| Hotline: 0983.970.780

Nơi hồi sinh những cuộc đời

Thứ Hai 27/06/2011 , 10:29 (GMT+7)

May mắn được gặp những phạm nhân đang thụ lý tại Trại giam Phú Sơn 4 và những người mãn hạn, đã trở nên thành đạt, chúng tôi chợt hiểu, đây chính là nơi làm hồi sinh những cuộc đời từng vấp ngã.

May mắn được gặp những phạm nhân đang thụ lý tại Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) và những người mãn hạn, đã trở nên thành đạt, chúng tôi chợt hiểu, đây chính là nơi làm hồi sinh những cuộc đời từng vấp ngã.

Trường học tình đời

Trại giam Phú Sơn 4 quản lý giáo dục hơn 5.000 phạm nhân, đa số là tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Khi còn ở ngoài đời, không ít người từng ăn trắng mặc trơn, có người tiền tiêu như rác, người thì coi thường mạng sống đồng loại, cũng có người vì hoàn cảnh xô đẩy mà lâm cảnh lao tù...Tất cả họ phải bắt đầu lại từ đầu để thực hiện hành trình trở về, dù muộn mằn và gian khổ; phải làm những việc đơn giản nhất để tìm lại những gì đã mất; phải học những bài học sơ đẳng và cũng là ý nghĩa nhất, giá trị nhất của đời người. Đó là lao động!

Thượng tá Nguyễn Trường Xuân, giám thị trại giam, cho biết: "Ngay từ khi phạm nhân bước chân vào trại, chúng tôi đã tìm hiểu họ xem họ từng có nghề gì, từ đó sắp xếp công việc phù hợp. Chính điều này đã nuôi dưỡng niềm tin làm lại cuộc đời trong các phạm nhân".

Đến gặp các phạm nhân đội học nghề may công nghiệp, nếu các học viên không mặc quần áo của phạm nhân thì sẽ làm người ta nhầm tưởng đó là xưởng sản xuất của một nhà máy may công nghiệp hiện đại. Tâm sự của đội trưởng đội tự quản -  phạm nhân Nguyễn Thị Hương: "Gần 100 chị em trong đội khi mới vào trại ai cũng bi quan. Giáo dục hướng nghiệp không chỉ làm khuây khoả, mà chính là cơ hội để mọi người thi đua thực hiện cải tạo thật tốt với mong muốn sớm được trở về". 

Phạm nhân Sử Thị Tuyết Lan được coi là người có đôi bàn tay vàng của đội thảm len. Thoăn thoắt đan móc, chị cho biết, cứ 3 tiếng chị lại đan được một chiếc mũ len, nhưng điều quan trọng là chiếc mũ đó phải đảm bảo chất lượng mỹ thuật và kỹ thuật. Rồi quay ra chị chiêm nghiệm, cũng như mình đang đan ghép lại những mảnh vỡ của cuộc đời lầm lỡ vậy, càng cầu kỳ, gian khổ càng đòi hỏi phải làm thật giỏi để sớm đạt mục đích.

Trại Phú Sơn có một trung tâm dạy nghề bao gồm rất nhiều loại hình như: cơ khí, nguội, rèn, mộc cao cấp, mộc dân dụng, sản xuất gạch bông ốp lát, khâu bóng, làm thảm len, kiến trúc... Các phạm nhân cũng được phân loại theo từng vùng, từng độ tuổi để được học nghề phù hợp đối với hoàn cảnh từng phạm nhân khi ra trại. Bên cạnh đó, trại cũng tổ chức lao động như sản xuất nông nghiệp, trồng chè, trồng rừng rồi chế biến nông sản thực phẩm... Và kết quả đạt được là đa số các công trình nơi đây đều do bàn tay các phạm nhân xây dựng lên. 

 

 

Trong dịp này, tôi đã đề xuất với cán bộ của trại để được gặp phạm nhân Vũ Thị Kim Anh - cô sinh viên xinh đẹp gây ra vụ án xôn xao dư luận, giết người trên xe Lexus tại Hà Nội. Kim Anh đã từ chối gặp nhưng gửi cho quản giáo mang ra một lời nhắn với đại ý, cô đã được phân vào đội may mặc và là hạt nhân văn nghệ của trại.

Cô không muốn bị phân tâm, để tập trung vào việc rèn luyện, cải tạo. Mới đây, cô gái này đã đoạt giải nhất trong cuộc thi nét đẹp Phú Sơn 4.

Nếu lớp phạm nhân trẻ hăng hái phấn đấu thì lớp những phạm nhân cao tuổi cũng nỗ lực cải tạo. Lão phạm nhân Nguyễn Cương (80 tuổi) tâm sự: “Dù không sống được đến ngày ra tù nhưng tôi vẫn phải nỗ lực lao động, học tập để làm gương cho những phạm nhân trẻ noi theo. Hơn thế, cũng là để các con, các cháu của tôi biết được tôi đã cố gắng, đã quyết tâm đến tận cùng cuộc đời này để vươn lên sống đẹp, sống có ích. Như thế thì đâu đã muộn”.

 

 

Vào trại là phạm nhân, ra trại là công dân

Đó là một quy trình đầy nhân bản mà cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) đã giúp cho người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.

Mới đây, trong lễ phát động xây dựng "Qũy hoàn lương" (nguồn quỹ giúp người chấp hành xong án phạt tù có một khoản kinh phí ban đầu để ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm) của Trại giam Phú Sơn 4 có sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Cty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân, Thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, từng là “học trò” của Trại giam Phú Sơn 4. Ít ai có thể nghĩ rằng ông giám đốc Cty sở hữu số tài sản hàng chục tỷ đồng lại có một thời là tướng cướp, để rồi phải chấp hành án phạt tù 8 năm.

Cty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân hiện có 52 cán bộ, công nhân viên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với ông giám đốc Cty, trại Phú Sơn 4 không chỉ là nơi cải tạo lao động đơn thuần mà là một trường học, phạm nhân được dạy chữ, dạy nghề, được chỉnh đốn về tinh thần, lối sống, nhân cách. “Nẻo thiện gập ghềnh nhưng không phải không thể đi và không thể đến đích”, ông Dũng nói. Hưởng ứng phát động xây dựng “Quỹ hoàn lương”, Cty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân đã đóng góp vào quỹ 100 triệu đồng và cam kết sẽ nhận từ 20 - 30 người vào làm việc tại Cty.

Ông Nguyễn Đình Thử, Chủ nhiệm HTX nấm Hùng Sơn, huyện Đại Từ, được coi là “vua nấm” của Thái Nguyên đã từng có 16 năm trong trại. HTX nấm Hùng Sơn có 40 lao động thường xuyên với mức lương bình quân đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Thử nhớ lại: “Những tháng ngày được cải tạo tại đây, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đầy nhân ái của các thầy, điều đó đã giúp tôi sau này có được niềm tin trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, và thành công sẽ đến với những người thực sự biết vươn lên”.

Theo ông Thử, khi phạm nhân hiểu được như vậy thì công tác giáo dục hướng nghiệp có ý nghĩa rất lớn lao. Phạm nhân không chỉ nỗ lực cải tạo tốt để sớm được ra tù trước thời hạn, không chỉ có một nghề trong tay mà nó còn trang bị cho họ chiếc la bàn để định vị hướng đi đúng đắn trong cuộc sống.

Những người mãn hạn tù tại Trại giam Phú Sơn 4 đã thành lập “Lớp Phú Sơn 4”. Lớp trưởng Phạm Hoàng Khanh là ông chủ của một chuỗi tổ hợp kinh doanh dịch vụ tại Hà Nội (người từng có thâm niên 20 năm trong trại) cho biết, hơn 200 người tham gia thành lập lớp với mục đích là chia sẻ, động viên, đỡ đần nhau trong cuộc sống và công việc. “Lớp Phú Sơn 4” còn là lời nhắn gửi với dư luận, xin đừng nhìn những người có quá khứ như chúng tôi bằng ánh mắt dè bỉu, xa lánh; là sự tri ân của những học trò đối với các thầy rằng, các trò đã và đang vươn lên sống có ích, thực hiện thật tốt bài học cuộc đời mà các thầy đã dạy dỗ. 

Mỗi người lầm lỗi muốn làm lại cuộc đời của mình đều phải bắt đầu từ những công việc nhỏ bé, thường nhật nhất, những kỹ năng đơn giản nhất. Đó là một quy trình chứa đựng đầy tính nhân bản, nó không phải là những ngày tháng mỏi mòn, nó không làm cho quá khứ của mỗi con người bị xoá đi toàn bộ mà quá khứ đó chính là một bài học quý giá, giúp họ giác ngộ ra được giá trị của cuộc sống, để rồi có đủ bản lĩnh đứng lên, vẽ lại bức chân dung của chính mình.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm