| Hotline: 0983.970.780

Hôn nhân không tình yêu

Thứ Ba 21/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Con trai ế ẩm, trẻ con sinh ra không mang họ, tỉ lệ sinh tăng cao, hôn nhân đổ vỡ... đang là những hệ luỵ nhỡn tiền ở những làng quê mà con gái theo nhau xuất ngoại...

Chị Bùi Thị Ước buồn bã lo lắng cho con gái lấy chồng bên xứ người

Con trai ế ẩm, trẻ con sinh ra không mang họ, tỉ lệ sinh tăng cao, hôn nhân đổ vỡ... đang là những hệ luỵ nhỡn tiền ở những làng quê mà con gái theo nhau xuất ngoại...

>> Về nơi nghìn người lấy chồng ngoại

Thân em như hạt mưa sa

Về huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, tôi thử hỏi những ông bố bà mẹ và các cô gái ở đây có biết được thông tin cô dâu Việt bị hành hạ bên xứ Hàn không, thì ai cũng trả lời là có. Vậy, tại sao vẫn để con cái mình đi lấy chồng nước ngoài? Câu trả lời khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng: Có cả mấy chục nghìn cô gái ở Hải Phòng đi lấy chồng ngoại thì số vụ bạo hành trên không phải là nhiều, thậm chí lấy chồng Việt Nam còn bị đánh nhiều hơn ấy chứ!

 Bà con nơi đây khẳng định, đến thời điểm hiện tại hơn một nửa số chị em ở nước ta làm dâu xứ người đều có một cuộc sống không đến nỗi nào. Nhưng họ cũng thừa nhận số lượng những cô gái bị trung tâm môi giới lừa hoặc không may vớ phải người chồng vũ phu đành ngậm đắng nuốt cay chấp nhận trở về quê hương cũng không phải là nhỏ.

Cho đến tận bây giờ, người dân thôn 5, xã Tú Sơn vẫn không quên nhắc lại câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình ông Chiến. Chuyện bắt đầu khi con gái ông Chiến cùng chồng về Việt Nam chơi sau ba năm sống xa nhà. Để nhắc khéo chồng cầm theo món tiền về biếu bố mẹ, cô vợ đã kể lể hoàn cảnh bố mẹ đẻ bên Việt Nam khó khăn vô cùng. Anh chàng rể Hàn nghe vợ nói vậy thấy động lòng nên cũng cầm mấy trăm nghìn “uôn” (tiền Hàn) giắt lưng định bụng sẽ biếu bố mẹ vợ.

Thấy con gái báo tin sắp dẫn chồng và cháu về Việt Nam, ông bà Chiến vui mừng, vội vã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Để cho văn minh lịch sự, ông còn vay tiền cấp tốc xây ngay một cái nhà vệ sinh tự hoại để khỏi xấu hổ với chàng rể Hàn. Suốt một tuần chàng rể về chơi, ông bà ngoại tổ chức cỗ bàn linh đình, hôm nào cũng thịt cá ăn ngập răng với hi vọng thấy nhà vợ đón tiếp chu đáo chàng rể sẽ chi đậm.

Sau thời gian về quê vợ, đến ngày chuẩn bị trở lại Hàn Quốc, chàng rể Hàn mới gọi vợ ra một chỗ mà mắng rằng, nhà bố mẹ ngày nào cũng cơm thịt, cơm cá như thế này mà cô bảo khó khăn à? Tôi tưởng bố mẹ khổ thật thì biếu ít tiền chứ như thế này phải mang tiền về để vợ chồng còn chi tiêu vào việc khác. Thế là ông bà Chiến bao nhiêu năm cho con đi lấy chồng nước ngoài chỉ trông mong ngày con trở về để có được món tiền trang trải cuộc sống đã trở thành công cốc chỉ vì ông bà đón tiếp chàng rể quá chu đáo.

Đi dọc theo con ngõ nhỏ chật chội được tô điểm bằng những tòa nhà lợp ngói vẩy cá đỏ chói, chúng tôi tìm vào nhà chị Bùi Thị Ước, Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Tú Sơn. Chị Ước có một cô con gái sinh năm 1990 lấy chồng ngoại cuối năm 2009. Con của chị kết hôn với một người Hàn Quốc tên Park Chai Sun làm công nhân tại một Cty cơ khí. Nhưng ở với nhau được vài tháng thì vợ chồng xảy ra xích mích nên con gái chị Ước đã bỏ ra ngoài sống một mình và hiện đang làm công nhân cho một Cty bên Hàn Quốc.

Mặc dù rất e dè khi chúng tôi nhắc tới việc con gái lấy chồng Hàn, nhưng do là một cán bộ phụ nữ của thôn nên chị Ước vẫn tâm sự khi hai hàng nước mắt chỉ chờ cho khách về là tuôn trào: “Từ hôm con gái tôi gọi điện về thông báo sự việc, không đêm nào hai vợ chồng chợp mắt được. Trước đây tôi đã khuyên ngăn hết nước hết cái với nó rằng, bố mẹ có sống khổ một tí cũng không sao, thiện hạ họ giàu thì kệ họ nhưng nó vẫn nhất quyết lấy chồng Hàn nên giờ mới khổ thế này chứ!”.

Làng quê huyện Kiến Thụy xáo trộn vì các cô gái lấy chồng ngoại

Làng quê xáo động

Ông Đỗ Văn Lĩnh, cán bộ tư pháp xã Tú Sơn cho hay, trong tổng số gần 300 cô gái ở xã Tú Sơn lấy chồng ngoại đến thời điểm hiện tại 14 cô đã bỏ về nước. Điều đáng ngại là hầu hết họ không xin được giấy ly hôn nên về luật pháp các cô gái đó vẫn là vợ của người ta. Đây chính là bài toán khó khăn nhất mà chính quyền xã Tú Sơn cũng như nhiều địa phương khác của huyện Kiến Thụy chưa tìm được lời giải hợp tình hợp lý.

Ông Lĩnh khẳng định, có rất nhiều cô gái sau khi trở về nước đã âm thầm kết hôn chui với một người chồng khác tại Việt Nam mà không làm đăng ký kết hôn. Hành động này được cảnh báo sẽ là rất mạo hiểm, bất lợi cho chị em vì nếu xảy ra tranh chấp, thêm một lần nữa chị em phải chịu thiệt thòi vì bản thân họ về mặt luật pháp chẳng khác gì một người đi ở không công.

Cũng là hệ lụy từ việc lấy chồng ngoại quốc nhưng chính quyền xã Đại Hợp lại đang đau đầu vì xuất hiện rất nhiều trẻ con sinh ra tại địa phương không biết xác nhận làm giấy khai sinh như thế nào. Đây là “sản phẩm” của những cuộc tình chớp nhoáng từ những cô gái lấy chồng nước ngoài nhưng khi trở về nước lại có con với người Việt Nam. Về lý mà nói, đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh người mẹ vẫn trong tình trạng kết hôn thì bắt buộc phải mang họ của người chồng. Nhưng do không phải con của họ nên phía bên kia người chồng cương quyết không thừa nhận đứa con mà người vợ đã vụng trộm trong thời gian về thăm quê. Vậy là từ đó sinh ra rất nhiều đứa trẻ không có họ.

Tỉ lệ sinh nở tự nhiên ở những xã miền biển huyện Kiến Thụy đang chênh lệch là 125 nam/100 nữ, lại thêm việc các cô gái theo nhau đi lấy chồng ngoại hết nên những chàng trai sinh ra tại đây không mấy khi được chọn vợ. Trong những cuộc họp ở xã, nhiều ông bố bà mẹ có con trai trưởng thành đã đánh tiếng lên chính quyền địa phương phải ngăn chặn việc ồ ạt lấy chồng ngoại như hiện nay, nếu không họ sẽ kiện vì con trai họ không có vợ để mà lấy. Tuy nhiên, một vị cán bộ xã nhăn nhó kể lể, việc kết hôn là quyền tự do của mỗi người, địa phương chỉ có quyền tư vấn, khuyên can chứ làm sao mà ngăn cấm các cô ấy được.

Có một sự thật đáng để suy ngẫm, đó là từ ngày phong trào lấy chồng ngoại trở nên phổ biến thì tỉ lệ sinh con thứ ba tại các địa phương của huyện Kiến Thụy như, Đại Hợp, Tú Sơn, Đoàn Xá… tăng một cách đột biến. Chị Phạm Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp, lý giải việc sinh con thứ ba tại địa phương hết sức dí dỏm. Chị cho biết, đã đến một số gia đình sinh con thứ ba hỏi nguyên nhân vì sao họ chỉ cười trừ mà trả lời vô tư rằng: Nhà có một hai cô gái thì chúng đều lấy chồng nước ngoài hết mà đường xá xa xôi cách trở cả mấy nghìn cây số biết khi nào chúng về thăm. Đêm đến hai vợ chồng không ngủ được vì thương nhớ con nên chuyện tòi thêm ra đứa thứ ba cho vui nhà vui cửa.

Không chỉ được ví là các xã, các huyện có những chàng rể "hợp chủng quốc" mà địa phương có nhiều con gái xuất ngoại lấy chồng giờ có đầy đủ mọi thành phần dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao… Trước đây ở vùng miền biển này có tìm mỏi mắt không ra một ai là người dân tộc thiểu số mà giờ con số ấy đã lên tới cả trăm người. “Con gái ở đây đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan hết rồi nên chúng tôi đành phải lần mò tới các KCN để tìm vợ chứ biết làm sao. Lấy một cô gái dân tộc thiểu số chịu thương chịu khó về làm vợ để yên tâm đi biển là lựa chọn duy nhất của chúng tôi”, một chàng thanh niên đang trên đường ra KCN thăm người yêu nhăn nhó kể khổ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm