| Hotline: 0983.970.780

Khổ như cán bộ cơ sở: Tâm tư ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhiều người đúc kết, làm anh cán bộ cơ sở “đầu binh cuối cán” thì khổ nhất là nghe chửi quá nhiều./ Đùn đẩy làm lãnh đạo

Người ngoài chửi vào là một nhẽ, lắm khi người trong họ hàng, thậm chí trong nhà cũng ông ổng chửi ra. Sao thế nhỉ?

Trăm dâu đổ đầu tằm

Xã miền núi Hồ Sơn (huyện Tam Đảo) là một trong những địa phương thí điểm nhất thể hai chức danh Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi lên Hồ Sơn với một kỳ vọng, sẽ tìm được những nét mới mẻ về bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Châu Phi, một lãnh đạo kỳ cựu ở huyện Tam Đảo được điều về làm Bí thư kiêm Chủ tịch Hồ Sơn. Sau hơn một năm ở xã, ông Phi tâm tư rất thật lòng rằng: Nhìn chung cán bộ cơ sở có hai bộ phận, một số người làm không hết việc nhưng cũng có một bộ phận rất nhàn.

Hồ Sơn là xã loại 3, tổng 7.200 nhân khẩu. Theo tính toán của ông Phi, cả xã có tất cả 130 người hưởng lương và các chế độ phụ cấp. Ngoài 21 chức danh chuyên trách nằm trong biên chế, còn khoảng vài chục bán chuyên trách ở xã và 8 thôn, mỗi thôn bình quân có khoảng 12 người vẫn thường được gọi là “đầy tớ” hay những công bộc nhân dân.

Hai bộ phận mà người đứng đầu xã Hồ Sơn chia, bộ phận thứ nhất cực bận rộn, gồm có cánh văn phòng, địa chính, tài chính kế toán, lao động thương binh xã hội... Những người mà ông Phi bảo, chỉ riêng đóng dấu thôi cũng đã hoa cả mắt rồi.

Cái vất vả của bộ phận này là nhiều việc quá. Nói một cách hình tượng thì họ đang làm việc ở điểm đáy của hình tháp ngược, phải phụ trách 3-4 bộ phận cấp trên. Ví dụ như bộ phận địa chính xây dựng của xã phải gánh tất cả khối lượng công việc từ Phòng TN-MT, Phòng Công thương, Phòng Nông nghiệp huyện chỉ thị xuống. Anh văn phòng cũng thế. Phụ trách công việc từ phòng dân tộc, tôn giáo, thống kê, thi đua khen thưởng...

Bộ phận thứ hai được cho là nhàn chủ yếu tập trung ở các đoàn thể và Hội đồng nhân dân. “Các đoàn thể cấp cơ sở gần như không thể chủ động được công việc, tất cả hoạt động theo kiểu phong trào “tiền hô hậu ủng” vài ba đợt rồi thôi, cũng không ai định lượng được khối lượng công việc của họ”, Bí thư kiêm Chủ tịch Hồ Sơn thẳng thắn.

Công sở Hồ Sơn 4 giờ chiều. Chỉ còn lác đác vài ba người ở lại. Đúng là chỉ còn bộ phận bận rộn mà ông Phi nói, các phòng đoàn thể gần như chẳng còn một ai.

Trên tấm bảng đặt trong một góc làm việc rất khiêm tốn ở công sở xã Hồ Sơn ghi về ông Lê Đình Khanh thế này: “Cán bộ bán chuyên trách phụ trách công tác trồng trọt, chăn nuôi, giao thông thủy lợi, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bọ, chỉ đạo mùa màng, đánh giá sản lượng, cung ứng giống,...vv”. Dấu ba chấm kèm theo chữ vv... như muốn thể hiện nhiệm vụ của cái chức danh này còn rất dài nữa, nhưng ở phần chế độ ghi hệ số phụ cấp theo hợp đồng chỉ vỏn vẹn có 1,0, tức 1.150 ngàn đồng/tháng.

Tôi xin gặp ông cuối giờ làm việc, nhưng chỉ mới ngơ ngảnh tí ti đã không thấy đâu nữa. Anh văn phòng bảo, đừng gọi điện, ông Khanh có thói quen, hết giờ làm việc là tắt máy, hình như sợ bà vợ cằn nhằn. Có lẽ ông xuống các xóm để triển khai cho bà con đăng ký trồng su su vụ đông.

Hồ Sơn có 227 ha ruộng. Một năm hai vụ lúa và 70 ha su su vụ đông, 1.600 con trâu bò, hơn 1.000 con lợn. Tất tần tật đều trên vai người cán bộ hợp đồng bán chuyên trách Lê Đình Khanh.

10 năm làm trưởng thôn, 16 năm làm cán bộ HTX nông nghiệp, 4 năm là hợp đồng bán chuyên trách phụ trách nông nghiệp xã, không ai nghi ngờ ông về mức độ tận tụy với ruộng đồng.

Vậy mà người đàn ông 57 tuổi nói với tôi bằng giọng vô cùng chán nản: Có lẽ tôi không trụ được nữa chú ơi. Công việc thì quá nặng mà phụ cấp thì chỉ đủ xăng xe chạy đi chạy lại. Tiếng là anh cán bộ xã mà ngày ngày đi làm về cứ lo vợ chửi. Cái giống đàn bà, mình cứ chạy lông nhông suốt ngày, hầu như chả mang về được đồng nào đã đành, gặp bận đám đình lại còn cấu véo tiền nhà đi thì vài ba tiếng chửi xem ra còn nhẹ chán.

Nhưng không “cấu véo” vợ thì xin được ai hả chú? Không đi người ta cũng chửi, chẳng gì cũng là anh cán bộ đang công tác, không chạy ngược chạy xuôi với xóm làng lúc vui lúc buồn, đến lúc nói gì đố người ta nghe cho. Mà đi thì... Ông Khanh bỏ lửng câu nói, thở dài.

Ông Khanh là một trong số hơn 20 người bán chuyên trách ở Hồ Sơn. Những người vẫn được gọi là cán bộ xã hẳn hoi đấy, nhưng anh nào cũng phải gánh thêm mẫu ruộng, dắt lưng thêm nghề phụ, chạy chợ, thợ vữa, thợ hồ... do không thể sống bằng đồng phụ cấp quá ít ỏi.

“Có lẽ đến lúc chúng ta cần phải sắp xếp bộ máy cán bộ cơ sở theo cơ chế thị trường, tức là làm và hưởng theo năng lực công tác. Thực tế hiện nay, cùng một mức phụ cấp hỗ trợ nhưng người nhiều việc quá người hầu như chẳng có việc gì. Tinh gọn bộ máy, nâng mức phụ cấp lên thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ cao hơn nhiều”, ông Nguyễn Hồng Hiệp, lãnh đạo huyện Tam Đảo, nguyên là Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hợp Châu đúc kết.

Thế nên, Hồ Sơn ngày mùa, muốn tìm cán bộ ngoài biên chế làm việc rất khó, vì đa phần họ đều phải ra đồng gặt lúa. Cũng là hợp lẽ.

Giải bài toán “vừa thừa vừa thiếu”

Có lẽ điểm sáng nhất về bộ máy chính quyền cấp cơ sở ở Hồ Sơn là chiếc ghế hợp nhất của ông Nguyễn Châu Phi, như chính ông kiến giải: Cái khổ của cán bộ cơ sở hiện nay thực ra là do rơi vào thực trạng vừa thừa vừa thiếu. Thừa ở con người, mà thiếu cũng ở con người.

“Tại sao có những cán bộ cơ sở không tận tâm với nghề nghiệp chính của họ là “làm cán bộ”? Là vì mức phụ cấp họ được hưởng không thể trang trải cuộc sống hằng ngày.

Ngân sách chỉ có ngần ấy mà bộ máy cồng kềnh thì việc phải chia nhỏ đồng tiền phụ cấp là việc hẳn nhiên. Lấy từ tôi mà so sánh. Nhất thể Bí thư kiêm Chủ tịch xã, khối lượng công việc tất nhiên là vất vả hơn nhiều nhưng đổi lại tinh thần làm việc khoa học hơn, hăng hái hơn vì mức thu nhập được tăng lên”.

Phân tích chán chê ông Phi không ngần ngại đề xuất: “Tôi nghĩ cần phải hợp nhất hoặc cơ cấu lại bộ máy hợp lý hơn. Đặc biệt là các đoàn thể. Đành rằng khi có việc thì phải gọi họ thật, đành rằng họ cũng quan trọng, nhưng theo tôi với 5 đoàn thể thì chỉ cần 3 người phụ trách, kiêm nhiệm là đủ, đằng này lên đến cả chục người.

Cũng với chừng ấy tiền phụ cấp, nhưng thay vì 10 người hưởng và xem làm cán bộ là nghề phụ thì chỉ 6 người hưởng mà làm việc tận tụy thì bên nào hiệu quả hơn? Càng tinh gọn càng giảm bớt được các cuộc họp hành chồng chéo”.

Có lý lắm, nhưng tiếc rằng cả bộ máy 130 con người ở Hồ Sơn mới chỉ nhất thể được chức danh Bí thư - Chủ tịch mà thôi.

Hồ Sơn thí điểm nhất thể Bí thư - Chủ tịch cấp xã của huyện Tam Đảo còn Sơn Đồng thí điểm nhất thể bí thư chi bộ và trưởng thôn của xã Hồ Sơn. 16 năm làm Bí thư chi bộ Sơn Đồng, hai năm nay kiêm thêm chức trưởng thôn, ông Lê Văn Quang không ngần ngại mà nói thẳng: Nếu không có thay đổi thì tôi e là bộ máy tê liệt mất.

Bây giờ, đội ngũ thôn Sơn Đồng chỉ còn 12 người. Đứng đầu là ông Quang, vừa bí thư vừa trưởng thôn, phụ cấp hưởng 1,4. Việc gì cũng phải có mặt, điểm nóng nào cũng phải xông vào, nhưng lỡ đêm hôm có ra khỏi nhà bà vợ cũng không còn cằn nhằn như trước. Chẳng gì thì lương tháng ông ấy cũng hơn hai tạ thóc.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm