| Hotline: 0983.970.780

Những cây cầu "xóa nợ"

Thứ Ba 27/09/2011 , 10:40 (GMT+7)

Do nhiều năm qua, 2 cây cầu này trở thành nơi tự tử của nhiều người vì chán đời, vì mất mát, nợ nần tiền bạc…, mà từ lâu đã bị chết danh là cầu “xoá nợ”.

Ở Đông Nam Bộ có 2 cây cầu khá bề thế, có tên tuổi đàng hoàng, nhưng do nhiều năm qua trở thành nơi tự tử của nhiều người vì chán đời, vì mất mát, nợ nần tiền bạc…, mà từ lâu đã bị chết danh là cầu “xoá nợ”.

1. Cầu Hoá An là một trong những cây cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai, nằm trên tuyến QL 1K, kéo dài từ TP Biên Hoà (Đồng Nai) qua thị xã Dĩ An (Bình Dương) rồi tới quận Thủ Đức (TP HCM). Bởi thế, gần như lúc nào cây cầu này cũng nhộn nhịp người xe qua lại. Lượng xe cộ lưu thông qua cầu nhiều tới mức mà vào cuối năm ngoái, Nhà nước đã phải bỏ ra trên ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng một cây cầu Hoá An mới dài 1,3 km, rộng 14 m, nằm song song và cách tim cầu cũ gần 15 m về phía hạ lưu.

Người xe qua lại nhộn nhịp là thế, vậy mà từ nhiều năm nay, cây cầu này lại là nơi mà rất nhiều kẻ chán đời tìm đến tự tử. Anh Nguyễn Thành Trung, một ngư dân của làng chài Hoá An, lý giải: “Lan can cầu không cao như những cây cầu khác. Vì thế, người có ý đồ tự tử, khi đi bộ ngang qua cầu có thể leo nhanh qua lan can rồi ùm một cái là đã ở dưới mặt nước, khiến cho những người khác đang qua cầu bị bất ngờ, trở tay không kịp”.

Cầu Hóa An

Ngoài 40 tuổi, Trung đã có 30 năm trời gắn bó với sông nước Đồng Nai quanh khu vực cầu Hoá An. “Là con nhà thuyền chài, khi mới hơn 10 tuổi, tôi đã bắt đầu theo nghề của gia đình”, Trung nhớ lại. Suốt mấy chục năm qua, ngày nào anh cũng rong ruổi trên quãng sông này cho cuộc mưu sinh. Mùa mưa, nước lớn từ thượng nguồn đổ về, ngầu đục màu đất, anh dùng một con thuyền nhỏ, giăng lưới, quăng chài bắt cá. Mùa khô, dòng nước trong hơn, anh cùng các bạn chài lặn xuống tìm bắt từng con tôm sông. Ngày xưa, cá tôm trên sông Đồng Nai còn nhiều, nghề hạ bạc (chài lưới) cũng không đến nỗi nào. Bây giờ, cá tôm khan hiếm, phải vất vả lắm, mỗi ngày Trung mới kiếm được chừng gần 200 ngàn đồng, vừa đủ chi tiêu cho cả gia đình.

Mưu sinh càng ngày càng khó hơn, nhưng Trung và những bạn dân chài khác như Nguyễn Tiến Dũng, Trần Quốc Dũng và Đặng Văn Nhu, vẫn sẵn sàng bỏ cả công việc để lao đi cứu vớt những người nhảy xuống sông tự tử ở cầu Hoá An. Trung bảo: “Người ta nhảy cầu tự tử ở đây nhiều quá. Mỗi khi có người nhảy cầu, những người khác ở trên cầu lại kêu cứu ầm lên. Chúng tôi dù đang đánh bắt cá trên sông hay đang ngồi trong nhà mình, nghe kêu cứu khẩn thiết như thế, không thể nào không lao ra cứu người”.

Từ năm 2010 trở về trước, năm nào nhóm của Trung cũng cứu được khoảng 5-6 người. Nhưng số không cứu được thì lớn hơn nhiều. “Có nhiều người nhảy cầu vào ban đêm. Khi chúng tôi hay tin, chạy thuyền ra tới nơi thì chẳng còn thấy tăm hơi đâu nữa. Chỉ còn nước chờ trời sáng đi mò tìm vớt xác lên thôi”. Kể đến đây, giọng Trung trầm hẳn xuống: “Có những người chết mấy ngày mới tìm được xác, toàn thân trương phềnh, trắng bệch. Có người khi vớt lên, mắt vẫn mở trợn trừng. Những lần như thế, là mình lại ám ảnh không biết bao nhiêu ngày đêm mới nguôi đi được”.

Những người nhảy sông tự tử ở cầu Hoá An, đến từ nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai. Phần nhiều trong họ mang tâm trạng chán đời vì thất tình, vì nghiện ngập, vì mâu thuẫn trong gia đình, vì nỗi đau bệnh tật... Bởi thế, dân Hoá An, dân Biên Hòa mới gọi cây cầu này là cầu “xoá nợ”, với ý nghĩa rằng đây là nơi đã có nhiều người tìm đến cái chết để xoá đi cái nợ đời. Nạn nhân gần nhất là một cụ ông đã ngoại 80, nhà ở ngay tại xã Hoá An. Không chịu nổi sự dày vò của bệnh tật, cụ đã lên cầu Hoá An gieo mình xuống sông Đồng Nai trong một ngày mùa thu năm ngoái.

Ngoài những người muốn “xoá nợ đời”, vào những mùa Wolrd Cup hay Euro trước đây, Hà Bá ngụ ở dưới chân cầu Hoá An còn có cơ hội đón thêm những kẻ đến “xoá nợ tiền”. Mùa Wolrd Cup năm ngoái, một đại gia ở Sài Gòn là ông T., do nhà cửa xe cộ đã bị đi hết vì thua độ, đồng thời mang nợ 800 triệu đồng mà không còn khả năng chi trả, đã nhảy cầu Hoá An. Ông T. được dân chài Hoá An cứu kịp thời, nhưng ông Q., người Biên Hoà, thua độ hơn tỷ đồng không thể trả nổi, thì …

2. Nói đến chuyện nhảy cầu để “xoá nợ tiền”, phải nhắc tới cầu Gò Dầu ở thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh. Trong những cây cầu bắc ngang qua sông Vàm Cỏ Đông, Gò Dầu có thể xếp vào hàng những cây cầu lớn. Trước đây, cây cầu này chẳng có biệt danh gì cả. Nhưng từ khi casino bắt đầu xuất hiện bên kia cửa khẩu Mộc Bài hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cầu Gò Dầu đã bị dân Tây Ninh gọi ngay là cầu “xoá nợ”.

Cái khổ của cầu Gò Dầu là nằm ngay trên con đường dẫn tới cửa khẩu Mộc Bài (cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia) và chỉ cách cửa khẩu này chừng mươi cây số. Khi các sòng bạc đua nhau mọc lên bên kia cửa khẩu Mộc Bài, dân Sài Gòn, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai…, ào ào rủ nhau lên Mộc Bài để qua bên kia biên giới hòng kiếm nhiều tiền bằng cuộc đỏ đen. Phong trào sang Campuchia đánh bạc cuốn theo không ít người dân huyện Gò Dầu, từ đại gia tới kẻ chẳng hề dư dật.

Chân cầu Gò Dầu, nơi “xoá nợ” của nhiều con bạc

Cứ nhắc tới chuyện đó, anh Trung, chủ một tiệm cà phê nằm gần sát chân cầu Gò Dầu, lại lắc đầu, cười buồn: “Có nhiều người trong túi chỉ có vài trăm ngàn cũng sang bên đó để vô sòng. Mà tôi chưa từng thấy ai thắng bạc. Người chơi ít thua ít, kẻ chơi nhiều thu nhiều. Ở đây ai cũng biết chuyện đại gia Y., từng làm chủ một cơ sở sản xuất đồ gia dụng lớn ở thị trấn này, chỉ sau mấy tháng sang Campuchia đánh bạc mà mất đứt gần chục tỷ đồng. Hay chuyện thằng M., năm ngoái lén lấy 20 triệu của nhà đi đánh bạc. Sau khi thua nhẵn túi, về ngang qua cầu Gò Dầu, thằng M. nhảy xuống sông tự tử luôn. Nhiều người nhìn thấy mà vớt không kịp”.

Người vớt xác người chết vì tự tử nhiều nhất ở cầu Gò Dầu, có lẽ là ông Nguyễn Văn Mèo. Ông Mèo là một lão ngư kỳ cựu, từng mấy chục năm đánh bắt cá ở khu vực cầu Gò Dầu. Ông bảo dưới chân cầu Gò Dầu có luồng xoáy, người nhảy xuống bị cuốn đi rất nhanh. Mặt nước dưới chân cầu Gò Dầu lại thường bị phủ kín bởi lục bình. Khi thấy có người nhảy xuống, dân sống sát chân cầu, dù có sẵn ghe xuồng ở đó, cũng không thể ra cứu kịp thời vì bị lục bình cản trở. Vì thế, 10 con bạc nhảy cầu Gò Dầu, may ra chỉ cứu được 1 người. Mà mỗi năm, có tới vài con bạc “xoá nợ tiền” ở cây cầu này, số chết đến giờ này, có lẽ đã tới vài chục rồi. Ông Mèo trầm ngâm nhắc tới tên tuổi, hoàn cảnh một số con bạc đã chết được ông vớt và nghe người nhà họ kể lại như đại gia K. ở quận 7 (TP HCM), nhảy cầu sau khi thua đứt gần chục tỷ đồng. Một thanh niên cũng ở TP HCM, nướng 2 tỷ đồng vào sòng bạc ở bên kia biên giới …

3. Từ cuối năm ngoái đến nay, ở cầu Hoá An chưa ghi nhận thêm một trường hợp tự tử nào. Dân chài Hoá An cho rằng có lẽ do cầu Hoá An mới đang được xây dựng ngay sát đó, công trường luôn có người và tàu bè túc trực, nên những người nghĩ dại đâm… ngại. Ở cầu Gò Dầu, ngoại trừ chuyện cụ ông nói trên, từ đầu năm đến giờ, cũng chưa có con bạc nào đến “xoá nợ tiền”. Dân Gò Dầu bảo từ khi hàng loạt Casino mới xuất hiện ở bên kia biên giới tỉnh Long An với Campuchia, dân ham mê đỏ đen ở Đông Nam Bộ đã chuyển địa bàn xuống dưới đó, khiến cho các Casino bên kia cửa khẩu Mộc Bài trở nên vắng khách. Có lẽ vì thế mà cầu Gò Dầu chưa có thêm con bạc tự tử.

Chẳng biết rồi đây, có nhờ thế mà cầu Gò Dầu sẽ thoát dần khỏi cái biệt danh cầu “xoá nợ” hay không? Và cũng chẳng biết rồi đây, ở vùng giáp biên giới của tỉnh Long An hay một vùng biên giới Tây Nam nào khác, có xuất hiện thêm câu cầu “xoá nợ” nào không?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm