| Hotline: 0983.970.780

Nơi tận cùng gian khó

Thứ Năm 25/11/2010 , 18:44 (GMT+7)

Suối Xuân bắt nguồn từ xã Làng Nhì (Trạm Tấu, Yên Bái) đổ xuống huyện Văn Chấn, dòng suối trong xanh đẹp đến mê hồn như cái tên người ta đặt cho nó. Khi lên tới Làng Nhì, tôi không thể tin nổi mảnh đất cỗi cằn này lại sinh ra được suối Xuân…

Bài 1: Làng nghèo trên mây

Suối Xuân bắt nguồn từ xã Làng Nhì (Trạm Tấu, Yên Bái) đổ xuống huyện Văn Chấn, dòng suối trong xanh đẹp đến mê hồn như cái tên người ta đặt cho nó. Khi lên tới Làng Nhì, tôi không thể tin nổi mảnh đất cỗi cằn này lại sinh ra được suối Xuân…

Trung tâm xã Làng Nhì.

Đây là lần thứ hai tôi lên xã Làng Nhì nằm trên ngọn nguồn suối Xuân. Dòng suối bắt nguồn từ khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa (Sơn La), khi tới Làng Nhì nó băng qua một lèn đá cao chất ngất để tạo nên thác Háng Đề Chơ. Cách nay 5 năm tôi theo những chiến sĩ kiểm lâm Yên Bái tới Làng Nhì lên tận bản Đề Chơ, nằm cạnh dòng thác. Bản chỉ có hơn ba chục nóc nhà người Mông nằm khuất vào khe núi.

Từ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ lên tới đây phải vượt gần ba chục cây số đường núi dốc dựng, năm 2003 xã Làng Nhì mới có đường ô tô, chỉ mở đến trung tâm xã còn tới các thôn bản thì vẫn là những con đường mòn chênh vênh bên bờ vực.

Từ trung tâm xã Làng Nhì tôi phải leo hơn hai giờ đồng hồ mới lên tới Đề Chơ, nhiều đoạn tôi không đi nổi mà phải bò, khi lên đến nơi tôi không dám quay lại nhìn con đường vừa đi, nghĩ mình không biết làm cách nào để về được. Hôm nay đứng ở bản Nhì dưới nhìn lên Đề Chơ, bản chỉ là một đốm trắng lờ mờ, mỗi ngôi nhà như một chiếc lá bám vào vách núi xám xịt.

Mùa mưa bão năm 2005 đã cắt đứt một đoạn đường lên Làng Nhì, biến nơi đây thành ốc đảo, xã phải huy động người dân buộc dây đu mình lên vách núi dùng xà beng thọc những lỗ sâu vào vách đá, bắc giàn giáo lát ván và cây cối đủ cho người và ngựa đi lại xuống đồng bằng Nghĩa Lộ mua dầu, muối và thực phẩm. Người ta gọi đoạn đường ấy là đường đi trên xà beng.

Mấy tháng sau đoạn đường sạt mới được khắc phục, chui qua gầm những tảng đá to như ngôi nhà ba bốn tầng chênh vênh có thể sập bất cứ lúc nào.

Làng Nhì là xã khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu, nơi tận cùng nghèo khó và gian nan nhất tỉnh Yên Bái, mặc dù xã chỉ có 6 bản, 287 hộ, 1.769 khẩu, nhưng xấp xỉ 40% hộ thuộc diện đói nghèo. Đấy là theo tiêu chí cũ, còn theo tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ đói nghèo không dừng lại ở con số đó. Đường lên xã đã gian nan, đường lên các bản còn gian nan gấp vạn lần, bản gần nhất đi bộ cũng khoảng hai giờ leo núi, bản ở xa như Chống Tầu, Háng Đay thì mất nửa buổi sáng.

Theo Bí thư Mùa Sáy Tông thì xã Làng Nhì chỉ có 75 ha ruộng nước, 163 ha lúa nương, 155 ha ngô, 90 ha sắn, anh thở dài: Năm nay hạn quá, cấy muộn lại bị rầy nâu tàn phá nên mất mùa, dân thiếu ăn là chắc rồi...

Cánh đồng khô cháy vì hạn hán.

Vợ chồng Sùng Nủ Trang ở bản Nhì trên đang gặt lúa cạnh con đường lên Làng Nhì. Không thể tin nổi đây là ruộng lúa, cánh đồng khô xác bạc phếch như hoa cỏ may sau một đêm sương muối giờ chỉ cần một mồi lửa đủ thiêu rụi cả cánh đồng. Trang cho biết: Ruộng nhà mình có 10 đám, mỗi năm nhà nước cho gần 10 cân thóc giống lúa lai, mình cấy ở đây thôi. Năm nay mưa ít quá, khi lúa lên bông thì không còn nước nữa. Cây lúa không được uống nước hạt chết hết rồi à. Cán bộ mày xem, bông lúa thế này có mấy hạt để gà ăn đâu…

Nhìn về phía bản Đề Chơ mờ mịt khói sương, con đường dẫn vào khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa như một sợi chỉ vương vít giữa rừng núi. Ai dám chắc rằng mùa đói năm nay người dân Làng Nhì không vào đó khai thác gỗ để kiếm sống?

Tôi cầm nắm lúa Trang đưa cho, nhẹ xồm xộp như rơm, nhìn gương mặt hai vợ chồng Trang buồn rượi, anh nói: Mọi năm, 10 đám ruộng của mình ở đây thu được 30 bao lúa, năm nay không biết có được 10 bao không. Nhà mình có 6 người, mỗi người chỉ được hơn một bao lúa thôi nhá, đói rồi cán bộ ơi…

Nằm trên đỉnh núi dốc dựng, sau nhiều mùa nương rẫy đất Làng Nhì bây giờ chỉ còn toàn sỏi đá, người dân đã tận dụng mọi nơi đất bằng để làm ruộng, nhưng khốn nỗi không có nguồn nước nên ruộng vỡ ra chỉ trông vào nước trời. Năm nào mưa nhiều thì có nước cấy, năm mưa ít dù có cấy cũng không được ăn.

Trong 75 ha ruộng nước của Làng Nhì thì quá nửa diện tích trông đợi vào nước trời, Mùa Sáy Tông bảo: Nhiều cánh đồng nhà nước xây mương cho, nhưng cũng chả có nước dẫn về, khe suối cạn kiệt thì lấy đâu ra nước để tưới cho ruộng? Thành ra ruộng bỏ hoang nhiều, năng suất lúa vụ xuân cao nhất chỉ được 42 tạ/ha, vụ mùa 30-35 tạ/ha.

Nỗi buồn mất mùa.

Bản Nhì trên là trung tâm của xã, nơi đặt trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế. Ngoài khu trường học có học sinh ra vào còn bản thì vắng tanh, hỏi Phó Chủ tịch HĐND xã Trang A Xay, anh bảo: Mùa này chẳng có mấy người ở nhà, người ta lên rừng kiếm củi sưởi mùa đông và kiếm cái ăn…

Nói rồi anh dẫn tôi vào gia đình ông Trang Tồng Sang thuộc loại khá nhất bản Nhì trên. Hai ngọn đèn điện 7W chạy bằng thuỷ điện nhỏ mắc ở hai gian nhà, đang giữa trưa mà trong nhà vẫn tối âm âm. Chiếc ti vi đen trắng ám khói bếp đặt trong chiếc tủ gỗ dán dường như đã lâu lắm rồi chẳng ai mở vì không có điện. Ông Sang năm nay ngót 60 tuổi mà nom hom hem như ông lão 70 đang nướng thịt chuột trên bếp, mùi lông chuột khét lẹt.

Nhà của người dân xã Làng Nhì.

Ông Sang cho hay: Mình cũng không biết người Mông về đây từ khi nào, nghe các cụ bảo đời mình là đời thứ tư rồi. Ngày xưa rừng ở đây còn nhiều, người ăn hết rừng rồi. Không có đất làm ruộng thì phải phát rừng chứ. Nhà mình mọi năm thu được 24-27 bao lúa ruộng, 10 bao lúa nương, năm nay hạn quá, lúa ruộng chỉ được 10 bao, lúa nương chả được hạt nào…

Tôi hỏi Mùa Sáy Tông: Bình quân mỗi người dân xã Làng Nhì chỉ có 42m2 ruộng, bằng cách nào để người dân thoát nghèo? Im lặng một lúc, anh lắc đầu: Khó quá, chúng tôi chưa biết làm cách nào để thoát đói nghèo. Đất ruộng thì không thể khai hoang thêm được nữa, ngoài diện tích nương, còn lại là đất qui hoạch rừng phòng hộ, trong đó có 1.300,7 ha rừng tự nhiên có muốn làm gì cũng không được. Xã chúng tôi dự kiến trồng sơn tra trên núi, chưa biết có được thu không…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm