| Hotline: 0983.970.780

Em theo chị, cháu theo cô

Thứ Tư 13/10/2010 , 07:00 (GMT+7)

Cách Tân Pheo chừng hơn chục cây số đường núi là xã Tân Minh (Đà Bắc, Hoà Bình), cũng một điểm nóng nhức nhối về "nghề không rõ địa chỉ". Bọn trẻ con trong xóm Diều Luông từ đứa thò lò mũi xanh, bốn năm tuổi đã biết cô nào là cave. Có lẽ từ tiếng Anh duy nhất từ bà già đến con trẻ ở đây biết là từ ô nhục đấy.

Cách Tân Pheo chừng hơn chục cây số đường núi là xã Tân Minh (Đà Bắc, Hoà Bình, xem NNVN từ số 203), cũng một điểm nóng nhức nhối về "nghề không rõ địa chỉ".

>> Hoa rừng lạc lối

Chấp nhận cho vợ đi "làm gái"

Cách biệt hẳn với bên ngoài bằng những dốc núi ngoằn ngoằn, bằng con đường gồ ghề sống trâu, nhưng Diều Luông lại nổi tiếng nhất vùng bởi cái nghề bị lên án này. Diều Luông theo tiếng Tày là anh cả, nghĩa là anh lớn của các xóm, có tiếng nói rất được tôn trọng, là đầu mối, rường cột để đoàn kết mọi người. 

Bà Ờ: Cái vách mới sụp làm bà phải xúc mãi mới hết đất

Giờ bị thế, chẳng nói được ai nữa. Khi tôi đến nhà Sa Thị Ờ mẹ của Lường Thị Phờ đang ngồi cặm cụi xúc đất trượt từ triền núi tràn vào vách nhà sau một cơn mưa lớn. Bà Ờ đã 53 tuổi, có 5 con 3 trai 2 gái, trong đó Phờ đi làm 3 năm mà cũng không biết đi đâu. Hỏi nhiều nó bảo đi bưng bê, đến ngay cả “người yêu” của nó bây giờ bà cũng không biết tên gì quê ở đâu nữa là. “Cái nhà đất này của ông người yêu nó trước đây cho tiền làm đấy. Ông ấy cũng bằng tuổi tôi, tôi không biết tên, không biết quê ở đâu nhưng thấy bảo thích nó, mang tiền cho nó làm nhà. Làm nhà xong thấy ông ấy khó tính quá, nó lại bỏ rồi có người yêu là cái anh hiện tại, làm nghề lái xe, giờ nó đang ở nhà anh ấy. Nó đi làm xa cũng khổ lắm, nửa đêm gà gáy vẫn phải làm mà chẳng mấy khi cho tôi tiền.

Mỗi lần anh người yêu nó về mới cho tôi 200 - 300.000đ. Tôi không có đài điện, chân trắng, tay không, không trâu bò, không gà lợn, đói thì hái lượm măng, nhặt hạt trẩu trong rừng thôi”. Nhìn bà Ờ, nhìn dăm bảy cái phao câu gà nổi lều phều trong cái xoong con con bà mới mua hồi chiều, tôi hiểu những lời bà nói là thật. Có một số ông bố, bà mẹ còn biết nghĩ, rồi trăn trở ước ao giá lũ con hư nhà mình như con thú còn nhốt lại được trong nhà, nhưng chẳng biết nhốt rồi lấy gì mà ăn, còn đa số thì coi đó cũng là một nghề kiếm tiền đơn thuần.

Anh Lường Văn Sa, 54 tuổi, cố mãi, cố mãi đẻ đến đứa con gái thứ 5 mới thôi giấc mộng đứa chống gậy. Với 1.600m2 ruộng, 4,3 ha luồng, cũng đủ để anh nuôi đám con lớn lên lần lần lập gia đình. Chỉ có mỗi cái Xờ là không muốn đi nương rẫy, đi rừng mà theo chúng bạn rủ, thấy bảo đi bưng bê ở mạn Xuân Mai (Hà Nội), về mấy năm, có tiền cũng lấy chồng, có đứa con 6 tuổi gửi  ông bà rồi lại đi. Anh Lường Văn An, 50 tuổi, nhà giữa xóm có 4 con trong đó 3 đứa con gái đẹp như bông mai, bông mận cũng có hai đứa rủ nhau đi. Cứ như lời anh thì chúng đi may ở Bình Dương 2 năm rồi chưa về nhưng tất cả dân bản rỉ tai tôi chúng đi may không cần… máy khâu.

Bà Ờ-tay bế đứa cháu bên ngôi nhà được làm từ tiền của ông "người yêu" con gái

Phó chủ tịch UBND xã Tân Minh đau đớn than: “Chính cái nhà, cái xe được làm, được mua từ nghề cave là thứ tuyên truyền mạnh nhất cho cái tệ nạn này lan rộng”.
Gia đình anh An vẫn thuộc diện nghèo mới được nhà nước hỗ trợ cho con bò, bể nước, nhưng đám con gái cũng gửi được 3 triệu đồng về giúp bố mẹ. Anh cười khà khà: “Đất cát thì bạc màu, bố mẹ chồng cho nó đi mà, lại còn gửi tiền về giúp bố mẹ nữa chứ”. Tôi còn nghe chuyện cười ra nước mắt ở Diều Luông có ông chồng ngó quanh, ngó quất thấy nhà cửa túng thiếu quá. Nhìn ra các chị em đi cave mới một thời gian đã mua sắm xe máy, ti vi ầm ầm, trẻ con nhà mình chẳng có nổi cái kẹo còn trẻ con nhà họ cầm cả tờ trăm ngàn đi mua… bim bim, nghĩ cũng uất liền thuyết phục vợ đi làm gái. Nói mãi chị vợ cũng xuôi, cũng con cón theo chồng xuống phố Hồng Kông ở Hòa Bình (tiếng lóng chỉ con phố được giới ăn chơi Hòa Bình ưa chuộng). Đến nơi, bà chủ nhìn cô vợ gầy nhẳng như một cành củi khô, lắc đầu quầy quậy không nhận. Suốt chặng đường về, anh chồng cứ lẩm bẩm tiếc mãi, giá vợ mình béo hơn một tí thì biết đâu…

Biết nhưng chịu

Chị Hà Thị Tính, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Minh, bảo cái nghề nhơ nhuốc này bắt đầu từ năm 2006: “Mở đầu phát sinh người đi làm không địa chỉ trong xã là xóm Cô Phày đến nay đã lan rộng, trong diện tình nghi khoảng 20 cháu. Các cuộc của xã của xã, các ngành đoàn thể chúng tôi đều bị chỉ trích “Thế nào Hội phụ nữ không tuyên truyền mạnh mà vẫn để cho chị em kéo nhau đi làm ăn không có địa chỉ đông như thế” cũng sượng mặt lắm chứ nhưng trước kia đi nhà vách đất, sau khi đi làm nhà gác, làm nhà xây to nhất nhì xóm rồi mua ti vi, mua xe máy thì ai chẳng mê? Xã có 10 xóm, nghề làm gái tập trung nhất ở xóm Diều Luông. Chỉ 75 hộ người Tày trong xóm này đã cỡ trên mười chị em đi làm không địa chỉ.

Mốt mới của gái bản hiện nay là làm "nghề không địa chỉ"

Các xóm Mít, xóm Trầm cũng có nữa. Lắm nhà chị rủ em đi như các con nhà ông Thơi, cô rủ cháu đi như cái Phờ rủ cháu là Xờ đi làm. Tình hình hiện nay chỉ hơi yên tâm bởi từ đầu năm chưa phát sinh thêm mà vẫn giữ nguyên số cũ”. Chị Đinh Thị Nga, Hội phụ nữ xóm, thì bảo: “Có đứa kể thật rằng bọn em đi làm nghề này cũng chẳng sung sướng gì cả vì điều kiện hoàn cảnh gia đình phải đi thôi chứ có người còn già hơn cả bố em, ôi giời ôi khổ lắm! Đầu tiên xuống thì chú ơi, chú ơi cháu sợ lắm cho cháu xin, cháu xin. Khách tự ái mắng ầm ầm bảo chẳng chú chú cháu cháu gì cả, đổi người khác, bà chủ cũng mắng, bảo không tiếp thì đuổi việc, sau đó mãi thành quen…

Bọn trẻ con trong xóm Diều Luông từ đứa thò lò mũi xanh, bốn năm tuổi đã biết cô nào là cave. Có lẽ từ tiếng Anh duy nhất từ bà già đến con trẻ ở đây biết là từ ô nhục đấy. Có chị bạn chị Nga, có con 18-20 tuổi rồi nhưng thấy cánh trẻ đi làm giàu nhanh quá cũng choáng ngợp, một buổi xách túi xuống núi. Trên đường đi, gặp chị Nga, chị hỏi đi đâu nhưng người nọ cứ chối bảo đi trồng ngô thuê ở Vĩnh Phú. Vài hôm sau thấy chị ta về, mặt buồn rười rượi. Cánh đi cùng thì thào kể: “Nó xuống nhà bà chủ, khách vào chọn gái bắt gặp liền hỏi: “Ô bà chủ Hoa mới có bà ngoại xuống chơi à?”.

Nó ngượng quá, biết mình già quá nên xin về đấy. Lúc về còn được bà chủ cho tiền xe nữa mà”. Những đồng tiền kiếm dễ dàng như một thứ thuốc bả, đầu độc cả bản đến nỗi Hội phụ nữ cứ đến vận động tuyên truyền nhà nào cũng ghét, có người còn vỗ thẳng: “Tò mò thế, hỏi để muốn đi làm à?”.

Các cô đi về nhiều tiền, lắm quần áo đẹp nên cái chân không muốn đi lấy củi, đi lấy măng, hái chít nữa. Đến chồng con chúng cũng còn bỏ nữa là bởi đã đi vào đường đó hầu như không muốn quay lại. Chỉ có cô Khào, cô Đáo bỏ về rồi vẫn vác chít trên rừng, trồng keo trên đồi có thể phục hồi được chứ còn lại rất khó vì đã quen ăn trắng, mặc trơn. Ngay bố mẹ cũng không ngăn cản được chứ đường nói tới ban ngành đoàn thể. Muốn dẹp được theo tôi quan trọng là phải có công an vào cuộc chứ đằng này cứ có đợt truy quét lại xúi bảo có tiền là cho ra. Đám làm gái lại điện về gia đình tiền bảo chạy đút lót lại lên xã xin giấy hộ khẩu, xin chứng nhận đang nuôi con nhỏ để xin ra. Ra rồi lại đi làm để trả nợ tiền chạy chọt. Ai không có tiền mới phải đi cải tạo nhân phẩm như cô Thá mới đi trại 18 tháng vừa về còn cô Xờ thì bố mẹ bán trâu bò, anh em người nọ người kia góp thêm lại không phải ở trại ngày nào”.

Chứng kiến cảnh đó, chính chị Nga đã từng có lúc tức quá, phản ánh lên trên rằng sao lúc chúng đi, chúng có tiền sung sướng không báo cáo mà khi bị bắt xin giấy tờ lại cho để được thả thì tuyên truyền đến trời cũng không được, thì xã hội mãi không thôi tệ nạn.

Điều mà chị Nga, chị Tính đau đớn nhất là các trường hợp của cô Ngăn, cô The sau đợt rời bản đi làm gái bị dính nghiện nặng, thân gầy xác ve, môi thâm xì như miếng thịt trâu ươn, chỉ chờ chết: “Bệnh si - đa đến thị trấn Cao Sơn rồi, chẳng mấy chốc mà bò đến Tân Minh, Tân Pheo thôi. Ngày đó gần lắm bởi chừng nào bố mẹ không những khuyên con rời khỏi con đường xấu mà còn thường xuyên khoe: “Hôm nay con tôi nó gửi về bằng này, bằng này tiền, mua mấy bao gạo đấy, mua cái ti vi đấy".(Hết)

* Tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm