| Hotline: 0983.970.780

Quy Đạt

Thứ Tư 25/01/2012 , 10:15 (GMT+7)

Là vùng cao nhưng Quy Đạt thuộc đất lương thổ, bằng phẳng yên bình ngưng đọng như cổ tích, được bao quanh bởi những dãy núi đá cuồn cuộn hùng vĩ.

“Đường lên (ơi) Quy Đạt, nghe bên tai gió hát, con chim (nó) hót, nghe (con) suối (nó) chào. Anh đi tìm em từ nương ngô xanh thắm. Em sang vườn sắn (mà) chẳng thấy anh đâu, chỉ thấy lèn cao đượm một màu xanh ngắt…”

Tôi đồ rằng cảm hứng ca từ trên đây nhạc sỹ Trần Hoàn thu được trên đoạn đường 18 kilômét Đồng Lê - Quy Đạt là 2 thị trấn phố núi của 2 huyện Tuyên Hoá - Minh Hoá (Quảng Bình). Không gian Quy Đạt nằm nơi giao cắt giữa QL 12A xuyên Á khởi nguồn từ QL 1A (Ba Đồn) men theo bờ Đại linh giang (sông Gianh) quanh co dưới dãy Dăng Màn thuộc sơn hệ Trường Sơn, qua đèo Mụ Dạ, cổng trời, Cha Lo, qua Lào với đường Hồ Chí Minh xuyên Việt.

Là vùng cao nhưng Quy Đạt thuộc đất lương thổ, bằng phẳng yên bình ngưng đọng như cổ tích, được bao quanh bởi những dãy núi đá cuồn cuộn hùng vĩ. Người Quy Đạt đa số là người Nguồn - một bộ phận của người Kinh nhưng cách phát âm dị biệt về ngữ âm, thanh điệu, nhiều tập tục hơi khác lạ nên đã từng có học giả cho rằng là một dân tộc thiểu số. Có hơn 5 vạn người Nguồn và người Sách, Rục, Mã Liềng, Khùa trong hệ tộc Chứt họp thành dân số Minh Hoá. Có gần 6 nghìn người ở thị trấn Quy Đạt.

Tương truyền 2 ông Sậy và Sạt là thuỷ tổ người Quy Đạt. Ngày nay vẫn còn làng Sạt là nguyên bản của thị trấn. Có thể, nguyên khai đất Quy Đạt nhiều lau sậy và sặt mà nẩy sinh huyền tích trên. Thực ra, người Quy Đạt mở cõi đến từ con đường thượng đạo mà ngày trước Trần Quang Diệu (Bộ tướng của Quang Trung) và Hoàng Kế Viêm từng để mắt trong chiến lược chuyển binh lúc thất thế. Và từ sông Gianh ngược lên.

Người Quy Đạt đa phần họ Đinh và họ Cao, không thấy tộc phả nên huyết mạch họ tộc dường như không kết dính bằng cộng đồng dân cư, sống hồn nhiên chân chất như chưa hề có sự xâm nhập của đô thị và công nghiệp. Đạo Phật và đạo Thiên Chúa không có mặt ở đây. Nhưng đạo hiếu hiện hữu rất bền vững và tục thờ Pụt – Một khối đá thiêng ở thác Pụt, cúng vào rằm tháng 3 với lời khấn dài và bí hiểm như Khan và H’Mon của Tây Nguyên.

Người Quy Đạt có hai cái Tết: Tết Nguyên đán và lễ hội rằm tháng 3 đã được công nhận là lễ hội cấp tỉnh. Tết Nguyên đán không lớn nhưng người già thì được ăn Tết “lai rai” từ rằm tháng Chạp qua tới rằm tháng Giêng gọi là tục “bưng cơm” hay “giỗ sống”. Quanh năm suốt tháng ăn bồi (bắp) hay cơm ngang – cơm nấu gạo cả vỏ trấu ăn no lâu – ngày Tết no dồn dễ sinh bội thực. Từ giữa tháng 12 âm lịch, con cháu thay nhau nấu cỗ Tết bưng cho ông bà cha mẹ ăn Tết dần vừa trọn đạo hiếu vừa đảm bảo dinh dưỡng khoa học.

Món ăn truyền thống của người Quy Đạt - Minh Hoá là cơm bồi (phát âm pồi) nấu bằng bột ngô xay, bột sắn tươi, đậu xanh trộn đều hấp cách thuỷ, chấm với mật ong hoặc ăn với ốc luộc. Nửa đêm về sáng, trong không gian tĩnh lặng của rừng núi Minh Hoá âm âm thậm thịch tiếng chày giã bồi (giã ngô hạt và sắn). Làn điệu hò thuốc cá có câu: Hôi lên (là) hôi lên - Trời mưa nước chảy (hồi) quanh hồi/ Anh không (là) không lấy vợ ai đâm bồi (là bồi) anh ăn. Hôi lên là hôi lên.

Hò Thuốc cá, hát đúm, pí là những làn điệu văn nghệ dân gian đặc sắc mà người Minh Hoá bảo tồn được. Ở đây có hai nghệ nhân dân gian từng giật huy chương vàng ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Lễ hội rằm tháng 3, có cảm giác như cả 5 vạn người Minh Hoá từ hang cùng ngõ hẻm đều kéo về Quy Đạt, để giao duyên, gặp gỡ, trao đổi mua bán lâm thổ sản, là một phiên chợ của năm kéo dài hai ba ngày. Tất cả tinh hoa văn hoá văn nghệ và ẩm thực như hát dân ca, chơi đu, đi cà kheo, đẩy gậy, thi nấu cơm bồi… đều được thể hiện.

Quy Đạt, trên thực tế đã từng là thủ đô kháng chiến của vị vua yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi. Sau hiệp ước Pa - tơ - nốt, đêm 23/5 năm Ất Dậu chính biến đồn Mang Cá, kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở vòng qua Lào ra Hương Khê lại vòng vào Quy Đạt xuống chiếu cần vương “đóng đô” ở Cổ Liêm. Sĩ phu nơi nơi hưởng ứng. Ròng rã 3 năm (1885-1888) vị vua trẻ cùng quần thần liên tục di chuyển quanh Quy Đạt, nhờ vùng núi Minh hoá che chở lãnh đạo kháng chiến. Nhưng lực lượng mỏng và cũ, nhân tài vật lực địa phương không mấy dồi dào, Tôn Thất Thuyết đi cầu viện Mãn Thanh không về, ngự tiền đổng lý Nguyễn Phạm Tuân bị bắt ở Cổ Liêm và tuẫn tiết, Trương Quang Ngọc phản bội dẫn quân Pháp đến bắt vua, đày tận trời tây… Năm 1896 Pháp chính thức đóng đồn Quy Đạt, đào giếng lấy nước mang về Paris xét nghiệm, sau gọi là giếng Tây. Lính pháp trồng mấy chục cây ngô đồng, tới nay đã 115 năm tuổi, cổ thụ già cỗi như vật chứng xuyên 3 thế kỷ.

Thời chống pháp, Minh Hoá là chiến khu, căn cứ địa cách mạng. Tháng 7/1949 Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đại hội tại Minh Hoá quyết định hạ sơn đánh Pháp chuyển từ phòng ngự qua cầm cự. Thời chống Mỹ, quốc lộ 15 và đường 20 là tuyến vận chuyển huyết mạch trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh với những địa danh nổi tiếng: Cổng Trời, đèo Mụ Dạ, La Trọng, Khe Ve, Bãi Dinh với mệnh lệnh “nhắm thẳng quân thù mà bắn” bất hủ và huyền thoại về cửa tử: “qua khỏi Ngầm Rinh mới biết mình còn sống”.

Từ Quy Đạt đi hai chục cây số là tới Thượng Hoá với tộc người Rục lưu giữ vốn tiếng Việt cổ từ thời Hùng Vương, khi mới được tìm thấy năm 1960 chỉ còn 34 người, ở hang đá, ăn bột nhúc, nay đã 200 nhân khẩu, ở nhà ngói, làm rẫy, trồng lúa nước, dùng điện thoại di động, đi xe máy, xuất khẩu lao động ra nước ngoài, nhưng vẫn còn hệ luỵ, phá rừng chặt gỗ và săn bắt động vật hoang dã, uống rượu say, hút thuốc nặng, phạm tội cũng hồn nhiên như sinh hoạt, bắt cả kiểm lâm giam lại để đòi tiền chuộc.

Ôi! Đường lên Quy Đạt, bây giờ có thể đi từ Đông sang Tây theo đường xuyên Á Vũng Áng, Hòn La - Cha Lo, hay theo trục Bắc Nam đường Hồ Chí Minh. Một vùng văn hoá, kinh tế xã hội được đánh thức trong giao thoa hội tụ với tiết tấu làm ăn và văn hoá mới. “Đường lên Quy Đạt nghe bên tai gió hát…”. Ngọn gió nông thôn mới đang thổi lộng vào lớp lá vàng năm xưa năm ngoái.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất