| Hotline: 0983.970.780

Học tiếng Việt để rồi nghe tiếng máy, học y khoa... làm than

Thứ Ba 28/06/2016 , 13:10 (GMT+7)

Tình cờ gặp một bạn học cấp hai trong Cty, chưa kịp tay bắt mặt mừng, nó đã hỏi: “Ơ sao Nga lại vào đây làm?”. Cô ngượng ngùng: “Ừ”. Nó bĩu môi luôn: “Tưởng học xong đại học thế nào chứ lại còn vào đây làm công nhân”...

Tựa như một cái đèn cù, những nghề chân tay nặng nhọc cứ vụt qua đời các cử nhân để lại sau đó là bải hoải cả tinh thần lẫn thể xác, là tuổi thanh xuân bị chôn vùi...

Học tiếng Việt để rồi nghe… tiếng máy

Khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) như một cái tổ mối khổng lồ ngày đêm ồn ã. Cử nhân Mạc Thị Nga ở xã Ái Quốc từng là một trong muôn vàn con “mối” đó. Chẳng bù, lúc đỗ vào Khoa Ngôn ngữ của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô vui lắm. Chỉ nội trong năm thứ nhất, Nga tăng được tới chín cân.

Mỗi dịp từ trường về quê, Nga cứ nhảy chân sáo. Quãng đường mấy cây số từ ga về làng như một cuộc dạo bước trên thiên đường với hoa thơm, bướm lượn, nắng vàng, mây trắng. Cô đi trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Nhưng càng gần ngày ra trường bước chân cô càng trĩu nặng vì lo.

Mua việc đâu đâu người ta cũng không ra giá, tức là không bán, thế nên Nga chấp nhận về quê, giấu bằng đại học để xin làm công nhân trong công ty điện tử Aiden. Suốt ngày cô phải đứng để soi từng chân con tụ, con trở trên bảng mạch chứ không được ngồi. Chán ở tư thế làm không bằng nỗi chán trong tư tưởng.

Tình cờ gặp một bạn học cấp hai trong Cty, chưa kịp tay bắt mặt mừng, nó đã hỏi: “Ơ sao Nga lại vào đây làm?”. Cô ngượng ngùng: “Ừ”. Nó bĩu môi luôn: “Tưởng học xong đại học thế nào chứ lại còn vào đây làm công nhân”. Chờ bạn đi rồi Nga mới ra chỗ khuất, tấm tức khóc. Hầu như ngày nào cô cũng tủi thân rồi khóc cho phận mình ăn học hơn người mà lại làm công nhân.

Như một con ốc cô xa lánh mọi người nhất là những người quen. Hết giờ làm Nga chỉ mong nhanh chóng về nhà đóng chặt cửa không không tiếp xúc với bất kỳ ai. Ngặt nỗi khu công nghiệp Nam Sách lại đặt ngay trên xã cô nên dù cố giấu nhưng cái tin con Nga học đại học xong đi làm công nhân vẫn cứ lộ ra.

Lại càng co mình vào trong vỏ ốc. “Từ hồi tốt nghiệp chưa bao giờ em quay lại trường đại học vì cảm giác thua kém bạn bè. Năm nào các bạn cũng kêu gọi họp lớp trên Zalo, trên facebook nhưng em đều chỉ im lặng”. Cô tâm sự. Suy sụp quá nên khi có người bạn rủ đi học hệ cao đẳng mầm non Nga liền gật đầu ngay.

Thói đời người ta thường học cao lên nhưng cô lại học thấp đi. Đó là con đường duy nhất để cho cô chạy trốn khỏi cái danh công nhân đầy mặc cảm. Mất một năm rưỡi học văn bằng hai cùng những bao xấp tiền đẫm mồ hôi cha mẹ sau các vụ gặt, sau các lứa lợn, cuối cùng Nga cũng tốt nghiệp để xin vào dạy hợp đồng cho trường mẫu giáo làng. Dù chỉ là giáo viên “hệ đổ bô”, lương có hơn 4 triệu nhưng nụ cười đã trở lại trên môi cô.

16-26-44_dsc_5015
Dù chỉ là giáo viên “hệ đổ bô”, lương có hơn 4 triệu nhưng nụ cười đã trở lại trên môi Nga

 

Học y khoa để rồi... làm than

Đồng môn với Nga là Nguyễn Thị Mai Hiên quê ở xã Đồng Lạc (huyện Yên Thế, Bắc Giang). Quê cô thuộc vùng 1 nên chuyện đỗ đại học trở thành niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ cùng làng xóm. Bố mẹ Hiên mở tiệc ăn mừng tới 15 mâm. Con chị chưa ra trường, thằng em đã lại nối gót vào đại học. Niềm vui như được nhân đôi.

Họ hàng ai cũng bảo con cái mình bằng một câu: “Cố gắng phấn đấu như hai chị em Hiên, đã đỗ ngoại ngữ (ngôn ngữ nhưng người làng vẫn nhầm là ngoại ngữ) lại còn đỗ y ”. Chẳng là em trai Hiên, thằng Nguyễn Tiến Hoàng mới thi đỗ vào Khoa Vệ sinh dịch tễ Đại học Y Thái Nguyên với tổng điểm 13,5.

Nếu như trước đây các trường y được coi là những đỉnh núi cao tót vời, trăm người leo một người đến đích thì bây giờ trường trường đều mở khoa y, cứ rào rào hơn cả tằm ăn rỗi. Điểm tụt xuống tỷ lệ thuận với học phí tăng lên. Có trường còn sẵn sàng chi hoa hồng cho bất kỳ ai lôi kéo được sinh viên y khoa về cho mình.

Thế nhưng, ở nông thôn bố mẹ Hiên nào đâu cần biết? Con cái muốn thi vào trường nào cũng được miễn là mang về cái bằng đại học cho gia đình mở mày mở mặt. Bình quân mỗi tháng chi phí cho con chị mất 3 triệu, 4 năm học vị chi mất khoảng 160 triệu. Bình quân mỗi tháng chi phí cho thằng em mất 5 triệu, 4 năm học vị chi mất khoảng 200 triệu. Hai tấm bằng trung bình khá được “mua” về với giá ngót 400 triệu - một con số khổng lồ đối với nhà nông dù là khá giả như gia đình Hiên.

Đàn bò, đàn trâu cứ theo nhau vào lò mổ. Bước chân người ngập ngừng còn nặng hơn cả chân vật nuôi. Di sản của việc học đại học để lại cho gia đình là sự suy kiệt cả về kinh tế lẫn sức khỏe. Mới 53 tuổi nhưng bố Hiên đã yếu đến mức không còn đi buôn được nữa, mẹ Hiên đã thoái hóa xương đến độ cầm cuốc cũng khó khăn.

Hiên cầm tấm bằng ngôn ngữ đến đâm đơn vào công ty may nọ. Người ta hỏi học gì? Cô bảo: “Học ngôn ngữ”. Học ngôn ngữ là học cái gì? Họ hỏi tiếp. “Là tiếng Việt đó anh”. Người ta buột miệng luôn: “Tiếng Việt thì làm chó gì phải học?”.

Quay lại phỏng vấn lần hai Hiên giấu luôn tấm bằng đại học. Ở công ty may có rất nhiều người như Hiên, đủ các trường đại học nhưng chủ yếu là các ngành xã hội như công đoàn, nhân văn, văn hóa… Lương cơ bản chỉ 1,8 triệu nên phải tăng ca từ 7 giờ sáng đến 8-9 giờ tối mới được mỗi tháng 5 triệu.

Không ai muốn trả lương cho một người học đại học chỉ để làm những công việc của công nhân. Hiên giờ phải thật tinh mắt để có thể kiểm tra từng đường kim, mũi chỉ. Âm thanh duy nhất mà cô cử nhân ngôn ngữ này “phân tích” là tiếng máy chạy ồn ào. Một ngày cô phải kiểm tra 300 sản phẩm. Sai sót là trừ lương.

Không nói chuyện, không nghe điện thoại, nghỉ giải lao vệ sinh không quá 5 phút kể cả “đi nặng”. Buổi trưa được nghỉ ăn 40 phút, không bao giờ có chuyện ngủ. Đi quẹt thẻ, về khám xét cơ thể, từng centimet các bộ phận trên cơ thể đều bị bảo vệ rà soát tỉ mẩn đề phòng trộm cắp.

Đi làm từ lúc con chưa ngủ dậy còn trở về lúc con đã ngủ say. Con không nhớ mặt mẹ, vợ chồng thường xuyên cãi nhau về chuyện thời gian. Tăng ca triền miên, khi vào cty Hiên nặng 49 kg sau ba năm chỉ còn 42,5kg nên đành phải chuyển sang làm cho công ty điện tử Aiden. Nhiệm vụ của cô là lấy linh kiện cho tổ lắp ráp, một tuần làm ca ngày một tuần lại làm ca đêm nên sau 8 tháng lại xin chuyển vào công ty cám cò Vina làm nhân viên kho.

Bụi bặm đến mức lúc nào cái khẩu trang cũng gắn trên môi. Bụi sắn, bụi ngô còn bình thường chứ bụi hóa chất rất khó chịu. Cũng đâu phải chỉ có Nga và Hiên, lớp ngôn ngữ khóa ấy có 5 tới người đi làm các công việc chân tay còn trái ngành, trái nghề không thống kê xuể. Các khu công nghiệp khổng lồ như những hàm cá mập há rộng, nuốt đi bao giấc mơ đại học đẹp đẽ của một thời.

Đứa em trai Hiên, thằng Hoàng ra trường cũng bị vỡ mộng, khó xin việc vì không phải là “y xịn”. Mà “y xịn” bằng giỏi giờ muốn mua việc cũng phải xỉa ra vài trăm triệu chứ đừng nói là loại trường y thi bình quân hơn 4 điểm mỗi môn mà cũng đỗ. Khi con chuẩn bị ra trường bố mẹ Hiên cũng chạy đôn, chạy đáo nhưng ở đâu khi nghe nói học trường đấy, khoa đấy cũng ậm ừ bảo còn xem xét.

Cô em họ Hiên bằng giỏi của trường y tỉnh ra trường cũng phải 200 triệu mới xong công chức. Giá mà người ta cứ nói một cái giá để mà bố mẹ Hiên lo thì còn hi vọng đằng này lời hứa còn xem xét đó chẳng khác gì một tảng đá đầy rêu, bấu víu vào chỉ tổ trơn ngã. Thất nghiệp, Hoàng làm thuê cho một hàng ăn rồi lang bạt xuống Quảng Ninh thì gặp vợ bây giờ, được nhà ngoại xin cho vào làm…than.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm