| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản nhân tạo cá hồi vân

Thứ Năm 21/02/2013 , 10:26 (GMT+7)

Hiện tại, nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng tuy có tốc độ phát triển nhanh bởi đây là một nghề khá mới mẻ và mang lại hiệu quả kinh tế cao...

* Đì đẹt phát triển cá nước lạnh

Theo Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng, đề tài “Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân tại Lâm Đồng” do Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên chủ trì đã thực hiện trong 3 năm qua, đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả đạt loại tốt.

Cùng kết quả xây dựng được quy trình nuôi vỗ thành thục và quy trình kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên còn tạo được 1,4 vạn cá giống, 2 vạn cá bột và hơn 200 cá bố mẹ.

Nhóm tác giả nghiên cứu còn đưa ra một số kết luận quan trọng về quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân như: Tỷ lệ thành thục sinh dục cá hồi vân từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau đạt 92%; thời gian bắt đầu ấp trứng trong điều kiện nhiệt độ từ 11 - 12 độ C đến khi nở dài khoảng 23 - 25 ngày; cá nuôi ở nhiệt độ từ 8 - 11 độ C cho tỷ lệ thành thục cao nhất là 94,7%; cá ương ở mật độ 1.000 con/m2 và 1.500 con/m2 cho tỷ lệ sống cao nhất là 95,47% và 93,77%.


Trang trại nuôi cá nước lạnh Klong Klan (xã Đạ Chay, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng)

Theo quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 do Sở NN-PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư, có 2 phương án đã được đưa ra là: Phương án 1, đến năm 2015, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh đạt 2.500 tấn (gồm 1.000 tấn cá hồi vân và 1.500 tấn cá tầm); đến năm 2020, con số này là 3.000 tấn (1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm).

Phương án 2, đến 2015 đạt 600 tấn cá hồi và 900 tấn cá tầm (tổng sản lượng 1.500 tấn); năm 2020, con số này là 3.000 tấn, gồm 1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm. Qua trưng cầu ý kiến đóng góp của quần chúng và xét tình hình thực tiễn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án 1 để triển khai thực hiện.

KHÔNG DỄ ĐẠT KẾ HOẠCH

Hiện tại, nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng tuy có tốc độ phát triển nhanh bởi đây là một nghề khá mới mẻ và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn những hạn chế nhất định. Báo cáo của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho thấy: Cả năm 2012 vừa qua, Lâm Đồng chỉ đạt sản lượng cá nước lạnh (cá hồi vân và cá tầm) khoảng 360 tấn trong tổng sản lượng 8.005 tấn thủy sản của tỉnh.

Sản lượng tuy có đạt 100% kế hoạch và tăng 6,7% so với năm 2011 nhưng nếu tính riêng sản lượng cá nước lạnh 360 tấn thì đây vẫn là một con số quá nhỏ (kế hoạch đặt ra cho năm 2012 là 400 tấn) và càng nhỏ so với lộ trình 2.500 tấn cá nước lạnh vào năm 2015 và 3.000 tấn vào năm 2020 theo phương án 1 mà tỉnh đã chọn.

Từ yêu cầu của thực tế này, các nhà quản lý và nhà khoa học chuyên ngành cho rằng đề tài “Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân tại Lâm Đồng” của Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc “giải tỏa” phần nào những vướng mắc về kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh của Lâm Đồng vẫn là một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng: Chỉ chiếm khoảng 200 ha trong tổng số 3.130 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của ngành chuyên môn cho thấy, Lâm Đồng có đến 20.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản (hiện chỉ mới sử dụng 3.130 ha); trong đó diện tích có khả năng nuôi cá nước lạnh là 3.000 ha (trong khi cả tỉnh chỉ mới “trưng dụng” được khoảng 200 ha). Từ thực tế này, không ít người lo ngại rằng con số 2.500 tấn vào năm 2015 và 3.000 tấn vào năm 2020 về sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng không dễ đạt.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Tính đến đầu năm 2013, cả tỉnh Lâm Đồng có gần 40 dự án đăng ký đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng và diện tích nuôi thả theo dự kiến là 350 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những con số được triển khai trong thực tế tính đến đầu năm 2013 còn khá thấp: Chỉ chưa đến 50% dự án đã triển khai với tổng vốn không đến 200 tỷ đồng và diện tích không đến 200 ha.

Nguyên nhân khiến cho nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng (mặc dù được đánh giá là nghề “hái ra tiền”, doanh thu mỗi năm không dưới 4 tỷ đồng cho một ha mặt nước) thì có nhiều, trong đó, hai nguyên nhân được nhiều người qua tâm nhất là nguồn vốn đầu tư (khá lớn) và quy trình kỹ thuật nuôi.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất