| Hotline: 0983.970.780

Sóng ngầm chốn quê: Những đứa trẻ u buồn

Thứ Năm 26/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Khi ly hôn, những thiệt thòi mà người phụ nữ phải chịu, lớn gấp nhiều lần đàn ông. Còn hậu quả mà những đứa trẻ phải gánh, thì không thể đo đếm./ Hôn nhân như trò đùa

Điều dễ nhận thấy nhất ở chúng là ánh mắt u buồn, mặc cảm, tự ti, hoặc bất cần…

"Đồ không cha"

Trong buổi tối gặp và trò chuyện với chị T., “vợ hờ” anh N.Đ. ở Đức Liễu, huyện Bù Đăng (Bình Phước), có cả cô con gái út của chị tên B.T.V., năm nay 15 tuổi.

Không chỉ có cái tên đẹp, mà khuôn mặt cô bé cũng rất xinh xắn. Chị T. cho biết, từ nhỏ, T.V. đã thể hiện là cô bé có cá tính, bướng bỉnh, nhưng vẫn ngoan và chăm học.

Nhưng không hiểu sao 2 năm nay, T.V. bắt đầu đổi tính, cứng đầu, tụ tập, đi chơi với nhóm bạn thuộc hàng cá biệt của trường. “Buồn nhất là bây giờ nó không muốn đi học nữa”, chị T. nói.

Là “dượng hờ” của V. từ mấy năm nay, anh N.Đ. kể: “Hồi mới quen bả, tôi thấy con bé tuy có hơi cứng đầu, nhưng vẫn chăm học. Khoảng 2 năm nay, nó học sa sút nên ở lại lớp, thế là chán, muốn nghỉ học luôn. Bây giờ nó đi chơi với đám bạn cùng lứa, quậy lắm. Không biết bắt chước ai, cũng xăm hình trên người, trên cánh tay”.

Còn chị T. thì bảo, hồi nhỏ, V. cũng hay đánh lộn với bạn trong trường vì bị chọc ghẹo chuyện gia đình.

Tôi hỏi V: “Sao con không muốn đi học nữa?”. V. đáp: “Tại con ở lại một lớp, giờ đi học với tụi nhỏ hơn, quê lắm. Con không thích”. “Đi học con có mặc cảm với bạn bè, có tủi thân vì chuyện ba mẹ không?”. “Dạ không. Con không quan tâm”, V. đáp bằng giọng bất cần. “Con đi chơi với bạn nhiều vậy, có biết uống bia, rượu không?”. V. ngập ngừng: “Dạ… biết chút chút”. Sau khi được khuyến khích, V. cũng lấy một lon bia rót ra ly…

Trái ngược với sự bạo dạn và sành điệu của V., cô bé T (14 tuổi, đang học lớp 8), con gái đầu của chị Th. ở Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai, lại rất rụt rè. Lúc tôi đến, em đang nấu cơm ở đằng sau.

Được mẹ gọi mãi cô bé mới đi ra, khép nép nửa ngồi nửa quỳ dưới nền nhà như đứa trẻ bị mẹ phạt lỗi. Chị Th. cho biết, T. rất ngoan, chăm học.

“Buổi sáng sau khi đi học về, cháu phụ nấu cơm, dọn dẹp nhà, chăm em, rồi ra phụ mẹ bán hàng. Chỉ có điều, lúc nào cháu cũng cứ trầm lặng, chẳng mấy khi cười”. Tôi hỏi T: “Con có buồn vì không có cha không?”, “Dạ có”. “Con đi học mấy bạn có chọc ghẹo con không?”, “Dạ có. Tụi nó nói con là đồ không có cha”. “Giờ con muốn có ba không?”, "Dạ không?”. “Sao vậy?”, “Con… cũng không biết nữa”.

T. bảo: “Con muốn học giỏi, muốn học đại học nữa, để mai mốt mẹ bớt cực”.

Đến thăm căn phòng nhỏ của bà V.T.H., ở Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), tôi không khỏi cám cảnh khi nhìn 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất mới 8 tuổi, nhỏ nhất lên 5, đang nằm thiêm thiếp trên võng.

Cả 3 đứa trẻ đều gầy yếu, nhỏ hơn nhiều so với tuổi, mặc dù vẫn được bà nội yêu thương, chăm sóc. Đây là đàn con của cặp vợ chồng T.V.T. và L.T.A.T. Họ đã “đường ai nấy đi" từ 4 năm trước, khi đứa con út còn đỏ hỏn.

2 năm sau ly hôn, họ đều tìm được cho mình tổ ấm mới. Còn 3 đứa trẻ, họ phó mặc cho bà nội ngoài 50 tuổi.

"Tụi nó tự nguyện lấy nhau có ai ép uổng gì đâu. Lấy nhau rồi, thỉnh thoảng cũng gây nhau cãi lộn, giận hờn, đó là chuyện bình thường, vợ chồng nào chả vậy.

Đùng cái tụi nó dắt nhau ra tòa. Hỏi thì nó bảo bất đồng quan điểm, không hợp, nên chia tay. Tụi nó coi chuyện vợ chồng, con cái như trò giỡn chơi vậy đó.

Mỗi lần nhìn cháu là tui đứt từng khúc ruột. Không có ba mẹ bên cạnh, rồi thiếu thốn nên tụi nó bệnh hoài”, bà H. tâm sự.

Tan đàn xẻ nghé

Trong khi có những ông bố, bà mẹ sau khi ly hôn, bỏ mặc con cho gia đình nuôi để đi tìm hạnh phúc mới, thì lại có những người mẹ muốn thăm con mà không được.

Ấy là vì tình yêu, sự ngọt ngào năm nào nay đã biến thành thù hận. Điều đáng buồn là tâm hồn non nớt, trong trắng của đứa trẻ bị vấy bẩn bởi người lớn.

Cưới nhau gần 2 năm thì vợ chồng L.V.N. và T.T.H., ở huyện Đồng Phú (Bình Phướ), có con trai đầu lòng. Thời gian đầu, cuộc sống dù có xáo trộn, vất vả, họ vẫn thấy hạnh phúc.

“Khi cha mẹ ly hôn, nếu có con từ 10 tuổi trở xuống, chúng sẽ không nhận được sự chăm sóc tốt nhất, dẫn đến phát triển không toàn diện. Còn trẻ ở độ tuổi từ 10-15, nếu không chuẩn bị tâm lý cho chúng trước, chúng rất dễ bị sốc tâm lý, trầm cảm.
Tôi từng chứng kiến những em trai bị sốc nặng khi ba mẹ ly hôn: bỏ học, đi bụi, rồi bị lôi kéo vào các tệ nạn. Còn các em gái thì trầm cảm, bỏ học, và không ít trường hợp uống thuốc tự tử” - Bà Phan Thanh Minh, chuyên gia tư vấn tâm lý, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em TP.HCM.

Nhưng 2 năm sau thì mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng N. bắt đầu nảy sinh khi chị H. xin được chân làm nhân viên kế toán Cty nước ngoài trong khu công nghiệp và thường đi sớm về trễ, lâu lâu lại đi công tác. Trong khi anh N., chồng cô chỉ ở nhà với vườn điều, cao su.

“Ổng nghi ngờ vô cớ, rồi ghen tuông mù quáng, hành hạ tôi mấy năm trời, đi khắp xóm rêu rao là tôi không làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ…

Rồi ổng bắt đầu sa vào cờ bạc, nhậu nhẹt, cặp bồ tùm lum, thậm chí còn cố ý cho tôi thấy. Chịu hết nổi, tôi làm đơn ly hôn. Lúc đó, ổng mới tỉnh ngộ, xin lỗi. Nhưng lòng tôi đã nguội lạnh rồi”, chị H. kể.

Sau khi ra tòa, chị được quyền nuôi con. Sau đó, vì hận chồng cũ, chị tìm mọi cách ngăn cản không cho N. gặp con mỗi khi anh đến thăm, dù chị biết rõ Luật Hôn nhân - Gia đình quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được phép cản trở.

Trong mắt chị bây giờ, N. là người đàn ông tồi tệ, đầy thói hư tật xấu, sợ gặp sẽ ảnh hưởng không tốt cho con. Vì thế, cứ mỗi lần anh đến thăm, hai cha con mới nói vài câu, chị đã tìm cách kiếm chuyện, hoặc lấy lý do con phải học bài, để đuổi anh về càng nhanh càng tốt.

Không chỉ có thế, chị còn “đầu độc” con bằng cách kể tội, nói xấu chồng cũ cho con nghe.

Trong khi anh N., một người cha, bị trở thành xấu xí trong mắt con, thì một người mẹ khác chịu cảnh tương tự.

Đó là chị L.T.T.H. Chị kể, chỉ vì chồng chị quá ươn hèn, cái gì cũng nghe mẹ, nên mâu thuẫn ngày một lớn. Khi con trai lên 5, anh chị quyết định ly hôn.

“Ra tòa, bên gia đình chồng thuyết phục tôi để họ nuôi con. Gia đình tôi ở miền Trung, vào Bình Phước lập nghiệp chưa lâu nên còn rất khó khăn. Biết là xa con tôi sẽ khổ, nhưng nếu ở với tôi, cháu sẽ khổ.

Nghĩ vậy nên tôi đồng ý cho gia đình chồng nuôi con với điều kiện phải tạo điều kiện cho tôi đến thăm con thường xuyên. Tại tòa, cả gia đình chồng tôi đều nhất trí với điều kiện này. Vậy nhưng sau đó, họ tìm mọi cách ngăn cản tôi gặp con.

Nhất là sau khi chồng cũ lấy vợ, tôi lại càng khó gặp con hơn. Vì lúc đó, mặc dù vẫn ở chung nhà, nhưng chồng cũ tôi đã giao hẳn cháu cho bà nội chăm để vui với hạnh phúc mới.

Một lần, tôi đến thăm cháu, vừa gặp tôi, nó đã hỏi: “Sao mẹ bỏ con, không chịu nuôi con. Con không thương mẹ nữa. Mẹ là người xấu. Bà nội bảo thế”, chị kể trong nước mắt.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm