| Hotline: 0983.970.780

Sống ở đỉnh trời

Thứ Hai 14/03/2011 , 09:54 (GMT+7)

Những con đèo hùng vĩ là “đặc sản” của núi rừng Tây Bắc. Dân bản xứ vẫn thường gọi đỉnh đèo là “cổng trời” với sự kính cẩn có phần sợ hãi. Nhưng trên những vùng đất vốn được xem là nơi giao thoa giữa trời và đất ấy không chỉ có độ cao rợn người.

Những con đèo hùng vĩ là “đặc sản” của núi rừng Tây Bắc. Dân bản xứ vẫn thường gọi đỉnh đèo là “cổng trời” với sự kính cẩn có phần sợ hãi. Nhưng trên những vùng đất vốn được xem là nơi giao thoa giữa trời và đất ấy không chỉ có độ cao rợn người.

Tủi phận đèo già

Con đèo ấy có tên là Đá Trắng. Nhưng những người sống ở đỉnh đèo lại đặt cho nó một cái tên rất buồn: Đèo già. Đèo của những phận người buồn tủi.

Thân già cực nhọc mưu sinh

Tuổi già vẫn thường được gọi là “gần đất xa trời”. Vậy mà ở cái xứ này có những người đi ngược quy luật ấy. Họ “lên trời” để kiếm sống.

Đã có thời người ta gọi đèo Đá Trắng nằm giáp ranh giữa huyện Mai Châu và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) là đèo tử thần. Cũng phải, bởi ngay dưới chân đèo ấy là những bản làng nghiện ngập với số người mắc căn bệnh thế kỷ lúc nào cũng vài chục. Còn ở đỉnh đèo, một thời người ta đồn có bãi vàng lộ thiên nên không biết đã có bao nhiêu cuộc thanh trừng đẫm máu. Chưa kể dọc đường ngược đèo, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi miếu hoang của khách qua đường xấu số. Dư chấn ấy cộng với mây mù khiến bất cứ ai leo đèo cũng phải hứng cảm giác gai gai chạy dọc sống lưng. Và cứ tưởng, những truyền thuyết do con người tạo ra cùng “đặc sản” mây mù đặc quánh ấy thì trên đỉnh Thung Khe của con đèo Đá Trắng này sẽ là miền đất dữ lắm. Nhưng không, lẩn khuất giữa mây mù dày như mưa ấy vẫn tồn tại một cuộc sống. Lạ thay đấy lại là cuộc sống của những người tuổi già sức yếu.

Chợ người già trên đỉnh đèo Đá Trắng

Từ đỉnh đèo Đá Trắng thoải về phía huyện Tân Lạc là một khu chợ rau, ngô, măng rừng... Gọi là chợ nhưng thực chất chỉ gom vài người bán nông sản lặt vặt với nhau. Ba bốn túp lều tranh bị gió quật chỉ còn trơ khung gỗ nhưng vẫn có nhiệm vụ bảo vệ cho những con người đang ngồi co ro đợi chờ khách qua đường. Hoặc là “hoa tiêu” để cánh lái xe thấy mấy bà già đang ngồi co ro vì rét. Ngay sát sau lưng họ là vách đá cheo leo trắng bệch mà nếu ném một viên đá xuống phải mất một lúc lâu mới nghe tiếng vọng lên. Không ai nghĩ ở một nơi như thế này lại là chợ của những bà già răng chiếc còn chiếc mất. Hàng của họ là mấy bắp ngô, bó rau cải mèo, măng rừng, cơm lam… Những thứ không phải buôn mà kiếm từ nhà hoặc rừng mang ra bán. Đông nhất vẫn là mấy bà ở bản Tằm, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc nằm ngay dưới chân đèo.

Trời rét như cắt, đứng chỉ cách vài bước đã khó thấy mặt nhau. Một bếp than cháy khó nhọc vì mây mù dày quá. Gần chục người phụ nữ già nua ngồi bệt cả ra vì vắng khách. Thỉnh thoảng có chiếc chạy qua họ xé mây mù lao ra vẫy nhưng rồi lại quay vào thất thểu vì chỉ nhận được những ánh mắt lạ lùng của khách đi đường.

Bà Xuyến, một phụ nữ người Mường đã ngoài 70 tuổi, sau một lần chạy ra như thế lại úp đôi tay gân guốc vào bếp than vậy mà người vẫn run cầm cập. Áo không đủ ấm, bà quấn quanh người thêm những lớp vải nilon. Nhà bà ở bản Tằm. Đứng từ đỉnh đèo nhìn xuống có thể thấy nóc nhà lấp ló. Nhưng nếu đi bộ từ đỉnh đèo về ít nhất cũng phải nửa buổi. Vậy nhưng ngày nào bà cũng đi cùng mấy người trong bản đi bộ gùi ngô lên đây để bán. “Cũng muốn ở nhà lắm chứ. Nhưng ruộng nương làm chẳng đủ ăn. Con cái đông mà đứa nào cũng chỉ lo được cho gia đình nó là may lắm. Già thế này chứ già nữa cũng phải kiếm tiền mà nuôi thân chứ biết làm sao”. Giọng vừa rét vừa tủi bà Xuyến bùi ngùi.

Mấy hôm đầu gùi ngô lên đây bán xong trở về chân bà đi không nổi. Nhưng thấy ngô đem lên đỉnh đèo bán cao hơn tại nhà một hai giá nên đôi chân già lại lê lết.

Người này rỉ tai người kia, dần dần thành chợ lúc nào không hay. Chợ của người có số phận như lời bà Xuyến: Đói thì đầu gối phải bò. Người già ở bản Tằm cứ sáng ra gùi ngô lên bán được chừng nào thì bán không thì gùi về. Mùa hết ngô họ quay sang đổi hàng bằng măng rừng, cải mèo… Chẳng hiểu vì sao mấy thứ nông sản bà con “ngán lên tận cổ” mấy năm nay cũng có người mua. Nghề bán ở đỉnh đèo này cũng tàm tạm so với làm nương hay vào rừng.

Họ lầm lũi đi về bất chấp cả tuổi già chưa biết sẽ kéo đôi chân ngã quỵ lúc nào. Tất cả chỉ vì một mục đích: miếng cơm.

Nơi trú ngụ của những bước đường cùng

Trên đỉnh Đá Trắng, phía Tân Lạc là chợ của những người già, còn ở phía bên Mai Châu có hẳn một bản của những người gần đất xa trời.

Gọi là bản nhưng cuộc sống của 7 hộ dân, hộ nào cũng chỉ hai ông bà già trú ngụ không hề có một ranh giới cụ thể nào. Bản chẳng có tên nên tất nhiên trưởng bản cũng không nốt. Họ là công dân của thị trấn Mai Châu vì nhiều lý do phải bỏ nhà lên đây sống. Thung lũng nằm ngay giữa đỉnh đèo ấy ai đó đã đặt cho cái tên là Thung Củm để phân biệt hoặc gọi người mỗi khi có việc cần vào. Không điện, không nước, không hộ khẩu, đường đi vào là những lỗi mòn chỉ đủ đặt bàn chân nên các cụ già ở bản góp này gọi chệch thành Thung… khổ.

Nhà của ông Lò Văn Nhập (72 tuổi) và bà Lò Thị Khánh (65 tuổi) lợp bằng cỏ tranh. Bốn cột nhà chằng vào một tảng đá lớn nằm lọt thỏm giữa đám lau lách vượt mặt. Tường nhà được ghép từ đá, thứ ở đèo này rất sẵn. Nếu muốn tìm trong căn nhà kỳ dị ấy một thứ gọi là tài sản thì đó chỉ có thể là chiếc đài rađiô lúc nói lúc không.

“Đất dưới kia chật hết rồi. Con cái lại đông nên phải nhường đất cho chúng làm ăn. Hai ông bà già kéo nhau lên đây dựng túp lều gieo trồng được thứ gì ăn thứ nấy thôi”. Ông Nhập vừa nói vừa chỉ tay về thị trấn Mai Châu nằm giữa thung lũng dưới chân đèo.

Ở đỉnh Đá Trắng này lấy gì để sống? Đúng là ngày mới lên thì chẳng có thứ gì để sống thật. Nhưng rồi những đôi chân già nua, những đôi tay mang đủ thứ bệnh về xương vẫn phải lần mò lật từng viên đá, tìm từng hốc đất để trỉa ngô, gieo lúa nương… Lạ thay những vụ mùa trầy trật như thế vẫn có thể giúp họ bám trụ nơi đỉnh trời này. Ông Nhập bảo rằng làm nông dân ở một nơi như thế này cũng có cái sướng. Đất rừng rộng mênh mông chẳng cần tranh chấp với ai. Muốn nhiều hay ít thì tùy thuộc vào việc mình có lật được nhiều đá không mà thôi. Làm bao nhiêu thì làm chẳng phải thuế má gì.

Cả bản Thung Củm chung nhau một mó nước nửa năm có nửa năm không. Mùa hạn, mấy cụ già lọ mọ vào rừng kiếm củi gùi xuống đỉnh đèo để đổi nước. Đó là cách giao lưu với thế giới bên ngoài thường xuyên nhất. Cụ Nhập nói buồn rằng: “Ở đây nếu một mình có khi chết cũng chẳng ai biết”.

Chỉ vỏn vẹn có 7 hộ dân nên ông Nhập có thể đọc tên từng nhà. Hộ trẻ nhất ở Thung Củm là gia đình ông Việt cũng đã ngoài 50. Nghe ông Nhập chỉ đây là gia đình khá giả nhất bản tôi vạch lau lách tìm vào. Nhưng đến nơi rồi lại thấy giá đừng vào có khi lại có cách nhìn sáng sủa hơn. “Hộ khá” Lò Văn Việt cũng chỉ vỏn vẹn hai vợ chồng. Ông bảo rằng mấy nhà khác trong bản “phong” cho khá bởi vì nhà trồng được vài câycam cảnh và ở cạnh một cây sung già mà mấy lần các đầu nậu cây cảnh vào gạ nhưng không bán. “Phải bỏ xứ lên đây sống thì có nhà nào khá được. Kiếm đủ cái ăn còn khó khăn nữa là. Ở bản này nhà nào mà một năm chả thiếu ăn vài tháng vì họ lên đây đều vì bước đường cùng cả”. Ông Việt tiết lộ.

Hóa ra không ít gia đình ở Thung Củm xưa cũng có nhà cửa đàng hoàng, ruộng nương đầy đủ dưới Mai Châu nhưng nhà thì đông con nên hết đất, nhà thì con cái nghiện ngập đem đồ đạc trong nhà bán hết nên họ chỉ còn nước bán nhà lên đây sống. Cách nhà ông Việt một dãy đá tai mèo lổm ngổm là nhà của ông bà Hoan. Nói thêm tội chứ lều chẳng ra lều, dường như căn lều ấy chỉ có nhiệm vụ duy nhất là làm chỗ cho đôi vợ chồng già chui ra chui vào. Bà cụ lại đau ốm thường xuyên nên tiền thuốc men không kham đủ. Giá như ở nơi khác chắc còn đỡ vì ít ra còn cái sổ khám bệnh của người nghèo. Đằng này, sống ở nơi “đất của trời” này hộ khẩu chẳng có nên cách tốt nhất là ai bày cho bài thuốc từ lá cây rừng nào thì dùng thứ ấy. Khổ nỗi không đi khám bao giờ nên bà cũng chẳng biết mình bị bệnh gì. Ông Hoan mắt sáng mắt tối mà ngày ngày vẫn phải vào rừng đốn củi vác xuống chân đèo đổi gạo.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm