| Hotline: 0983.970.780

Nghề… đổi tiền rách

Thứ Ba 16/03/2010 , 11:01 (GMT+7)

Làm nghề này không khó, không cần nhiều vốn, chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp và trên dưới triệu bạc vốn, chủ yếu là các loại tiền có mệnh giá nhỏ, dắt lưng...

Lần đầu tiên được lĩnh tiền hưu bằng thẻ ATM, đi lĩnh về, ông Hoan, nguyên cán bộ xã Thuỵ Hương, bảo:

- Cái số tôi nó không may, có mấy trăm ngàn lương hưu, đi lĩnh bằng máy, vớ ngay phải tờ 100 ngàn bị rách. Giá như mọi tháng trước, nhận bằng tiền mặt do cán bộ xã phát, thì tiền rách là tôi bắt đổi ngay. Đằng này, chả nhẽ cãi nhau với cái máy. Tôi đành đem tờ tiền rách đến ngân hàng đổi, thì lại bị trừ mất bốn phần trăm, một trăm ngàn còn có chín sáu ngàn.

Tiền cotton ngày trước, dù rách rời hẳn ra nhưng nếu giữ được phần rách, gắn lại mang tiêu, người được trả vẫn nhận bình thường, còn nếu chỉ rách một phần nhỏ mà phần đó vẫn dính với phần lành thì…ôkê, người được trả tờ tiền rách đó sẵn sàng nhận để mang về gắn lại. Nhưng với tiền polyme thì khác hẳn, chỉ cần rách, dù phần rách đó vẫn dính lắt lẻo vào tờ tiền là không ai nhận nữa. Rách rời hẳn ra, mang gắn lại thì đừng hòng.

Mang đến, ngân hàng sẵn sàng đổi cho chỉ với tỷ lệ phí rất nhẹ nhàng là 4%, nhưng vẫn rất ít người mang đến ngân hàng đổi, một phần do không biết. Phần nữa, nếu là ở nông thôn thì có khi từ nơi ở đến ngân hàng cách xa hàng chục cây số, phương tiện đi lại không sẵn, mà đồng tiền rách thì không phải lúc nào mệnh giá cũng to. Vì thế, người ta sẵn sàng đổi tiền cho những người đi đổi tiền rong dù với một loại “phí” cao ngất ngưởng. Và thế là một “nghề” mới ra đời, nếu có thể gọi đó là nghề, đó là nghề đổi tiền rách lấy tiền lành, rồi người đi đổi lại mang những đồng tiền rách đó đến ngân hàng đổi theo đúng tỷ lệ quy định, lấy phần chênh lệch làm lãi.

Làm nghề này không khó, không cần nhiều vốn, chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp và trên dưới triệu bạc vốn, chủ yếu là các loại tiền có mệnh giá nhỏ, dắt lưng. Nhưng để tồn tại được bằng nghề, người đi đổi tiền phải có đức tính căn bản nhất, đó là chịu khó và có đủ sức khoẻ để…đi. Chị Liên, một người làm nghề đổi tiền, cho biết:

- Có xe máy thì còn đỡ, chứ đi bằng xe đạp như bọn em thì vất vả vô cùng. Cứ kẽo kẹt đạp xe la cà tận ngóc ngách những khu phố ở thành phố, thị xã hay những những thôn cùng, ngõ vắng ở nông thôn…Tính ra mỗi ngày đi dăm chục cây số đấy bác ạ. Ngày mát giời còn đỡ, chứ ngày nắng to thì cơ cực vô cùng. Rồi mưa dầm, gió bấc lại có cái cơ cực của mưa dầm gió bấc. Lắm hôm về đến nhà, hàm cứng ra, tay chân dại đi vì rét…

- Tỷ lệ đổi của các chị như thế nào?

- Hoàn toàn là theo thoả thuận thôi…

Những lời trên là chị vừa đi vừa nói chuyện với tôi. Tôi phóng xe máy chầm chậm còn chị đi xe đạp. Theo chị mấy cây số trong làng, chợt có người gọi đổi tiền, chị Liên rẽ vào, tôi vào theo. Người muốn đổi là một nông dân trên 50 tuổi:

- Tôi có tờ 50 ngàn bị thằng cháu nội nó xé đôi, có đổi được không?

- Đổi được, bác đưa đây xem nào.

Người đàn ông đưa ra tờ tiền có mệnh giá 50 ngàn rách đôi, đã được gắn rất khéo bằng băng dính. Cầm xem, người đổi tiền phán:

 - 50 ngàn này của bác rách đôi, còn lại 25 ngàn.

- Nhưng phần rách của tôi vẫn giữ được chứ có mất đi đâu?

- Giữ được hay không cũng vậy thôi bác ạ, vì bác có còn tiêu được nữa đâu. Nếu tiêu được thì gắn thế này, bác đã tiêu được rồi.

- Vậy chị đổi cho tôi bao nhiêu?

- Mười hai ngàn năm trăm đồng.

- Rẻ quá, tôi không đổi đâu.

Kỳ kèo một chút nữa, người đổi tiền đồng ý trả cho người có tiền rách 15 ngàn đồng. Nếu mang tờ tiền này đến ngân hàng, chịu lệ phí 4%, tương đương với 2 ngàn đồng, người đổi còn được 48 ngàn, trừ đi 15 ngàn, còn lãi 33 ngàn, một mức lãi không nhỏ. Tôi hỏi chị Liên:

- Với những đồng tiền bị rách mà phần rách bị mất, thì sao?

- Thì sẽ đổi thấp hơn. Ví như đồng 50 ngàn vừa rồi mà chỉ còn một nửa, thì mức đổi cao nhất chỉ là 10 ngàn đồng.

- Trong các loại tiền, tôi thấy tờ tiền có mệnh giá 20 ngàn hay bị phai nhất, có tờ phai hẳn một mặt đến mức không còn nhận ra chữ gì nữa. Những tờ đó có đổi được không?

- Được hết anh ạ, cũng tính như tiền rách vậy thôi.

- Có thể nói là các chị đi mua tiền rách trong dân chứ không thể gọi là đổi được, vì các chị chỉ trả cho người ta với một tỷ lệ rất thấp.

- Các anh gọi là đổi hay mua cũng được. Cái chính là với những người có tiền rách, thì những đồng tiền đó chẳng có giá trị gì. Đổi cho chúng em là họ nghĩ vớt vát được tý nào hay tý ấy thôi. Mà cũng chỉ là với những đồng tiền có mệnh giá thấp, cao nhất là đến 100 ngàn, còn những tờ 200 ngàn, 500 ngàn bị rách, họ đều mang đến tận ngân hàng đổi cả.

- Ngày nào cũng mang tiền rách đến ngân hàng đổi, các chị có phải “quan hệ” gì với các cán bộ, nhân viên ngân hàng không?

- Cũng chẳng phải gì đâu. Với lại có nhiều nhặn gì đâu bác. Đồng tiền liền khúc ruột, mấy ai để rách bao giờ? Ngày nhiều lắm thì đổi được dăm bẩy trăm ngàn (tính theo mệnh giá ghi trên những đồng tiền rách), thường thường thì chỉ vài ba trăm ngàn, không ít ngày đạp xe rạc cẳng mà chẳng được đồng nào. Với số tiền rách ấy, em giao cho nhà em một ít, các cháu mỗi đứa một ít mang đến ngân hàng đổi thành tiền mới. Rồi thì nay đổi ở ngân hàng này, mai đổi ở ngân hàng khác, như những người có tiền rách mang đến đổi bình thưởng thôi mà.

Không chỉ đổi tiền rách, hầu hết những người đi đổi tiền đều kiêm cả việc mua lại những công trái hay trái phiếu. Rất nhiều người là chủ sở hữu những loại tiền trên với mệnh giá từ trăm ngàn đến hàng triệu đồng nhưng chưa đến thời hạn lĩnh thì nhà có việc cấp bách cần chi tiêu, đành phải bán đi. Người mua tiền mua lại của họ nguyên giá gốc, có khi chỉ vài năm đã đến hạn lĩnh cả gốc cả lãi. Nhưng mua công trái hay trái phiếu chỉ là việc làm thêm, còn cuộc sống của họ hàng ngày, cơ bản vẫn là dự vào những vòng quay của những đồng tiền rách- lành-lành- rách…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm