| Hotline: 0983.970.780

Những phụ nữ lặng lẽ làm lan tỏa hương sắc thổ cẩm Sa Pa

Thứ Tư 08/03/2017 , 08:30 (GMT+7)

Khả ái, duyên dáng và dịu dàng, ai đã từng gặp chị Cung Thanh Mai (Sa Pa, Lào Cai) thì khó có thể quên được người chủ nhiệm HTX Lan Rừng ấy. 

Chị Mai sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cụ nội và ông ngoại đều là những họa sỹ, nhà kiến trúc nổi tiếng, thiết kế hầu hết các biệt thự của Pháp tại Sa Pa. Những sản phẩm của chị Mai đều là hàng thủ công trên những chất liệu truyền thống của dân tộc, đó là thổ cẩm.
 

Yêu thổ cẩm như máu thịt

Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm HTX thổ cẩm Lan Rừng là sự gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao với những sắc màu của họa tiết hoa văn các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó… trên chất liệu thổ cẩm.

14-55-22_1
Chị Cung Thanh Mai, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm Lan Rừng
 

Là người con sinh ra và lớn lên trên “nóc nhà Đông Dương”, nơi hội tụ của 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, từ nhỏ, chị Mai đã tiếp xúc với những trang phục rực rỡ sắc màu trên bộ váy áo của các cô gái dân tộc phố núi.

Nhanh nhẹn, thông minh, khéo tay, khi còn là cô bé, chị Mai đã tự may được áo váy cho búp bê và quần áo cho mình. Điều đặc biệt ngay khi còn nhỏ, chị tỉ mỉ thiết kế trang phục cho 27 dân tộc ở Lào Cai trên những búp bê nhỏ xinh bằng các chất liệu vải thô và hoa văn thổ cẩm.

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Mai đang tất bật với 200 đơn hàng mới của một đơn vị đặt làm khăn và gối họa tiết thổ cẩm làm quà tặng. Tất cả những sản phẩm ở đây đều được làm theo hình thức thủ công (handmade) cầu kỳ và tinh xảo.

Đam mê cái đẹp, đam mê sắc màu, năm 18 tuổi chị theo học một số lớp thiết kế thời trang, may đo chuyên nghiệp. Ban đầu, chị chỉ dự định trở thành nhà thiết kế thời trang thỏa mãn ước mơ cháy bỏng từ ngày bé nhưng cơ duyên từ thổ cẩm dân tộc đưa đẩy chị trở thành người phụ nữ tiên phong của tỉnh Lào Cai trong việc thổi hồn thổ cẩm.

Chị Mai tâm sự, từ năm 2000, du lịch Sa Pa bắt đầu phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu văn hóa địa phương. Khi ấy, chị nhận thấy du khách đặc biệt thích thú với nghề thổ cẩm thêu tay trên chất liệu truyền thống của các dân tộc bản địa Mông, Dao, Tày, Xa Phó... Tuy nhiên, các thiết kế lúc đó chưa có tính ứng dụng cao, còn khá thô sơ và thiếu tính chuyên nghiệp.

14-55-22_2
Việc tham gia HTX thổ cẩm giúp nhiều phụ nữ ở Sa Pa có công việc ổn định

 

Từ đó, chị đã thành lập HTX Lan Rừng do mình làm chủ nhiệm, tập hợp hơn 100 xã viên đủ thành phần dân tộc ở khắp thôn bản của Sa Pa. Các xã viên này không cần góp vốn, mỗi người phụ trách một công đoạn thế mạnh của mình như tuốt đay, se sợi, dệt, nhuộm, thêu và vẽ sáp ong...

"Mới đầu khá chật vật, chúng tôi phải thử nghiệm mất hàng trăm lần mới tìm ra được phương pháp nhuộm màu và in họa tiết sáp ong sao cho bền màu nhất, để đảm bảo rằng, khách hàng khi mua về giặt giũ thoải mái mà không bị lem màu, không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm", chị Mai nhớ lại.

Ý thức về văn hóa dân tộc, chị Mai đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, kiểu họa tiết của các dân tộc thiểu số rồi thiết kế sáng tạo màu sắc hoa văn táo bạo bằng cảm quan hiện đại. Đây không phải là sự kế thừa theo truyền thống đơn thuần mà có sự ảnh hưởng của thời trang hiện đại, nâng cao giá trị của văn hóa trang phục. Những mẫu sáng tạo ngày càng đa dạng và phong phú bằng kỹ thuật thêu tay nổi cộm trên nền chất liệu tơ tằm hoặc vải thô được dệt bằng sợi lanh.
 

Lan tỏa hương sắc thổ cẩm

17 năm thành lập HTX cũng là chừng ấy thời gian chị Mai dành tâm sức để tôn vinh họa tiết thổ cẩm trên các chất liệu truyền thống dân tộc. Vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn của hoa văn thổ cẩm theo chị là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”.

14-55-22_3
Các sản phẩm thổ cẩm ở đây đều được hoàn thiện thủ công

 

Xen lẫn niềm vui, chị Mai tâm sự, vẫn luôn khỏi trăn trở về sự xuất hiện của hàng thổ cẩm nhái xuất xứ Trung Quốc với giá cực rẻ đang khiến sản phẩm của HTX bị ảnh hưởng không nhỏ. Quan trọng hơn, người mua cũng bị nhầm lẫn, khó thể phân biệt thật giả.

Trong công việc, chị chạm tay vào tất cả các khâu tỉ mỉ, từ việc chọn nguyên liệu, chiếc nút áo, đường chỉ, đường viền, am hiểu cả các công đoạn dệt, nhuộm, giặt, là...

Không ngạc nhiên khi sản phẩm của HTX năm 2016 được vinh danh trong Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ở Việt Nam. Giờ đây, từ những chiếc túi xách, ba lô, quần áo, khăn, túi xách tay… đặc biệt là trang trí nội thất, nhà hàng khách sạn của HTX Lan Rừng đã đi khắp cả nước và trở thành quà tặng độc đáo của du khách nước ngoài dành cho người thân.

Ông Keith, du khách Mỹ tỷ mỷ chọn khăn cho vợ tại đây chia sẻ: "Tôi băn khoăn mãi không biết tặng vợ tôi món quà gì vừa độc đáo, tinh tế, thanh lịch lại mang đậm dấu ấn Việt Nam, tôi đã tìm thấy nó ở cửa hàng này rồi, thật sự tôi rất vui".

Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng du lịch của Sa Pa là dịch vụ nhà hàng khách sạn, chị lại mạnh dạn cải tiến mẫu mã, đẩy giá trị sản phẩm thổ cẩm lên một tầm cao mới, cho ra thị trường dòng sản phẩm trang trí nội thất dựa trên chất liệu thổ cẩm. Những sản phẩm này ra đời được khách hàng tiếp nhận và đánh giá cao. Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Lan Rừng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

14-55-22_4
Nhiều năm qua, sản phẩm thổ cẩm thủ công luôn được du khách lựa chọn mỗi khi đặt chân tới Sa Pa

 

Đến nay, HTX thổ cẩm Lan Rừng đã có gần 200 thành viên chủ yếu là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sa Pa như các xã Tả Van, Tả Phìn, Trung Chải, Bản Hồ.

Tham gia HTX thổ cẩm, chị em có việc làm ổn định, mức lương thu nhập hàng tháng từ 4-8 triệu/người. Ngoài lương hàng tháng, Ban chủ nhiệm HTX cũng rất chú trọng đến đời sống của chị em, kịp thời động viên những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm hiện tại, HTX Lan Rừng đã có chính thức 5 gian hàng ở thị trấn Sa Pa và Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Lào Cai. Không dừng lại ở đó, chị Mai bật mí, các cơ quan chức năng của một số tỉnh bạn như Lai Châu, Hà Giang đã chính thức mời chị sang hợp tác theo hình thức cầm tay chỉ việc giúp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với mỗi địa phương.

Nói về giá trị và giá thành của thổ cẩm dân tộc, chị Mai tâm sự, khi đến cửa hàng chúng tôi nhiều người nước ngoài thốt lên kinh ngạc khi cầm trên tay tấm vải thổ cẩm thô chất liệu sợi tơ mỏng manh và rất khác biệt của người Việt Nam. Đó chính là lý do mà tôi lựa chọn và vẫn luôn khai thác chất liệu thổ cẩm trong nhiều năm nay. Và quan trọng nhất, cảm xúc bất chợt trên từng tấm vải của mỗi người dân tộc khi dệt, thêu, in... lên tấm vải hoàn toàn không "đụng hàng".

"Nhờ có HTX mà những nghệ nhân tuy ở các khu vực khác nhau song đều yêu quý và trân trọng nghề thủ công truyền thống của mình, góp phần nâng cao nhận thức, địa vị trong gia đình và xã hội của phụ nữ người dân tộc thiểu số", bà Lưu Thị Ngân Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Sa Pa cho biết.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm