| Hotline: 0983.970.780

Nghề “ướt…”

Thứ Hai 09/01/2012 , 12:33 (GMT+7)

Vượng hơn bốn mươi tuổi, người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), làm cái nghề mà anh gọi là nghề “ướt… ấy” đã hơn chục năm nay. Đó là nghề kéo cá thuê...

"Người ta cứ bảo chồng ướt… cái ấy thì vợ sái hàm, nhưng chúng em ướt quanh năm mà vợ con vẫn nheo nhóc, bác ạ". Run cầm cập vì vừa phóng xe máy mấy chục cây số dưới mưa trong cái rét mười một độ, dừng xe, sà vào lều coi cá, vừa với cái điếu cày, anh Nguyễn Ngọc Vượng vừa “trần tình” với chúng tôi như vậy.

Vượng hơn bốn mươi tuổi, người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), làm cái nghề mà anh gọi là nghề “ướt…ấy” đã hơn chục năm nay. Đó là nghề kéo cá thuê. Cuối tháng 10 âm lịch trở đi là mùa làm ăn của những người như anh. Quanh năm đều có việc nhưng mà thưa thớt, các chủ đầm có kéo cá cũng chỉ phần lớn là đánh tỉa thả bù (đánh cá lên, chọn những con lớn bắt đem bán, bắt bao nhiêu con thì thả tiếp xuống đầm bấy nhiêu con cá giống).

Cuối tháng 10 âm lịch trở đi mới là lúc tận thu. Càng gần tết nguyên đán, công việc càng dồn dập, có hôm cả ngày lẫn đêm “chạy xô” kéo thuê cho 3 chủ đầm, chủ yếu là những chủ đầm cá đặc sản như cá trắm đen, cá chép, cá quả…, lúc đó họ mới tung hàng ra phục vụ tết. Đêm nay, nhóm của anh kéo cá thuê cho một chủ đầm ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đầm rộng hơn 10 mẫu Bắc bộ, có hình thế giống như một con sông hình chữ U bao quanh một gò đất. 

Trời rét cắt da nhưng những người kéo cá thuê vẫn phải ngâm mình dưới nước lạnh

Nghề của Vượng, ngoài mấy thứ trang bị đơn giản như bộ quần áo lội nước, cái xe máy ra, thì thứ quan trọng nhất là sức khỏe. Có khỏe mới thức được hàng chục đêm liền, các chủ đầm, chủ hồ bao giờ cũng đánh cá vào quãng 3 giờ đêm, để sáng ra cá đến các chợ còn sống, nếu dân Hà Nội đánh ô tô lên lấy cá chở về các chợ đầu mối, thì phải kéo lưới từ 1 giờ đêm. Có khỏe mới kéo nổi những tấm lưới dài mấy trăm mét, giềng dưới đính cả trăm cục chì, lúc kéo, chì vùi sâu dưới bùn, cào hàng tạ bùn vào lưới. Vượng bảo:

- Em không phải kéo cày thay trâu, chỉ được nghe các cụ kể lại, nên không biết kéo cày thay trâu nó cực nhọc đến thế nào. Nhưng kéo lưới như bọn em thì không thể nói thế nào cho hết cái vất vả. Giềng lưới trên vai, lưng cong lại, người gập xuống, cứ thế mà nhoài đi trong bùn.

Mấy anh em trong nhóm của Vượng đã đến đủ, năm người tất cả. Đây là đầm lớn nên phải năm người, mỗi đầu lưới 2 người còn 1 người “dự bị” để làm những việc lặt vặt và nếu người kéo nào mệt thì thay phiên, những đầm nhỏ chỉ hai người là đủ. Ông “cai bờ” (người bao thầu tất cả số cá đánh được với chủ đầm, chủ hồ, phân phối cho những người nhận cá đi bán lẻ) cũng đã đến.

Tiếp theo là đoàn quân buôn cá. Người nào hai bên yên xe máy cũng có hai cái sọt sắt trong lót ni lông, phía trước xe là một bình ắc quy lớn, đó là nguồn điện dùng chạy máy sục khí. Đổ nước vào sọt, trút cá vào, bật công tắc máy sục, cá có thể sống được cho đến khi nào ắc quy hết điện, máy sục ngừng hoạt động. Chủ đầm ra lệnh:

- Bắt đầu đi!

Cánh thợ kéo lưới tới tấp mặc những bộ áo liền quần, liền ủng bằng nhựa dùng lội nước. Tôi đùa:

- Ngày xưa các cụ không có loại quần áo này, mới phải ướt… ấy. Bây giờ các ông có lội cả ngày thì… ấy vẫn khô nguyên.

Thao, một thanh niên trong nhóm của Vượng, nhanh mồm:

- Chỉ khô được từ rốn trở lên thôi bác ạ. Ven đầm, ven hồ là nơi đầy các thứ tạp pí lù nào mảnh bát, mảnh sành, cả mảnh chai thủy tinh vỡ và đủ loại gai góc, vô ý một tý là nó làm rách, làm thủng quần khiến nước chẩy vào ướt người ngay. Một bộ quần áo mới, chỉ giữ được dăm bữa nửa tháng là rách hay thủng quần.

Một người khác xen vào:

- Rách quần, nước ngấm vào đã khổ vì rét, nhưng khổ hơn nữa là ngứa. Đầm hồ nào bây giờ cũng lợn gà ở trên, cá ở dưới, cá ăn phân lợn, phân gà không hết, nên nước bị ô nhiễm. Đánh cá về, tắm cả tiếng đồng hồ, xát xà phòng đi xát xà phòng lại mà vẫn ngứa, gãi đến rách da rách thịt không hết ngứa…

Chỉ nửa tiếng, tấm lưới dài đến hai trăm mét đã giăng ngang đầm, họ bắt đầu kéo. Nhìn họ kéo mà thương. Người kéo giềng trên lưng cong lại, người gập xuống, hai tay ghì chặt dây giềng trên vai, chật chưỡng bước đầy khó nhọc, còn người kéo giềng dưới thì ngồi hẳn xuống, hai tay ghì dây giềng sát bùn, lết người đi. Tấm lưới họ kéo là loại lưới có túi, cái túi lưới như thể cái lờ to, dài đến 5 mét, kéo lê thê giữa đầm. Trong túi đã thấy bùng nhùng vì cá trong đó thúc lên. Kéo loại lưới này an toàn hơn, ít bị nạn cá nhẩy.

Trước đây chưa có loại lưới này, cá cứ vướng lưới là lao ngược lại, nhẩy vọt lên. Con trắm cỏ hay con trôi, con cá quả hai ba cân, một khi tung mình nhẩy lên thì rất mạnh. Nhiều người kéo lưới đã bị những chú cá nhẩy thúc mõm vào ngực, vào bụng, vào mặt làm tối tăm mặt mũi. Có người bị con cá quả ba cân nhẩy thúc vào ngực bật ngửa, tức thở, phải đi cấp cứu, có người đã bị cá nhẩy thúc mõm vào mắt suýt mù…

Đời kéo cá thuê nhiều cực nhọc

Còn những người làm nghề “ướt…ấy” như anh Vượng, hỏi một đêm đánh cá thế này được bao nhiêu? Đáp rằng mùa rét được 120 ngàn, mùa hè chỉ một trăm ngàn. Hảo tâm ra thì chủ đầm cho thêm mỗi người một cân cá, về kho lên cho vợ con ăn cũng được hai ngày.

Gần đến bờ, công việc càng nặng nhọc hơn. Tất cả hối hả rút lưới, cho đến lúc tấm lưới bị thu hết lại, chỉ còn cái túi trong lúc nhúc những cá là cá, thì hai người giữ hai bên miệng túi, một người nâng giềng trên miệng túi cho hai người thò vợt vào xúc cá đổ ra những chiếc thuyền tôn nhỏ lưng lưng nước hay chuyền cho những người trên bờ. Khổ nhất là lúc này. Hàng ngàn con cá quẫy lộn trong miệng lưới nghe rào rào như cơm sôi, làm bắn tung tóe lên mặt, lên người họ một thứ nước bùn đục ngầu lẫn cả nhớt cá tanh ngòm. Chẳng mấy chốc, mặt họ ròng ròng nước.

Ông “cai bờ” luôn mồm xướng tên, gọi lần lượt từng người nhận cá bán lẻ vào lấy cá. Những vợt cá xúc từ dưới thuyền hay trong túi lưới được đặt lên cân, ông “cai bờ” nhìn mã cân, chủ đầm ghi từng tên người, số lượng từng mã cân vào sổ. Mỗi cân cá giao cho người nhận cá đi bán lẻ, ông cai thu 500 đồng từ họ. Một buổi đánh cá, chủ đầm thu một tấn, ông đã có 500 ngàn đồng đút túi, dẫu chỉ đứng chơi không. Với những đầm hồ nuôi cá đặc sản, mỗi cân ông thu 1.000 đồng. Chủ đầm bảo:

- Không có những ông cai này thì không xong. Mỗi cai có một đội quân bán cá lẻ. Thống nhất ngày đánh cá với chủ đầm xong, họ huy động đội quân ấy đến. Cũng có cai chuyên đổ cá cho ô tô đưa về Hà Nội. Khi nào dưới ấy gọi điện lên, họ mới đi “làm việc” với các chủ đầm…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm