| Hotline: 0983.970.780

Người đi 'xin' giỏi nhất Thủ đô

Thứ Hai 30/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Không xin cho mình, cho họ hàng mà anh xin cho làng, cho xã. Từ cái nho nhỏ như ghế đá, cây xanh, cái nhơ nhỡ như đường điện, trang thiết bị y tế đến cái ngoài sức tưởng tượng của nhiều người: cây cầu ngót 68 tỉ.

Sùm sụp tựa… xe ôm

Anh Đinh Quang San đương kim Bí thư xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hồi ấy là Chủ tịch xã. Quê anh, chiêm trũng đồng sâu, nắm giữ nhiều kỷ lục buồn: 1 trong 42 xã nghèo của thành phố, 1 trong 3 xã nghèo nhất của huyện Ứng Hòa.

16-29-29_dsc_0951
Anh Đinh Quang San

Nằm ở cuối Hà Nội, giáp Hà Nam, Đông Lỗ gần như trở thành một khúc ruột thừa nhức nhối với không tỉnh lộ, không trung tâm thương mại, không nhà văn hóa, trường trạm, trụ sở đều xuống cấp trầm trọng.

Cấp một học chung với cấp hai với ba ca sáng, trưa, chiều. Mầm non phân tán thành 7 điểm, có nơi rộng chưa tới 100m2, choen hoẻn không khác gì kho phân đạm, phân lân thời HTX.

Chỉ cách một bờ sông, bên kia là Hà Nam đường nhựa, đường bê tông, nhà cửa đẹp đẽ, đêm đêm điện đóm sáng choang còn bên này xập xệ, tối tăm.

Đã thế đường liên thôn, liên xã của Đông Lỗ chỉ toàn đất đá, sau mưa cả tháng chưa khô nước dưới ổ trâu, ổ bò khiến cho nhiều bận dân Hà Nam sang còn nói mát: “Hà Nội mà thế này à? Có khi 6 tháng các bác không cần rửa xe ấy nhỉ?”.

Lời nói mát khiến cho cả dân lẫn lãnh đạo nóng rực người vì tự ái. Hà Nội không thể bị chê, vì “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Khi huyện chọn một nơi nghèo là Đông Lỗ để phát động xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã vừa mừng vừa run. Trong khi nhiều nơi đạt mươi, mười lăm tiêu chí còn e ngại đằng này mình chỉ trơ khấc hai tiêu chí, lại toàn những thứ không cần tiền, cần hạ tầng là an ninh và chính trị.

Những di sản kế truyền là truyền thống khu Cháy anh hùng thời chống Pháp, là phong trào bèo hoa dâu điển hình toàn quốc thời miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ được trông đợi nhất là đất nhưng ở Đông Lỗ nó chẳng khác nào… bùn vì chỉ 500.000 - 1 triệu đồng/m2 mà còn bị chê ỏng, che eo không thể đấu giá. Trong khi theo dự án xã phải huy động 40% tương đương 70 tỉ đồng nhờ đất.

Không còn cách nào khác buộc phải trông mong vào việc xã hội hóa mà nói thẳng ra là đi xin. Xin từ thành phố, huyện đến doanh nghiệp hay các con em thành đạt xa quê. Nhiều bận đích thân Chủ tịch xã cũng phải vào cuộc.

Lúc anh bắt xe khách, xe buýt, khi lại “vi hành” bằng xe máy vượt dăm chục cây số lên tận nội thành để vận động. Nhiều buổi đường xa, trời mưa, mũ áo sùm sụp, thiên hạ cứ nhầm anh là… xe ôm.

Gõ cửa từng nhà anh rủ rỉ: “Tôi là Chủ tịch xã nhà… Quê hương đang có nhiều đổi mới. Đợt này xây trường học cho các cháu nhưng xã nghèo, ngân sách khó khăn, đất đai không bán được, đóng góp của dân cũng đã nặng nề, huy động tất tật vẫn không được bao nhiêu. Anh có điều kiện thì hỗ trợ cho xã!”.

Có người vừa nghe xong đã đốp luôn: “Việc này là của chính quyền”. Nuốt tự ái vào trong, anh đến thêm hai bận nữa để thuyết phục: “Anh không cho được xã thì cho thôn nhà anh vậy”.

Trong suốt dặm dài vận động, lắm khi anh Chủ tịch phải chơi cả bài khích tướng: “Như ông A, bà B ủng hộ làm sân vận động, làm đường điện chiếu sáng, trang thiết bị y tế còn bác xem ủng hộ cái gì?”.

Vậy là ít người có thể từ chối mà đều vui vẻ cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc làm đẹp cho quê hương.

Ngân sách trên xây cho ba trường chuẩn và cái trạm xá nhưng cũng chỉ được mỗi cái vỏ còn thiếu thốn đủ bề nên anh lại cùng cô hiệu trưởng đến gặp bà Nguyễn Thị Loan vận động: “Các cháu đang khó khăn trong việc ăn ở bán trú, mong bà giúp đỡ cho toàn bộ nồi niêu, xoong chảo, bát đũa”.

16-29-29_dsc_0923
Trường mầm non Đông Lỗ

Thương cho thế hệ măng non nên bà đã xuất ra 100 triệu đồng sắm sửa. Sư thầy Thích Thanh Tiến chùa làng ủng hộ toàn bộ chăn màn cho trường học. Anh Dương Văn Thưởng ủng hộ toàn bộ cây xanh khuôn viên, máy móc y tế trị giá hàng trăm triệu cho trạm xá. Anh Đào Văn Chính ủng hộ hơn 100 triệu nâng cấp sân vận động.

Thành quả lớn nhất của anh là xin được hẳn một cây cầu bắc qua sông Nhuệ nối thôn đảo Thống Nhất với xã hội bên ngoài thay cho cây cầu khỉ.

Trước đây, mỗi khi chứng kiến cảnh các cháu học sinh phải dắt xe đạp, người già run run từng bước qua cây cầu ọp ẹp lòng anh se thắt lại.

Thương lắm! Ngàn đời nay dân đôi bờ chẳng dám mong ước một cây cầu bởi giá trị của nó quá lớn. Thế nên biết tin anh làm đơn kiến nghị xin xây cầu, nhiều người mỉa mai: “Bắc qua có một làng chẳng ai lại đồng ý đâu!”.

Khi 5 sở, ban ngành về khảo sát, anh thuyết phục: Cây cầu không chỉ nối liền với một thôn mà còn nối ba huyện của hai tỉnh thành thông thương được với quốc lộ.

Nghe có lý, có tình nên các sở, ban ngành gật đầu cái rụp nhưng buổi thi công, chi bộ thôn cùng dân chúng vẫn nhất mực không tin nên hầu như chẳng ai thèm hé mắt.

Giờ cầu mới đang thành hình, rộng 8 m, dài 133 m, 4 nhịp, trị giá 68 tỉ thì ai nấy hồ hởi lắm. Ông Nguyễn Công Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, một người dân trong thôn bảo rằng đó chính là cây cầu của hạnh phúc.

Khắc tên mỗi ghế đá, hàng cây

Xã vận động những ông, bà chủ lớn còn thôn lập ra các ban vận động hội đồng hương xa quê ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội thậm chí cả nước ngoài.

Toàn bộ đóng góp xã không trực tiếp quản lý mà giao cho các tiểu ban thôn tổ chức khảo sát, dự toán, thi công dưới sự giám sát của toàn dân xong xuôi mới nhận bàn giao công trình.

16-29-29_dsc_0942
Thế hệ măng non của Đông Lỗ được chăm lo

Chính vì thế từ cái bóng điện, cân xi măng, viên gạch, đoạn sắt đều không hề bị sơ sảy. Chính vì thế mà người người, nhà nhà nô nức đóng góp, hơn 20 người ủng hộ từ trên 100 triệu trở lên, còn số 5-10 triệu có hàng trăm cũng không tính xuể.

Trước Đại hội, nhiều truyền đơn nặc danh được rải tố Chủ tịch xã làm NTM có nhiều "màu" nhưng rốt cuộc anh vẫn đạt 98% số phiếu để trúng cử Bí thư.

Trước đây đường làng chang chang nắng vì trống vắng cây xanh nay vận động mỗi nhà góp cây cùng trồng, cùng chăm sóc, thi xem ai tốt hơn, xanh hơn.

Thôn nào trồng được nhiều cây xanh, có nhiều ghế đá hóng mát, cá nhân nào đóng góp nhiều của, nhiều công được xã biểu dương qua các hội nghị tạo thành một cuộc chạy đua thực sự.

Bà Trần Thị Hường, một người con xa quê tài trợ hệ thống điện thắp sáng cho thôn Đào Xá trị giá vài chục triệu, khi lên bục phát biểu đã khóc. Những giọt nước mắt lăn dài ướt nhòe cả trang giấy.

“Về đợt này tôi thấy quê hương thay đổi nhiều quá, không nhớ được. Xa quê mải làm ăn, đóng góp vài chục triệu cho làng xóm đã nghĩ là to nhưng về mới thấy là quá nhỏ bé với những công trình của xã, của thôn đã làm. Lần sau xã thôn có xây dựng cái gì tôi xung phong xin được ủng hộ trước”, bà Hường nói.

Đường làng phẳng phiu, đường liên thôn, liên xã rộng đẹp như quốc lộ. Các công trình lớn đã đành, mỗi ghế đá, hàng cây, lan can hồ ao đều gắn với những cái tên của người đóng góp. Để giờ đây, làng quê xanh mát tựa công viên, gió đồng, gió ao, gió hồ thi nhau thổi.

Xin được nhiều nhưng trong phòng ông Chủ tịch lẫn Bí thư xã vẫn một bộ bàn ghế salon mút từ đời nảo đời nào mua chỉ 1,5 triệu đồng nay có cho người ta còn mắng, vẫn chiếc tủ tôn, tủ gỗ ép ọp ẹp rẻ tiền.

Nhưng những thứ đó có đáng phải bận tâm khi Đông Lỗ thực hiện 19/19 tiêu chí, xã khiêm tốn tự chấm 92,5 điểm nhưng huyện về chấm 96 điểm, thành phố về chấm 98/100 điểm, cao vào loại nhất của Hà Nội mà lại không nợ một đồng nào.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm