| Hotline: 0983.970.780

Những nữ xà ích

Thứ Hai 24/02/2014 , 10:28 (GMT+7)

Từ hơn chục năm nay, ở huyện Châu Thành có dịch vụ tham quan du lịch bằng xe ngựa do những thôn nữ chân yếu tay mềm, thướt tha trong tà áo bà ba cầm cương điều khiển.

Ở Sài Gòn, ít khi nào thấy bóng dáng ngựa. Nhưng các vùng quê thì khác, từ miền Đông đến vùng sông nước miền Tây, ngựa vẫn đang là con vật gắn liền với cuộc mưu sinh của rất nhiều người.

Bến Tre không chỉ có những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như: Cồn Phụng, cồn Tiên, cồn Ốc, sân chim Vàm Hồ, vườn cây trái Cái Mơn… mà từ hơn chục năm nay, ở huyện Châu Thành còn có dịch vụ tham quan du lịch bằng xe ngựa do những thôn nữ chân yếu tay mềm, thướt tha trong tà áo bà ba cầm cương điều khiển.

BUÔNG  TAY CHÈO, NẮM TAY CƯƠNG

Đến trung tâm xã Quới Sơn, chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe ngựa được trang hoàng khá đẹp, bên cạnh đó là những chú ngựa đang đứng không yên, cái đuôi ve vẩy, cái đầu gắn những bông hoa rất xinh xắn, lúc lắc, lâu lâu lại hí vang, còn đôi chân dậm xuống nền đất cứng cồm cộp. Nhìn vào căn chòi lá phía trong hàng xe ngựa, thấy mấy chị đang ngả lưng trên chiếc võng đung đưa, tôi bước vào bắt chuyện.

Từ năm 2000, khi huyện Châu Thành bắt đầu phát triển du lịch sinh thái, thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước. Một vài hộ đã nảy ra sáng kiến chở khách tham quan bằng xe ngựa. Không lâu sau, dịch vụ này trở thành nét riêng khá độc đáo, thu lợi nhuận khá cao nên nhiều người khác làm theo. Bên cạnh đó, các chủ kinh doanh du lịch tư nhân trên địa bàn bắt đầu tập hợp, ký hợp đồng, trang bị xe ngựa thêm cho hàng chục hộ khác cùng tham gia.

“Phụ nữ ở đây bắt đầu đánh xe ngựa từ khi nào?”, nghe tôi hỏi, cô gái chừng 30 tuổi giới thiệu tên Ngọc Minh cho biết: “Ngay từ mấy năm đầu ở quê có dịch vụ này tụi em đã tham gia. Như em làm cả chục năm rồi đấy”. “Trước khi làm nghề đánh xe ngựa, các chị làm gì?”, tôi hỏi tiếp. Người phụ nằm chiếc võng bên cạnh giới thiệu tên Vân, có gần 10 năm làm xà ích đáp: “Làm ruộng, giăng lưới, chèo xuồng đưa khách du lịch trên sông… Đủ nghề hết chú ơi”.


Các nữ xà ích đang chờ khách

Chị Vân kể: "Hồi đó thấy chị em trong xã rủ nhau sắm ngựa, tôi cũng đi vay tiền, sang bên An Giang mua một con ngựa chiến; rồi học cách nuôi, cưỡi. Không có trường lớp đào tạo bài bản, các chị hướng dẫn nhau, người đi trước chỉ người sau, chủ yếu là cách thúc ngựa, cưỡi và cầm cương, dừng ngựa.

Nhưng khổ nỗi, trước giờ chỉ biết làm ruộng, chèo xuồng chứ có bao giờ “đụng” đến ngựa đâu. Nên lúc đầu tập cưỡi, bị hất xuống đất, bị đá hoài. Cả tháng trời như thế mới bớt dần. Ngựa khôn lắm, nếu mình có tình cảm với nó thì tập điều khiển, tập cưỡi nhanh thôi". Vừa nói chị vừa ôm cái đầu đang lúc lắc của con ngựa, vuốt ve và nựng: “Má nói vậy đúng không cưng”.


Xe được trang hoàng rất đẹp, còn những con ngựa cũng được trang điểm những chiếc nơ trên đầu

“Nghề này coi vậy chứ vất vả lắm chú ơi, không chỉ có nắng gió, bụi đường, mà còn cả nguy hiểm nữa đó. Gặp “tai nạn nghề nghiệp”, té trầy xước, trật gân là chuyện thường. Chưa kể nhiều khi ngựa dở “chứng”, đang chạy bình thường nó lồng lên, mình đỡ không kịp. Có chị còn bị ngựa lồng, dẫm lên người phải nằm viện cả tháng trời nữa. Cho nên, tui nói mình phải hiểu con ngựa và phải chăm sóc nó bằng cả tấm lòng để nó hiểu mà chia sẻ với mình.

“Nghề này thu nhập có khá không chị?”, tôi hỏi chị Vân. “Ngày đông khách như cuối tuần, lễ, có thể chạy chục chuyến, còn ngày thường thì 3 - 4 chuyến. Mỗi chuyến được các điểm du lịch trả 25 ngàn đồng. Trừ chi phí, một tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Nếu không phải chi các khoản đột xuất như bệnh, đám cưới đám tiệc thì cũng đủ sống chứ không có dư”, chị Vân nói.

Ấy là vào mùa khô, khách về du lịch nhiều, còn mùa mưa, ít khách, các chị lại buông tay cương, nắm tay chèo, chèo ghe đi giăng lưới, bắt cá hoặc chở khách trên sông…

XE NGỰA  XE DUYÊN

Trong số hơn 30 xe ngựa ở xã Quới Sơn, có đến 20 xe do nữ làm xà ích. Và, nhiều chị trong số này nên duyên vợ chồng nhờ những tháng ngày rong ruổi cùng xe ngựa.



Rất nhiều du khách nước ngoài thích loại hình tham quan du lịch bằng xe ngựa ở Châu Thành, Bến Tre

Chị Trần Kim Phúc (44 tuổi, quê ở Ba Tri), cho hay, một lần, ba của chị bị bệnh không đánh xe chở hàng ra chợ huyện cho khách, không còn cách nào khác, chị phải đi thay. Chưa có kinh nghiệm điều khiển ngựa nên chị té lên té xuống. May mắn, chị được một người đàn ông cũng làm nghề đánh xe ngựa chở hàng đi cùng đường tận tình hướng dẫn, hỗ trợ nên con ngựa ngoan ngoãn hơn.

Sau hơn một tuần cùng rong ruổi trên đường “thiên lý”, họ cảm mến nhau. Đến khi ba hết bệnh, chị “vòi” cha đi theo để được gặp anh. Sau một năm tìm hiểu, họ tiến tới hôn nhân, chị theo luôn cái nghề đã cho chị hạnh phúc này. Đến nay, chị Phúc đã có 8 năm kinh nghiện cầm cương. “Dù chưa giàu, nhưng tôi có người chồng rất yêu thương vợ con. Tất cả đều nhờ ngựa”, chị cười nói.

Riêng đối với chị Kiều Thu (28 tuổi), lái xe ngựa như một cái duyên. Một lần chở khách tham quan cù lao, chị đã khiến một chàng ở Sài Gòn mê mẩn. Suốt nhiều tháng sau đó, chàng liên tục “phi” xe máy xuống Bến Tre để được gặp chị. Một thời gian sau, khi tình đã “chín”, anh quyết định ngỏ lời.

Và tháng Giêng cách đây 2 năm, họ đã tổ chức một đám cưới linh đình. Nhưng, theo chồng về chốn phồn hoa sinh sống hơn một năm, không được lái xe ngựa, bứt rứt chịu không nổi, chị đành “rủ” chồng về quê lập nghiệp.

“Hiện tại ông xã đang làm cho một Cty ở Mỹ Tho, còn tôi ngày ngày cầm cương chở khách tham quan. Ngày nào không được “ôm”, hít hà mùi con Hồng Hoa là ngày đó thấy thiếu cái gì đó, chịu hổng nổi”, chị Thu cười.

Còn chị Nguyễn Kim Tuyến, 39 tuổi, cũng có gia đình nhờ xe ngựa, cho hay, gia đình chị đã có 3 đời làm nghề xe ngựa chở hàng, trong những lần ba chị đánh xe đi chở hàng đã gặp ba chồng chị trên đường thiên lý, họ kết thân và trở thành đôi bạn.

Một lần ba chồng chị xuống nhà chị chơi và dẫn theo người con trai, anh chị gặp nhau và “mến” nhau ngay từ lần đầu gặp mặt. Sau đó không lâu, họ đã nên duyên vợ chồng. Hiện tại, gia đình chị vẫn nuôi ngựa và kiếm sống bằng nghề đánh xe ngựa chở khách du lịch. Trước kia chị làm nội trợ, ở nhà phụ chồng cắt cỏ cho ngựa nhưng từ khi phong trào lái xe ngựa chở khách du lịch đi tham quan xuất hiện, chị đã cùng chồng tham gia vào đội ngũ tài xế xe ngựa của các điểm du lịch.

Tính đến nay, chị Tuyến đã có gần 10 năm cầm cương. Chị chia sẻ: “Nhờ xe ngựa mà tôi đã gặp ông xã, có được một gia đình nhỏ hạnh phúc. Tôi sẽ theo nghề này đến khi nào không còn sức khỏe để làm mới thôi”.

“Phụ nữ thường nhẹ nhàng, cẩn thận, không nóng nảy, vội vàng như cánh đàn ông nên được du khách rất hài lòng. Hồi đầu, các chị chỉ làm nhiệm vụ đưa đón khách đến điểm tham quan, giờ kiêm thêm cả nhiệm vụ hướng dẫn viên nữa. Đặc biệt, các cô vào nghề sau, tuổi còn trẻ, và biết cả ngoại ngữ, dù không giỏi nhưng cũng đủ giao tiếp và hướng dẫn cho du khách nước ngoài”, ông Lê Chí Linh, Giám đốc Cty Du lịch Bến Tre.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm