| Hotline: 0983.970.780

Hội thi máy thu hoạch lúa ở ĐBSCL: Sôi động

Thứ Hai 20/09/2010 , 10:49 (GMT+7)

Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010 được Trung tâm KNKN Quốc gia tổ chức từ ngày 18 đến 23/9/2010 tại tỉnh Sóc Trăng.

Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010 được Trung tâm KNKN Quốc gia tổ chức từ ngày 18 đến 23/9/2010 tại tỉnh Sóc Trăng. Trong các năm qua trước tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL tăng nhanh, thị trường máy nông ngư cơ bắt nhịp sôi động trở lại.

 Từ trước hội thi mấy ngày, 12 DN từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam đưa về 15 máy xuống cánh đồng mẫu tập trung tại ấp Trường Thành A, của xã Trường Khánh, huyện Long Phú để chuẩn bị cho cuộc thi. Tới ngày đầu hội thi, ông Trần Văn Sanh - chủ cơ sở cơ khí Năm Sanh ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ tất bật lên bờ, xuống ruộng để điều hành nhóm dự thi của mình.

Mặt mày đẫm mồ hôi, quần áo bê bết sình đất, ông rất tự tin, nói: “Máy gặt đập liên hợp Năm Sanh tham gia hội thi lần này có nhiều cải tiến so với mấy lần trước. Máy có kiểu dáng thon gọn hơn, tốc độ gặt nhanh hơn, hiệu quả hơn, chúng tôi hy vọng có giải cao”. Máy gặt đập Năm Sanh công suất gặt 4-5 công/giờ, tiêu hao nhiên liệu 1,5-1,6 lít dầu/công đối với ruộng bình thường, còn ruộng lầy lội khoảng 2 lít/công, giá 200 triệu đồng/máy.

Với DN Hoàng Thắng, máy gặt xuất phát đầu tiên chưa gây mấy ấn tượng với nông dân, do sau khi suốt lúa, nắm rơm bốc lên vẫn còn dính hạt lúa. Nhưng máy chạy xong thì có nhiều nông dân tỏ vẻ ưng bụng. Anh Trần Văn Phương, nông dân xã Trường Khánh theo dõi rất kỹ từng mớ rơm được phun ra từ máy cho là: “Máy gặt Năm Sanh cắt ngọt và lúa ít bị sót theo rơm hơn. Hình dáng máy trông gọn, tuy dàn cắt khá lớn”.

Lần này máy gặt Minh Phát vẫn chiếm số lượng đông hơn so với các cơ sở chế tạo máy khác. Đây là dòng máy được nhập từ Trung Quốc trong những năm qua. Hôm nay lại phô diễn trên đồng có độ lún khá cao. Dù có những đường cắt khá gọn gàng, khả năng xoay xở nhanh nhẹn, nhưng máy Minh Phát vẫn chưa làm anh Phương và anh Chơn, hai nông dân ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) ưng ý. Anh Phương nhận xét: “Thoạt nhìn thì thấy tạm được, nhưng xem kỹ rơm suốt lúa tôi thấy vẫn còn sót lúa theo rơm khá nhiều”.

Lần lượt 15 máy tham gia dự thi hoạt động trên cánh động mẫu rộng 30 ha tạo nên một khung cảnh ngày hội đầy màu sắc. Tiếng động cơ nổ ran đều trời, sống động dễ khiến người ta liên tưởng tới mai kia cơ giới hóa trong thu hoạch lúa trên khắp đồng bằng trồng lúa này không còn xa. Hội thi tới xem đa số là nông dân chen chân đứng kín trên bờ đê. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, các nhà chuyên môn đều chăm chú theo dõi, ghi chép.

Lần này máy gặt DN 68 của cơ sở Đức Ngươn ở Kiên Giang sau hai vòng gặt đã lọt vào tầm ngắm của nhiều nông dân. Máy cũng đẹp và xoay xở hay, gọn. Phần thiết kế bình dầu đặt ở phía sau tiện lợi, tiếc rằng nếu có thêm ống theo dõi mức dầu trong bình nữa thì rất hay, một nông dân góp ý như vậy. Anh Ngô Văn Hậu, nhân viên kỹ thuật của cơ sở Đức Ngươn cho biết thêm, máy DN 68 gắn động cơ ISUZU của Nhật công suất 65 mã lực, còn hộp số thì của Trung Quốc. Với lúa đứng mỗi giờ máy gặt được 5 công, tiêu tốn khoảng 1,8 lít dầu/công. Giá bán mỗi máy 220 triệu đồng”.

Hội thi nhằm tạo cơ hội nông dân trực tiếp quan sát, đánh giá, lựa chọn trang bị máy móc, cơ giới hóa các công đoạn trong sản xuất lúa. Hội thi tạo “sân chơi”, trình làng bình đẳng, không phân biệt máy sản xuất trong nước hay nhập ngoại. Trước vòng thi chung kết xếp hạng, tất cả 15 máy đều cố gắng gây ấn tượng trước mắt nông dân ngay trong lần chạy thử đầu tiên. Nếu nông dân chọn lựa là thành công. Còn nông dân, nhìn qua ánh mắt ai tới cũng chăm chú theo dõi kỹ càng để có thể tìm chọn được một chiếc máy phù hợp.

Anh Chơn, nông dân ở Ngã Năm nhìn thấy cơ hội làm ăn: “Ở huyện Ngã Năm hiện chỉ mới có vài chiếc máy gặt, nên tôi tìm tới hội thi để xem cái nào ưng ý thì vay ngân hàng mua làm dịch vụ. Tôi khoái cái máy của Đức Ngươn, nhưng cũng phải đợi đến khi vô vòng thi chính thức các máy chạy thế nào rồi tính sau”. Tuy nhiên cũng có những nông dân “chịu chơi” ở An Giang về hội thi xem rồi tính rằng, có người đã thử mua máy Nhật, hàng hiệu, dù giá cao hơn nửa tỉ đồng nhưng chạy êm, bền, không hư hao lặt vặt, nằm đồng. Họ tính qua 3 năm có thể thu hồi vốn. Đó là một cách tính và thách thức các nhà sản xuất máy móc cơ khí trong nước.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.