| Hotline: 0983.970.780

Lời nhắn nhủ và những giọt nước mắt từ Hoàng Sa

Thứ Năm 22/05/2014 , 08:57 (GMT+7)

Nhìn cảnh hai con tàu kiểm ngư “thương tích đầy mình” cập mạn nhau khiến hầu hết mọi người trên tàu đều cảm thấy xúc động. Đã có những người quay đi giấu dòng nước mắt./ Cận cảnh ngư dân trong vòng vây tàu Trung Quốc

Khi chúng tôi bước lên tàu kiểm ngư KN 767 thuộc biên đội Kiểm ngư vùng 4, Cục Kiểm ngư Việt Nam để bắt đầu cuộc hành trình tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 thì ai nấy đã xác định rằng đó là bước chân khởi đầu của một cuộc hành trình gian khổ.

Vậy nhưng, sự gian khổ của những lực lượng bám biển mà chúng tôi đã được trực tiếp chứng kiến nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Mưu trí phá âm mưu ăn vạ của tàu Trung Quốc

KN 767 là một trong khoảng hơn 20 tàu của lực lượng kiểm ngư đang chấp pháp trên vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Thời điểm PV NNVN có mặt trên con tàu này, KN 767 đã trải qua ít nhất từ 4-5 cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc chỉ trong vòng có vài ngày.

Lan can tàu bị đâm thủng, hệ thống cửa kính, buồng lái bị vòi rồng của tàu Trung Quốc đâm húc gây hư hỏng nặng. Hầu hết các lỗ hổng trên tàu đều phải lấy lưới bịt kín. 

Không ít lần KN 767 được lệnh vào bờ để sửa chữa, nhưng các thành viên trên tàu quyết định tự khắc phục để tiếp tục ở lại bảo vệ vùng biển Việt Nam. Họ nửa đùa nửa thật rằng: Tàu kiểm ngư nào cũng bị “tắm” vòi rồng, cũng bị đâm húc, cũng bị hư hỏng... Nếu đưa tàu vào bờ sửa thì vào hết chứ còn gì.

Lực lượng kiểm ngư trên tàu KN 767 có khoảng hơn chục người. Già có, trẻ có. Thuyền trưởng Đinh Hữu Đoan chỉ mới ngoài 30.

Mỗi người một quê, tôi biết là nhờ nghe giọng nói, còn suốt mấy ngày làm thành viên của KN 767 chưa một phút rảnh rang hỏi han quê quán của nhau. Tất cả chỉ xoay quanh câu chuyện làm thế nào để đối phó với tàu Trung Quốc.

Đêm 18/5. Sóng biển Hoàng Sa mùa này không dữ dội lắm. Kíp trực của KN 767 chia 4 người đứng ở 4 góc quan sát. Ai nấy đều lo lắng, căng thẳng, chẳng dám rời mắt khỏi khu vực được giao.

Nguyễn Hoàng Nhân, một kiểm ngư viên còn rất trẻ, mới chỉ 19 tuổi nhìn tôi nói bằng giọng Bà Rịa - Vũng Tàu: Đứng trên vùng biển của nhà mình mà cứ phải canh thế này kể cũng bực anh há. Ăn bát cơm cũng không yên nữa.

Đúng là ăn cơm cũng không yên thật. Một số người vừa bưng bát thì những chiếc tàu khổng lồ của Trung Quốc lừ lừ xuất hiện, pha đèn sáng quắc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và vùng biển lân cận. Lối vào giàn khoan bỏ ngỏ.

19-15-17_nh2
Lực lượng kiểm ngư mưu trí phá tan kế hoạch ăn vạ của Trung Quốc

Phía Trung Quốc cho các tàu xếp thành đội hình bật đèn sáng quắc hai bên tạo cảm giác như họ đang “mở cửa” mời tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan.

Thuyền trưởng Đoan nói giọng mỉa mai: Chúng nó đang giăng bẫy mình rồi. Còn lâu chúng ông mới mắc mưu nhé.

“Mấy hôm nay các tàu Trung Quốc liên tục thay đổi chiến thuật nên việc tiếp cận vùng biển khu vực giàn khoan khó khăn hơn rất nhiều. Họ không còn chạy xung quanh giàn khoan nữa mà xếp thành những hàng dọc hai bên.

Mục đích của họ nhằm đánh lừa tàu Việt Nam lọt vào rồi tổ chức vây ráp, cài bẫy để quay phim. Vòng ngoài cùng là tàu bán vũ trang giả dạng tàu cá ngư dân, vòng thứ hai là tàu hải giám, hải cảnh, vòng thứ ba là tàu hộ vệ tên lửa, tàu tấn công nhanh...

Nếu gặp tàu ngư dân Việt Nam tiếp cận thì họ tổ chức truy đuổi, còn nếu gặp tàu chấp pháp của Việt Nam họ xua thuyền ngư dân giả dạng xông vào nhằm mục đích tạo ra va chạm để quay phim rồi vây ráp tấn công trở lại”, thuyền trưởng Đoan bóc mẽ.

Tiếng điện đàm từ Sở chỉ huy của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sang sảng: Các tàu chú ý. Tàu Trung Quốc đang dàn trận để cài bẫy tàu chúng ta. Yêu cầu các tàu xê dịch tiếp cận khu vực giàn khoan để tuyên truyền, kêu gọi.

Nhận lệnh, ngay lập tức các tàu kiểm ngư Việt Nam di chuyển vòng vèo theo chiều ngang nhằm hướng giàn khoan. Thuyền trưởng Đoan bẻ lái, tăng tốc tàu KN 767 nhằm hướng hai chiếc tàu cá Trung Quốc giả dạng với tốc độ tối đa rồi đột ngột quay ngoắt theo một vòng cung khiến lúc tiếp cận, mũi tàu Trung Quốc chĩa thẳng vào thân tàu Việt Nam.

Trưởng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư đã trao những phần quà và những lời động viên đến lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển ngay trong vùng biển phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Khi khoảng cách giữa thân tàu KN 767 và mũi tàu Trung Quốc chỉ tính bằng gang tay lại thấy thuyền trưởng Đoan bẻ ghi quay đầu. Hai tàu lớn của Trung Quốc điên cuồng đuổi theo, lăm lăm vòi rồi chuẩn bị phun, mũi tàu nhọn hoắt nhắm tàu KN 767 phóng tới.

Đang ở tốc độ cao, tàu KN 767 đột nhiên khựng lại và lách sang một bên khiến tàu Trung Quốc lố đà vọt lên phía trước. Khi quay lại thì KN 767 đã tiếp cận các tàu kiểm ngư khác, tàu KN 762 và KN 771 tạo thành đội hình có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tàu Trung Quốc không dám đuổi theo nữa. Kế hoạch xua tàu ra vừa tấn công vừa tìm cách vu vạ bị phá sản hoàn toàn.

“Chúng ta kiên định đấu tranh theo phương pháp hòa bình. Chủ yếu là tuyên truyền và kêu gọi các tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam nên đòi hỏi các tàu phải nhanh hơn họ, tỉnh táo hơn họ. Tất nhiên, phương án này cũng gặp nhiều nguy hiểm hơn nhưng tuyệt đối không thể rơi vào bẫy của họ được”, thuyền trưởng Đoan phân tích.

Đến sáng ngày 19/5, thông báo từ Sở chỉ huy Cảnh sát biển Việt Nam, có 9 tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước làm hư hại 3 tàu kiểm ngư Việt Nam.

Kể từ lúc Trung Quốc đặt giàn khoan và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam thì số lượng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển bị tấn công đã giảm đi rất nhiều mặc dù các tàu Trung Quốc ngày càng hung hăng, điên cuồng.

Lý do giải thích là sau nhiều phen giáp mặt, lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để đối phó. Tàu Trung Quốc có hung hãn đến mấy cũng rất khó tấn công tàu Việt Nam như những ngày đầu. Nhìn cái cách tàu kiểm ngư Việt Nam phá âm mưu ăn vạ của tàu Trung Quốc không ai nghĩ đó là lực lượng mới chỉ thành lập cách đây chưa lâu.

19-15-17_nh4
Trung Quốc huy động các tàu lớn, liên tục dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam

Lời nhắn nhủ và những giọt nước mắt từ Hoàng Sa

Cứ sau một ngày đối phó với đám tàu hung hãn của Trung Quốc, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam lại liên lạc để hỗ trợ nhau. Nhưng cuộc cập mạn tàu phải hết sức bí mật và an toàn tuyệt đối. Mấy ngày hôm nay, không thể tấn công trực diện, tàu Trung Quốc chuyển chiến thuật nhằm vào những lúc tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam cập mạn hỗ trợ nhu yếu phẩm để tấn công.

Biển Hoàng Sa vẫn có những phút yên bình, dù rất ngắn ngủi. Một số kiểm ngư viên thả câu bắt mực dưới ánh trăng vành vạnh. Giây phút tưởng chừng riêng tư ấy nhưng tất cả họ đang nghĩ về đất liền. Hiểm nguy luôn thường trực, vậy mà những ngày ở cùng họ tôi không thấy bất kỳ ai lo lắng
cho riêng mình.

Khi tàu chúng tôi (KN 767) nhận lệnh cập mạn để mang những phần quà của Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi tặng lực lượng kiểm ngư trên tàu KN 762, hai tàu lớn của Trung Quốc liên tục bám theo.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ chạy lòng vòng, các tàu Việt Nam mới cắt đuôi được. Nhìn cảnh hai con tàu “thương tích đầy mình” cập mạn nhau khiến hầu hết mọi người trên tàu đều cảm thấy xúc động. Đã có những người quay đi giấu dòng nước mắt.

Có lẽ đó là những giọt nước mắt quyết tâm, những giọt nước mắt không hề yếu lòng. Bởi gần như ngay lập tức, tất cả lực lượng kiểm ngư đang làm nhiệm vụ đứng trước ống kính máy quay của những người trong đoàn chúng tôi nhắn nhủ: Đất liền hãy an tâm và tin tưởng vào khả năng chúng tôi. Khó khăn thật đấy, vất vả thật đấy nhưng lực lượng chấp pháp, bà con ngư dân bám biển nhất quyết một lòng đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam.

19-15-17_nh5
Đoàn công tác trao quà của Bộ trưởng Cao Đức Phát cho lực lượng kiểm ngư và ngư dân bám biển

Chừng nào Trung Quốc chưa rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển này thì chừng đó chúng tôi vẫn còn tiếp tục đấu tranh. Sẽ có một ngày ngư dân chúng ta có thể an toàn đánh bắt trên ngư trường truyền thống của cha ông mình mà không sợ bất cứ thế lực nào dòm ngó. Rất xúc động nhưng cũng cực kỳ đanh thép.

Khi tôi rời tàu KN 767 để chuyển sang tàu của lực lượng Hải quân đã ngỏ ý với từng người rằng, họ có muốn nhắn nhủ gì với gia đình hay không? Tất cả đều lắc đầu. “Chúng tôi chung nhau một lời nhắn nhủ với đất liền rằng hãy an tâm và tin tưởng”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm