| Hotline: 0983.970.780

Những tấm lòng nhân ái hội ngộ

Thứ Sáu 19/10/2012 , 09:57 (GMT+7)

Họ là những người phụ nữ từng có những năm tháng tuổi trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Nay, khi đã có “của ăn của để”, họ âm thầm tìm đến những hoàn cảnh khốn khó như họ năm xưa để chia sẻ.

Họ là những người phụ nữ từng có những năm tháng tuổi trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Nay, khi đã có “của ăn của để”, họ âm thầm tìm đến những hoàn cảnh khốn khó như họ năm xưa để chia sẻ. Và, trên con đường mới này, họ tình cờ hội ngộ.

"NGÀY XƯA, MÌNH CŨNG KHỔ NHƯ THẾ"

Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được những người phụ nữ trong Câu lạc bộ Nữ từ thiện (CLBNTT) tỉnh Tây Ninh cho tham gia chuyến đi trao vốn cho người nghèo. Chị Nguyễn Thị Nhàn, Chủ nhiệm CLB, phân trần: "Mình làm là vì thấy hoàn cảnh họ giống mình ngày xưa, mong muốn giúp một chút cho họ bớt khổ thôi. Chứ còn lên báo, mấy chị ngại lắm”.

Thế rồi, trên đường đi, tôi được nghe những người phụ nữ chân yếu, tay mềm kể về cuộc đời họ, là những năm tháng bôn ba khắp nẻo, làm đủ thứ việc để mưu sinh. Bà Lê Thị Mỹ Vân, quê ở Trảng Bàng, người lớn tuổi nhất CLB kể: "Tôi mất mẹ từ khi còn rất nhỏ, cha đi theo cách mạng, tôi sống với bà ngoại và được bà con lối xóm đùm bọc, cưu mang nên cũng chỉ đủ ăn thôi chứ không được học hành như người ta. Hồi đó, tôi nghĩ mình mắc nợ xã hội, mắc nợ tình người, mình phải làm gì đó để trả nợ đời. Cho nên, dù kinh tế của gia đình tôi không bằng chị em khác trong CLB, nhưng từ năm 1997 đến nay, có bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu".

Bà Vân hiện có một cơ sở làm muối tôm, doanh thu mỗi năm vài trăm triệu, vợ chồng bà chỉ dành đủ trang trải trong nhà, còn lại để làm từ thiện. Đặc biệt, cả 5 người con gái của bà nay đều đã yên bề gia thất, đều tự lập và noi gương cha mẹ, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi gặp dịp.

Bà Nguyễn Thị Khuê, người phụ nữ có đến 9 người con, nay đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định, kể: “Tôi quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Cũng vì cuộc sống khó khăn quá mà tôi phải bôn ba từ nhỏ. Hồi đó, tôi có người quen ở đây nên thường mua trái cây ở quê rồi thuê ghe chở bằng đường sông lên Tây Ninh bán kiếm lời. Nhưng thời bao cấp, buôn bán khó khăn lắm. Hàng hóa dù không phải quốc cấm nhưng mang từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng phải lén lút".

"Năm 1976, tôi lập gia đình, cuộc sống càng khó khăn hơn khi sinh đứa con đầu lòng. Khoai mì, bo bo vẫn là lương thực chính trong bữa ăn hằng ngày. Xưa, gia đình tôi rất nghèo, nhưng hễ giúp được ai là cha mẹ tôi sẵn lòng. Có ít cho ít, cần công giúp công. Những việc làm của cha mẹ đã ngấm vào trong tiềm thức tôi từ nhỏ, nên bất cứ khi nào, có điều kiện giúp ai là tôi làm", bà Khuê kể tiếp.

Bà Khuê hiện có một cơ sở chế biến tinh bột khoai mì lớn nhất nhì huyện Tân Châu. Do giá thu mua khoai mì của cơ sở này luôn ổn định và cao hơn các cơ sở khác trong vùng nên vào mùa thu hoạch, cơ sở của bà lúc nào cũng tấp nập xe công nông chở mì vào ra.

Nhưng có lẽ, ở Tây Ninh, người phụ nữ làm từ thiện lâu năm và được nhiều người biết đến nhất có lẽ là chị Nhàn, Chủ nhiệm CLB NTT. Bởi không chỉ là người có thâm niên làm từ thiện lâu năm, chị còn có mặt ở hầu hết các chương trình từ thiện, chăm sóc cộng đồng như: ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, dựng bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo Bệnh viện Phục hồi chức năng của tỉnh, đóng góp Quỹ học bổng Trần Thị Sanh…Mỗi năm, số tiền chị góp lên đến cả tỷ đồng.


Chị Lê Thị Nhàn (phải) trao bò cho gia đình bà Cao Thị Xiêm (xã Tân Thanh, Tân Châu)

Chị Nhàn cũng từng có một thời bôn ba với đủ thứ nghề, từ buôn bán nhỏ ngoài chợ, đến thu mua nông sản, làm công nhân nông trường cao su. Nhưng, ngay từ lúc thu nhập hàng ngày chỉ vừa đủ ăn, chị đã sẵn sàng bớt một chén cơm trong khẩu phần ăn của mình cho người chưa có hạt cơm trong bụng.

Chị Nhàn tâm sự: “Nhìn thấy họ khổ, lòng mình cứ sao sao ấy, cho nên không thể làm ngơ được”. Các con chị cũng đã lớn và có công việc ổn định, nên thu nhập từ mấy chục ha cao su của chị chủ yếu dành cho công việc từ thiện!

GIÚP NGƯỜI NGHÈO "CẦN CÂU"

Những người phụ nữ với tấm lòng nhân ái này ai cũng có thâm niên hàng chục năm âm thầm làm từ thiện. Và, do đi chung trên một con đường nên họ đã gặp nhau, gắn kết lại để thành lập CLB NTT dưới sự chủ trì của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh.

Khi CLB ra đời mới biết, có những cô gái tuổi chỉ trên dưới 30, nhưng đã có thâm niên 5-7 năm giúp người như chị Phú, chị Huyền... Để có nguồn quỹ hoạt động, mỗi thành viên của CLB NTT góp vốn ít nhất 3 triệu/tháng. “Số vốn này sẽ được trao đến tận tay những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất 20 triệu đồng”, chị Nhàn cho biết.

Chị Nguyễn Thị Út, ở xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, chồng mất vì tai nạn, bỏ lại cho chị 2 đứa con nhỏ, người đầu tiên được CLB trao vốn, nói trong nước mắt: "Từ hồi chồng em mất, em chưa bao giờ cầm được trong tay vài trăm ngàn. Em đi làm mướn mỗi ngày vài ba chục, lúc có lúc không. May mà có các chị giúp”. Vốn mà CLB giúp chị Út là một con bò cái sắp đến tuổi sinh sản.


Bà Đỗ Thị Diệp, thành viên CLB trong một lần trao vốn cho người nghèo

"CLB NTT mới thành lập được từ tháng 4/2012. Nhưng trong thực tế, những thành viên của CLB này đã âm thầm làm từ thiện với tư cách cá nhân từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi cá nhân đóng góp từ 500 đến 1 tỷ đồng/năm để giúp cho những gia đình nghèo vượt khó. Đến nay, CLB đã kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao vốn cho 11 gia đình, góp phần rất lớn cho chương trình  Chung tay cùng cộng đồng", bà Trần Thị Ngọc Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh nói.

Lần trao vốn cho bà Nguyễn Thị Lê (xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành) hồi tháng 7 đến nay còn khiến mọi người trong đoàn ngậm ngùi. Bà Lê 53 tuổi, sống bằng nghề vót nan tre thuê cho các cơ sở gia công hàng mây tre lá ở địa phương, thu nhập không quá 30.000 đồng/ngày.

Bà Lê sống đơn chiếc với một con trai bệnh nặng, nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải có mẹ trợ giúp. Vì thế, bà không dám đi xa, chỉ làm thuê quanh quẩn gần nhà để trông chừng người con trai. Mỗi khi bản thân lâm bệnh, bà cũng đành cắn răng chịu đựng vì không có tiền đi khám bệnh.

Sau khi bàn bạc, CLB đã giúp vốn để bà Lê mở một quầy bán tạp hóa nhỏ ngay tại nhà để kiếm thêm thu nhập và chăm sóc con bệnh. “Tui sẽ ráng dành dụm làm ăn, để một năm sau mấy chị quay lại, sẽ thấy tui khá hơn”, bà Lê nghẹn ngào.

Người duy nhất mà CLB không thể thực hiện lời hứa quay lại thăm, là chị Ngô Thị Hiền (ở huyện Trảng Bàng). Chị Hiền bị nhiều bệnh nặng, trong đó bệnh gan đã đến giai đoạn cuối, nhà nghèo không có tiền chữa bệnh, phải sống nhờ vào khoản trợ cấp 700 ngàn đồng/tháng của người cha thương binh. Không bao lâu sau khi CLB đến trao vốn là con bò giống và một số tiền chữa bệnh thì chị qua đời.

Chị Vân, thành viên của CLB day dứt: “Giá mà mình biết đến hoàn cảnh của chị Hiền sớm hơn".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm