| Hotline: 0983.970.780

Nhiều đối tượng gây hại xuất hiện trên trà lúa xuân Nghệ An

Thứ Hai 13/02/2017 , 14:35 (GMT+7)

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, đến giữa tháng 2/2017, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 80.000ha lúa xuân.

Cây lúa đang trong thời kỳ mới gieo cấy, đẻ nhánh rộ nhưng đã xuất hiện nhiều đối tượng gây hại, có nguy cơ lan trên diện rộng. Người dân và ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực các biện pháp phòng, trừ.

Chúng tôi gặp ông Hồ Văn Thưởng khi vợ chồng ông đang tất bật giăng nilon ngăn chuột phá hại bao quanh ruộng lúa xuân trên cánh đồng gần trung tâm UBND xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu). Ông Thưởng cho biết, chưa năm nào chuột xuất hiện nhiều và gây hại nặng như năm nay. Mặc dù người dân đã dùng đủ các biện pháp như đánh bắt thủ công, bả sinh học, giăng phủ nilon chắn đường chuột vào ruộng nhưng vẫn không ăn thua.

lu-bi-cn-gy-ngon-ngng-giu-ruong102114189
Lúa bị cắn gãy ngổn ngang giữa ruộng
 

“Trước vụ đông, xã giao chỉ tiêu đánh bắt chuột là 4 con/sào lúa, số lượng đánh bắt được nhiều vô kể nhưng không hiểu sao đến vụ xuân, chuột vẫn không giảm. Nhìn gần bờ không ai biết chuột cắn phá nhưng ra giữa ruộng mới thấy lúa bị cắn gãy ngổn ngang, nóng ruột lắm! Người dân đã dùng đủ mọi cách để diệt chuột nhưng vẫn không xuể”, ông Thưởng cho biết.

Theo quan sát của PV, trên các cánh đồng của xã Quỳnh Yên, nhiều gia đình đã phải sử dụng nilon phủ mạ để chắn quanh các ruộng lúa. Lượng bả sinh học bà con dùng để diệt chuột trên các bờ vùng, bờ thửa rất nhiều nhưng chuột ăn bả rất ít; lúa giữa ruộng vẫn bị cắn phá, gây hại nham nhở.

Toàn xã Quỳnh Yên có 348ha lúa xuân thì hiện nay đã có 247ha bị chuột gây hại với tỉ lệ 5 15%. “Chúng tôi đã tổ chức diệt chuột đợt 1 với số lượng chuột bị diệt lên đến gần 30.000 con và đang tiếp tục chỉ đạo diệt chuột lần 2. Nếu không có biện pháp diệt chuột hữu hiệu thì năm nay lúa xuân sẽ bị chuột phá sạch”, ông Hồ Đức Luyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang cho biết.

Vụ xuân năm 2017, huyện Quỳnh Lưu gieo cấy 7.550ha lúa. Theo ghi nhận của PV, hiện nay lúa xuân tại một số xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Giang, Quỳnh Yên... đang bị chuột phá hoại, gây hư hỏng khá nặng với tỷ lệ dảnh bị hại từ 10 - 15%. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, chuột còn phát sinh, gây hại với tỷ lệ 5 - 7% dảnh bị hại tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, TP Vinh…

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa; thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại...

Ngoài chuột, các địa phương ở Nghệ An còn phải đối diện nhiều đối tượng gây hại lúa xuân khác. Toàn tỉnh hiện có 109,7ha lúa xuân thời kỳ bén rễ hồi xanh - đẻ nhánh bị ốc bươu vàng tấn công, gây hại, tập trung tại các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Nam Đàn, Yên Thành,... tỷ lệ hại nơi cao 10 -15%, cục bộ 30 - 40% dảnh bị hại. Tại huyện Anh Sơn, trong số 3.348ha lúa xuân hiện đã có 34ha bị ốc bươu vàng phá hoại tập trung ở các xã Khai Sơn, Phúc Sơn, Bình Sơn, Lĩnh Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn với mất độ trung bình từ 0,5 con/m2, nơi cao từ 1 - 3 con/m2, có nơi cục bộ 6 con/m2.

Hiện nay, người dân các huyện đang chủ yếu tiêu diệt ốc bươu vàng bằng các phương pháp thủ công như bắt bằng tay, đào rãnh hai bên để làm khô nước; bỏ các loại váng sắn, váng khoai dụ ốc lại một chỗ để bắt; một số sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ.

Bọ trĩ, tuyến trùng rễ, dòi đục nõn... cũng đã phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ tại một số địa phương. Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên 50,5 ha lúa thời kỳ đẻ nhánh tại huyện Hưng Nguyên, TP Vinh với tỷ lệ bệnh nơi cao 10 - 15%, cục bộ 30 - 40% lá bị hại.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, trong thời gian tới, điều kiện thời tiết có thể ấm, xen kẽ các đợt không khí lạnh ẩm độ không khí cao kèm theo mưa là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, lây lan gây hại đặc biệt trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, gieo cấy giống có mức độ nhiễm cao như Xi23, IR1820, Xi30, BC15,... Các đối tượng như rầy các loại, bọ trĩ, ốc bươu vàng, chuột hại, bệnh thối mạ, tuyến trùng rễ tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ tại một số vùng.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất