| Hotline: 0983.970.780

Lấy chồng từ thuở 13

Thứ Năm 02/05/2013 , 10:44 (GMT+7)

Dù đã qua huyện Kà Lum (tỉnh Sê Kông, Lào) định cư nhiều năm, tộc người Pa Cô, Cơ Tu ở bản Ka Lô vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc mình đó là tục đi sim.

Dù đã qua huyện Kà Lum (tỉnh Sê Kông, Lào) định cư nhiều năm, tộc người Pa Cô, Cơ Tu ở bản Ka Lô vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc mình đó là tục đi sim.

Đi sim

Kế hoạch đi bản Pa Lê (một bản cách Ka Lô chừng 40 km đường rừng) thất bại bởi đường xá cách trở, sau cơn mưa rừng đêm qua bùn đất ngập nửa thân người, chúng tôi trở lại bản A Róc để kịp làm chuyến hành trình đi sim của người Pa Cô, Cơ Tu nơi miền biên viễn này.

Đi sim là một nét văn hóa khá phổ biến của tộc người sống dọc theo dãy Trường Sơn. Ngày xưa, trai gái thường đi sim trong những đêm lễ hội như lễ Ruh Boh được tổ chức vào mùa rẫy (thường diễn ra tại nương rẫy của bản) hay lễ mừng lúa mới. Con gái được đưa lên những căn chòi để giữ rẫy ấy. Từ đây, trai bản biết có con gái đến canh rẫy bèn lân la đến trò chuyện, tán tỉnh. Tục đi sim cũng có từ đó.


Một góc đêm tình đi sim

Ở A Róc cũng như Ka Lô, một “đặc sản” của dân bản dễ dàng nhận thấy là hộ gia đình nào cũng đông con. Hộ ít nhất thì có 3, nhiều nhất là 11 đứa con. Con gái con trai ở bản thường lập gia đình lúc tuổi đời chỉ mới 13-14 tuổi. Nhiều cặp vợ chồng địu con lên rẫy nhìn như hai đưa trẻ chưa hết mùi sữa trên miệng.

Như trường hợp cặp vợ chồng Hồ Thị Ngàn và Hồ Văn Nghênh. Năm nay Ngàn 17 tuổi nhưng đã có 2 người con, tay bồng tay bế. Đi trên cầu thang nhà sàn xuống, một đứa Ngàn địu sau lưng, một đứa dắt ở tay cho khỏi ngã, gặp chúng tôi, hỏi về chuyện chồng con, Ngàn thẹn thùng: “Không nói mô, có chi hỏi chồng miềng ấy, nó đi uống rượu từ sáng rồi".

“Hôm nay không lên rẫy sao mà đi uống rượu?”, tôi hỏi. Ngàn chỉ tay về phía cuối thôn, bảo: “Chồng miềng hôm nay đi dự sinh nhật đứa bạn hồi đi làm vàng quen nhau. Đến giờ này chắc đã say”. Hỏi về cuộc sống vợ chồng, như đụng đến nỗi lòng của mình, Ngàn mới “mời cán bộ vô nhà uống nước để cùng nói chuyện”.

Ngàn tâm sự: “Cưới về chỉ mấy tháng đầu là nó (chồng Ngàn- PV) chịu làm lụng thôi. Từ ngày trở về cùng đám trai bản làm nghề đào đãi vàng, nó ăn nhậu suốt tháng này qua tháng khác. Mỗi lần về nhà say là mình lại… mang thai”.

Ngàn kể, cô chưa học hết lớp 3, nhà cô nghèo nhất nhì trong thôn, nương rẫy năm được mùa, năm không đông đủ mười ký gạo. Nhà Ngàn đông anh chị em, các chị chưa học hết lớp 5 cũng lần lượt theo về nhà chồng. Năm ngàn 14 tuổi, chồng Ngàn tối nào cũng sang bên nhà rủ đi chơi. Khi đầu Ngàn không chịu đi vì buổi tối xuống suối sợ lắm! Thế là Nghênh rủ thêm mấy đám trai bản nữa, chuẩn bị 2 cái loa thùng, một giàn karaoke, mắc điện từ máy phát tuabin (đặt ở các suối- PV) ở nhà bên cạnh sang. Đám trai bản đêm nào cũng soạn rượu ra uống, múa hát rất vui. Nhà Ngàn không có điện, chứ đừng nói đến cái âm thanh “hay hay” phát ra từ cục sắt ấy. Nghe riết mấy ngày cũng quen, Ngàn bắt đầu thấy thinh thích chồng mình - cái anh chàng mặt còn non choẹt mà “chịu chơi” ấy. Từ đó Ngàn mới chịu xuống suối “tâm sự” với chồng mình bây giờ.

"Pây lịnh nọng?"

Trai bản A Róc không đi sim ở bản mình vì ít con gái, họ phải đánh đường vào Ka Lô tìm vợ. Sau khi vượt chừng 5 cây số đường rừng, bản Ka Lô hiện ra với thứ ánh sáng lập lòe từ những đốm lửa do trai bản đốt từ cuối bản.

Nhà A Viết Na, cô gái xinh nhất bản, giờ này đã đông người đến chơi lắm rồi. Trong căn nhà sàn khá đơn sơ đám trai bản ngồi ngồi uống rượu ngâm rễ sâm rừng, ăn ốc suối, rít thuốc lào rồi nói chuyện huyên thuyên suốt đêm.



Trai bản lên nhà A Viết Na đi sim

Trước đây, Na đã từng có “hứa hôn” với một người con trai ở bản A Róc, nhà trai cũng băng rừng mang lễ vật vào xin cưới. Nhưng duyên phận hẩm hiu, người con trai đó một lần theo đám trai bản đi đào vàng rồi đi mãi, không về nữa. Na khóc suốt mấy ngày, may nhờ có đám trai bản thường xuyên đêm nào cũng đến chơi nên nỗi buồn cũng với bớt.

A Mú, một trai bản từ A Róc vào là người dẫn chúng tôi lên nhà A Viết Na yêu cầu được đi về cuối thôn để “nhập hội” cùng đám trai, gái bản, thổi khèn, uống rượu bên bếp lửa. Cuộc đi sim bắt đầu. Ngay từ lúc chiều, nhóm trai bản ở Ka Lô đã đi kiếm củi, chất thành đống, một chiếc trống và khèn được chuẩn bị sẵn. Bên bếp lửa, những người được phân công bên “đội nhạc” sẽ phụ trách thổi khèn, đánh trống suốt đêm.

Ánh lửa được thắp lên, cháy rực một khoảng sân. Rượu được chuyền tay từ người này đến người khác. Khi rượu đã thấm, mọi người nắm tay nhau cùng múa điệu Phòn. Múa xong rồi lại uống, đến khi mọi người đều chuếnh choáng, người về vãn cả thì từng cặp trai gái tự “tách đàn” dìu nhau xuống dòng sông Trôn để tâm sự.


Nhảy múa theo tiếng khèn, trống, uống rượu trước khi bước vào đêm tình đi sim

Tục đi sim với nhiều biến tướng đã gây nên nhiều hệ lụy cho những người tuổi hoa niên ở Ka Lô, A Róc. Mang câu chuyện đi sim hỏi Soongchoang- Trưởng bản, kiêm Bí thư Chi bộ Ka Lô, ông bảo: “Tập tục nhiều đời nay nó thế. Nhưng ngày xưa đi sim là những đêm tình đẹp và không nhiều biến tướng như bây giờ. Nạn tảo hôn, trai gái bỏ nhau, những đứa trẻ vô thừa nhận xảy ra khá nhiều trong bản. Dù tuyên truyền vận động nhiều nhưng tập tục của bà con không bỏ được".

Đã có hơi men, với một ít “vồn từ” học lóm từ anh bạn công nhân làm công trình ở bản, tôi như thêm bản lĩnh để cùng bước chân theo đám trai bản. Từ xa, tiếng chó cắn ma ít dần khi nhóm người đã yên chỗ bên dòng sông Trôn. Gặp Hồ Thị Nhỏ, cô gái có khuôn mặt khá dễ nhìn, nước da trắng như bắp chuối trong rừng, tôi đánh bạo: “Pây lịnh nọng?” (đi chơi không em?), Nhỏ ngước nhìn rồi, cười thật tươi như chấp nhận lời mời.

Theo Nhỏ ra bến sông, trời tối đen như mực, đốm lửa lập lòe từ ống tẩu của Nhỏ rít thuốc, đỏ liên hồi. Nhỏ tâm sự: “Ở đây đi chơi với bạn gia đình không cấm. Con gái con trai dẫn nhau đi chơi, tìm hiểu nhau, khi nào có tin vui thì báo với hai bên gia đình để chuẩn bị lễ cưới”.

Nhỏ năm nay đã 16 tuổi, lứa tuổi được xem là “ế" ở vùng đất này. “Sao Nhỏ không đi học để sau này về miền xuôi kiếm việc”, tôi hỏi. Nhỏ bảo: “Nhà miềng không có điều kiện đi học, giờ ra được trung tâm huyện Kà Lum đường xa quá. Vả lại, ở bản con gái thường ít được học nhiều, phải ở nhà để… lấy chồng thôi”.

Câu chuyện đã ra chiều thân mật thì chuông điện thoại reo. Anh bạn công nhân của tôi cảnh tỉnh: “Chú mày mà đi chơi bậy bạ làng nó phạt cho thì khốn...”. Tôi chào biệt Nhỏ cũng với một câu đã “học lóm” từ trước: “Nọng mưa, ai mưa hương” (Em về đi, anh giờ phải về nhà).

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.