| Hotline: 0983.970.780

Khổ như cán bộ cơ sở: Đùn đẩy làm lãnh đạo

Thứ Tư 03/06/2015 , 12:05 (GMT+7)

Bí thư thôn giao là phải làm vì trách nhiệm của người đảng viên còn trưởng xóm khó khăn hơn vì nhiều người không phải đảng viên, thuyết phục có khi phồng cả lưỡi cũng lắc đầu quầy quậy: “Em chịu”./ Việc gì cũng đến tay

Bí thư, trưởng xóm phụ cấp chỉ 747.000đ/tháng nên nhiều người không thiết tha gánh vác công việc này. 

Kẻ bận, người nhàn

Ông Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) bảo cấp cơ sở trực tiếp với dân nên phát sinh nhiều công việc bận rộn.

Có khi 9, 10 giờ đêm đang ngủ với vợ cũng có người đập cửa ầm ầm. Ló mặt ra tưởng việc gì khẩn cấp, gãi đầu gãi tai: “Bác cho em xin chữ ký  cho cháu nó đi học”. Chủ tịch ký rồi cán bộ văn phòng lại phải mắt nhắm mắt mở đến ủy ban cộp dấu. Giờ đây không còn chuyện cán bộ ủy ban mang dấu về nhà nữa nên việc gì đụng đến xác nhận đều phải ra xã.

Phụ cấp trách nhiệm của ông Tuần hiện chỉ là 0,25 chừng 300.000đ/tháng, cộng tất tật cả lương phụ cấp được 3,5 triệu đồng trong khi đó lương một hiệu trưởng cấp 1 cũng trên 10 triệu đồng. Nghĩ mà tủi. Lương theo trình độ đã đành nhưng phụ cấp cũng nên tương xứng theo mức độ công việc mà họ đảm trách. Tất nhiên là tôi chưa thấy Bí thư, Chủ tịch xã nào nghèo cả, dù đồng lương của họ rất khiêm tốn.

Cán bộ bận rộn nhất ở xã có lẽ phụ trách mảng thương binh-xã hội gồm đủ thứ nghèo, tàn tật, cao tuổi, bảo hiểm, hưu, thương binh... Đụng chạm đến quyền lợi của cả ngàn con người nên nếu làm đúng chức trách thì suốt ngày quay cuồng trong công việc.

Bận túi bụi nữa là cán bộ hộ tịch, tư pháp. Ở phần ngược lại nhàn rỗi nhất bây giờ ở xã có thể kể đến Bí thư Đoàn Thanh niên. Tiếng là oai thế nhưng Đoàn Thanh niên cơ sở giờ như một bộ xương cá, không da, không thịt nên không có sức sống.

Đã qua rồi cái thời mà đoàn hoạt động rầm rộ với những đợt đào mương, đắp kênh thủy lợi, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Giờ đây Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu thậm chí ngay cả ngày kỷ niệm thành lập Đoàn muốn tổ chức cắm trại, vui văn nghệ cũng khó khăn vì hầu hết đoàn viên đi làm ăn xa, số ít ở lại làng cũng không mấy thiết tha. Bí thư Đoàn giờ chỉ như một vị tướng không quân.

Xã nào cũng không thể thiếu 5 tổ chức chính trị với đầy đủ ban bệ, tuy nhiên như ở Hải Đường mỗi tổ chức này được cấp 5 triệu cho cả năm hoạt động, vị chi là khoảng 400.000đ/tháng. Một năm các tổ chức này hoạt động những gì? Không nhiều nhưng cái gì cũng tốn gồm: sơ kết 2-3 lần, tổng kết 1 lần, triển khai nhiệm vụ 1 lần. 5 triệu đó chỉ đủ cho một lần họp.

Việc ở xã không đều đều như trên huyện mà có tính thời vụ hệt như nhà nông. Lúc bận rộn sấp ngửa với điều hành nước nôi, cày bừa, cấy hái BVTV, thu hoạch lúc lại khá nhàn rỗi đến mức ngồi chơi, xơi nước, đánh cờ.

Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Hải Quang (huyện Hải Hậu) bảo việc địa phương thì có trăm thứ bà rằn nhưng khó nhất, khổ nhất vẫn là phấn đấu đạt tỷ lệ thoát nghèo và giải phóng mặt bằng…

15-50-09_dsc_9851
Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Hải Quang (huyện Hải Hậu)

Những năm 90 của thế kỷ trước có thời điểm Hải Quang chỉ có 1% hộ nghèo rồi sau đó vọt lên 11-12% bởi thay đổi cách tính. Trước những nhà bệnh trọng hay đông con cháu học hành thường được xét vào diện nghèo phần vì có thể nghèo thật, chuẩn bị nghèo thật phần vì nhân đạo, vì tình cảm. Nay khi xây dựng nông thôn mới, xã phải dưới 3% hộ nghèo mới đạt tiêu chí thế nên cứ bỏ bớt, bỏ bớt để còn lại 2,8%. Ông Phong thú thật nếu không có chuyện lấn cấn nông thôn mới có thể số hộ nghèo ở Hải Quang còn cao hơn.

Co gọn danh sách nghèo chưa gian nan bằng chuyện giải phóng mặt bằng QL 21 A đoạn chạy qua xã nhà. Người dân một mực đòi mức đền bù gấp đôi, gấp ba quy định. Người dân kéo lên xã lăn đùng, ngã ngửa ngay tại trụ sở ủy ban. Người dân vòng trong, vòng ngoài ngay tại nhà chủ tịch. Thôn ép lên, huyện ép xuống, xã kẹt giữa, loay hoay mãi hơn 2 năm mất ăn, mất ngủ mới quẳng được “quả núi” giải phóng mặt bằng.

Mấy năm nay, để cải tiến chất lượng đội ngũ cán bộ xã, thay thế một phần chuyên tu, tại chức, ở Hải Hậu hễ ai học đại học chính quy về xã sẽ không phải thi tuyển mà chỉ xét. Xã Hải Quang cũng có một cán bộ dạng như vậy được xếp vào Văn phòng Đảng ủy. Thực sự đây là nguồn chất xám kế cận chưa thì không ai dám khẳng định đã đành có kẻ độc mồm còn nói sau lưng học chính quy không có khả năng hay “cửa” để chạy chọt vào đâu mới chấp nhận về xã chứ giỏi giang gì.

Đùn đẩy làm lãnh đạo thôn, xóm

Xã có việc gì dưới xóm có việc đó. Xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) có 11.000 dân, 21 biên chế cán bộ xã nhưng có đến 258 người hưởng lương và phụ cấp các loại với tổng chi trên 100 triệu/tháng.

Bí thư, trưởng xóm phụ cấp chỉ 747.000đ/tháng nên không thiết tha với công việc. Bí thư thôn giao là phải làm vì trách nhiệm của người đảng viên còn trưởng xóm khó khăn hơn vì nhiều người không phải đảng viên, thuyết phục có khi phồng cả lưỡi cũng lắc đầu quầy quậy: “Em chịu”.

Việc ở xóm tốt thì xã mới nhàn, việc ở xã tốt thì huyện mới nhàn, việc ở huyện tốt thì tỉnh mới nhàn, việc ở tỉnh tốt thì nước mới nhàn được. Logic muôn đời là thế. Nhưng với đồng phụ cấp hàng tháng chỉ bằng 3-4 ngày công phụ vữa thử hỏi ai tận tâm được?

Vừa rồi xóm 6 có cuộc vận động ra nhận chức danh trưởng xóm ai cũng lấy cớ vì bận, vì sức khỏe, vì trình độ hạn chế để từ chối khéo. Xã Hải Quang có 18 xóm nên nghiễm nhiên có 18 trưởng xóm và 18 bí thư chưa kể kèm theo các cán bộ mặt trận, đoàn thể, phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh.

Là xã nhỏ nhưng riêng cán bộ cấp thôn của Hải Quang cũng cả trăm người. Nhẩm nhanh, phụ cấp mỗi cán bộ xóm chỉ cần tăng lên 100-200.000đ là ngân sách xã đã đội lên một hai số không tròn vo đằng sau. Công việc của trưởng xóm, bí thư thì vô vàn. Nào là trộm gà, trộm chó, xây dựng nông thôn mới, Tết Thiếu nhi, Đoàn Thanh niên đến đọc điếu văn đám hiếu, chủ hôn đám hỉ. Đi từ sáng đến tối.

Chính vì phụ cấp thấp nên những người có trình độ, có sức khỏe hầu như đi làm bên ngoài hết, do vậy bí thư, trưởng thôn hầu hết là những người cao tuổi.

Mấy năm trước, lo về tình trạng lão hóa của đội ngũ trưởng xóm, xã Hải Quang đã phải khống chế độ tuổi nên mới tuyển được những người tuổi ông, tuổi bà còn bí thư vì chưa có quy định nên toàn tuổi cụ.

15-50-09_dsc_9856
Ông Trần Thái Hoàn, Bí thư chi bộ xóm 8

Ông Trần Thái Hoàn, 78 tuổi, Bí thư xóm 8 là một người mới được bầu lên trong hoàn cảnh chi bộ địa phương đang có những dấu hiệu sa sút, mâu thuẫn nhất là trong thực hiện dồn điền đổi thửa. Chi bộ của ông hiện có 21 đảng viên, phần đa là những người trên 30 tuổi đảng.

Đội ngũ khổng lồ, chế độ thấp, tái cấu trúc đội ngũ cán bộ cấp thôn xóm chỉ còn một lối thoát duy nhất là một người phải đảm nhiệm nhiều chức danh và phải được trả công xứng đáng. Tuy nhiên phải đợi đến bao giờ?

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm