| Hotline: 0983.970.780

Sống mòn giữa Thủ đô: Tôi đi làm cửu vạn chợ Long Biên

Thứ Ba 15/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Để có cái nhìn cận cảnh về cuộc sống của những lao động nông thôn lên Thủ đô kiếm sống, tôi lân la đến khu ổ chuột nằm dưới gầm cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) xin gia nhập vào đội quân bốc vác./ Chờ chết để được về quê

Cực nhọc, rủi ro, cạm bẫy

Người đàn ông có thâm niên gần 10 năm làm cửu vạn ở chợ Long Biên tên là Nguyễn Văn Tâm (53 tuổi) quê ở xã Quảng Lãng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) đồng ý cho tôi tham gia với điều kiện: Khổ tự chịu, tai nạn tự chịu, bị chửi bới, đánh đập, cướp bóc cũng tự mà chịu lấy.

Giao kèo chán chê, 8 giờ tối, ông Tâm đã kéo tôi cùng với 10 người cùng làng kéo xe đẩy ra bãi hàng chợ Long Biên, bắt đầu một đêm trắng làm cửu vạn.

Chợ đầu mối Long Biên ban đêm thực sự là chợ người khổng lồ, tập trung mấy trăm lao động nông thôn từ nhiều vùng quê khác nhau bán sức kiếm sống. Đông đúc, nhốn nháo. Nghe nói, có những lúc cao điểm, ở khu vực này có gần 500 lao động từ các vùng quê làm nghề bốc vác, gồng gánh, đẩy xe...

Từ khoảng 9 giờ tối trở đi, giới cửu vạn đã tất bật rồi. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ đủ cả. Cái nghề mà ông Tâm gọi là “thân trâu ngựa”, “dưới đáy xã hội” hóa ra cũng tập hợp được đủ thành phần, nhưng nòng cốt vẫn là dân lao động tỉnh lẻ. Đông nhất ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc rồi đến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa...

Nhóm của ông Tâm, 100% là nông dân hoặc là mất ruộng, hoặc không sống được bằng nghề ruộng nên phải bỏ làng lên Hà Nội kiếm việc. Họ làm đủ thứ nghề nhưng nghề chính vẫn là bốc vác. Cứ hai người góp tiền mua một cái xe kéo. Mỗi tháng đóng cho BQL chợ Long Biên 230 ngàn đồng chi phí hoạt động rồi tự tìm đầu mối “ăn hàng”.

Một buổi làm việc của cửu vạn bắt đầu từ xẩm tối cho đến sáng hôm sau. Công xá tùy vào khối lượng bốc vác, kéo đẩy nhiều hay ít. Tính bình quân mỗi một đêm kéo xe hàng chục cây số được khoảng 100 ngàn đồng.

14-43-28_ncnh1
Một buổi làm việc của cửu vạn bắt đầu từ xẩm tối cho đến sáng hôm sau

Tôi là lính mới nên được ông Tâm ưu tiên chung xe với Nguyễn Đình Thanh, một thanh niên sức vóc, để cùng vợ chồng ông nhận hàng hoa quả của chủ xe người Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Nếu nhận giá trọn gói là 300 ngàn, còn tính theo thùng thì mỗi thùng chủ trả 2 ngàn đồng.

Nhìn chiếc xe tải hoa quả chất cao ngất ngưởng tôi bắt đầu thấy ngợp, nhưng Thanh bảo, kéo được bao nhiêu thì kéo, mệt nghỉ. Từ chỗ xe tải trả hàng ra bãi tập kết chỉ chừng 500 m nhưng đường sá ngoằn ngoèo, lởm chởm, nhiều chỗ sình lầy, bẩn thỉu vô cùng.

Thanh trước tôi sau, nhưng đâu chỉ chuyến thứ 3 thứ 4 gì đấy tôi đã cảm thấy mệt đứt hơi, ngồi thở dốc. Đó là một ngoại lệ, bởi những người làm nghề cửu vạn ở chợ này thường không bao giờ được phép nghỉ.

Ông Tâm nói, chỉ nghỉ dăm ba phút thôi là đã mất mối làm ăn rồi. Đói ngay. Có lẽ vì thế mà nhìn bà Lưu Thị Muôn, vợ ông, xem chừng bước đi không nổi sau hàng chục chuyến hàng nặng trịch nhưng vẫn cứ phải cắm đầu kéo xe loạng choạng. Nhìn quanh ai cũng vậy.

Phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên không ít. Thậm chí là người già, trẻ con cũng bốc vác, kéo xe như ai. Nhiều trong số họ là những gia đình. Như gia đình bà cụ Xuyến. Bà gánh. Con trai với con dâu đứa kéo, đứa đẩy. Thằng cháu bốc hàng. Họ không có thời gian nghỉ tay để mà hỏi chuyện. Ông Tâm nói, gia đình bà Xuyến cũng ở Hưng Yên, ruộng bị KCN lấy mất nên cả nhà kéo nhau lên làm cửu vạn ở chợ này.

“Làm cái nghề này tưởng chỉ có người khỏe, nhưng cửu vạn ở đây nhiều người ngoài 50, 60 kể cả trẻ con đang tuổi đi học. Dân quê bỏ làng lên đây, gặp việc gì phải làm việc nấy thôi chứ làm gì được lựa chọn. Việc càng nặng thì người ta mới cần đến mình. Làm thân trâu, thân ngựa thôi chú. Bị chửi bới cũng phải cố mà làm. Bị tai nạn, đau ốm cũng phải cố mà làm”, bà Muôn nói thế.

Nhóm cửu vạn đang quần quật bốc hàng chỉ gián đoạn đôi chút khi có người hô báo một thanh niên bị điện giật ngã giữa chợ. Anh ta cũng là phu kéo xe. Dây điện chạy ngang lối đi bị xe tải chèn nên rò rỉ, nước mưa dẫn đến xe người thanh niên. Anh ta nằm bất động chừng 20 phút, mọi người tưởng chết, nhưng cuối cùng lại tỉnh. “Thằng Thái, 30 tuổi, cũng ở Hưng Yên. Vợ chồng nó làm cửu vạn, thuê trọ cùng xóm chúng tôi”, ông Tâm rỉ tai tôi.

Cái chuyện tai nạn của nghề cửu vạn, ông Tâm bảo là cơm bữa. Đầu năm nay, em rể ông Tâm đang hì hục kéo xe lên dốc, không may gặp xe tải bị mất lái chèn ngang mất một bàn chân. Nhưng “mình là dân quê lên đây kiếm sống, gặp tai nạn, rủi ro thì tự chịu lấy chứ chẳng kêu ai được chú à”.

Đội quân bốc vác, vận chuyển lại tiếp tục. Tảng sáng, tôi cùng nhóm ông Tâm nhận tiền công, chia đều mỗi người 70 ngàn rồi quay trở lại chỗ ở.

Xóm ngụ cư không có ban ngày

"Làm nghề cửu vạn ở chợ đêm này nhiều khi thấy tủi nhục vô cùng. Công việc thì nặng nhọc. Những lúc tắc đường, gánh gần cả tạ trên vai phải đứng cả tiếng đồng hồ để chờ, lại còn bị chủ hàng chửi rủa. Nhưng cứ phải cắn răng mà chịu chứ không thì mất việc, chết đói. Giờ còn đỡ chứ những năm trước, mình gánh hàng, kéo xe đằng trước thì phía sau đám nghiện hút bu bám ăn cắp, cướp giật hàng. Nhiều người sợ chủ hàng bắt đền, không có tiền đóng bỏ xứ đi đâu không biết”, ông Đào Văn Ca, một cửu vạn ở chợ Long Biên chia sẻ.

Xóm ngụ cư dưới gầm cầu Long Biên bất kể mưa hay nắng cũng lầy nhầy nước. Đó là do nước thải từ các đường ống trên phố đổ về, nước từ các điểm rửa hoa quả, hải sản đổ ra.

Một thế giới “khu ổ chuột” tồi tàn, bẩn thỉu. Thế giới của những người làm nghề vất vả, nặng nhọc như chính họ tự nhận là bần cùng.

Chỗ ở của vợ chồng ông Tâm là một trong những gian nhà trọ được dựng lên bằng đủ thứ vật liệu, ván ép, bìa các - tông, bạt, bao tải… nửa nhà nửa lều, rách rưới như tổ đỉa.

Mỗi căn rộng tầm 6 m2. Chỗ ngủ, chỗ vệ sinh, ăn uống, để đồ đạc đều nằm tất trong đấy. Nơi mà vợ chồng ông nói là “không có ban ngày”.

Sau bữa ăn tạm kết thúc đêm làm cửu vạn vào buổi sáng, hầu hết các gian trọ đều đóng kín cửa đi ngủ.

Ông Tâm dẫn tôi vào “nhà”. Ngoài vợ chồng ông còn có hai người cùng quê nữa ở “căn nhà” này. Mỗi tháng chủ nhà thu 1 triệu đồng tiền ở. Điện 4 nghìn một số, nước 30 nghìn một người, vệ sinh 20 nghìn...

Vợ chồng ông Tâm chuẩn bị cơm. Nhưng quả thật, nhìn cảnh ngồi ăn ngay một bên nhà vệ sinh tôi không nuốt nổi.

14-43-28_ncnh4
Cuộc sống nhếch nhác ở xóm ngụ cư “không có ban ngày”

Đoán ý, bà Muôn phân trần: Biết ăn uống, sinh hoạt thế này cũng khổ thật, nhưng những người lao động rời quê như chúng tôi không còn cách nào khác. Đành phải chấp nhận thôi.

Chúng tôi đang trò chuyện thì thấy ông chủ của khu nhà trọ tồi tàn này cầm cuốn sổ đi vào. Chẳng biết ai thông tin mà ông hộc tốc đến tìm tôi hỏi tiền trọ. Ở đây nếu ở theo ngày thì mỗi người phải đóng 13 ngàn đồng đổi lấy một chỗ nằm co quắp. Nhiều người bảo, khu trọ này dựng lên bất hợp pháp. Cũng chẳng sao. Dân ngụ cư chỉ cần chỗ ngả lưng. Tối tăm, không hợp pháp có khi lại tốt. Đỡ phải lo chuyện tạm trú tạm vắng.

Già nhất xóm ngụ cư này là bà Thìn (70 tuổi), quê ở Vĩnh Phúc. Ngày xưa, khi mới xuống Hà Nội, bà cũng là cửu vạn kéo xe. Mấy năm lấy đêm làm ngày ở chợ Long Biên tuồn vào người đàn bà này đủ thứ bệnh. Tiền dành dụm được cuối cùng cũng đổ hết vào việc chạy chữa bệnh khớp, cột sống. Giờ bà Thìn đã chuyển sang nghề gánh hàng thuê. Mỗi một đêm bà gánh được khoảng 10 chuyến, mỗi chuyến 3 ngàn đồng, chỉ đủ ăn với mua dầu gió về thoa. “Giờ có đau ốm gì cũng chịu. Tiền đâu mà đi chữa trị”, bà Thìn nói thế.

Năm ngoái, bà Thìn còn người bạn già thuê trọ cùng. Quê ông ấy ở Thanh Hóa, đang kéo xe lên dốc thì đột quỵ, người nhà ra đưa thẳng về quê, nghe nói chết rồi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm