| Hotline: 0983.970.780

Philippines hôm nay

Thứ Tư 12/02/2014 , 09:54 (GMT+7)

Tôi đã đến Philippines nhiều lần, nhưng lần này thú vị nhất là được đi dạo phố bằng xe ngựa và được đến thăm đảo Boracay cách khá xa Manila.

Tôi đã đến Philippines nhiều lần, nhưng lần này ngoài giờ làm việc có dịp hỏi han bè bạn nhiều hơn về tình hình Philippines hiện nay và thú vị nhất là được đi dạo phố bằng xe ngựa và được đến thăm đảo Boracay cách khá xa Manila. Đây là trung tâm du lịch nổi tiếng và tấp nập du khách muôn phương.

Tôi cố gắng tìm hiểu xem không hiểu nước này khác biệt gì với nước ta, cái gì thua ta, cái gì hơn ta và đáng để cho chúng ta học hỏi?

Philippines nhỏ hơn ta, diện tích 300.000 km2 (đứng thứ 73 trên thế giới, trong khi Việt Nam đứng thứ 66). Việt Nam chủ yếu là một dải đất liền, còn Philippines lại là một quần đảo gồm tới 7.100 hòn đảo, trong đó có khoảng 1.000 đảo có dân sinh sống. Lớn nhất là đảo Luzon (105.000 km2) và đảo Mindanao (95.000 km2) cùng với quần đảo Visayan - tạo nên ba ngôi sao vàng trên quốc kỳ nước này.

Vì địa hình quá phân tán nên Philippines có tới 80 tỉnh và 39 thành phố. Philippines có bờ biển dài nhất thế giới - 36.289 km, trong khi bờ biển Việt Nam chỉ là 3.444 km. Philippines có khá nhiều ngọn núi lửa, nhiều ngọn vẫn còn hoạt động.

Chẳng hạn ngọn núi lửa Mayon cao 2.462 m, năm 2009 phun trào làm cho khoảng 32.000 người phải rời quê hương đi lánh nạn. Vất vả nhất là tai họa bão lụt triền miên ở nước này. Hình như cơn bão nào xuất hiện giữa Thái Bình Dương đều tàn phá qua Philippines rồi mới sang đến nước ta.

Dân số Philippines đông hơn nước ta (97,8 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới). Việt Nam trên 90 triệu dân (đứng thứ 15). Cơ cấu kinh tế trong GDP của Philippines hiện nay khác nước ta tuy cùng là một nước trồng lúa nước truyền thống (nông nghiệp - 11,8%, Việt Nam - 19,7%; Công nghiệp - 31,1%, Việt Nam - 38,6%; Dịch vụ - 57,1%, Việt Nam - 41,7%)...

Ngoài giờ làm việc bạn đưa tôi đi thăm Manila bằng ôtô và... xe ngựa. Diện tích Manila chỉ có 38,55 km2 (Hà Nội hiện nay là 3328,9 km2) và có lịch sử thua xa Hà Nội (chỉ có 443 năm) nhưng đúng là một thành phố thật quy củ.


Tác giả dạo phố bằng xe ngựa

Rất nhiều nhà cao tầng, khách sạn, siêu thị, quảng trường, bãi biển ven vịnh, các cơ quan... tất cả đều có kiến trúc hiện đại và thật đẹp. Những quảng trường rộng lớn. Nhưng ngay cạnh đó, ngạc nhiên thay, là những di tích cổ xưa rộng lớn (thời thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ) được bảo tồn rất chu đáo. Khó có thể hình dung đó là các di tích được trùng tu lại theo nguyên mẫu vì trong thực tế nó đã bị phá hủy bởi bom Mỹ vào thời Thế chiến II.

Manila trải qua ba thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và sau đó bị Mỹ chiếm đóng suốt 48 năm (1898 - 1946). Trung tâm thành phố không hề có tình trạng tự ý xây dựng lộn xộn như ở các thành phố của nước ta. Rất ít xe máy và xe đạp, có một ít xích lô mà người đạp ở bên cạnh chứ không phải ở phía sau.

Đáng học tập nhất là việc có rất nhiều xe minibus có tên gọi là xe Giip với hai hàng ghế song song, chở được tới 20 hành khách, len lỏi khắp mọi ngõ ngách. Xe bus loại lớn có rất ít nên đi lại trên phố thuận tiện hơn nhiều, ít tắc nghẽn phổ biến như ở nước ta. Công viên rộng lớn với nhiều trò chơi hấp dẫn. Một dịch vụ khá thú vị là in ảnh gia đình sau 15 phút rất đẹp trên áo T-shirt cho khách du lịch.

Tất nhiên vẫn còn không ít người nghèo. Họ không chìa tay xin tiền mà len lỏi giữa các hàng xe để bán nước giải khát, vật lưu niệm, báo chí, chổi phất trần, thậm chí cả những cột treo quần áo cao tới 2 m...


Đường phố khá thông thoáng

Rất ít thấy công an nhưng mọi xe cộ đi lại rất trật tự và nhường nhịn nhau. Ngã tư nào cũng có người điều hành trật tự mặc quần áo màu xám. Bảo vệ các quán ăn cũng được vũ trang súng đạn như cảnh sát, nhưng lại tham gia mở cửa, đôi khi hỗ trợ bưng bê và sau lưng đeo một túi cứu thương có dấu chữ thập.

Ở Manila có khá nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khoa học. Có các đại học danh tiếng như Philippines Normal Univ., Univ. of the Philippines Manila, Polytech. Univ. of the Philippones, Univ. of Santo Tomas.Institute of Science and Techology, Technological Univ. of the Philippines... và vài chục trường đại học và cao đẳng tư thục.

Đáng chú ý là trẻ em từ 7 tuổi trở lên đã thạo tiếng Anh cho nên toàn bộ sách giáo khoa của bậc phổ thông và đại học đều là sách giáo khoa của Anh, Úc hoặc Mỹ. Thầy giáo thường cũng từ các nước ấy về hoặc mời chuyên gia đến thỉnh giảng.

Thiết nghĩ nước ta còn nghèo sao cứ phải đi du học xa cho tốn kém mà ít nghĩ đến chuyện du học tại nước này? Lại càng nghĩ đến việc tại sao cứ loay hoay mãi chuyện chương trình và sách giáo khoa mà không hội nhập với các nước có nền giáo dục tiến bộ và ổn định?

Riêng về công nghệ sinh học tôi biết đến các viện nghiên cứu được trang bị khá hiện đại, các bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật ngang tầm vóc quốc tế... với những nhà nghiên cứu trẻ trung được đầu tư thỏa đáng để phát triển.

Riêng về cây chuyển gen thì tôi thật sự khâm phục, vì họ đã mạnh dạn đưa vào SX cây ngô kháng sâu bệnh (nhờ chuyển gen Bt từ vi khuẩn vào) và cây ngô kháng thuốc diệt cỏ (phun hai lần mà không ảnh hưởng tới ngô)...

Các ruộng thí nghiệm và đối chứng đặt cạnh nhau, nông dân đến xem là thấy rõ ngay, không cần hội thảo liên miên, thử nghiệm lâu dài như ở nước ta. Các bạn nói với tôi: Trình độ cao như Mỹ, đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ người đã trồng bạt ngàn rồi và đã chứng minh là chẳng có hại gì thì ta tội gì phải tốn công tốn của làm thí nghiệm hàng nhiều năm nữa?

Đặc biệt ấn tượng đối với tôi là có dịp tham quan nhà thờ cổ kính và rộng lớn còn khá nguyên vẹn San Agustin với vô vàn những bức tượng tuyệt vời, những bức tranh lịch sử, những quần áo trải qua nhiều thế kỷ, những phòng giảng đạo rộng rãi với chiếc đại phong cầm khổng lồ và những cuốn sách nhạc lớn với ký âm pháp khác lạ...

Có lẽ tôi phải dành một bài viết khác để tặng bà con muốn tìm hiểu về công giáo ở đất nước có tới gần 83% dân chúng theo đạo này.

Một thiên đường du lịch đông nghịt khách nước ngoài được tổ chức tuyệt vời và rất đáng để ai đang xây dựng Phú Quốc nên sang mà học hỏi. Có lẽ phải viết vài trang mới tả nổi về trung tâm du lịch kỳ thú này.

Đó là hòn đảo du lịch Boracay ở giữa biển khơi. Sau một giờ bay và lên thuyền đi tiếp 30 phút sẽ tới được đảo này. Toàn đảo sống vào nghề phục vụ du lịch. Mọi con thuyền đều có lắp thêm hai hàng càng tre hai bên để giảm sóng. Một sáng kiến hay như vậy sao chúng ta không chịu bắt chước nhỉ?



Cách làm du lịch ở Boracay rất đáng để học hỏi

Một chợ hải sản cực lớn ngay giữa đảo và chung quanh là các cửa hàng ăn uống chỉ làm dịch vụ nấu nướng thuê và lo hậu cần cho thực khách. Thật là thú vị và rất hợp lý mà khu du lịch nước ta ít thấy ai noi theo.

Cảnh đẹp nhất là xem mặt trời từ từ lặn xuống trên mặt biển. Tôi đã cố gắng để chụp được tấm ảnh này. Bên cạnh các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu sang trọng và đang tiếp tục mọc thêm san sát, là những phố dài bán hàng lưu niệm đủ hình, đủ kiểu.

Đi sâu vào đảo cũng còn gặp những mái gianh nghèo của dân bản địa không cạnh tranh nổi với thị trường du lịch. Họ làm công nhân vận chuyển hàng hóa và thực phẩm từ đất liền ra biển. Thật mong sao Phú Quốc, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ và bao đảo khác của chúng ta sẽ là những trung tâm du lịch không thua kém gì Boracay!

Trong hàng nghìn khách du lịch chen chúc trên các bãi cát trắng ven biển tôi thấy đủ các màu da, các ngôn ngữ, nhưng rất tiếc là thiếu vắng bóng dân ta. Mong các bạn có một lần đến thăm nơi này vì chắc chắn rẻ tiền hơn nhiều so với đi du lịch châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm