| Hotline: 0983.970.780

Hốt cát kiếm cơm

Thứ Ba 04/09/2012 , 10:09 (GMT+7)

Tuy đã vắng vẻ hơn hẳn so với những năm trước, nhưng hằng ngày vẫn có hàng trăm người ùa ra biển để mưu sinh bằng cái nghề mà họ gọi là “hốt cát kiếm cơm”.

Cào cát có trứng nghêu trên bãi biển ấp Long Thạnh

Vùng biển huyện Cần Giờ, TP HCM, đang vào giữa mùa săn trứng nghêu (từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch hàng năm). Tuy đã vắng vẻ hơn hẳn so với những năm trước, nhưng hằng ngày vẫn có hàng trăm người ùa ra biển để mưu sinh bằng cái nghề mà họ gọi là “hốt cát kiếm cơm”.

 

1. Trời nắng quá nên dân du lịch dạt hết vô mấy cái quán xá mọc chi chít bên bờ biển thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP HCM). Người nhâm nhi ly nước dừa, tư lự nhìn ra ngoài biển. Kẻ say sưa với mấy món hải sản của xứ biển Cần Giờ, tiếng ăn nói nhồm nhoàm, tiếng bật bia bôm bốp vang lên đây đó...

Chỉ có cánh săn trứng nghêu là vẫn bất chấp nắng nôi, đứng hàng dài bên bờ biển, chờ nước rút xuống. Dễ có đến mấy trăm người. Hỏi han một lượt, kẻ nhận mình là người Gò Công (Tiền Giang), người bảo mình từ Bến Tre qua... Nhưng đông nhất vẫn là dân ấp Long Thạnh và các ấp khác thuộc xã Long Hòa.

 Ai cũng cầm sẵn trên tay một món dụng cụ đặc trưng của nghề săn trứng nghêu. Đó là những cây cào có cán dài bằng tre hay gỗ. Một đầu cán gắn vào một cái khung hình bán nguyệt, mà đường kính của khung là một cái niềng bằng sắt. Một tấm lưới nhỏ, mắt dày được đính vào cái khung ấy. Nhiều người không cầm cây cào mà mang trên tay những cái bao tải.

Khi nước vừa bắt đầu rút xuống, những người săn trứng nghêu đã ào ào chạy xuống chỗ nước vừa rút đi. Nhưng người ta không vội cào ngay. Một số người có vẻ là những kẻ có kinh nghiệm nhất, lấy ra một cái vợt nhỏ giống như cái rây bột và một cái đĩa nhựa màu trắng. Họ dùng vợt cào nhẹ một ít cát biển rồi rây cát lên trên đĩa.

“Để xem cát biển ở chỗ này có trứng nghêu hay không?”, đó là lời giải thích của Nguyễn Thanh Bình, một cư dân ở ấp Long Thạnh. Vừa nói, Bình vừa dùng ngón tay, nhẹ nhàng tãi chỗ cát trên đĩa cho thật mỏng ra. Mắt Bình mở to, săm soi nhìn khắp mặt đĩa. “Có trứng nghêu”, Bình khẽ cười, chỉ cho tôi xem một cái chấm nhỏ bằng đầu kim, màu trắng nhờ.

Bình đổ cái đĩa cát đó vô cái bao tải mà vợ gã vừa đang để ngay bên cạnh, rồi cầm cây cào, cào một đường ngắn trên bãi cát. Chỗ cát lọt vô trong lưới được Bình rũ xuống thành một đống nhỏ rồi lại cào một đường khác ngay gần đó. Vợ Bình nhanh nhẹn hốt từng đống cát vô trong bao tải. Khi đã đầy bao, chị buộc túm đầu bao lại, rồi lấy ra cáo bao tải khác. Hai vợ chồng cứ kẻ cào người hốt như vậy, chừng 1 tiếng sau đã đầy chục bao cát. Hai vợ chồng Bình mới buông cào, bỏ bao, ngồi nghỉ ngơi đôi chút ngay trên bờ biển.

Theo lời Bình, mỗi con nghêu cám hiện có giá 7,5 đến 8 đồng. Mỗi tháng Bình bán được 3-4 lứa nghêu cám cho thương lái, thu về khoảng 5-6 triệu đồng. “Ngoài thời gian đi săn nghêu giống, vợ chồng tui còn tranh thủ đi cào nghêu thịt thuê ở các sân nghêu trong vùng. Mỗi ký nghêu thịt, được trả công 1.000 đồng. Cộng cả 2 khoản thu nhập này, thì cũng đủ sống”, Bình thật thà.

“Chục bao cát này, được bao nhiêu trứng nghêu?”, tôi hỏi. Bình lắc đầu: “Sao biết được. Chỉ biết chắc là trong bao nào cũng có trứng nghêu thôi”. “Những bao cát này giờ xử lý ra sao?”. “Chúng tôi đã làm mấy cái bể ở nhà. Đem những bao cát này về đổ vô một tấm lưới rộng, đãi để loại bỏ bớt tạp chất, rồi đổ cả cát lẫn trứng nghêu vô trong bể chứa nước biển. Chừng chục ngày sau, trứng nghêu nở ra thành nghêu cám, thì đem bán cho thương lái. Thương lái mua nghêu cám về bán cho các trại sản xuất nghêu giống hoặc tự ương lên thành nghêu giống rồi bán cho những người nuôi nghêu thịt ở Vũng Tàu, Tiền Giang, nhất là bán ra ngoài Bắc”.

2. Trước đây, ở Cần Giờ, không có nghề săn trứng nghêu, vì trứng nghêu ngoài tự nhiên rất ít thấy ở vùng này. Nhưng từ mấy năm nay, trứng nghêu theo thủy triều dạt vào các bãi biển ở thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hoa…, rất nhiều.

Trước “lộc biển” bất ngờ ấy, nhiều người dân ven biển Cần Giờ đã sắm dụng cụ, ra biển chờ khi thủy triều xuống để săn trứng nghêu. Nhiều người dân từ các huyện ven biển của các tỉnh lân cận như Gò Công Đông, Gò Công Tây (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre)…, cũng đổ về Cần Giờ, ra nhập đội quân này. Ba năm trước, đội quân săn trứng nghêu lên tới hàng ngàn người, đã làm náo loạn cả vùng biển Cần Thạnh, Long Hòa.

Để chấm dứt tình trạng lộn xộn đó, và nhất là để bảo vệ nguồn lợi nghêu giống tự nhiên, TP HCM và huyện Cần Giờ đã phải triển khai nhiều biện pháp như tổ chức lực lượng ứng trực ở các bãi biển Cần Thạnh, Long Hòa, với số nhân sự lên đến hàng trăm người, nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trứng nghêu trái phép. Cấm khai thác trứng nghêu trong những tháng cao điểm. Tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân…

Tuy nhiên, bãi biển thì rộng, lực lượng chức năng lại mỏng, dân thương lái và dân săn trứng nghêu có trăm mư ngàn kế, nên tình trạng khai thác trứng nghêu trái phép tuy có giảm, những vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm qua.

Nhưng năm nay, huyện Cần Giờ chẳng còn cấm dân khai thác trứng nghêu nữa. Ông Hoàng Văn Trường, Phó phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, lý giải: “Những năm trước, dân săn trứng nghêu lấn vào các vùng nuôi nghêu thương phẩm, gây nên tình trạng lộn xộn, nên huyện buộc phải cấm khai thác trứng nghêu tự nhiên. Năm nay, người ta đã có ý thức, không lấn vào vùng nuôi nghêu thương phẩm nữa, mà chỉ khai thác trứng nghêu tại vùng bãi vốn đã được quy hoạch khu đô thị lấn biển nhưng hiện vẫn đang bỏ không vì nhà đầu tư chưa triển khai thi công. Cũng không còn xảy ra những vụ lộn xộn, đánh nhau do tranh giành khai thác trứng nghêu. Vì thế, huyện không ra lệnh cấm nữa”.

Dù chẳng còn lệnh cấm nào, nhưng so với những năm trước, dân làm nghề săn trứng nghêu ở Cần Giờ cũng đã giảm hẳn. Từ chỗ có hàng ngàn người ùa ra biển mỗi ngày, nay chỉ còn chừng vài trăm người.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người săn trứng nghêu đến từ xã Tân Tây (Gò Công Đông, Tiền Giang), lý giải: “Mọi năm trứng nghêu nhiều lắm. Nhiều tới mức dân thương lái ra tận bãi biển mua mão (mua xô) luôn các bao cát có trứng nghêu. Vì thế dân Cần Giờ, dân các tỉnh rủ nhau đi săn trứng nghêu đông chẳng kém gì ngày hội Nghinh Ông ở thị trấn Cần Thạnh. Năm nay, chẳng hiểu do mưa gió thất thường hay sao mà trứng nghêu chẳng có mấy. Đám thương lái vì thế chẳng mò ra biển để mua mão nữa. Mà họ chỉ mua nghêu cám thôi. Muốn có nghêu cám thì dân săn trứng nghêu buộc phải có bể để ương cho trứng nở ra nghêu cám. Vì thế, những người không có điều kiện đầu tư bể đã phải dạt đi săn nghêu trứng ở những vùng biển khác”.

Chị Hương đã tham gia đội quân săn trứng nghêu từ mấy năm nay. Nhờ tích cóp được chút vốn liếng, nên chị không phải dạt đi nơi khác mà cùng với người anh trai bỏ tiền ra đi thuê bể để ương trứng nghêu. Chị bảo bể có nhiều loại, loại trên 100m2, tiền thuê mỗi tháng 500 ngàn đồng. Loại 50m2, giá thuê là 300 ngàn đồng. Nếu xây bể thì đầu tư cho mỗi bể loại trên 100m2, phải tốn 5-6 triệu đồng.

Dân săn trứng nghêu đại đa số là dân nghèo, nên những mức đầu tư như trên là không nhỏ. Nhưng được cái nghêu đẻ thường xuyên, gần như ngày nào ra biển cũng thấy có trứng nghêu, nên nếu chăm chỉ đi cào cát có trứng nghêu về ương nở ra nghêu cám, cộng với những việc làm thêm như cào thuê nghêu thịt, thì cũng đủ sống.

3. Giờ đây, mỗi khi nhớ về nghề săn trứng nghêu mấy năm trước, khi cứ bốc cát lên đem bán ngay cho thương lái trên bãi biển là có tiền tươi bỏ túi, nhiều hộ vẫn còn giữ nghề săn trứng nghêu ở Cần Giờ lại không khỏi bùi ngùi.

Lão ngư dân Ba Đếm ở ấp Long Thạnh, bộc bạch: “Hồi đó, thấy trứng nghêu nhiều quá trời, ai cũng ham, chỉ nghĩ tới việc tranh nhau hốt cát có trứng nghêu đem bán cho thương lái. Chỗ nào có trứng là nhào vô hốt hết. Chẳng ai nghĩ tới việc phải bảo tồn nghêu giống tự nhiên. Có lẽ vì thế mà nghêu tự nhiên ở đây đã giảm mạnh, thành ra năm nay lượng trứng nghêu đã ít hơn hẳn so với trước đây. Chẳng biết mấy năm tới ở đây còn trứng nghêu nữa không. Mà khi khu lấn biển được xây dựng, dân săn trứng nghêu chắc cũng phải giải nghệ vì chẳng còn chỗ nào để hốt cát kiếm tiền nữa”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm