| Hotline: 0983.970.780

Ngẩn ngơ ở làng sơn mài lừng danh đất Bắc

Thứ Bảy 04/03/2017 , 13:45 (GMT+7)

Trong làng hội họa xưa, không ai không biết đến câu “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn”, (Nguyễn Gia Trí - Nguyễn Tường Lân - Tô Ngọc Vân - Trần Văn Cẩn). Đó là những họa sĩ tài danh hàng đầu của nước ta. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là số một, và là người đầu tiên khám phá, cũng như khai sinh ra dòng tranh sơn mài Việt Nam. 

Không những thế, ông còn dồn cả cuộc đời mình dành cho nó và là một tài năng lớn, với những đỉnh cao chói lọi qua nhiều tác phẩm sơn mài.

09-06-39_trng-19
 

Nhưng người ta không thể quên bức tranh sơn mài đầu tiên của ông là “Thiếu nữ bên hồ Gươm” lại bắt đầu từ chuyến về làng Hạ Thái, một nơi mà ông học những bài đầu tiên như pha sơn, bó vóc, mài sơn, phơi tranh... Và, người thầy đầu tiên của ông cũng như của những họa sĩ khác, dưới mái trường Mỹ Thuật Đông Dương vào đầu thập niên 30, không ai khác chính là nghệ nhân Đinh Văn Thành, ở làng Hạ Thái, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
 

1- Giờ đây, tôi về làng nghề sơn mài Hạ Thái, với tâm thế muốn tìm lại cảm xúc ban đầu của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, và mong biết đâu gặp được bóng dáng người thiếu nữ bên Hồ Gươm ngày xưa ấy. Trong tôi dạt dào tình cảm về một thời huy hoàng, những sơn son thếp vàng, đậm sắc tâm linh, trên mảnh đất hàng trăm năm, người dân làm cái nghề “sơn ăn tùy mặt...” này.

Tôi thật may mắn khi gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, hiện ở tại cụm công nghiệp sơn mài Hạ Thái, được xây dựng theo quy hoạch làng nghề, dọc con đường lớn. Chị là chủ nhân của cơ sở sản xuất hàng Mỹ nghệ sơn mài Hồi Quyết. Tôi cứ ngỡ đó là tên của hai vợ chồng, hóa ra Hồi là tên chị, còn Quyết là một họa sĩ, người cộng sự với chị lập nên xưởng sản xuất này.

Mới hay, chị nói muốn nâng cấp mặt hàng của mình lên có chất lượng nghệ thuật, không thể chỉ làm mãi theo phương pháp thủ công xưa, nhất là phần mẫu mã thiết kế cũng như họa tiết, mầu sắc cần phải có sự đầu tư của nghệ thuật hội họa. Giờ đây tất cả phải đáp ứng được yêu cầu thị trường, hàng phải đẹp, lạ. Đó là một cuộc cạnh tranh thị phần của mỗi doanh nghiệp, chứ không như ngày xưa, chỉ làm những mặt hàng thủ công như sơn son thếp vàng cho đồ thờ cúng, ống hương, tượng phật...

09-06-39_trng-18
 

Nói đến đây, chị bỗng nhớ lại những ngày cách đây hơn 30 năm theo gia đình làm nghề sơn, với những vất vả khó khăn, lần hồi từng ngày để bán được hàng. Chị nhớ sau khi Hợp tác xã thủ công sơn mài Bình Minh của làng phải giải tán, vì khủng hoảng của thị trường vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mọi xã viên mất việc đều quay về làm ruộng. Chị cũng như nhiều người thợ rất tiếc cho cái nghề mà mình đã hàng chục năm học hành, rèn luyện tay nghề. Mất nghề đúng là mất nghiệp.

Ấy thế rồi cơ duyên lại đến, khi có những người bạn đặt hàng làm cho họ bán, chị lại cùng gia đình quay về sơn mài. Từ đó là những ngày đạp xe còng lưng, đem hàng lên Hà Nội rao bán. Khổ thì khổ, vượt qua mưa gió cùng những ngày đông giá, rét buốt, nhưng gia đình chị quyết tâm giữ lấy nghề. Đó là những chuyến xe mồ hôi và nước mắt, chị cùng chồng thay nhau đi xe đạp gần chục năm trời để giao hàng tại mấy nơi ở phố Hàng Khay, trên bờ Hồ Gươm.

Có lẽ đây chăng, đó là bức tranh cô gái bên Hồ Gươm ngày nào trong tôi, đang còng lưng đạp xe cùng với những màu sắc và hình ảnh của bờ tre gốc rạ làng quê, trao cho mọi người, với sự nỗ lực, miệt mài ngày đêm. Chị bùi ngùi kể, mãi đến gần tám năm sau, vợ chồng chị mới dồn tiền kiếm được 11 triệu đồng, để mua cái xe cúp 81, đi chở hàng.

Lần hồi, bươn trải ngày lại ngày đã đến 10 năm dựng nghiệp. Chờ qua cơn bĩ cực đến hồi tái lai. Nghề làm tranh sơn mài đã đến kỳ phát triển, theo con sóng của nền kinh tế thì trường. Người trong làng lại hồ hởi mở mang công việc. Những ngày hội lại bắt đầu, chị thuê đất thành lập xưởng sản xuất được như ngày nay, cũng đã được mươi năm phát đạt. Chị trở thành chủ tịch đầu tiên của Hiệp Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, thành lập năm 2003.

Chị nói làng bây giờ làm ăn rộn ràng lắm, cơ sở của chị chẳng thấm vào đâu so với cơ ngơi của các nghệ nhân khác như Đỗ Văn Thuân, Nguyễn Thị Nhì, hay nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết Minh, hoặc của anh Đỗ Văn Thừa... Riêng Công ty Minh Cảnh của nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết Minh còn thường xuyên mở lớp dậy nghề cho những người khuyết tật và những trẻ em nghèo khó. Đây là Trung tâm dậy nghề tư thục từ thiện đầu tiên trong cả huyện Thanh Trì. Nói đầu tiên là vì trung tâm của giám đốc Minh Cảnh không thu học phí, mà còn giúp đỡ tiền sinh hoạt và ăn ở cho những người ở xa đến học.
 

2- Vừa hay lúc đó có một thợ vẽ gọi chị kiểm tra mẫu hàng, thế là tôi theo chân chị Hồi xuống phân xưởng. Nhìn dáng chị tất tả vẫn còn in dấu hình ảnh cô gái bên Hồ Gươm của danh họa Nguyễn Gia Trí cách đây hơn 80 năm.

Tôi theo nàng thiếu nữ ấy trong ảo giác được gặp lại bao ký ức của những ngày tháng đều hiển hiện ở xưởng sơn mài này. Kia có phải cô gái nông dân trong “Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn; và đấy có phải người con gái dân tộc Thái trong “Nhớ một chiều Tây Bắc” mà lão họa sĩ Phan Kế An đã thổn thức ngày nào. Những mầu xanh non tơ của đồng lúa xanh mướt đúng như một thuở mà họa sĩ Nguyễn Gia Nùng mô tả trong “Bình minh trên nông trang”.

Và đó nữa, chân dung anh bộ đội cụ Hồ đang khoác trên vai khẩu súng trên con đường hành quân đã một lần giơ nắm tay thề ngày được vinh dự trong ngày lễ “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” mà năm 1980, họa sĩ Nguyễn Sáng đã mô tả trong bức sơn mài nổi tiếng của mình. Bức tranh sơn mài này nằm trong bộ tác phẩm mà họa sĩ Nguyễn Sáng được trao tặng giải thưởng cao quý “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật”.

Nếu như danh họa Nguyễn Gia Trí với sơn mài, ông nghiêng về màu sắc dịu dàng qua các đề tài như “Ai mua rươi ra mua”, “Thiếu nữ bên hồ sen”, “Thiếu nữ bên Hồ Gươm”, hoặc “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” đặc sắc, thì sau này cùng với Nguyễn Sáng, người học trò của ông là họa sĩ Hoàng Đình Tài lại thể hiện đề tài chiến tranh, hay cuộc sống mới với một phong cách hiện đại, trong chất liệu sơn mài hết sức độc đáo.

Tôi nhớ có lần gặp họa sĩ Hoàng Đình Tài mới đây, anh tâm sự về sự dấn thân của mình trong dòng tranh sơn mài, như mệnh trời sắp đặt. Anh nói, trên nền tảng kỹ thuật sơn mài cổ, mà nền tảng là dòng tranh thờ và sinh hoạt ở làng Hạ Thái, giờ đây đã hình thành một dòng tranh sơn mài kỳ lạ nhất mang thương hiệu Việt Nam, mà không quốc gia nào trên thế giới có được. Anh yêu nó và sống chết với nó. 

09-06-39_trng-21
 

Vì thế đã có một suối nguồn riêng trong ngôn ngữ tranh sơn mài định hình mới mang cái tên Hoàng Đình Tài. Sự nổi trội của Hoàng Đình Tài ở nhịp điệu của đời sống tràn lên mặt sơn, náo nhiệt và rạo rực sức trẻ, khác hẳn những người đi trước với những cụm tranh “Nhảy múa”, “Tình yêu” hay “Nhạc rock”... Thật thú vị, tất cả mọi sự mới lạ đó lại bắt đầu từ những người thợ sơn của làng Hạ Thái này.
 

3- Theo hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, tôi đi dạo trên đường làng hướng tới ngôi đình và đền thờ, bên đầm sen đỏ rực vào ngày hè tháng sáu. Một cô gái đang chèo thuyền hái những bông hoa sen ngát hương. Tôi bất chợt nhớ đến bức tranh sơn mài “Thiếu nữ bên hồ sen” của Nguyễn Gia Trí. Hương sen hay gương mặt trái soan dịu hiền của cô gái níu bước chân tôi. Dường như thời gian như ngừng lại. Gió cũng ngừng lại. Sóng hồ đứng lặng. Ánh nắng chan hòa tưới xuống cánh đầm sen như một tấm lụa bồng bềnh. Chỉ có ánh mắt cô gái là long lanh ngước nhìn lên. Tôi sững người vì trước mắt chính là một bức tranh sơn mài thiên nhiên ngàn đời Hạ Thái.

(Kiến thức gia đình số 8)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm