| Hotline: 0983.970.780

Kỹ nghệ sinh con trai và chuyện cả dòng họ quay cuồng vì một thằng cu

Thứ Sáu 29/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Thầy phán tháng 12/2015 và tháng 2/2016 vợ chồng quan hệ rất dễ đậu trai nhưng cả tháng 12 anh chị vật vã mãi mà chẳng thấy kết quả, tháng 1 chủ quan “thả rông” ai ngờ lại dính.

Trong 6 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ chênh lệch nam nữ của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã vượt lên 126,6/100. Xã Tái Sơn của huyện này năm 2010 xác lập kỷ lục nam - nữ là 315/100. Những cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch, tránh kỳ thị trai gái cứ như nước mưa rơi trên lá khoai.

Kỹ nghệ sinh con trai

Buổi chiều, nắng xiên khoai đang độ bỏng rát, anh trai làng Phạm Văn Thục (*) vẫn hùng hục bên những luống cày thì bỗng chị vợ chạy ra ời ời gọi: “Anh ơi, về, về ngay”. Tưởng bà cụ ở nhà mắc chứng cao huyết áp có chuyện gì anh hốt hả vứt cày chạy lại: “V… iệc, v… iệc gì?”. Chị thẽ thọt: “Đến giờ rụng trứng rồi”.

Mồ hôi đầm đìa, mũi, mồm, tai thi nhau thở như trâu ngày nực, phải mất hơn một tiếng anh mới có thể “cày” thêm được “thửa ruộng” ở nhà. Quan hệ trái giờ thầy quy định, 9 tháng 10 ngày sau vợ anh lại sinh ra một con hĩm.

Những đứa trẻ trai chạy đầy đường làng ngõ xóm. Những đứa trẻ trai đứng chật trong các lớp học, sân trường là hình ảnh thường gặp ở bất kỳ vùng quê đồng bằng Bắc bộ nào.

Trong 6 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ chênh lệch nam nữ của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã vượt lên 126,6/100. Xã Tái Sơn của huyện này năm 2010 xác lập kỷ lục nam nữ là 315/100. Trường tiểu học xã T. có 38 giáo viên thì 12 giáo viên có 2 con trai, 12 giáo viên có 1 trai 1 gái, 3 giáo viên có 2 con gái, 8 giáo viên có 1 con (trong đó 3 trai, 5 gái), 3 giáo viên chưa có con. Tổng số có 62 cháu thì 39 trai, 23 gái.

Tôi tò mò tìm hiểu về “kỹ nghệ” sinh con trai ấy. Ở xã An Thanh có hai người tạm gọi là Phờ nhẹ và Phờ nặng. Cô Phờ nhẹ đã có hai con gái nhưng vẫn đau đáu một đứa con trai nên đang âm thầm uống thuốc của một thầy lang ở huyện An Lão tận Hải Phòng chuẩn bị thụ thai đón thằng cu. Cô Phờ nặng đã có một con gái nên rất quyết tâm đứa thứ hai sẽ phải là con trai.

Mọi việc được vợ chồng cô lên kế hoạch tỉ mẩn tựa như đánh trận. Xem ngày thụ thai, uống thuốc hỗ trợ, tẩm bổ anh chồng, tiêm hai mũi hóa chất kích thích tinh trùng Y thêm khỏe. Nghe bảo những thứ thực phẩm như thịt bò, rau giá, trứng vịt lộn rất tốt cho sức khỏe nên cô nhét chật cả tủ lạnh. Nhà cô lúc nào cũng thơm mùi thuốc bắc, bếp lúc nào cũng ngầy ngậy vị thịt bò khiến cho anh chồng chỉ nghĩ thôi cũng muốn phát nôn.

Thầy phán tháng 12/2015 và tháng 2/2016 vợ chồng quan hệ rất dễ đậu trai nhưng cả tháng 12 anh chị vật vã mãi mà chẳng thấy kết quả, tháng 1 chủ quan “thả rông” ai ngờ lại dính. 3 tháng sau Phờ nặng đi siêu âm, bác sĩ phán: “Thêm một váy”.

Có bệnh vái tứ phương, muốn sinh con trai cúng đủ thầy. Thầy Phạm năm nay 80 tuổi là người nổi tiếng khi tự nhận đã giúp cho khoảng 20 người có con trai với tỷ lệ thành công trên 90%. Trò chuyện cùng tôi ông bảo tình cờ học lỏm được phương pháp xem tuổi của hai vợ chồng để chọn tháng quan hệ nên áp dụng thử cho anh Tờ hàng xóm.

Khi vợ anh này mang thai, đi siêu âm có một khối u nhỏ che mất chim nên không biết là gái hay trai khiến cho cả gia đình hoài nghi. Ngày vợ đẻ, anh không dám đưa đi viện mà chỉ ở nhà đợi mẹ báo. Đến lúc biết đích xác là con trai rồi anh đã nhảy cẫng lên, khóc như kẻ phát rồ. Noi gương nhà Tờ, nhiều người dân đã đến gặp thầy Phạm để mong có thằng cu nối dõi.

Chẳng biết có phải “dao sắc không gọt được chuôi” không nhưng chính con dâu ông Phạm cũng phải vét những quả trứng già cuối cùng, đẻ đến đứa thứ tư mới sinh được một thằng cu năm chị đã ngoài 40 tuổi.

Chuyện những dòng họ máu

Làng Thanh Kỳ, xã An Thanh có 9 dòng họ chính và điều độc đáo ở đây là vẫn còn duy trì được họ máu với những luật tục rất bền vững. Họ máu quan niệm tất cả người trong một họ đều do cùng ông tổ sinh ra nghĩa là cùng huyết thống nên không được lấy nhau. Bởi vậy dù pháp luật chỉ quy định cách 3 đời nhưng ở Thanh Kỳ mười mấy, hai mươi đời cũng chưa bao giờ có chuyện hôn nhân cùng họ.


Nhà thờ một dòng họ lớn ở quê (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Họ có hội đồng gia tộc gồm các bô lão uy tín lại có những thanh niên chuyên trách công việc gọi là cán họ. Từ 54 tuổi con trai được trình lão để từ đó không còn phải mó tay, mó chân vào bất kỳ việc gì trong họ, đám ma không phải khiêng đòn, đám cưới không phải thái thịt.

Họ có nhiều ngày giỗ, tổ ông, tổ bà, thanh minh, chạp tổ. Những việc này cũng lại chỉ có con trai mới được tham gia, bước vào nhà thờ cả cúng, còn đàn bà, con gái không được phép bén mảng.

Sau cánh cổng thâm trầm của nhà thờ họ Xuân Ph., thời gian như lùi về vài thế kỷ. Hoành phi sáng choang, khói hương bảng lảng, không gian u u minh minh, đến từng bước chân người cũng vang vọng, rổn rảng.

Họ có gần 1.000 đầu đinh, ngày chạp tổ làm tới 70 mâm, ăn từ sân nhà ông trưởng lan sang cả sân những nhà chi, nhà ngành. Hết đời nọ truyền đời kia, chi của ông M. Xuân đều làm trưởng họ nên rất cần con trai để nối dõi.

Vợ ông sinh được 4 con, 2 trai, 2 gái nhưng vợ thằng cả lại chỉ sinh tằng tằng mỗi ba cô con gái khiến cho mặt ai trong nhà cũng như dưa cải phơi nắng. Nếu nó không có con trai thì thằng thứ hai của ông M. Xuân là T. Xuân hiện đang làm ở trong Nam sẽ bị điệu về quê để thay thế vì nó đã 2 con trai rồi. Phong tục, tập quán ngàn đời nay là thế.

Hồi vợ thằng cả đẻ đứa thứ hai, cả họ đều bảo phải đẻ thêm thứ ba, thứ tư cho bằng được con trai mới thôi. Đó gần như là một nghị quyết, một mệnh lệnh của ngót 1.000 đầu đinh. Con dâu ông khi ấy được đưa sang huyện Cẩm Giàng để một thày lang có tiếng bắt mạch, bốc thuốc. Uống liên tiếp 6 tháng, mất mấy triệu bạc tiền thuốc, những tưởng đẻ được con trai ai ngờ chị lại lòi ra một “dép lốp”.

Đứa thứ ba đẻ non, thiếu mất tháng rưỡi, thể tạng nhỏ và yếu. “Không có con trai là bạn bè chê bai, là dân làng nói có dong đất (mấy nhà không có con trai ở chung một dong đất xấu)”. Ông M. Xuân bảo thế. Như dong đất nhà con cả ông hiện đang có ba nhà toàn nữ gồm một anh ba gái, một anh bốn gái, một anh hai gái. Tiếng là con trưởng họ nhưng khi cỗ bàn, anh ra chúc, nhiều người mượn rượu nói luôn: “Không uống với thằng không biết đẻ”. Đau còn hơn cả bị bò đá.

Cũng vì sợ dư luận nên ông Vờ Nguyễn - một người trong họ V. ở làng đã phải bỏ cả chức tước để đi kiếm thêm một thằng con trai. Giờ giấc mơ đã thỏa, thằng út đã thau tháu khiến cho ông lại có thể cười cười, nói nói mỗi khi ra đường, đường hoàng ngồi xếp bằng cùng các cụ.

Thông tin sinh con trai theo ý muốn hiện vô cùng nhiễu loạn và nhiều thứ kỳ quặc.

Như tinh trùng X thích hợp với môi trường axit, tinh trùng Y hợp hơn với môi trường kiềm, càng nông phía ngoài âm đạo, môi trường càng giàu tính axit do đó để tạo điều kiện tối đa cho tinh trùng Y, người chồng cần xuất tinh khi đang xâm nhập sâu, tư thế quan hệ thích hợp là nam trên nữ dưới, hoặc từ đằng sau để… rút ngắn đường di chuyển của tinh trùng.
Thậm chí nhiều người vợ đã không quản ngại chuyện xót, trước khi gặp gỡ chồng còn dùng nước muối để rửa âm đạo.

(*) Vì lý do tế nhị, tên một số nhân vật trong bài đã được đổi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm