| Hotline: 0983.970.780

Máu thịt Hoàng Sa

Thứ Hai 19/05/2014 , 10:15 (GMT+7)

Ngoài những thư tịch cổ có giá trị pháp lý, hiện nay người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn giữ được những ngôi mộ xưa, nhà cổ, giếng nước… có niên đại vài trăm năm. Trong từng hạt cát, thớ gỗ chứa đầy những minh chứng hùng hồn về chủ quyền Hoàng Sa.

Mộ cổ, nơi chiêu hồn những chiến binh

Lòng kính ngưỡng của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đối với những người lính trong hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo năm xưa luôn hiển hiện trong những người dân đất đảo. Những ngôi mộ cổ dù không chôn xác người vẫn luôn nghi ngút khói hương tưởng niệm.

Người chết trong lòng người sống

Ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) lần này, đến thăm nhà cụ Võ Hiển Đạt (82 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh, tôi được chứng kiến cụ Đạt đang bận tíu tít với những chiếc thuyền giấy.

Thấy tôi vào, cụ Đạt tay vẫn không rời kéo và những cây bút lông, nói: “Thông cảm, mấy ngày nay tui bận lắm, làm không kịp ăn cơm, lễ trai đàn bạt độ cầu siêu sắp đến rồi. Tui có nhiệm vụ làm những chiếc thuyền giấy để triệu vong linh các chiến sĩ trong hải đội Hoàng Sa năm xưa bị chết trên biển mất xác khi đi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa về với tiên linh, với quê hương bản quán”.

Là hậu duệ của đội trưởng hải đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, lòng cụ Đạt luôn hướng về những chiến sĩ Hoàng Sa năm xưa. Vừa cầm bút lông kẻ viền quanh những chiếc thuyền giấy, cụ Đạt vừa kể: Lễ trai đàn bạt độ cầu siêu sắp diễn ra từ ngày 23-25/5 (25 đến 27 tháng Tư năm Giáp Ngọ) nhằm mục đích triệu hồn những chiến sĩ trong hải đội Hoàng Sa mất trên biển về với ông bà, và cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ cùng những người dân đảo Lý Sơn chết khi đang hành nghề trên biển, cả những người chết vì những lý do khác.

Lễ trai đàn bạt độ cầu siêu sẽ được tổ chức long trọng tại đình làng An Vĩnh và cả trên biển. Cụ Đạt nhận trọng trách làm 1 đội thuyền giấy, đến lễ trai đàn thả ra biển để những chiếc thuyền này chở vong hồn binh lính trong hải đội Hoàng Sa về với quê hương.

12-27-07_1
Hậu duệ Phạm Quang Tĩnh, người trông coi nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh

Ngoài ra, còn 2 chiếc thuyền giấy khác neo trong bờ để đón các vong linh trở về. Suốt 3 ngày diễn ra lễ trai đàn, hàng chục ngàn người dân ở huyện đảo Lý Sơn và du khách sẽ được ban tổ chức mời cơm chay.

"Hằng năm, người dân Lý Sơn đều đặn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ này được duy trì hàng trăm năm nay. Thời gian đầu khi mới thành lập đội Hoàng Sa, cứ hằng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, việc này gọi là “thế lính” nên mới có tên gọi là “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Năm nay, trước tình hình Trung Quốc ngang ngược xâm lấn vùng biển Việt Nam hạ đặt giàn khoan trái phép, nhân dân Lý Sơn tổ chức lễ trai đàn nhằm nhắc nhở cho hậu thế truyền thống chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của các bậc tiền nhân để học tập noi theo”, cụ Đạt cho biết thêm.

Những chiến tích dưới nấm cát

Ở Lý Sơn có rất nhiều ngôi mộ cổ, người dân ở đây truyền tụng đó chỉ là những nấm mộ cát, không có hài cốt bên dưới. Ấy chính là nơi chiêu hồn các bậc anh hùng đã hiến dâng sinh mạng khi đang đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thân xác họ nằm lại dưới lòng đại dương, người thân ở nhà đắp cát làm mộ gió để con cháu đời sau tưởng nhớ.

Nhiều thư tịch cổ còn được người dân Lý Sơn lưu giữ cho hậu thế biết rằng, theo lệnh vua, các chiến sĩ trong các hải đội Hoàng Sa đã giong buồm tiến ra khơi rất nhiều đợt. Họ đi thành từng đội, mỗi đội từ 8 đến 10 người, trên những chiếc thuyền câu truyền thống của ngư dân Lý Sơn.

Từ thời vua Minh Mạng trở đi, lực lượng Thủy quân làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền được phiên chế như một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương mà chủ yếu là dân binh đội Hoàng Sa. Lúc này, chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân, nhưng những đội Hoàng Sa và Bắc Hải vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa. Vì tính chất tổ chức như vậy nên các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được coi là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong công cuộc khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiệm vụ chính của các hải đội Hoàng Sa này là đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền, thu lượm sản vật. Một trong những người nổi tiếng trong cánh lính Hoàng Sa ở Lý Sơn thuở ấy là chánh suất đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật. Ông đã nhiều lần dẫn hải đội tiến ra Hoàng Sa rồi hy sinh trên biển. Người thân ở quê nhà làm lễ chiêu hồn, đắp nấm mộ cát cho ông trên núi Chóp Vung để tưởng nhớ.

Sử sách triều Nguyễn xưa cũng ghi chép rất chi tiết về công đức của người anh hùng này. Bộ Đại Nam thực lục chính biên nói rằng: “Vua Minh Mạng đã y lời tâu của Bộ công, sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi Hoàng Sa, đem theo mười cái bài gỗ dựng mốc chủ quyền”.

Ngoài những ngôi mộ có danh phận rõ ràng, ở Lý Sơn còn rất nhiều nấm mộ chiêu hồn của các hùng binh Hoàng Sa khuyết danh. Trong đó có nấm mộ cát của cai đội Võ Văn Khiết được con cháu đời sau thờ tự như Thành hoàng ở xã An Vĩnh.

Theo sử liệu và thư tịch cổ của dòng họ Võ còn lưu giữ, cai đội Võ Văn Khiết chính là người Việt đã có mặt ở Hoàng Sa từ rất sớm. Dù là con nhà quan nhưng những người con của cai đội Khiết là phú nhuận hầu Võ Văn Phú cùng các anh em Võ Văn Hùng, Võ Văn Công, Võ Văn Sanh... từ những năm 1802 - 1834 đều thực thi nhiệm vụ đi Hoàng Sa. Hiện nấm mộ chiêu hồn cai đội Võ Văn Khiết đã được tôn tạo, dựng bia ghi công đức.

Theo cụ Võ Hiển Đạt, hậu duệ của cai đội Võ Văn Khiết, ngôi mộ chiêu hồn tập thể lính Hoàng Sa của gia tộc họ Võ được các tiền cho biết nằm gần mộ cụ Võ Văn Khiết. Đó là nấm cát lớn, được đánh dấu bằng các viên đá núi lửa ở Lý Sơn.

Để tỏ lòng kính ngưỡng với các bậc tiền nhân, người xưa đã trèo lên tận miệng núi lửa có tên Thới Lới, lấy đất tinh khiết về nặn thành hình nhân người chết chiêu hồn. Họ còn dùng cành cây dâu cho vào trong hình nhân và dùng lòng đỏ trứng gà được trộn lẫn vào đất nặn hình nhân tượng trưng cho xương cốt và máu huyết người đã mất.

12-27-07_3
Ngôi mộ gió lính Hoàng Sa trong Âm Linh tự

Trong lễ chiêu hồn tập thể các hùng binh Hoàng Sa, người xưa đặt quan tài hình nhân quay đầu về đất liền. Những người thân có con cháu là hải binh Hoàng Sa bị chết trên biển kêu gọi tên tuổi, nguyện cầu hương hồn người hi sinh trở về, nhập hồn vào hình nhân để an nghỉ dưới nấm mộ cát. Mỗi mộ cát hình nhân có một bài vị danh phận trên đầu. Buổi tiễn đưa hương hồn các hùng binh về nơi an nghỉ dưới lòng đất đẫm nước mắt người dân đất đảo, vì hầu như tộc họ nào ở Lý Sơn cũng có người tham gia hải đội Hoàng Sa.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm