỏ đi. Tôi hiểu việc hạch sách tôi vì việc viết sai chức vụ của một lãnh đạo TP. Hải Phòng chỉ là cái cớ. Họ muốn “dằn mặt” tôi.

Thứ hai là tiếp nhận đơn thư của dân gửi đến báo, đi điều tra, xác minh, viết bài thể hiện quan điểm của báo trong việc bảo vệ những người dân bị oan ức, bị xâm hại một cách trái pháp luật đến quyền lợi chính đáng, đồng thời vạch trần những vụ tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái pháp luật, ức hiếp dân lành…

Còn đang trong bóng tối của một bộ phận quan chức. Có thể nói, những bài báo đó là những “nhịp cầu” nối giữa tờ báo và độc giả. Những vụ việc được báo đưa lên rất phong phú, đa dạng. Bất cứ ai có đơn gửi đến báo, đều được báo hồi đáp.

Do đặc điểm công việc đó, nên tôi rất hay phải xông vào những vụ án lớn ngay từ khi chúng mới xảy ra, để góp phần đưa sự thật ra ánh sáng, như vụ một số công an đã dùng nhục hình gây nên cái chết của kỹ sư Nguyễn Văn Quang ở đồn công an Phương Mai (Hà Nội) rồi tạo hiện trường giả là vị kỹ sư đó đã tự sát tại đồn bằng treo cổ (kết quả là 4 công an đã phải nhận án tù);

Vụ bắt oan Giám đốc Cty Chế biến XNK Nông hải sản Hòa Bình Lương Ngọc Phi ở Thái Bình về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và “Trốn thuế”, kết quả là ông Phi bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt tổng cộng 17 năm tù nhưng được Tòa Phúc thẩm TANDTC tuyên vô tội sau 35 tháng ngồi tù. Và mới đây, cơ quan gây oan cho ông là TAND tỉnh Thái Bình đã bị buộc phải xin lỗi công khai, phải bồi thường cho ông 2 lần, tổng cộng 22 tỷ đồng;

Về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà chị Nguyễn Thị Hiên ở Thái Bình là nạn nhân, sau khi chấp hành xong bản án 4 năm 6 tháng tù do hai cấp tòa của tỉnh Thái Bình tuyên, chị đã kêu oan, và Chánh án TANDTC đã ra quyết định kháng nghị hai bản án trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa vụ án ra xét xử theo trình tự Giám đốc thẩm.

 Bản án Giám đốc thẩm tuyên chị Hiên vô tội, hủy 2 bản án của 2 cấp tòa tỉnh Thái Bình, đình chỉ vụ án. Chị Hiên đã được TAND tỉnh Thái Bình xin lỗi công khai và được bồi thường trên 260 triệu đồng…

Những vụ án đó thường kéo rất dài. Vụ giết hại kỹ sư Nguyễn Văn Quang phải mất 4 năm mới kết thúc; vụ án Lương Ngọc Phi mất 16 năm nhưng đến nay ông vẫn chưa được nhận tiền bồi thường; vụ kêu oan của chị Nguyễn Thị Hiên cũng mất 6 năm.

Một số vụ án khác cho đến nay đã 10 năm hoặc trên 10 năm nhưng vẫn chưa kết thúc, như vụ án “Cố ý gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe của người khác” xảy ra năm 2004 ở Ao Cầu Nẩy (Thanh Oai, Hà Nội); vụ án “Cố ý gây thương tích…” xảy ra năm 2003 ở Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội)…

Bây giờ, tuy đã trở thành một người “đứng ngoài lề của xã hội”, nhưng tôi vẫn rất bức xúc trước thảm cảnh những người dân lành bị ức hiếp, bị oan uổng. Và tôi vẫn nhủ thầm rằng khi nào Ban Biên tập cần thì tôi vẫn sẵn sàng vào cuộc.

Trong những vụ án đó, tôi bao giờ cũng là một trong những nhà báo vào cuộc đầu tiên và kiên trì theo đuổi đến tận cùng. Cũng có những vụ tôi “một mình một ngựa tác chiến” như vụ “Cố ý gây thương tích…” ở Vân Côn; vụ đòi lại đất canh tác cho trên 20 bệnh binh 2/3 của huyện Quốc Oai (Hà Nội); vụ đòi lại đất canh tác cho hơn 100 thanh niên sinh trong khoảng 16/10/1992 đến 15/10/1993 ở xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Kết quả là tất cả những người đó đều đã được trả lại mỗi người trên 300 m2 đất canh tác.

Hay vụ đòi lại quyền lợi cho 22 hộ dân ở xã Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Kết quả là 22 hộ dân đó đã dành lại được quyền lợi của mình. Và một số cán bộ xã làm trái pháp luật đã bị khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa…

Là một nhà văn đi làm báo, kiến thức về pháp luật không nhiều. Nên để hoàn thành được nhiệm vụ do Tòa soạn giao, một mặt tôi tự học, tự nghiên cứu để có được những hiểu biết về pháp luật. Một mặt tôi tìm cách kết bạn với rất nhiều luật sư giỏi, có tên tuổi như LS Phạm Hồng Hải, LS Trần Đình Triển, LS Nguyễn Hồng Bách… để nhận được sự trợ giúp cần thiết.

Cũng nhờ sự quen biết đó mà tôi có điều kiện vận động một số Văn phòng Luật sư bảo vệ miễn phí cho nhiều bà con nghèo chẳng may vướng vòng lao lý.

Công việc trên cũng biến tôi thành kẻ thù của rất nhiều kẻ mà chẳng cần nói, bạn đọc hẳn cũng nhận ra chúng là ai.

Những ngày tham gia đưa vụ án Lương Ngọc Phi, vụ kêu oan của Nguyễn Thị Hiên lên công luận, rất nhiều đêm, cứ vào lúc 0 giờ, điện thoại bàn nhà tôi (lúc đó còn ở Tân Mai, Hà Nội) lại đổ chuông.

Và cứ hễ tôi hay vợ tôi nhấc máy lên là nhận được những lời chửi rủa hết sức thô tục, hay những lời đe dọa. Nghe những lời đe dọa hay chửi rủa ấy, tôi chỉ cười nhạt, nhưng vợ tôi thì đâm hoảng loạn, mất ngủ hàng chục đêm liền, người rộc đi.

Có lần vợ tôi đi chợ Tân Mai, lúc về bỗng có một người chặn lại, bảo: “Chuẩn bị quan tài đi. Chiều nay sẽ có người đưa xác chồng mày về”, khiến vợ tôi quỵ tại chỗ, hàng phố phải dìu về.

Chuyển nhà về chỗ mới bây giờ, tôi không dùng điện thoại bàn nữa, nhưng từ khi hai vụ án “Cố ý gây thương tích…” ở Vân Côn và ở Ao Cầu Nẩy đến hồi cao trào, có dạo tôi liên tục nhận được những tin nhắn đại loại: “Thằng cháu nội mày rất xinh phải không. Mày có muốn nhìn mặt nó biến dạng vì axit hay nó bi vùi ở sông Đáy không” hay “Vợ mày hay đi chợ Gồ phải không. Mày có muốn nó bị xe cán nát không”…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm