| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tích Đoàn Nghiêu

Thứ Năm 07/08/2014 , 09:02 (GMT+7)

Ông Đoàn Nghiêu (SN 1957, thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bị mù cả 2 mắt nhưng đã làm được nhiều việc khiến mọi người nể phục. 

Hiện ông là chủ 3 cơ sở sản xuất (SX) đũa tre, tạo công việc làm cho 15 lao động. Đặc biệt, đũa tre của ông xuất khẩu với số lượng lớn.

Tấn bi kịch

Gặp ông Nghiêu, chúng tôi thấy bất ngờ bởi ông bị mù cả hai mắt nhưng vẫn cùng công nhân lựa chọn đũa để đóng gói. Ông phân bua: “Giờ tôi làm chủ cơ sở rồi nhưng cũng phải xắn tay vào làm, bởi mỗi ngày không làm việc gì thì tay chân khó chịu lắm”.

Cuộc đời ông Nghiêu là cả tấn bi kịch. Ông là con một trong gia đình thuần nông nghèo khó, mới 4 tuổi thì mẹ qua đời. Năm 1972, khi mới 14 tuổi, cậu bé Nghiêu bị mù cả 2 mắt sau một đợt quân đội Mỹ ném bom. Mảnh bom, đất, đá… găm khắp cơ thể.

Sau đó, cậu bé Nghiêu được đưa vào Núi Thành, Quảng Nam chữa trị, rồi đưa vào Quảng Ngãi điều trị tiếp. Sau nhiều tháng nằm viện, mạng sống còn nhưng đôi mắt của Nghiêu mù hẳn. Từ đó, Nghiêu sống trong bóng tối.

Trong thời gian điều trị vết thương, Nghiêu lại bị thất lạc cha. Vì bị mù nên Nghiêu không tìm được đường về nhà. Sau một năm, cha Nghiêu mới tìm được con trai, rồi hai người trở về quê nuôi nhau sống qua ngày.

“Thấy tôi mù, bạn bè bỏ mặc nên tôi rất tủi thân, có nhiều lần định tìm đến cái chết. Nhưng tôi thấy nhiều người mù cũng sống, cũng làm được rất nhiều việc. Đặc biệt, có những người mù bẩm sinh nhưng vẫn làm được bao nhiêu việc như người bình thường, còn mình có 14 năm mắt sáng, giờ phải nhớ lại những việc ngày trước đã làm để làm lại”, ông Nghiêu tâm sự.

Khuyên người yêu đi lấy chồng

Đến năm 1975, người cha già qua đời, để có miếng ăn, Nghiêu phải đổi công cho mọi người trong làng. Chẳng hạn như đẩy xe bò cho người trong làng, sau đó mọi người giúp Nghiêu trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa.

Đặc biệt, có một người con gái cạnh nhà là Nguyễn Thị Vân (SN 1957) đã giúp Nghiêu rất nhiều. Ngày tháng trôi qua, hai người nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, khi biết được sự việc, bên gia đình Vân cấm tiệt. Để chia cắt tình yêu của họ, ba mẹ Vân gả con cho một người khác, bên nhà trai mang sính lễ đến hỏi nhưng Vân không chịu.

“Có những hôm tôi đến nhà chơi, ba mẹ Vân, anh em Vân đuổi về. Lúc đó tôi cũng khuyên Vân bỏ tôi đi lấy một người lành lặn, nhưng Vân bảo nếu gia đình không cho lấy anh thì em sẽ không lấy chồng”, ông Nghiêu nhớ lại.

Với quyết tâm lấy Nghiêu làm chồng, Vân đã có bầu với Nghiêu để chứng mình tình yêu của mình dành cho chàng trai mù giàu nghị lực. Khi họ đã có con với nhau nhưng gia đình Vân vẫn không cho hai người làm đám cưới. Phải đến khi bé Đoàn Đức Phổ, đứa con trai của hai người đầy 6 tuổi thì gia đình Vân mới đồng ý cho họ sống chung trong một mái nhà và đám cưới đơn sơ được tổ chức.

Chồng mù, vợ lành lặn và hai người rất chăm chỉ lao động. Vân đi chặt củi khắp nơi để mang xuống chợ Tam Kỳ bán, còn Phổ dắt cha lang thang bán đũa, tăm tre.

15-33-31_nh-2
Ông Nghiêu cùng các lao động SX đũa

“Có hôm cha con dắt nhau đi bán tăm, bán đũa bị gặp nạn ngay cạnh nhà bạn thân hồi nhỏ, nhưng anh ta lảng tránh, chê tôi mù không muốn gặp. Do bị bạn chê nên tôi càng quyết chí phải làm gì đó cho đỡ khổ”, ông Nghiêu kể.

Năm 1994, Hội Người mù TP. Tam Kỳ được thành lập, ông Nghiêu tham gia và nhận các mặt hàng như tăm tre, đũa tre của hội đi bán. Năm 2004, ông nảy sinh ý nghĩ, người ta mù làm ra được sản phẩm, còn mình sao lại không? Nói là làm, ông liền bán con bò, tài sản lớn nhất của gia đình khi đó, rồi đi khắp nơi tìm hiểu về máy làm đũa tre. Khi biết được nơi SX, ông lặn lội ra huyện Thăng Bình, Quảng Nam để tìm hiểu.

Ông Nghiêu lấy số tiền bán bò rồi thuê thợ cơ khí đi cùng để về thiết kế riêng cho mình một cái máy làm đũa. Khi biết tin, nhiều người thách Nghiêu, nếu làm được sẽ tự nguyện cõng ông đi lại. Có người bảo, ông nên để bò lại nuôi chứ đừng dại mà đổ tiền vào đó.

Sau 3 tháng mày mò, chiếc máy làm đũa cũng ra đời, mỗi ngày ông làm được 300 đôi. Hưởng ứng những việc làm của ông, Hội Người mù Tam Kỳ giúp đỡ tiêu thụ số đũa tre mà ông làm ra. Bởi trước đó, đũa tre thường được đưa từ phía Bắc vào, sau đó đóng gói đem đi bán. Còn nay, đũa đã được ông Nghiêu làm ra, giá rẻ hơn nhưng chất lượng vượt hẳn.

Bước đầu thu được kết quả tốt, có được chút vốn, để tăng số lượng, ông Nghiêu tìm hiểu công nghệ hiện đại có thể ra nhiều đũa hơn. Do đó, ông lên đường vào TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu và mua máy làm đũa về SX với số lượng lớn. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường 10.000 đôi đũa.

Mạnh dạn đầu tư SX đũa tre đã đem lại thu nhập ổn định nên mỗi khi địa phương xây dựng các công trình phúc lợi, ông Nghiêu không đứng ngoài cuộc. Trong thôn có người không may nhập viện thiếu tiền chữa trị hay vay vốn làm ăn, ông sẵn sàng giúp đỡ. Đặc biệt những cuộc vận động đóng góp giúp người bị mù, nạn nhân chất độc da cam…, ông Nghiêu ủng hộ cả chục triệu đồng.

Chưa bằng lòng với những máy móc đã có, ông Nghiêu dùng số tiền tích cóp được tiếp tục tìm kiếm để mua thêm máy. Ngoài ngôi nhà của mình, ông mở thêm hai xưởng SX. Bên cạnh cung cấp cho các Hội Người mù đi bán lẻ, ông còn hợp đồng được với các khách sạn, nhà hàng để cung cấp đũa.

Ông cũng nhờ con gái là Đoàn Thị Thu đang công tác tại Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh quảng bá sản phẩm lên mạng. Do đó, đũa tre của ông Nghiêu đã được nhiều người biết đến, bởi chất lượng tốt, giá bán rẻ.

Xuất khẩu đũa tre

Sau 10 năm SX đũa tre, ông Nghiêu đã có 3 cơ sở. Ở đó, số tiền ông bỏ ra đầu tư gần 1 tỷ đồng. Riêng 7 máy chà đũa gần 200 triệu đồng; 3 máy dập tre 50 triệu đồng; 1 máy cắt tre 10 triệu đồng; 3 máy tuốt 60 triệu đồng; 5 cái máy đập 150 triệu đồng và một lò sấy 100 triệu đồng…

Ba cơ sở làm đũa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động, mức bình quân đối với những lao động làm công việc đóng gói, chọn lựa đũa là 3 - 4 triệu đồng/tháng; những người đứng máy 5 - 6 triệu đồng/tháng.

15-33-31_nh-3
Các lao động làm việc tại cơ sở ông Nghiêu và thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/tháng

Với số lượng máy móc và nhân công như trên, mỗi ngày ông Nghiêu cho ra thị trường khoảng 1 tấn đũa tre tương đương với 100.000 đôi đũa.

“Đũa của tôi không chỉ bán ở trong nước mà còn bán qua Lào. Mỗi tháng các cơ sở của tôi làm ra 30 tấn đũa thì có 15 tấn được đưa đi xuất khẩu. Hiện nay, nguồn tre khan hiếm nên nhiều lúc không đáp ứng đủ cho thị trường”, ông Nghiêu chia sẻ.

Với công việc làm đũa tre, cứ tính bình quân 1 tấn đũa sẽ thu về 12 triệu đồng, trừ chi phí nguyên liệu, tiền nhân công, tiền điện…, còn lại ông lãi khoảng 1 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng ông thu về gần 30 triệu đồng.

Chia tay ông Nghiêu, chứng kiến từng đoàn xe chở tre đến, xe chở đũa đi, những cuộc điện thoại liên tục gọi đến, tôi tin rằng với nghị lực cùng những bước đột phá trong kinh doanh thì thương hiệu đũa tre của ông Nghiêu sẽ còn tiếp tục phát triển.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm