| Hotline: 0983.970.780

Rừng bảo tồn rên xiết!

Thứ Ba 22/10/2013 , 10:06 (GMT+7)

Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là KBT thiên nhiên ven biển hiếm hoi của Việt Nam. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ nó được bảo vệ nghiêm ngặt với 8 trạm bảo vệ và hệ thống hàng rào B40 kiên cố. Nhưng không hẳn thế…

Khu bảo tồn (KBT) Bình Châu - Phước Bửu nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là KBT thiên nhiên ven biển hiếm hoi của Việt Nam. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ nó được bảo vệ nghiêm ngặt với 8 trạm bảo vệ và hệ thống hàng rào B40 kiên cố. Nhưng không hẳn thế…

>> Những ''lò lửa'' giữa rừng
>> Tan hoang rừng Xuyên Mộc

“MÓC RUỘT” RỪNG CẤM

Với diện tích hơn 10.000 ha, KBT Bình Châu - Phước Bửu trải dài trên địa bàn 4 xã Bình Châu, Phước Thuận, Bông Trang, Bưng Riềng và thị trấn Phước Bửu. Phần tiếp giáp với QL55 được bảo vệ bằng một hàng rào kẽm gai, trụ bê tông khá chắc chắn. Nhưng nhiều đoạn đã bị lâm tặc xé toang, bên trong hàng rào, rải rác những lối mòn ngoằn ngoèo, dấu bánh xe thồ chồng chéo.

“Trong KBT còn nhiều gỗ quí, cây đẹp lắm. Với lại, mấy chú thấy đấy, đường nhựa bon bon chứ không phải leo trèo như trên núi, nên bảo vệ rừng có canh giữ cả ngày lẫn đêm cũng không ngăn nổi. Có điều, ở đây tụi nó hoạt động kín đáo hơn, mạnh về đêm chứ ít dám công khai giữa ban ngày như mấy chỗ các chú vừa đi.


Rất nhiều đoạn rào bị xé toang, ngay dưới bảng cấm

Ban ngày tụi nó chỉ vào tìm, đánh dấu cây, nhìn cũng như mọi người dân khác vào rừng hái lá, đào măng vậy thôi. Sau khi “tăm” được cây, tối mới vào cắt mang ra. Tôi ở nhà thấy tụi nó chở gỗ chạy ầm ầm, chả thấy ai bắt”. Anh T.H chỉ con đường đất bên cạnh nhà, nói.

Tôi ngỏ ý muốn theo chân lâm tặc ban đêm, anh T.H bảo: “Tụi nó thuộc rừng như lòng bàn tay, đi đêm mắt tinh như mắt mèo, không cần đèn. Còn chú không đi nổi đâu. Không nói lạc đường, chỉ cần bị phát hiện thôi là khỏi có đường ra”.

Ngày 2/10, anh T.H dẫn chúng tôi xâm nhập vào KBT Bình Châu - Phước Bửu qua hàng rào B40 đã bị lâm tặc phá ở khu vực thuộc ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, giáp QL55. Trước khi đi, anh dặn: “Ở đây tụi nó manh động, liều lĩnh hơn tụi mấy chú đã gặp rất nhiều. Kiểm lâm, bảo vệ rừng nó cũng chẳng coi ra gì. Cho nên, phải hết sức thận trọng lời ăn tiếng nói, đừng để tụi nó phát hiện”.

Vừa đi vào rừng được chừng 100 m, đã thấy ngay một cây sến đường kính khoảng 40cm, mới bị hạ thủ, nhựa còn chưa khô. Do cây này bị bọng, rỗng ruột nên lâm tặc chê không lấy. Cách đó vài mét, là một cây sao bị cắt khoảng 1 tháng, nhựa đã khô, quện quanh gốc.



2 gốc sến bị xẻ thịt cách QL55 chừng trăm mét

Đi sâu vào rừng, ở nhiều đường mòn có những đống gỗ chừng 1-2 khối, được cắt ngắn 1 m. “Loại này chủ yếu dùng làm củi đốt, làm than, giá khoảng 2-3 trăm ngàn đồng/khối”, anh T.H cho biết.

Tại khu vực rừng cách Trạm kiểm lâm số 5 chỉ chừng vài trăm mét, rất nhiều gốc sao, sến, săng đá, gõ... đường kính 50-60cm bị đốn hạ. Rải rác xung quanh là những khúc gỗ bị bỏ lại do bọng ruột. Một số cây, bị bứng cả thân lẫn lốc, chỉ còn trơ lại một hố sâu hoắm, rộng khoảng 3 m.


Đi sâu vào rừng, rất nhiều gốc cây bị cắt như thế này

“Đây là gốc cổ thụ, tụi nó thấy đẹp nên đào lấy gốc luôn”, anh T.H khẳng định. Càng vào sâu, nơi có những cây gỗ to, đẹp, vết tích lâm tặc để lại càng nhiều. Rẽ sang một lối mòn khác, rải rác cả chục cây gõ, sao, sến… đường kính từ 40cm đến 1m bị cắt còn trơ gốc. Trên mặt đất, cành, lá cây nằm la liệt.


Cây sến to cỡ 2 người ôm này đã bị lâm tặc đánh dấu, chờ ngày khai tử

Tại khu vực dãy núi Hồ Linh, nơi có ngọn Hải đăng Ba Kiềm, thực trạng phá rừng cũng diễn ra tương tự. Dọc 2 bên con đường xi măng nhỏ mới được trạm Hải đăng làm, đã thấy nhan nhản những gốc săng đá bị cắt, mới cũ có đủ. Cách vài chục mét lại có một lối mòn đi vào rừng, như hình xương cá.

Rẽ vào một lối mòn chừng 100 m, chúng tôi bị chặn lại bởi ba cây sao bị cưa trơ gốc, cành lá nằm ngổn ngang chắn giữa đường. Cách đó một đoạn là một gốc mai vừa bị bứng bật khỏi mặt đất.

“HOANG MẠC” GIỮA RỪNG

“Sao gần ngay chốt bảo vệ mà không ai biết nhỉ?”, tôi thắc mắc. “Cưa bằng cưa máy mà êm ru, đó là “công nghệ” được tụi nó dày công nghiên cứu. Tụi nó dùng cưa máy bản rộng, gắn ống tuýp giảm thanh, 1 đầu gắn vào pô cưa, đầu còn lại cắm xuống sát mặt đất.

Làm vậy, tiếng cưa rất nhỏ, cách vài chục mét mới nghe tiếng. Bên cạnh đó, tụi nó luôn biết chọn ngày giờ “linh”: giữa trưa, chiều tối hoặc nửa đêm, thời điểm kiểm lâm, bảo vệ ăn, nghỉ trưa, hết giờ làm hoặc mệt ngủ say… để hành động. Thậm chí, những ngày mưa bão chúng lại hoạt động mạnh”, anh T.H nói.

Trong vai khách hàng tìm mua gỗ quí, chúng tôi được chị N.M, người dân trong ấp chỉ đến nhà ông H, một lâm tặc chuyên nghiệp. Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua một cặp gỗ giáng hương về làm lục bình, ông H bĩu môi nói loại gỗ đó hơi khó, muốn mua phải đặt cọc trước, giá không rẻ.


Đống gỗ sao trong nhà ông H ở Bình Châu

Tôi nói ông H tìm cho một cặp dài 1,2m, bán kính từ 30 đến 40cm. Ông H cho biết giá của một cặp gỗ hương có kích thước như trên bèo nhất cũng phải tám triệu. “Khi nào mới có?”, tôi hỏi ông H. “Để tôi tìm đã, cho số điện thoại khi nào có tôi báo cho”, ông H trả lời rồi gạ tiếp: “Nếu không có hương thì dùng gỗ sao đi. Trong nhà tôi còn mấy khúc xem được thì lấy luôn. Có người trả tôi 3 triệu mà tôi chưa bán”. Nói xong, ông H dẫn tôi vào trong nhà để xem gỗ.

Tại góc nhà ông H có ba khúc gỗ sao hình tròn và tám khúc gỗ dẹt ước chừng khoảng hơn 1 khối được che bằng chiếc chiếu cũ. Ông H nói, hiện nay gỗ sao cũng đang cạn nên ông phải để dành, nếu muốn mua ông để lại cho với giá hữu nghị. Nói xong, ông nhìn đồng hồ và bảo đến giờ đi rừng rồi, cần trao đổi gì sáng mai qua nhà ông nói tiếp.

 “Sao lại vào rừng giờ này?”, tôi hỏi tiếp thì ông H ậm ừ: “Để tránh kiểm lâm”. Theo chị M, ông H và Đ, Th, T… ở xã Bình Châu; C, D, C… ở xã Bông Trang, đều là những tên tuổi trong làng lâm tặc ở đây.



Còn đây là những gốc săng đá, sến nằm ngay cạnh con đường xi măng lên trạm Hải đăng Ba Kiềm, trên đỉnh núi Hồ Linh

Buổi tối, khi chúng tôi đang rong xe trên QL55 thì bất ngờ thấy một chiếc xe cào cào chở phía sau khúc gỗ tròn chừng 2m, đường kính khoảng 40cm rú ga chạy ào ào từ hướng KBT về xã Bưng Riềng nên bám theo. Do đường vắng nên chúng tôi mới theo được một đoạn ngắn đã bị phát hiện, người đàn ông ngoái đầu nhìn lại rồi móc điện thoại ra.

Vài phút sau, hai chiếc xe máy xuất hiện, chở theo 3 người đàn ông, rú ga lạng lách trước đầu xe chúng tôi, vài phút sau, chiếc xe chở gỗ mất dấu. Sáng hôm sau, trong lúc ngồi uống nước ở một quán cóc ven đường, tôi thấy 4 người đàn ông tấp vào cây xăng sát bên.


Hàng chục ha rừng trong KBT Bình Châu - Phước Bửu đã trở thành hoang mạc do người dân khai phá trái phép để làm rẫy như thế này

Anh bạn tôi nháy mắt bảo: “Đổ xăng chuẩn bị vào rừng đấy”. Tôi nhìn kỹ, thấy họ không mang “đồ nghề” gì ngoài một chiếc giỏ cói căng đầy nên thắc mắc: “Đâu thấy cưa kéo gì? Chắc không phải lâm tặc đâu”. Anh bạn tôi cười bảo: “Để sẵn trong đó hết rồi. Đâu cần mang theo mấy thứ đó bên mình để báo cho kiểm lâm biết họ đi phá rừng?”.

Cùng với nạn khai thác gỗ trái phép, những quả đồi thoai thoải rộng hàng chục ha thuộc TK26 trong KBT còn bị người dân vô tư vào “cạo trọc” để làm rẫy. Những cánh rừng nguyên sinh ngày nào giờ chẳng khác hoang mạc. Không chỉ lấn chiếm, phá rừng trái phép, các hộ dân còn tranh chấp lẫn nhau khiến an ninh trật tự càng thêm phức tạp.

“Cứ vào đầu mùa mưa, khi người dân bắt đầu phát dọn để trồng mì là tình trạng lấn chiếm rừng, tranh chấp đất đai lại xảy ra. Mỗi năm chúng tôi bắt quả tang, lập biên bản hàng chục vụ, nhưng họ vẫn tái phạm”, một cán bộ KBT nói.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất