Anh Danh Sơn ở ấp Giồng Đá (xã Bàn Thạch, Giồng Riềng, Kiên Giang) được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, từ đi làm thuê sang nuôi bò sinh sản, giờ cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo
Thời gian qua, đồng bào dân tộc Khmer Kiên Giang rất được quan tâm, được ưu tiên đầu tư xây dựng, hộ dân tộc được điạ phương ưu tiên bình xét ở mọi chính sách; con em đồng bào được hỗ trợ học tập, lao động, việc làm, y tế...
Năm năm qua, thực hiện chương trình dự án đối với các xã đặc biệt khó khăn, Kiên Giang huy động các nguồn lực đầu tư hơn 174 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp hàng chục công trình giao thông, trường học, trạm y tế, lưới điện, nhà văn hóa, trụ sở xã, chợ, cấp nước sạch sinh hoạt… phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, ba năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang đã ủy thác cho các hội, đoàn thể triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tại 15 xã đặc biệt khó khăn, với hơn 19.800 hộ vay vốn, tổng dư nợ trên 294 tỷ đồng. Vốn vay này giúp cho nhiều hộ nghèo không những có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đến nay Kiên Giang đã giải quyết cho hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất và không có đất sản xuất để canh tác, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ những hộ không đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho trên 10.180 lao động với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. “Từ đó, đời sống nhân dân và vùng đồng bào dân tộc có bước khởi sắc. Hiện, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn 3.776 hộ (chiếm 7,4% - theo tiêu chí cũ); hộ cận nghèo còn 4.031 hộ (chiếm 7,9%)”, ông Hùng nói.