| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm khói bụi mù mịt, hệ lụy từ nhà máy xi măng chục ngàn tỷ đồng

Thứ Sáu 26/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

NM Xi măng Sông Lam do Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (trụ sở ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm chủ đầu tư xây dựng tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hiện tại (tháng 8/2016), NM xây dựng đã gần xong. Xe chở đá rầm rập suốt ngày đêm trên con đường mới mở...

NM Xi măng Sông Lam do Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (trụ sở ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm chủ đầu tư xây dựng tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tổng vốn đầu tư 10.500 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động (dự kiến đầu năm 2017), công suất 12 nghìn tấn clinker/ngày (4 triệu tấn xi măng/năm). Sau khi lắp đặt thêm dây chuyền thứ 3, công suất nâng lên 18 nghìn tấn clinker/ngày.

Hiện tại (tháng 8/2016), NM xây dựng đã gần xong. Việc nổ mìn khai thác đá tại quần thể núi đá vôi cách NM hơn 2km triển khai từ mấy tháng nay. Xe chở đá rầm rập suốt ngày đêm trên con đường mới mở cắt qua cánh đồng, tung bụi mù mịt. Tại NM các dây chuyền nghiền đá đã vận hành.

 

Ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng

Chưa chính thức đi vào hoạt động, thế nhưng hệ lụy từ dự án NM Xi măng Sông Lam gây ra cho người dân xã Bài Sơn hết sức nghiêm trọng. 

Cơn mưa giữa tháng 7 âm lịch vừa qua không lớn lắm, thế nhưng 3 - 4ha ruộng lúa của bà con thôn Xuân Sơn bị phủ lớp đất đồi dày cả tấc. Vốc nắm bùn màu đỏ quạch, dẻo quẹo trên thửa ruộng, không giấu nỗi sự bức xúc bà Phạm Thị Du cho biết, từ khi xây dựng NM xi măng, bùn đất lấp đầy đồng ruộng.

Cách đây ít ngày, trận mưa đầu mùa đến, thế là đất đồi phủ hết 4ha ruộng của 7 - 8 hộ. Nhà nông chỉ biết mưu sinh trên đồng ruộng để kiếm sống. Nay ruộng bị bồi lấp mà chẳng thấy NM ngó ngàng gì tới. Để gieo sạ, bùn đỏ dẻo quẹo thế này thì cấy hái gì.

Không chỉ đồng ruộng bị "hành hạ" mà các dây chuyền nghiền đá đi vào hoạt động, bà con thôn Đô Sơn liên tục bị tra tấn từ bụi đá. Nhiều hôm, không gian xung quanh NM mờ đục như sương. Những hộ ở gần NM cảm thấy ngột ngạt và bất an khi bụi phủ đầy nhà của, vườn tược.

Bà Thái Thị Phương, ở tổ 2 xóm Đô Sơn cho biết, NM đi vào hoạt động có khi phải bỏ nhà đi nơi khác, chứ ở đây chắc không trụ nổi với bụi. Mới nghiền đá với công suất chưa lớn thế mà bụi đã phủ lớp dày lên cây cối, nhà cửa. Đi làm về, mở cửa, thấy bàn ghế, giường tủ, đâu đâu cũng bụi mà phát khiếp.

16-39-51_dsc07996
Ngôi mộ cách đường ô tô chỉ gần 1m (nơi có rào tre)

 

Cùng nỗi niềm, ông Thái Ngô Quang, có nhà sát NM xi măng cảnh báo, bụi đá rất độc hại. Quanh năm suốt tháng, phải hít thở không khí có loại bụi này chịu sao nổi. Đến giai đoạn NM sản xuất đạt công suất 12 nghìn tấn clinker/ngày, có khi không cần chờ giải tỏa, người dân tự bỏ làng đi nơi khác.

Có điều kiện đi nhiều nơi, biết khá kỹ về công nghệ xi măng lò đứng, ông Quang cho biết thêm toàn bộ thiết bị máy móc và dây chuyên công nghệ của NM xi măng này đều của Trung Quốc, và do chuyên gia, công nhân nước họ lắp đặt.

Cứ nghĩ, NM xi măng 12/9 ở huyện Anh Sơn, do Trung Quốc lắp đặt, nhiều năm nay bụi mù mịt tra tấn đời sống người dân gần đó. Ở NM Xi măng Sông Lam này, trước sau gì thảm họa môi trường cũng sẽ xảy ra, người dân Bài Sơn và các xã lân cận sẽ lĩnh đủ.

16-39-51_dsc07990
Người dân đi viếng mộ người thân

 

Đe dọa nguồn nước

Nước ở đập Đá Bàn, trước đây trong xanh, mát lạnh là vậy, mà nay chảy qua khu dân cư bốc mùi hôi nồng nặc. Nói về thực trạng này, anh Nguyễn Cảnh Hải, cán bộ văn phòng UBND xã Bài Sơn cho biết trước đây, một số trang trại nuôi lợn quy mô lớn sát đập, gây ô nhiễm địa phương đã xử lý và nghiêm cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm khu vực gần đập.

Cứ tưởng cấm nuôi lợn, nước tại đập Đá Bàn hết ô nhiễm. Nhưng không, phía đầu nguồn NM xi măng mọc lên các dãy nhà ở công nhân, ô nhiễm nguồn nước càng nghiêm trọng hơn. Nguy hại nhất là nguồn nước ô nhiễm này ngấm vào giếng. Ở vùng này nước giếng phụ thuộc nguồn nước từ đập Đá Bàn. Đập hết nước, giếng cũng cạn khô và ngược lại.

Không ít giếng của những hộ ở vùng trũng thấp nước giếng lên xuống theo mực nước ở ruộng. Nhiều hộ biết ô nhiễm, song bất đặc dĩ phải dùng, bởi ngoài nước giếng có nước nào khác.

“Không chỉ ô nhiễm mà từ ngày NM Xi măng Sông Lam xây dựng sát đập Đá Bàn, nguồn nước tại đập ít hẳn. Trước đây, 207ha lúa của xã Bài Sơn ít khi thiếu nước, vài ba năm trở lại đây, năm nào cũng hạn hán khốc liệt. Năm 2015, có tới 170ha lúa bị mất trắng do hạn hán”, ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết thêm.

Người chết liên tục bị truy đuổi

Trước đây, nghĩa địa Mả đá là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của biết bao thệ hệ người dân Đô Sơn. Ngày dự án NM xi măng Đô Lương (tiền thân của NM Xi măng Sông Lam), triển khai xây dựng; nghĩa địa Mả đá di dời đến Động Hồ, cách đó hơn cây số. Tại nơi mới, nghĩa địa được quy hoạch bài bản, có khu vực cát táng và khu vực hung táng riêng biệt.

Đến nay, không hiểu do đâu, phạm vi NM Xi măng Sông Lam tiến sát nghĩa địa xây dựng chưa lâu này. Vừa qua, nếu người dân không phát hiện kịp thời, có khi hàng chục ngôi mộ khu vực hung táng đã bị san lấp. Hiện có ngôi mộ chỉ cách ta luy nền đất san ủi 1m. Những bữa mưa to, hàng chục ngôi mộ ngập chìm trong nước.

Ông Thái Ngô Chinh, không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến việc san ủi mặt bằng của NM suýt lấp mất mộ người thân. Không giấu nổi sự bức xúc, nhìn như thôi miên về phía NM xi măng đang xây dựng, ông gằn giọng: "Đang yên đang lành, NM xây dựng làm đảo lộn hết mọi thứ. Đến người chết cũng không được yên. Chậm chút nữa, có khi cả xóm Đô Sơn suốt ngày moi đất tìm mộ".

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm