| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện buồn hậu tái định cư: Trụ sở xã phải xuống... gầm sàn

Thứ Ba 22/07/2014 , 10:15 (GMT+7)

Điều vô cùng bất ngờ khi dòng điện của nhà máy thủy điện Bản Chát bừng sáng thì trụ sở UBND xã phải xuống gầm sàn. Hỏi ra mới biết EVN chưa vay được tiền để xây dựng trả các công trình đã di dời.../ Nguy cơ tái nghèo

Hai công trình thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát được xây dựng trên dòng suối Nậm Mu chảy qua huyện Tân Uyên và Than Uyên (Lai Châu), ngày 8/1/2006 khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Bản Chát, sau 6 năm xây dựng thì hồ được tích nước.

Điều vô cùng bất ngờ khi dòng điện của nhà máy bừng sáng thì trụ sở UBND xã phải xuống gầm sàn. Hỏi ra mới biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa vay được tiền để xây dựng trả các công trình đã di dời...

Nghịch lý không thể chấp nhận

Tháng 6/2012, công trình thuỷ điện Bản Chát bắt đầu tích nước chuẩn bị cho việc phát điện. Nhưng từ tháng 1/2007 bắt đầu cuộc di dân khổng lồ ở 11 xã, 71 bản với 3.619 hộ, trên 2,1 vạn dân sống dọc hai ven bờ dòng Nậm Mu phải di chuyển đến nơi ở mới.

Mở đầu cho cuộc di dân ấy là 106 hộ Bản Đốc và Bản Chát. Ròng rã 8 năm trời cho đến nay nhiều điểm tái định cư (TĐC) vẫn chưa xây dựng xong, cuộc sống của người dân vẫn chưa ổn định và đang gặp nhiều khốn khó.

Tháng 3/2011, tôi theo xe của Ban quản lý Dự án (QLDA) xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân huyện Tân Uyên tới hai xã Pha Mu và Tà Mít đốc thúc việc di dân ra khỏi lòng hồ trước khi mùa lũ tới.

Bản Sài Lương nằm cuối xã Tà Mít dựng bên dòng Nậm Mu xanh ngằn ngặt, cả bản có 73 nóc nhà của người Khơ Mú đang hối hả dỡ nhà để di chuyển trước khi lũ tiểu mãn về. Đã mấy năm rồi nhưng tôi không thể quên được hình ảnh anh Hoàng Văn Bun ngồi thẫn thờ nhìn xuống suối Nậm Mu chờ người tới dỡ nhà giúp.

17-17-29_h2
Hoàng Văn Bun tự tay dỡ ngôi nhà mình, phía dưới là dòng Nậm Mu xanh thẫm

Tà Mít là xã xa xôi và khó khăn bậc nhất của huyện Tân Uyên. Một vùng đất ngửa mặt lên chỉ thấy núi rừng, cúi mặt xuống thì thấy dòng Nậm Mu xanh đến nao lòng. Nhưng đối với Bun và những người dân đã sống vài đời ở đây thì mảnh đất này đối với họ vô cùng thân thiết, nay buộc phải ra đi nhường lại đất đai, ruộng nương và cả mồ mả tổ tiên cho hồ thuỷ điện khiến anh không cầm được nước mắt, cả gia đình anh đều đã khóc.

Anh quay sang tôi nước mắt lưng tròng, run rẩy nhặt chiếc rìu nậy từng thanh ván lát sàn gương mặt buồn hoang vắng. Nơi gia đình anh chuyển tới là điểm TĐC Cốc Nhủng trên đỉnh dốc Khau Riềng, Bun không thể hình dung nổi cuộc sống ở đó mai này sẽ ra sao? Bản Sài Lương của Bun đã vĩnh viễn chìm nghỉm dưới lòng hồ, giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Trở lại Tà Hừa lần này tôi phải men theo bờ hồ thuỷ điện Bản Chát, con đường dài gần 50 cây số xa gấp đôi so với con đường cũ. Những bản dưới cốt ngập đã di dời từ tháng 6/2012, kể cả trụ sở UBND xã, hai trường tiểu học và trung học, trạm y tế xã...

17-17-29_h3
Thuỷ điện Huội Quảng đang xây dựng thì người dân đã phải di dời

Anh Lường Văn Dũng, cán bộ Ban QLDA, chỉ cho tôi ngôi nhà sàn ven đường bảo: UBND xã Tà Hừa hiện đang thuê gầm sàn của dân để làm trụ sở...

Tôi theo Dũng vào trụ sở, nhưng hôm nay là ngày đại hội Hội Cựu chiến binh xã, ngoài trời nắng đang gay gắt còn phía trong “trụ sở” tôi chỉ thấy lờ mờ, ai đó đang đọc báo cáo công tác nhiệm kỳ, tiếng vị đại biểu đọc nghe rất rõ nhưng không nhìn thấy người, khiến tôi ái ngại quá vội lui ra.

Chiều quay lại, một cán bộ xã cứ mời tôi vào bằng được, anh than thở: Nhà báo ơi, anh vào đây để biết cán bộ xã chúng tôi phải làm việc dưới gầm sàn khổ như thế nào...

Không thể hình dung nổi một cơ quan quyền lực Nhà nước cấp xã mà phải chui xuống gầm sàn tối tăm làm việc thì cực như thế nào rồi. Không chỉ UBND xã, trạm y tế cũng phải thuê gầm sàn của dân để lấy chỗ làm việc.

Ông Bùi Văn Chính, Trưởng Ban QLDA Than Uyên, cho biết: Xã Tà Hừa kết thúc di chuyển cuối năm 2012, nhưng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiếu vốn nên trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường cấp I, II chưa thể xây dựng được...

Theo ông Chính, sơ bộ số tiền Tập đoàn nợ dự án xây dựng khu vực TĐC Tà Hừa ngót 40 tỷ đồng. Chính vì thế mà hai năm nay cơ quan công quyền của xã Tà Hừa phải làm việc dưới gầm sàn.

Một nghịch lý không thể chấp nhận được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thúc ép bằng được người dân di dời ra khỏi lòng hồ cho việc tích nước, nhưng việc cấp tiền đền bù và hỗ trợ người dân thì lại lần khân, viện đủ lý do để biện minh cho việc chậm trễ đó.

17-17-29_h6
17-17-29_h7
Những ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo đã mấy năm chờ đợi đất TĐC

Trong nhà cũng như ngoài trời

Cùng chung cảnh ngộ ấy, người dân Bản Hỳ xã Ta Gia thuộc công trình thuỷ điện Huội Quảng thì lại ngóng đợi có mặt bằng TĐC để di chuyển.

Ông Lò Văn Sương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Bản Hỳ có 124 hộ di dân, trong đó có 33 hộ di dân lên điểm TĐC Pom Pa I, Pom Pa II. Hiện còn 91 hộ đang đợi mặt bằng điểm TĐC Tèn Cò Mư...

Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thì Bản Hỳ di chuyển lên Hua Pầu thuộc huyện Tân Uyên. Nhưng sau khi chia tách huyện, mặc dù bà con đã đi xem đất, nhưng họ bảo xa quá nên xin TĐC tại chỗ.

Ban QLDA phải xây dựng lại quy hoạch, rồi chờ các cấp chính quyền từ huyện, tỉnh và Trung ương phê duyệt mới được xây dựng. Bởi thế đã mấy năm nay điểm TĐC Tèn Cò Mư vẫn đợi phê duyệt và vốn.

Trong khi đó dân Bản Hỳ đã nhận tiền đền bù thấy sốt ruột quá không thể cứ sống tạm bợ trong những ngôi nhà dột nát nên 43 hộ đã “nhảy dù” sang hai hành lang đường làm nhà chờ đất TĐC. Họ bảo: Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, nhà dột nát đổ tới nơi rồi buộc phải dỡ, bao giờ Nhà nước có mặt bằng thì chúng tôi chuyển đi...

Bà con nói cũng có lý, không thể bắt người dân sống tạm bợ trong những ngôi nhà đã xiêu vẹo, dột nát và đổ sụp bất cứ lúc nào.

Lò Thị Đôi mời tôi lên nhà, căn nhà sàn ọp ẹp rung lên bần bật dưới chân tôi, nhìn trong nhà không có gì đáng giá. Đôi cho biết nhà cô đã chuẩn bị được gỗ để làm nhà mới, nhưng tiền đền bù chỉ được 20 triệu đồng thì đã tiêu hết từ lâu rồi nên chưa biết lấy tiền đâu làm nhà.
Với kinh nghiệm của một người sống nhiều năm ở miền núi, tôi đoán nhà Đôi hiện đang thiếu ăn. Cứ nhìn gương mặt xanh nhợt nhạt của Đôi và mấy đứa trẻ con cởi trần da vàng bủng thì đủ hiểu.

Tôi xuống Bản Hỳ, thật không thể hình dung nổi một bản làng trù phú bậc nhất xã Ta Gia giờ lại như thế này. Hơn nửa bản đã di dời lên Pom Pa I, Pom Pa II, số hộ còn lại đều là những hộ nghèo. Họ sống trong những căn lán tạm bợ, hay những ngôi nhà vách nứa hở huếch hở hoác, nắng mưa trong nhà cũng như ngoài trời.

Căn lán của gia đình Lò Văn Lả và mấy nhà bên cạnh đã xiêu vẹo không còn xiêu vẹo được nữa, chỉ chờ đổ.

Lả cởi trần dẫn tôi ra đống gỗ chờ đất TĐC để làm nhà, anh bảo: Gỗ này cháu chuẩn bị từ 10 năm nay rồi chú ạ. Năm 2007, cháu định dựng nhà, nhưng xã bảo chỗ này nước ngập không được dựng, nên cháu xếp gỗ vào đây. Nắng mưa, mối mọt đống gỗ này sắp thành củi mà vẫn chưa có đất để dựng. Chịu thôi, không biết bao giờ mới có đất, tiền đền bù thì đã tiêu hết rồi...

Nói rồi Lả tìm chiếc túi cài trên mái nhà, giở cho tôi xem quyển sổ nhận tiền đền bù rồi bảo: Nhà cháu được đền bù 80 hay 90 triệu đồng tiền đất ở, nhà cửa và đất SX cháu không nhớ nữa. Tiền hỗ trợ thì chưa có, vợ cháu đi nhận mà...

Cạnh nhà Lả là các hộ: Lò Văn Vui, Lò Văn Quyết, Lò Văn Lượng, Lò Văn Vẹo, Lò Văn Hạnh. Tất cả các hộ này đều đã nhận tiền đền bù. Lò Văn Vẹo nhận 32 triệu thì đã tiêu hết từ lâu, Lò Văn Hạnh cũng chẳng còn đồng nào.

17-17-29_h4
Đống gỗ làm nhà của gia đình anh Lò Văn Lả chờ đất TĐC đang bị mối, mọt tàn phá

Tôi xuống nhà Lò Văn Lượng, Lượng đi làm chỉ có vợ anh là Lò Thị Đôi đang địu đứa con da xanh như tàu lá chuối trên lưng. Đôi không nói được tiếng Kinh, nên tôi phải nói chuyện với cô bằng tiếng Thái.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.