| Hotline: 0983.970.780

Nghề săn lụi tàn và cái "dớp" của cá ông

Thứ Ba 12/03/2013 , 10:42 (GMT+7)

Có lẽ cả miền Bắc không ở đâu có mô hình đánh cá độc đáo như ở Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) khi xã có hẳn một liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu.

Có lẽ cả miền Bắc không ở đâu có mô hình đánh cá độc đáo như ở Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) khi xã có hẳn một liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu.

>> Chạm trán cá mập khổng lồ

Cá 7 tấn cũng bỏ đi

Trong cái hòm gỗ lim sâu tuổi ở gian buồng tranh tối, tranh sáng nhà ông Tiện cất 7 cheo lưới kỷ niệm trong đó 5 cheo lưới đánh cá sủ vàng, 2 cheo đánh cá mập. Các cheo lưới sau mấy chục năm bảo quản vẫn bền chắc bởi nó làm từ tơ Nhật, tơ Hàn Quốc. Hồi đó, một xí nghiệp thủy sản xuất khẩu ở Hải Phòng đã đầu tư máy, tơ cho ngư dân trả dần bằng đô la Mỹ hay vi cá mập.

“Phải cộp đủ 11 con dấu từ chính quyền xã, huyện đến trọng tài kinh tế thành phố chúng tôi mới được xí nghiệp đầu tư bởi họ đề phòng trường hợp ôm của vượt biên”, ông Tiện nhớ lại.


Đoàn thuyền đánh cá ở Lập Lễ.

Bộ lưới đánh cá mập là cả một gia tài, đáng giá hơn chục cây vàng gồm 38 cheo lưới, mỗi treo dài 30 sải (tương đương 50 m), dọc lưới bố trí hàng trăm viên đòi (tương tự như công năng của các hòn chì trong lưới đánh cá nhỏ) nặng chừng 3 kg được đúc bằng bê tông, có một lỗ nhỏ xỏ dây.

Kéo bộ lưới dài ngót 2 km ấy mất đến nửa ngày. Lưới được để qua một đêm, hôm sau mới vớt nên phần đa mập mắc lưới không thở được, càng giãy càng bị quấn chặt. Cũng có khi cả đoàn bạn thuyền của ông Tiện sững người khi vớt lên tấm lưới lên có một mảng thủng to bằng cái giường - ngang với kích cỡ thân của con cá mập trốn thoát.

Bộ vi cá mập quý nhất, đắt nhất ở cái tay chèo bởi tương truyền nó chứa sức mạnh của kình ngư. Vi cá mập giờ không mấy ai bán theo cân mà bán theo bộ. Một bộ giá từ chục triệu đến vài chục triệu tùy kích thước. Giới lắm tiền, nhiều của khi mua được vi cá mập về thuê hẳn đầu bếp riêng làm mà mắt lúc nào cũng mở chừng chừng vì sợ… đánh tráo.

Vi cá được chế biến bằng cách nhúng nước sôi, dùng bàn chải đánh, tách ra những sợi như sợi miến. Mỗi bát súp lõng bõng vắt vài sợi vi trị giá cả triệu đồng trong khi ông Tiện kể hồi trước mỗi chuyến ra khơi thường đem về vài bao tải vây, thỉnh thoảng nấu đặc như miến, húp đến phát ngán: “Có cái vây to như cái bàn uống nước. Việc cắt vây nhám cần cẩn trọng hết sức bởi da nó như giấy ráp, vô ý tì mạnh vào dễ gây thương tích cho người nên chúng tôi phải mặc quần áo dài kín mít”.


Quả đòi buộc vào lưới đánh mập.

Mãi sau này, khoảng những năm 1994, 1995, khi biển Đông đã cạn cá mập, nhà nhà ở Lập Lễ bán lưới đánh nhám, một số bạn hàng Trung Quốc mới cho ông Tiện biết mật cá mập là thứ trân quý được ví như gấu biển, còn quý hơn cả vi cá.

Tiếc thế, có những con cá mập khổng lồ mổ ra mật to như… cái phích Rạng Đông cánh ông hồi trước cũng chỉ vứt xuống biển hoặc cho không những người mua thịt. Sau thời đánh mập, ông Tiện chuyển sang đánh sủ vàng ở cửa Nam Triệu.

“Bóng con cá sủ vàng giờ trị giá hàng trăm triệu, thấy bảo để làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật nhưng hồi đó chúng tôi chỉ phơi khô, rồi rang với cát cho phồng lên, cho vào nồi nấu măng, miến. Bóng sủ ăn dai và ngon cỡ… bóng bì lợn. Con sủ vàng lớn nhất đời tôi bắt được nặng đến 54 kg”, ông Tiện kể.

Năm 2000, biển hết sủ vàng, ông Tiện cũng rời xa nghề chài lưới.

Đến tận giờ, con cá kỷ lục nhất của cả Hải Phòng thậm chí cả miền Bắc đánh được thuộc về thợ săn Nguyễn Đức Lời ở xóm Đường Trưỡng xã Lập Lễ, đó không phải là cá mập mà loài cá có cái tên rất đỗi lành hiền: nhu mì. Nhu mì thuộc giống cá voi, không có răng nhọn để cắn xé mồi như kình, như mập mà chỉ có cái hàm sụn dạng răng lược chuyên hút tảo, giáp xác vào miệng rồi phun nước qua bộ răng để lọc thức ăn ở lại.

Ông Đinh Ngọc Giảng, bạn câu của ông Lời, kể lại: “Khi ông Lời đánh được con cá nhu mì nó đã chết. To quá, không lôi được lên khoang nên hai cái thuyền lắp 4 máy Nhật kẹp nó ở giữa mà lai dắt. Cái đầu rộng của nó sắp được hai mâm ngồi uống rượu thoải mái. Cái mồm của nó trễ ra, rộng trên 2 m, nước biển cứ chảy vào cản thuyền đi không nổi nên chúng tôi phải dùng mỏ neo ngoặc vào cho nó ngậm lại. Lồng 12 đường dây neo to bằng ngón chân quanh con cá nhu mì lai dắt, về đến bến cá Nhà máy chai ở Hải Phòng dây đã đứt gần hết vì lớp da xù xì của nó cọ vào.

Dân xúm đông, xúm đỏ đến xem nhưng chẳng ai mua vì biết đấy là cá voi. Con cá cân nặng trên 7 tấn nhưng các nhà khoa học thủy sản chỉ trả giá có 500.000 đ để về ướp xác. Tiền ấy không đủ mua chỗ dây chão đã bị đứt hết nên chúng tôi tức quá thả trôi. Nó trôi đến đâu, đăng đó của dân ngả rạp, nát hỏng đến đấy”.

Ở khu vực phao số không của Hải Phòng thời chống Mỹ có nhiều trường hợp bộ đội rà phá thủy lôi bị cá mập nuốt, máu các anh đỏ tràn ra giữa biển xanh ngằn ngặt.

Kể từ dạo vô tình đánh được con cá nhu mì, vận làm ăn của ông Lời ngày càng lụi bại. Đang neo thuyền ở đảo tự nhiên thuyền đâm vào núi vỡ tan dù không có sóng to, gió lớn. Đổi qua đổi lại làm chụp mực, nuôi lồng bè, thả nhuyễn thể nhưng như một cái “dớp”, vận đen liên tục xảy ra với ông. Không chỉ ám quẻ đường làm ăn, người thân của ông Lời còn liên tục bị ốm, có người nằm liệt giường liệt chiếu cả chục năm.

Dân Lập Lễ bảo ông Nguyễn Đức Lời đã phạm vào điều tối kị là đánh phải cá ông, khi “ngài” lụy không lập đền thờ mà còn đem rao bán.

Liên tập đoàn đánh cá

Có lẽ cả miền Bắc không ở đâu có mô hình đánh cá độc đáo như ở Lập Lễ khi xã có hẳn một liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng liên tập đoàn, bảo với tôi lịch sử của tổ chức mình đã được 30 năm. “Mỗi xóm trong xã chuyên đánh một loại cá thì phiên chế thành một tập đoàn như lưới thu, lưới nhụ, lưới mòi, lưới nhám… Hồi mới thành lập chúng tôi có trên 200 chiếc thuyền buồm, thuyền nan sau này mô hình vươn khơi đánh bắt xa bờ được cả ngành thủy sản học tập cũng bắt nguồn từ đây khi dân Lập Lễ đi khắp vịnh Bắc Bộ, vươn ra Bạch Long Vĩ vào tới cả Phú Quý.

Phát triển hùng mạnh nhất là những năm 1998-2007 với trên 300 tàu đánh bắt xa bời, sản lượng 14-15.000 tấn/năm. Mấy năm gần đây, giá nhiên liệu, vật tư, công lao động tăng, hiệu quả kinh tế nghề biển kém. Năm 2011, 2012 dân chúng tôi mỗi năm lỗ trên 100 tỉ đồng”.

Mục đích khi thành lập tập đoàn nghề cá là lo giấy tờ, thủ tục hành chính cho ngư dân khi đóng mới, đăng ký, đăng kiểm, tổ chức mở lớp thuyền trưởng, máy trưởng, lớp tập huấn cho ngư dân, lớp tuyên truyền an ninh biên giới... Tập đoàn đã hình thành tổ khai thác đoàn kết của gia đình, dòng họ, hình thành cả một trung đội dân quân bám tàu, bám biển, bảo vệ những cột mốc xanh ngút ngàn giữa trùng khơi.

Với cơ cấu rất nhỏ gọn chỉ 3 người, một trưởng, một phó, một nhân viên mà phụ cấp của Chủ tịch tập đoàn vẫn chỉ khiêm tốn 830.000 đồng/tháng.

Có lẽ đây là vị CEO lương "còm" kỷ lục của Việt Nam?!

Nói chuyện đi biển, ông Cự nén tiếng thở dài: “Biển cả giờ chỉ mênh mông với nhà văn, nhà thơ thôi bởi mật độ khai thác quá đông lại đánh bắt lung tung chẳng có thời gian cho biển nghỉ. Có lẽ ta cũng phải định hướng mỗi năm, mỗi mùa cho khai thác bao nhiêu rồi nghỉ, thời gian nghỉ ấy nhà nước hỗ trợ cho các gia đình ngư dân ở mức sinh hoạt hợp lý. Một mặt ta ra lộ trình giảm bớt thuyền nhỏ khai thác ở cửa sông, ven bờ mặt khác hỗ trợ đóng thuyền lớn xa bờ mới mong tồn tại được. Biển của ta, chủ quyền của ta mà không có ngư dân thì cũng khó giữ”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm