| Hotline: 0983.970.780

Những 'con nợ' bên sông Bồ sau trận lũ lụt hiếm thấy

Thứ Tư 22/11/2017 , 13:10 (GMT+7)

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, đợt mưa to trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày qua khiến hàng loạt hồ thủy điện đồng loạt xả lũ. Dòng nước dữ tợn phía thượng nguồn chảy về sông Bồ -nơi hàng trăm người dân đổ hết vốn liếng, công sức ra nuôi cá lồng đã cướp đi của họ tất cả.

* Sống cùng sổ nợ và mùi cá chết

17-44-21_sb01
Lũ tràn về gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá trên sông Bồ

Đợt này toàn xã Quảng Phú có 250 lồng bè nuôi cá điêu hồng, rô phi của 187 hộ bị chết với 300 tấn cá, ước thiệt hại 15- 17 tỷ đồng. Còn ở bên kia sông, những người nuôi cá TX Hương Trà cũng mất gần 322 tấn cá, trong đó cá lồng nuôi trên sông Bồ 297 tấn. Nhiều hộ bị thiệt hại khá nặng, ít cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều trên 1 tỷ đồng.

Nước lũ đi qua nhiều ngày, sông Bồ đã êm đềm trở lại nhưng cuộc sống bà con vẫn ngổn ngang bởi các món nợ. Công cuộc “tái thiết” nghề nuôi cá quá gian nan. Đi dọc theo sông Bồ chỉ thấy la liệt các bè cá nằm chỏng chơ trên bờ, dưới sông vắng hiu hắt không một bóng người. Những con cá chết còn sót, nằm lại đâu đó bốc mùi hôi thối.

17-44-21_sb02
Hai bên bờ sông với không khí não nề, u ám bao trùm khắp thôn quê

Người dân cho biết giờ này năm trước họ đang phấn khởi thu hoạch cá, ai nấy đều rạng ngời. Xe của thương lái từ các nơi đợi “ăn hàng” rất nhộn nhịp. Thế mà giờ cá chết sạch, một số rất lớn lồng nuôi cá cũng bị lũ cuốn trôi khiến nhiều hộ lâm cảnh nợ nần.

Đôi mắt đượm buồn vì xót của, vợ ông Hoàng Kinh Kha ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) tâm sự: “Cá sắp thu hoạch đã chết hết. Vốn liếng mất trắng, chưa kể tiền mua thức ăn cho cá gần 500 triệu giờ không biết lấy gì trả. Giá như không xảy ra trận lũ vừa rồi thì sau vụ nuôi này nhiều người đã trả xong nợ”.

Nước mắt rơi theo dòng lũ, mất cũng đã mất rồi nhưng điều mà người dân lo lắng nhất là ô nhiễm môi trường. Hiện người nuôi cá đang tranh thủ thời tiết thuận lợi đồng loạt xử lý vôi bột, tẩy rửa, vệ sinh lồng bè. Những lồng bị hư hỏng, xiêu vẹo được gia cố, sửa chữa lại.

17-44-21_sb03
Lồng cá phơi nắng trên bờ

Ông Trần Đình Hòa 57 tuổi, thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà), người có nhiều năm nuôi cá trên sông Bồ cho biết, đối với người dân dọc con sông này thì nuôi cá là nghề chính, thu nhập chủ yếu của gia đình. Nhiều nhà khá lên, mua xe máy, ti vi, xây nhà cửa, con cái ăn học đàng hoàng cũng nhờ nuôi cá.

“Mấy năm trước, tuy giá cá không cao nhưng cá không bị chết. Gần đây cá chết hàng loạt, nhất là vào mùa hè. Tôi sợ rằng nếu tiếp tục đầu tư nuôi nhưng nguồn nước trên sông luôn bị phụ thuộc vào thủy điện, môi trường nước thay đổi liên tục thì thiệt hại lại xảy ra. Nhưng không nuôi thì chúng tôi biết làm gì kiếm sống”, ông Hòa thở dài.

Theo người nuôi trồng thủy sản, cái khó nhất để tái sản xuất sau lũ là thiếu vốn, trong khi phần lớn tiền nuôi cá đều vay mượn ngân hàng. Giờ đây họ chỉ còn mong được khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện tái đầu tư nuôi vụ mới.

17-44-21_sb04
Xác cá chết còn sót lại bốc mùi thối, ô nhiễm môi trường
17-44-21_sb05
Những hóa đơn mua bột cá, sổ nợ đang ám ảnh giấc ngủ người dân
17-44-21_sb06
Cá chết sạch, đẩy người dân vào cảnh nợ nần
Trước thiệt hại quá lớn của các hộ nuôi cá lồng trên sông Bồ, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đề nghị Sở NN- PTNT cần nghiên cứu, xem lại mùa vụ để tránh những thiệt hại tương tự đối với người nuôi trồng thủy sản trong các năm tới.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.