| Hotline: 0983.970.780

Giáp mặt voi rừng

Thứ Tư 09/10/2013 , 11:00 (GMT+7)

Đến bản Hải Sơn I, xã Chiềng Khoong (cách thị trấn Sông Mã chừng 2 km), từ những tụ điểm đông người hay len lỏi vào từng góc nhà, xó bếp, ở đâu chúng tôi cũng được nghe câu chuyện ly kỳ về “bà voi” đơn độc còn sót lại của núi rừng Tây Bắc, và những cuộc giáp mặt rợn ngợp với "bà".

Cứ ngỡ rằng, ở đại ngàn Tây Bắc giờ đã im tiếng voi rừng. Thế hệ sau này chỉ có thể mường tượng về một mảnh đất đầy rẫy những con thú lớn thông qua ký ức của người già. Nhưng không, hàng ngàn người dân ở các xã Chiềng Khoong, Huổi Một (huyện Sông Mã) vẫn ngày ngày được mục sở thị một con voi rừng bằng xương bằng thịt.

Những dấu chân khổng lồ

Đến bản Hải Sơn I, xã Chiềng Khoong (cách thị trấn Sông Mã chừng 2 km), từ những tụ điểm đông người hay len lỏi vào từng góc nhà, xó bếp, ở đâu chúng tôi cũng được nghe câu chuyện ly kỳ về “bà voi” đơn độc còn sót lại của núi rừng Tây Bắc, và những cuộc giáp mặt rợn ngợp giữa người với con thú khổng lồ.

Minh chứng đầu tiên cho sự hiện diện của voi rừng ở nơi đây là chi chít những lốt chân to như miệng thùng sơn Nippon in hằn trong các vườn nhãn, nương ngô cho tới ruộng lúa, bờ sông (dọc sông Mã). Đi khoảng một quãng, chúng tôi lại bắt gặp một đống phân voi màu nâu sẫm như cái mủng đặt úp án ngữ ven đường.



Cận cảnh cá thể voi thường xuyên về khu dân cư gây hoang mang cho nhân dân

Ông Trần Đăng Khoa, trưởng bản Hải Sơn I, kể: Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 4 là voi rừng lại xuống bản, thường xuất hiện vào ban đêm khi đường đã vắng hoe vắng hoắt người. Trước đây, nó chỉ quanh quẩn ở khu vực này khoảng 1-2 tháng rồi bỏ đi, nhưng không hiểu vì sao đến tận bây giờ vẫn chưa về rừng sâu ẩn cư.

“Với thân hình lù lù như chiếc xe lu, 4 chân lực lưỡng như cột trụ, mỗi bước đi của con voi chẳng khác nào cái máy đầm nện xuống đất, hoa màu, cây cối tan nát hết. Điều đặc biệt, đường đi của nó không cố định mà luôn thay đổi để lẩn tránh dân bản. Bởi vậy, gần như nhà nào ở cuối bản cũng bị thiệt hại”, ông Khoa nói.

Vừa giăng dây điện và nối bóng đèn quanh vườn mía của gia đình, vợ chồng ông Tám, bà Tưởng vừa than thở: “Đợt này voi về phá mía ác quá! Mỗi ngày tôi nhặt được cả bó cây bị gãy. Nếu cứ để nó vô tư hoành hành thì chỉ vài hôm nữa là mất trắng. Gia đình phải giăng đèn để voi sợ đi chỗ khác”.

Trước đây, “bà voi" chỉ dám đi lại qua nương ngô ở khu vực thưa dân gần bìa rừng để xuống sông uống nước. Nhưng càng ngày nó càng liều lĩnh và tác oai tác quái, mò vào tận nhà dân bẻ chuối, phá cây cối. Mấy cây mít sai lủng lẳng quả của gia đình ông… bị voi bẻ cuỗng rồi xếp thành đống quanh gốc; vườn nhãn của anh Đoàn Văn Tấn cũng bị con thú khổng lồ dùng vòi vặt trụi cành, nhổ bật gốc.


Cây nhãn nhà anh Tấn bị voi đè bẹp

Không dừng lại ở đó, nó còn “nghịch ngợm” tới mức quật đổ chuồng trâu, phá tung lưới chắn bảo vệ vườn rau nhà ông Cảnh; lân la tận kho chứa của gia đình ông Phạm Văn Yên rồi dùng vòi quấn ngang bao thóc giũ tung.

"Chúng tôi rất sợ nó"

Ông Dương Hữu Mai (59 tuổi), bản Hải Sơn I, tâm sự: Dù sở hữu tấm thân cao bằng cả mái nhà, thế nhưng bước đi của con voi cái vô cùng nhẹ nhàng, trong đêm khuya vẫn không phát ra tiếng động.

Đàn chó trong bản dù phát hiện thấy voi, nhưng kỳ lạ là không con nào dám sủa vì sợ hãi. Chúng cứ cào móng vào cánh cửa để vào nhà hoặc ẩn nấp vào một xó nào đó, đến khi con voi đi xa mới dám chạy ra kêu ông ổng.

Mấy đêm vừa qua, “bà voi" thường xuyên đứng ở phía sau nhà anh Dương Đức Thiện. Đêm sáng trăng, vợ chồng mở cửa sổ ra cho thoáng mát thì thấy nó ngoe nguẩy vòi định thò vào. Vợ anh Thiện và hai đứa con nhỏ sợ xanh mặt, người run cầm cập.

Hôm sau, 3 mẹ con rồng rắn hành trình về nhà bố mẹ chồng ngủ nhờ cho an toàn. Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch ngô. Bình thường, mỗi gia đình phải cắt cử người ngủ tại lán nương để canh gác ban đêm. Thế nhưng, từ khi voi về bản, gần như không ai dám ra khỏi nhà.

Không cam chịu cảnh suốt ngày bị voi xéo nát ruộng ngô, ông T. quyết định đào một cái hố sâu trên đường đi của nó, phía dưới đặt một bàn chông sắc nhọn làm bằng những thanh sắt phi 6 rồi lấp cỏ lên trên miệng để bẫy. Nhưng, con voi quá ma mãnh nên không dẫm chân vào. Đến trước miệng hố chông, nó rẽ một đường khác ngay bên cạnh.

Như để trả thù con người, nó quỳ hai chân xuống rồi kéo một vệt dài trong khu ruộng khiến toàn bộ cây ngô gãy nát. Từ đó, không ai dám ngăn cản sự phách lối của con voi. Hỏi bất cứ người dân nào trong bản Hải Sơn I, tôi cũng nhận được những câu trả lời giống nhau: “Chúng tôi rất sợ nó”.


Ruộng lúa bị voi dày nát

Người chết, người tàn tật suốt đời

Cho đến bây giờ, người dân xã Chiềng Khoong vẫn còn nhớ như in sự kiện con voi cái này tấn công người vào buổi trưa 7/9/2012.

Ông Lường Văn Hặc, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã Chiềng Khoong, nhớ lại: Khoảng 1 giờ sáng hôm đó, con voi tiến xuống phía bản Chiên vượt sông Mã để sang bản Nè. Khi mặt trời nhô lên sườn đồi, con voi đang lội sông tìm đường về thì bị người dân phát hiện. Họ hô hoán nhau đến xem đặc kín bờ sông, khung cảnh náo loạn khiến nó sợ hãi, lao lên vườn nhãn của một gia đình người Mèo gần đó.

Đến 11 giờ trưa, anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi), người bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã sang bản Cang rủ anh em đi lên Thuỷ điện Sơn La chơi. Biết tin có voi về bản, anh Hưng dựng xe đuổi theo nó để xem cho rõ. Vì vườn nhãn rậm um tùm nên nó đã ngồi phục sẵn.


Anh Hưng chỉ vết sẹo khi bị voi tấn công

“Khi phát hiện thì con voi chỉ đứng cách đó 30 m. Quá sợ hãi nên tôi quay lưng chạy bán sống bán chết, chẳng may vướng phải dây rừng ngã. Khi chưa kịp đứng lên thì nó đã xồng xộc lao tới, giơ vòi vả mạnh khiến 9 cái xương sườn phải của tôi bị gãy, xương đâm thẳng vào lá phổi khiến dịch chảy từ bên trong. Tôi ngã xuống đập đầu vào tảng đá vỡ sọ trán bên trái và bất tỉnh”, anh Hưng chỉ tay vào vết thương sâu như cái miệng chén kể lại giây phút kinh hoàng đối mặt với voi lớn.

Ngay sau đó, anh Hưng được đưa về Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã, rồi lên Bệnh viện Sơn La, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chữa trị. Chị Lò Thị Thu (vợ anh Hưng) vừa nhìn thấy thân thể tím ngắt của chồng trong giường bệnh đã oà khóc thảm thiết vì nghĩ rằng anh Hưng không thể qua nổi cơn nguy kịch.

Bây giờ, anh Hưng không thể làm được việc nặng nhọc. Thỉnh thoảng lại mất trí nhớ cục bộ. Không chỉ anh Hưng mới là nạn nhân xấu số của con voi này. Vào tháng 3/2003, “bà voi" đã vượt qua sông Mã leo đồi hơn 10 km lên xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn và giết chết một cậu bé 15 tuổi tên Phàng A Thênh, người dân tộc Mông ở bản Noong Nghè.

Thầy giáo Cầm Văn Hoà (38 tuổi), giáo viên trường tiểu học Phiêng Cằm 1, nhân chứng sống của vụ việc kể: Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, dân bản kháo nhau trên bãi có con voi về. Tôi lập tức chạy đến đó. Trên đường đi gặp 3 học sinh lớp 7 là Phàng A Thênh, Giàng A Di và Sùng A Giống. Tôi không đồng ý cho các em đi theo nhưng chúng cố tình không nghe lời.

Đến gần con voi chỉ khoảng 20 m, con voi hét to lên và đuổi theo. Tôi và 2 học sinh may mắn chạy trước nên thoát được. Em Thênh gặp phải bụi gai nên bị mắc. Con lao tới dùng vòi quấn chặt 2 cổ chân, sau đó nhấc lên không trung, cứ thế vật lên vật xuống đến khi em Thênh chết.

Sau khi nhận được thông tin có một cá thể voi rừng thường xuyên xuống khu dân cư tấn công người dân, ngày 23/8/2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã phối hợp với các lực lượng chuyên môn lập các điểm chốt quan trọng ngăn chặn không cho người dân đến gần để tạo đường cho voi di chuyển theo hướng về rừng; hướng dẫn nhân dân sơ tán không cho đến gần voi để đảm bảo an toàn cho tính mạng của nhân dân.

Đồng thời, hướng dẫn áp dụng các biện pháp xua đuổi như: đốt lửa, gõ mõ, đánh kẻng…; nghiêm cấm nhân dân không được bẫy, bắn và gây nguy hiểm cho voi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm