| Hotline: 0983.970.780

Những thầy thuốc ít được vinh danh

Thứ Năm 24/02/2011 , 09:34 (GMT+7)

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, NNVN xin được vinh danh và trân trọng giới thiệu một số ít thầy lang ở núi rừng Tây Bắc...

Mỗi làng, bản hay ở mỗi vùng đều có những thầy lang với những bài thuốc bí truyền. Họ lặng lẽ chữa bệnh cứu người. Họ xứng đáng là thầy thuốc của nhân dân nhưng đến ngày 27/2 thì lại ít ai vinh danh hay nhắc tới họ.

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay, NNVN xin được vinh danh và trân trọng giới thiệu một số ít thầy lang ở núi rừng Tây Bắc khi có dịp tận mắt chứng kiến những cách chữa bệnh kỳ lạ và hiệu nghiệm đến khó tin của họ.

Mằn trầu mế Quyết 

Mế Quyết

Một miếng trầu quệt ít vôi có thể khiến một người bại liệt hàng chục năm đi lại bình thường. Ai không tin cứ đến xứ Mường gặp mế Quyết. 

Đừng đưa mế lên báo

Người Mường gọi mẹ là mế. Và suốt mấy chục năm lang y Nguyễn Thị Quyết chữa bệnh cứu người đã có không ít bệnh nhân gọi bà là mế với sự biết ơn chẳng khác nào bà chính là người mẹ đẻ ra mình. Nhà của mế ở tận bản Mỏ Ngô, xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) nhưng khi vừa đến ngoài quốc lộ hỏi, từ bà bán nước đến những đứa trẻ cắp sách đến trường đều có thể chỉ đường. Trái với dự đoán của tôi về một bà lang xứ Mường nhiều bùa phép thường ngồi tư lự, khi đến tìm bà mế ngoài 80 tuổi này đang dọn vườn và cho lợn ăn.

Người Mường cũng có phong tục “miếng trầu mở đầu câu chuyện” và mế Quyết cũng vậy. Nhưng lời mở đầu của mế khiến tôi có phần chưng hửng: “Đừng đăng báo mế. Mế già rồi, đăng lên báo người đến chữa bệnh đông hơn nữa thì sức già này kham không nổi đâu. Nhà mế lúc nào cũng có khách từ các nơi xa xôi về, có người do phải chữa bệnh ở lại vài ngày. Thậm chí có Việt kiều tận bên Đức nghe tin mế chữa được bệnh xương cũng nhờ người về mời sang mà nào có đi được đâu. Chữa bệnh theo cách này phải nhá trầu. Mế lại già quá rồi nên phải dùng răng giả. Nhá cả ngày mỏi lắm, không ăn được gì cả”. Phải mất một hồi lâu thuyết phục và nể công đường xa tìm đến mế mới mở lòng về bài thuốc chữa xương cứu người có một không hai.

Người Mường ở xứ này gọi bài thuốc ấy là “mằn trầu”. Nghe qua đơn giản đến mức hoang đường nhưng rất nhiều người bệnh và kể cả cán bộ xã Hợp Thành nói với tôi một trăm phần trăm có thể chữa được nhiều bệnh về xương. Một miếng trầu, một ít vôi, mà người có bệnh mang đến nhờ mế mằn và tất cả chỉ có thế. Mằn ở đây là việc thổi vào trầu cau và nước lã những câu tựa như khấn vái, làm phép. Trầu cau, nước lã sau khi mằn mế bỏ vào miệng nhai kết hợp với thổi vào vết thương người bệnh. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà người bệnh khỏi nhanh hay lâu.

Bài thuốc này mế được mẹ chồng là cụ Bùi Thị È cũng là một lang y chuyên cứu người lúc sinh thời truyền lại. Bây giờ, người Mường ở xã Hợp Thành này vẫn truyền nhau những kỳ tích từ bài thuốc của cụ È ngày xưa. Bao nhiêu thương binh thời chiến găm đạn trong người mà cụ vẫn thổi ra. Bao nhiêu trường hợp gặp nạn về xương được cụ cứu. Trong số đó có một anh thương binh ở Ba Vì (Hà Nội) bị 1 mảnh đạn găm vào ngực mấy năm trời nhưng do gần tim nên vết thương ấy khiến các bác sĩ hàng đầu ở những bệnh viện lớn thời ấy đều “chờn”. Ngay cả khi người nhà đưa anh thương binh đó đến nhờ cụ họ cũng không tin là có thể chữa chỉ với lá trầu, quệt vôi và mấy lời mằn.

Lẳng lặng, cụ È kiên trì thổi vài tháng sau viên đạn dần dần tòi ra. Sau lần ấy, một hôm cụ gọi mế vào rồi bảo: Con là đứa con dâu ngoan hiền. Mẹ thấy con có tư chất hợp với nghề thuốc, nên mẹ truyền lại những bí kíp của bài thuốc cho con để cứu người. Mế học được một thời gian thì cụ È mất. Theo lời dặn của mẹ chồng, mế Quyết tiếp tục chữa bệnh cứu người nhưng tuyệt nhiên không lấy đó làm phương tiện để sống. Người bệnh đến nhờ chữa chỉ có thủ tục bắt buộc duy nhất là dâng hương tưởng nhớ công lao của bà cụ È.

Ban đầu mế Quyết chỉ chữa bệnh cho người trong làng. Đó là khi người này ngã xe, người kia đi làm nương rẫy không may gặp nạn… Bao nhiêu người đã được mế Quyết chữa được bệnh thì không biết nhưng trong nhà mế treo đầy ảnh người bệnh sau khi lành kéo nhau về tạ ơn ân nhân. Và có ngày mế phải nhai cả rổ trầu cau để chữa bệnh giúp người. Xa xôi đâu thì không biết chứ dân xã Hợp Thành phục tài mế lắm. Đó là bà Ký bị gẫy cổ tay đến các bác sĩ cũng khẳng định khó liền xương trở lại nhưng nhờ mế Quyết thổi nên giờ gần như khỏi hẳn. Hay ông Sơn đi chăn bò bị bò húc rạn xương sườn, gia đình khó khăn không có tiền đưa lên bệnh viện chữa trị nhưng nhờ mế Quyết lại thành ra chuyện nhỏ. Lâu thành lệ, ở Hợp Thành và những xã lân cận, dân có người nhà gặp nạn đôi khi đưa thẳng đến nhà mế thay vì bệnh viện.

Năm vừa rồi nhà mế đột nhiên đón một ông Việt kiều ở tận nước Đức về nằng nặc xin mế qua bên ấy chữa bệnh cho người thân bị vỡ xương chậu nằm liệt giường. “Họ nói rằng bao nhiêu tiền không thành vấn đề nhưng mế không quan trọng chuyện đấy. Cũng muốn giúp đỡ người ta nhưng già rồi không muốn xa chốn núi rừng này. Với lại mình đi một ngày là ở nhà có biết bao nhiêu người chờ đợi. Hiện ông khách kia đang tìm cách đưa người nhà về đây để chữa”.

Suốt mấy chục năm chữa bệnh cho người mế nhớ có một trường hợp nặng nhất là anh Thành ở Hà Đông (Hà Nội) bị gẫy xương bả vai và gẫy xương đùi. Người nhà của bệnh nhân không biết nghe ai chỉ mà mang thẳng anh lên nhà mế. Ca nặng đến nỗi khi đến nơi chẳng ai dám cáng vào nhà vì lỡ may có chuyện không hay xẩy ra thì mang tội. Vậy mà mế xem qua rồi quyết đưa vào giường với suy nghĩ: Mình làm phúc thì lo gì. Hàng ngày mế liên tục thổi trầu vào chỗ đau của nạn nhân. Sau 20 ngày thì chân và tay của anh Thành đã lành lặn. Khi khỏi bệnh, Thành sờ vào chân tay mình không tin nổi đó là sự thực. Anh quỳ sụp xuống lạy mế như tế sao: “Không có mế chắc đời con xem như hết”.

Đôi chân gãy của trưởng công an

Cách chữa bệnh về xương bằng mằn trầu rất khó học và có nhiều nguyên tắc. Bài thuốc thường chỉ được truyền và học vào đêm giao thừa mỗi năm. Người có thể kế thừa phù hợp nhất là con dâu hoặc con rể. Nhưng dù ai đi nữa thì điều quan trọng nhất là người kế thừa phải có được cái tâm. Cái tâm đối với người bệnh, với cách chữa bệnh có một không hai ấy,trong số 6 người con của mế chỉ có một mình cô con gái đầu là học được nghề. Giờ chị Hoà cũng có thể chữa được bệnh cho nhiều người. Cũng noi gương mẹ, chị chưa bao giờ đòi hỏi người bệnh phải trả tiền.

Thú thực là tôi vẫn ngờ ngợ những câu chuyện như thế vì không được tận mắt chứng kiến.

Nhưng khi ngồi với ông trưởng công an xã Hợp Thành Nguyễn Văn Quyết mới bị thuyết phục bởi ông cũng là một trong những người được mế Quyết thổi lành đôi chân sau lần ngã xe máy. “Nghe cứ tưởng nói phét nhưng mà thực tế đấy. Bao nhiêu năm qua mế chữa cho nhiều người lắm rồi. Ngay cả trong ủy ban này còn bao nhiêu cán bộ cũng được mế giúp cả rồi đấy. Không trực tiếp bị thì cũng có người nhà gặp nạn. Trước đến nay thấy trường hợp nào mế cũng giúp đỡ tận tình cả”. 

Ông trưởng công an xã với đôi chân được mế Quyết “mằn” lành lặn trở lại

Câu chuyện của ông Quyết cứ thế kéo dài. Ông bảo rằng ngay cả những cán bộ trong ngành công an tận Hà Nội cũng mấy bận đem người nhà lên đây nhờ mế Quyết chữa. Một ông công an người cùng làng giờ nghe đâu làm trên tỉnh to lắm, trong một lần về quê gặp nạn cũng được mế chữa cho bây giờ đã lành hẳn rồi. Ngay trong gia đình ông trưởng công an cũng không phải một mình ông chịu ơn mế Quyết. Cách đây mấy năm, ông anh trai nhà ông Quyết cũng bị gãy chân còn nặng hơn cả ông bây giờ vậy mà mế chữa khỏi. Lúc lành lặn đến nhà mế tạ ơn mế chỉ nhận cau trầu đặt lên bàn thờ cúng cụ È kèm theo lời dặn: “Đi lại cẩn thận, đừng uống rượu nhiều lại không hay”.

Ai đến cũng được mế chữa tận tình mà bất kể người ấy thân phận thế nào. Mế bảo: Cầu trời cho mế được sức khoẻ để được chữa thêm cho nhiều người. Và chưa bao giờ mế yêu cầu bệnh nhân phải trả bao nhiêu tiền để được chữa bệnh. Ai quý mế thì biếu mế ít tiền để mế ăn trầu. Không ít trường hợp gia cảnh khó khăn, đến nhà mế còn phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho họ. Mế thực hiện đúng lời cụ È truyền lại là cứu được ai là cứu chứ không bao giờ lấy nghề làm phương tiện sống. Thành thử, nhiều người đến với mế như một cứu cánh khi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tết nhất nhà mế đông như có hội. Những đứa con nuôi mà mế không thể nhớ hết tên và hết mặt có dịp lại đến với sự biết ơn sâu sắc.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm