Xe bò được các đối tượng phá rừng dùng để vận chuyển lâm sản |
6 tháng đầu năm 2017, mặc dù đơn vị đã tăng cường tuần tra truy quét, tuy nhiên rừng vẫn bị chặt phá. Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Triển, Trưởng ban BQL rừng phòng hộ Sông Lũy.
Nhiều “điểm nóng” cần xử lý
Nhất là 3 tháng đầu năm, tình trạng phá rừng tập trung tại 2 xã Phan Tiến và Phan Sơn (Bắc Bình) - nơi thuần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và có diện tích rừng lớn. Ở vùng nội huyện sau khi khai thác, lâm tặc vận chuyển củi, trụ, đũa từ rừng về tập kết tại địa bàn dân cư do các đối tượng đầu nậu thực hiện, sau đó đưa đi tiêu thụ ở thôn Nhì Bí, xã Phan Tiến và thôn 3 Ka Lúc, xã Phan Sơn.
Còn ở vùng giáp ranh tình hình sử dụng xe cải tiến để vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ của dân các xã Ninh Loan, Ninh Gia (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) khá thường xuyên. Tất cả gỗ chuyển về huyện Đức Trọng tiêu thụ.
Những lò đốt than được đơn vị phá bỏ |
Theo BQL rừng phòng hộ Sông Lũy, nhiều đối tượng đầu nậu chuyên thuê mướn người dân vào rừng khai thác lâm sản rồi bán lại cho chính mình. Cụ thể, ở nội huyện họ chính là người dân xã Bình Tân và thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) và dân Đức Trọng, tạm trú xã Phan Sơn. Còn tại vùng giáp ranh các đối tượng đều là dân huyện Đức Trọng dùng xe cải tiến xuống vùng giáp ranh ở xã Phan Sơn khai thác gỗ đưa về Lâm Đồng.
Ở khu tái định cư Phan Sơn - Phan Lâm rất nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số sử dụng xe máy độ chế để chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng hầm than trong rừng tại tiểu khu 103, 130, 131, 129 (thôn Ka Lúc, xã Phan Sơn) của một số hộ dân các xã Phan Thanh, Phan Hòa (Bắc Bình) vẫn ồn tại. Nhiều đầu nậu ở xã Sông Lũy vẫn còn đứng ra canh đường và thu mua lâm sản trái phép ở xã Phan Tiến… |
Bước sang quí II/2017, tuy tình hình phá rừng đã giảm nhưng vẫn còn xuất hiện một số điểm nóng cần xử lý như tại tiểu khu 135, 136 giáp ranh 2 xã Phan Tiến, Sông Lũy (khu vực dân cư Nhì Bí đi Ho Lao) có gần chục xe bò (loại một con kéo) của bà con người dân tộc lén lút vào rừng khai thác gỗ Săng đá chuyển về các thôn Tú Sơn, Sông Khiêng (xã Sông Lũy, Bắc Bình) bán cho dân Sông Lũy.
Giải pháp nào khống chế lâm tặc?
Theo ông Triển, sở dĩ tình trạng phá rừng trên lâm phận thuộc địa phận quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Lũy phức tạp, bởi nơi đây có 3 xã thuần đồng bào dân tộc sinh sống, đường rừng gần 60km lại giáp ranh 3 huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng). Bên cạnh đó khu dân cư lại quá gần rừng nên dân lợi dụng, trà trộn vào các rẫy cà phê để phá rừng.
“Mặc dù đơn vị đã tăng cường lực lượng, phối hợp với kiểm lâm truy quét nhưng chưa hiệu quả, nhất là mùa mưa. Các đối tượng rất manh động và trà trộn vào dân nên chúng tôi không làm được gì”, ông Triển nói. Hiện tỉnh Bình Thuận đã lập trạm chốt liên huyện Bắc Bình - Đức Trọng - Di Linh số II. Trạm xây xong rồi, đang chờ kinh phí và quy chế phối hợp để hoạt động. “Khi đó tình trạng phá rừng sẽ được kiểm soát bởi trạm có đầy đủ chủ rừng, kiểm lâm, công an, bộ đội...”, ông Triển chia sẻ.
6 tháng đầu năm tại BQL rừng phòng hộ Sông Lũy xảy nhiều vụ nổi cộm. Điển hình là vụ chống người thi hành công vụ của đối tượng Hồ Trọng Đãi, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình xảy ra tối ngày 24/1.
Bắt được đối tượng phá rừng |
Khi bị phát hiện đang đưa lâm sản khai thác trái phép lên xe ô tô biển số 86C-049.86 tại đường QL 28B (tiểu khu 79) đoạn gần hồ thủy điện Bắc Bình, đối tượng cùng tay chân đi trên xe ô tô biển số 86C-032.02 đến la ó, chửi bới, đánh cán bộ BVR, dọa giết và khống chế họ để đạp số lâm sản trên xe 86C-049.86 xuống đường, đánh xe tẩu thoát trước sự bất lực của lực lượng BVR.
Hay trường hợp ông Đặng Văn Hảo - Phó trưởng Trạm QLBVR Phan Sơn bị đối tượng Trúc (ngụ xã Hồng Thái) hành hung gây thương tích nặng vào ngày 26/3.
BQL rừng phòng hộ Sông Lũy đã tịch thu nhiều xe độ chế |
Bắt giữ xe vận chuyển gỗ trái phép |