| Hotline: 0983.970.780

Siêu cây cảnh nằm im, thở khẽ

Thứ Hai 24/10/2011 , 10:54 (GMT+7)

Sau khi tăng một mạch hai năm liền với tốc độ chóng mặt, có những cây đội giá lên cỡ cả vài chục đến trăm lần, thú chơi siêu cây cảnh đột ngột bị hẫng đà...

Sau khi tăng một mạch hai năm liền với tốc độ chóng mặt, có những cây đội giá lên cỡ cả vài chục đến trăm lần, thú chơi siêu cây cảnh đột ngột bị hẫng đà khiến không ít kẻ choáng.

Rầm rập, rầm rập. Tiếng xe ô tô, tiếng máy cẩu, tiếng hỏi dò của đội quân đông đảo đến cả trăm người từng quần đảo khắp ngõ ngách ở Hải Hậu (Nam Định) săn lùng cây cảnh giờ bỗng biến mất không còn vết dấu. Ngơ ngác, choáng váng chính là cảm giác của nhiều người trước sự sập cửa đột ngột của thị trường “siêu cây cảnh”.

Anh Chử Minh Nghiệp, Hội trưởng Hội sinh vật cảnh thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) bảo tôi rằng, năm 2007 thị trường “siêu cây cảnh” cũng từng xuống giá 20-30%, ế ẩm trọn mười mấy tháng ròng cho đến năm 2009 mới bật dậy tăng một mạch đến đỉnh điểm vào tháng 6/2011. Tốc độ bán hàng trước mười phần giờ chỉ còn hai ba. Hơn 20 năm dày dạn kinh nghiệm dấn thân, anh Nghiệp đã có hai vườn cây cảnh trị giá ngót 20 tỉ. Từng ấy năm vào nghề, chứng kiến bao cuộc sốt nóng của thế giới siêu cây đến mức nhiều kẻ phải buột miệng: “Buôn cây lãi gấp cả chục lần buôn ma túy”.

Những cây cảnh vài năm tăng giá cả chục, cả trăm lần không hiếm. Ví như cây ổi nho nhỏ trong vườn nhà anh Nghiệp mấy năm trước thách vài chục triệu còn bị chê đắt giờ được định giá bạc tỉ. Cây phi lao được anh Nghiệp phát hiện ở…một bờ mương tại Hà Nam sáu năm trước vừa “vận động hành lang” chính quyền địa phương, vừa mua với giá chỉ 16 triệu năm 2010 có người trả 2,8 tỉ ở triển lãm cây cảnh Bắc Giang. Cây sanh cổ anh mua năm 2004 giá 16 triệu tới năm 2010 bán 1,2 tỉ.

Cây phi lao trị giá 3 tỉ của anh Nghiệp

Anh Nguyễn Ngọc Thoan sau khi lăn long lóc với đủ nghề từ sấy long nhãn, thầu cá, buôn đường dài đến mổ bò, kinh doanh bất động sản, đầu năm 2011 nhảy vào thị trường siêu cây gây chấn động cả Văn Giang với những cú tạo sóng ngang siêu bão. Mấy tháng thôi mà Thoan mua bán trên 60 tỉ đồng, lãi 7 tỉ trên tổng vốn đầu tư 28 tỉ (vay 7 tỉ). Cái gì ở Văn Giang đều có thể quy đổi được từ cây cảnh. Anh Thoan từng đổi mảnh đất chia lô ở ngay trung tâm thị trấn giá 2,8 tỉ lấy 7 cây cảnh của anh Đỗ Văn Hải ở Phụng Công. Phúc ảnh (làm nghề chụp ảnh) sang ngang 3 cây lấy con xe BMW X5 cũng bị người đời cười vì hớ… cả tỉ bạc.

 Buổi anh Thoan bán cây sanh cổ mua của ông Bắc ở Bát Tràng (Hà Nội) năm 2010 giá 700 triệu cho anh Sơn ở Bắc Ninh giá 1,5 tỉ mới đây đã trở thành một giai thoại. Cái cây tiền tỉ mà chưa kịp ngấm ấm trà khách đã chóng vánh cốp luôn 100 triệu đặt cọc. Hơn một tháng trôi qua sau thương vụ đình đám, khách vẫn chưa nộp tiếp tiền để lấy cây. Anh Thoan giải thích: “Chắc người ta gặp khó khăn. Tốc độ bán hàng giờ chậm lắm, trước mỗi ngày tiếp dăm bảy lượt giờ chỉ một hai lần. Tôi vay nóng 7 tỉ, giờ mỗi một tháng trả lãi ngót 200 triệu”.

Anh Thoan đang lo vì thị trường cây chững lại

Cây cảnh ế ẩm, chủ vườn ngồi ngáp ruồi, uống nước chè vặt. Hiệu ứng dây chuyền, cả chục xưởng làm chậu làm ang, cả trăm người đánh cây, chở cây, xe lôi, cả vài chục cái cẩu ở Văn Giang được mua về vận chuyển siêu cây cảnh, vài chục quán đặc sản rừng, biển, đồng quê ở Văn Giang giờ cũng ế theo.

Tổng tài sản nằm trên…ngọn cây cảnh ở Văn Giang ước trị giá cả ngàn tỉ đồng. Những nông dân đi lên từ trồng lúa, trồng cam đã dốc toàn bộ lực lượng, tài chính, quan hệ để đầu tư cây cảnh. Cú hãm quá đột ngột khiến cho không ít kẻ choáng váng, nhất là những “tay ngang” bị nóng mắt bởi siêu lợi nhuận, đã cầm cố nhà cửa, vay nặng lãi nhảy vào mua cây đúng đỉnh giá lại dính mua nhầm phải “hàng lởm”.

Anh Trịnh Văn Thành, Hội trưởng Hội sinh vật cảnh xã Phụng Công (Văn Giang), bảo: “Những người có kinh nghiệm đã lường trước tình huống này và rất bình tĩnh. Nghề cây đắt thì lo, ế thì mừng bởi lúc đắt cây chưa sửa sang đã sang tay. Có những cây đi mua về đang chở trên đường bị người ta chặn lại ngã giá mua, có những cây chủ hàng dừng xe ở quán phở cũng bị “đánh úp” có những cây chở về nhà, tưởng thoát đã bị người ta “phục kích”, xỉa tiền bốc đi. Lãi vài chục đến cả trăm triệu một cây là bình thường.

Ít ai nghĩ cây ổi này tiền tỉ

Thế giới siêu cây cũng lắm bọn gửi giá, cò mồi. Họ đến gặp chủ vườn bảo: “Em dẫn khách sộp đến, cái cây sanh 1 tỉ kia anh nói 1,3 tỉ nhé”. Chủ vườn không mất gì gật đầu cái rộp. Cuộc mua bán thành công, ông chủ gọi là có “gói kẹo” cho người dẫn mối. Gói kẹo đó nào đâu có nhiều nhặn gì? Chỉ cỡ 100-150 triệu.

Như tôi mua cây sanh 650 triệu của anh Chiến ở Lạc Đạo (Hưng Yên) trong 21 ngày bán được 1,4 tỉ hay có cây sanh mua ở Nam Điền (Nam Định) giá 70 triệu vòng quanh sang tay trong vài tháng ở Văn Giang đã lên tới cả tỉ. Lờ lãi thế ai chẳng bán luôn còn nghĩ tạo dáng, tỉa cành làm gì. Nói đâu xa hồi tháng 5, tháng 6 mỗi tháng tôi lãi 3,8 tỉ còn vài chục nhà vườn khác ở Phụng Công người mèng mèng cũng kiếm vài tỉ bạc một năm như bỡn.

Đất trong làng, ngoài ruộng chuyển đổi làm cây gần hết. Tiền trong dân chẳng mấy ai gửi ngân hàng để cho nhà vườn vay lãi suất 5, 6, 7,5%/tháng. Có những lúc tôi mua cây ở Việt Trì (Phú Thọ) thiếu tiền, đặt cọc rồi ngồi…ôm luôn gốc cây, gọi điện về bảo "ngân hàng" ở quê gửi tiền vào tài khoản để lấy. Hay bận mua cây sanh cổ ở Quảng Ninh đã trả đủ tiền, đã thuê trai làng đến bê rồi còn bị một người khác đến thì thụt với vợ chủ nhà ở đằng sau chuồng lợn. Chẳng biết họ nói những gì chỉ thấy sau đó chị ta chạy ra bù lu, bù loa lên rằng: “Cây gia truyền mấy đời ông cha em để lại, nhà em bán nhưng em không đồng ý”.

Đang ngớ người trước tình huống bất ngờ, bọc tiền đã được để xuống gốc cây rồi mọi người rút sạch. Một mình tôi bên gốc cây, tức phát khóc… Mua cây cảnh đắt rẻ cả vài trăm triệu là bình thường. Hồi tháng 6 tôi bán ra 20 tỉ, tháng 7 bán 1 tỉ, tháng 8 bán 1 tỉ, tháng 9 bán 610 triệu. Không như nhiều thứ hàng khác, ngược đời là siêu cây cảnh càng đắt càng dễ bán, lúc rẻ cực khó bán. Cùng lắm bây giờ chúng tôi sẽ bán một vài cây để duy trì trả lãi và chuyên tâm vào sửa dáng, tạo hình chờ một cơn sóng mới".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm