|
Ảnh vệ tinh về các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập. Ảnh: AMTI. |
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hoạt động hàng hải và để họ biết rằng chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi tàu thuyền và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", Brian Hook, trợ lý cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, theo SCMP.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc "khiêu khích quân sự" ở những vùng nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Một số nhà phân tích cho rằng sự chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chệch hướng vì khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Tuyên bố của ông Hook được đưa ra khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở những vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, bao gồm việc lắp đặt radar tần số cao và các cơ sở khác được dùng cho mục đích quân sự.
"Sự khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những vùng mà Bắc Kinh chống đối luật pháp quốc tế. Họ đang đẩy các quốc gia khác vào những con đường gây căng thẳng toàn cầu", Hook nói.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tiến trình xây dựng của nước này ở Biển Đông đạt tổng diện tích 290.000 mét vuông.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Quốc tế (AMTI), trụ sở tại Washington, hồi tháng 12 cho biết Trung Quốc đang xây dựng trạm radar tần số cao ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. AMTI cũng cho biết Trung Quốc đã hoàn thành nhiều hầm ở đá Subi để cất giữ đạn dược.
Trung Quốc cũng có kế hoạch phóng 10 vệ tinh từ đảo cực nam Hải Nam trong ba năm tới, để giám sát toàn bộ Biển Đông, động thái được cho là nhằm hướng tới kiểm soát vùng biển này.
"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự leo thang của Trung Quốc không phù hợp với các giá trị và luật lệ dựa trên trật tự. Trật tự này là cơ sở của hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới", ông Hook nói.
"Khi hành vi của Trung Quốc vượt ra ngoài các giá trị và chuẩn mực, chúng tôi sẽ bảo vệ quy tắc pháp luật".
Trung Quốc đơn phương yêu sách chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei.