| Hotline: 0983.970.780

Sống với "con đốt đâu chết đấy"

Thứ Tư 15/01/2014 , 10:59 (GMT+7)

Đôi mắt kép lồi lên sáng quắc, cặp cánh rộng đập phần phật lao vun vút như gió, ong đất được trang bị thêm chiếc nọc kịch độc, lúc "nổi cơn điên" 10 con có thể đốt chết một trâu mộng. Lạ thay, vẫn có những người thích giỡn với tử thần khi đào tổ ong đất mang về nhà nuôi.

Đôi mắt kép lồi lên sáng quắc, cặp cánh rộng đập phần phật lao vun vút như gió, ong đất được trang bị thêm chiếc nọc kịch độc, lúc "nổi cơn điên" 10 con có thể đốt chết một trâu mộng. Lạ thay, vẫn có những người thích giỡn với tử thần khi đào tổ ong đất mang về nhà nuôi.

>> Nơi gái nạ dòng đắt giá
>> Nơi đất cao, trời thấp

Nghề hiểm nguy

Dân gian có câu: “Ong vàng đốt vàng con mắt/Ong vò vẽ đốt chẽ chân trâu/Ong bồ nâu (ong đất) đốt đâu chết đấy”. Với tính khí hung hăng và chiếc nọc tàn độc ấy, ong đất (gồm hai loại ong khoang và ong đen) được mệnh danh là “chúa của loài ong”.

Mọi hành vi xâm phạm đến "lãnh địa" của chúng đồng nghĩa với lời khiêu chiến. Và khi “tình trạng chiến tranh” được ban bố, mỗi ong thợ trở thành những “cảm tử quân”, sẵn sàng chiến đấu đến chết để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ ong chúa.

Vì chưa biết cách nuôi nên để có được một tổ ong đất to như cái mủng lúc nhúc nhộng và những con non béo ngậy, phải chờ đến cuối thu, khi bông lúa trĩu hạt uốn cong như lông đuôi gà trống choai, lá ngả vàng nhuộm khắp cánh đồng, dân săn ong lại lỉnh kỉnh đồ đạc luồn rừng, vượt núi theo dấu ong thợ tìm tổ đào bắt.

Chúa tể của loài ong tưởng như bất trị, vẫn phải khuất phục, cam phận là vật nuôi trước trí thông minh của con người. Ở xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), nhiều gia đình có truyền thống nuôi ong đất. Vụ thắng lớn, có thợ nuôi ong thu hàng trăm triệu đồng mà không phải bỏ một xu chi phí. Ông Lù Tà Mìn (49 tuổi), ở thôn Chàng Chảy, xã Pờ Ly Ngài là một tay nuôi ong đất thứ thiệt, giữ những bí quyết săn ong chúa điệu nghệ.


Một tổ ong đất vừa được thợ nuôi ong Lù Tà Mìn lấy nhộng

Vào mùa xuân, khi những tia nắng ấm xua tan khí trời buốt lạnh, cũng là lúc ong đất chúa bừng tỉnh giấc ngủ đông, phá tan nơi trú ẩn để thực hiện sứ mệnh phát triển giống nòi. Ông Mìn kể, việc đầu tiên ong chúa phải làm là tìm một cái hang trống đủ rộng và kín đáo (có thể do chuột hoặc tê tê bỏ lại); sau đó đào đất lấp các cửa hang lại, chỉ để một lỗ nhỏ như ngón tay cái và bắt đầu đẻ trứng.

Lứa đầu, ong chúa đẻ khoảng 7-8 trứng, để hình thành đội ong thợ đầu tiên. Từ đây, ong chúa chỉ cố thủ trong tổ sinh sản vì đã có kẻ hầu hạ. Nó được ong thợ cung phụng những bữa tiệc côn trùng sang trọng, bổ béo nhất như dế mèn, châu chấu, đặc biệt là nhộng ong vò vẽ.

Kỹ nghệ câu ong

Để xây tổ, ngoài nguyên liệu chính là đất, ong thợ thường hút nhựa cây Mã Lì Xài và cây Kháo Trắng để làm chất kết dính. Hiểu tập tính này, thợ săn ong luồn rừng phục sẵn câu ong và “gắn chíp định vị” (thực chất là một chiếc lông gà màu trắng nối với một sợi dây nhỏ làm từ xơ củ sắn dại) để dễ dàng lần theo hướng bay của chúng.


Một sợi lông gà trắng buộc với sợi dây được dùng để gắn “chíp định vị” cho ong

Để câu ong, thợ săn ong dùng một cây sào (dài từ 2 m trở lên) vót nhọn đầu và cắm những loại côn trùng ong đất ưa thích như châu chấu, dế mèn… làm mồi nhử. Khứu giác của ong đất cực nhạy nên chỉ trong vài phút đã bu chặt vào mồi. Nó dùng hai chiếc răng sắc nhọn kẹp nát con mồi, sau đó lấy chân vê tròn lại.

Lúc con vật say mồi, thợ câu một tay hạ thấp chiếc sào xuống, còn tay kia luồn sợi dây gắn lông gà từ đít ong lên vòng eo nhỏ nhất ở lưng và xoắn dây chặt. Khi ấy, con ong thợ bay xa vài trăm mét vẫn nhìn rõ, và thợ câu chỉ cần đuổi theo để biết được vị trí của tổ ong.

Ông Mìn tiết lộ, khi câu ong, thợ câu kỵ nhất hút thuốc lào và uống rượu vì ong rất ghét mùi này, nếu tiến quá gần, chúng sẽ lao vào tấn công người ngay tức khắc. Và trong lúc gắn lông gà vào lưng ong, phải để ý thật kỹ, nếu con vật quay về phía mình và xoè xoè đôi cách, có nghĩa là nó đang thực sự tức giận, mình phải án binh bất động.

Sau khi lần ra nơi ong chúa trú ngụ, dân săn chờ đến tối để ong thợ về tổ hết mới cầm một chiếc rọ đụt đan bằng nan tre chụp vào miệng tổ, vỗ mạnh tay xuống đất cho ong trưởng thành bay vào. Lúc này, thợ săn ong đào lấy tổ, gói thật cẩn thận và mang về.


Rọ đụt dùng để bắt ong thợ trưởng thành

Ngay trong đêm đó, người nuôi sẽ chọn một khu đất mịn, ít sỏi đá (không quá xa, không quá gần nhà) và không có người qua lại để đào tổ ong mới. Sau khi tạo xong một chiếc hố hình tròn, sâu 30 cm, gần đáy hố được khoét một lỗ rộng bằng cán chổi tre thông với bên ngoài làm cửa ra vào, thợ ong đặt tổ ong vừa tìm được vào đó.

Miệng hố được đậy một tấm gỗ phòng mưa, nắng. Khâu cuối cùng là mở nắp rọ đụt và úp vào miệng tổ để ong thợ và ong chúa bay vào. Khi ấy, chỉ cần chờ thời gian để tổ ong phát triển và thu hoạch.

Chỉ tay vào những vết sẹo do ong đất đốt ở chân và sau gáy, ông Mìn bảo: “Cái giống này đốt vào đâu là vùng da đó thối đen, khi khô có thể rút ra một cục thịt to như đầu ngón út, sâu khoảng 1 đốt tay. Nếu ong đốt ở mu bàn tay thì cả cánh tay ấy sưng mọng nước như mắc bệnh phù nề, vừa ngứa vừa nhức buốt rất khó chịu. Một người bình thường nếu dính phải 4 vết ong đốt thì khó giữ được mạng sống”.

Nghe vậy, tôi bỗng thấy chợn rợn, bởi nơi ông Mìn đặt tổ ong đất chỉ cách ngôi nhà sàn chưa đầy 100 m, cách đó chừng 10 bước chân là con đường đất hằng ngày người dân trong xóm vẫn thường qua lại.


Được một tổ ong đất không hề đơn giản

Anh Chỉnh Mìn Thành (32 tuổi), ở thôn Chàng Chảy, xã Pờ Ly Ngài, kể: Ngày trước, có tổ ong đất to đến mức 5 - 6 đứa trẻ con chui vào vẫn lọt thỏm. Mỗi lần đi kiếm ăn, ong thợ bay thành đàn hàng vạn con đen đặc cả khoảng trời. Con gà, con ngan nào vô phúc lộ diện sẽ bị chúng bu vào đốt chết, sau đó cắn từng miếng thịt nhỏ tha về tổ nuôi ong non. Có người đi rừng không để ý dẫm sập tổ ong bị “đội quân cảm tử” lao như những mũi tên tẩm độc đâm xuyên da thịt, chết tại chỗ.

Tiếc là bây giờ không còn những tổ ong khổng lồ như vậy nữa, trung bình mỗi tổ ong đất chỉ nặng khoảng 8 - 10 kg, nếu đem lên cột mốc biên giới số 5, huyện Xín Mần (Hà Giang) bán, thương lái Trung Quốc thu mua với giá 2.500 đồng/con nhộng và 3.000 đồng/ong già. Còn cân cả sáp và nhộng, giá khoảng 800.000 đồng/kg. Thế nên, nhiều người ở Pờ Ly Ngài ham săn và nuôi ong đất.

Ngoài ngâm rượu ong già chữa bệnh xương khớp, người Nùng ở Pờ Ly Ngài còn cất giữ bí quyết chế biến nhiều món ăn ngon tuyệt hảo.

Điển hình như món muối ong. Người ta nướng cả sáp chứa nhộng bằng than hoa đỏ rực cho tới khi nhộng chín và khô, cầm tay lắc lắc nghe rõ tiếng kêu lục lặc như quả mướp giống phơi khô; sau đó bóc nhộng ra cho vào cối, tẩm một ít muối, mì chính, hạt tiêu rừng, vài nhánh hoa hồi dầm nát, tưới thêm một hai chén rượu ngô, trộn đều và cho vào lọ bịt kín lại, càng để lâu càng ngon, chấm với cơm nếp nương vừa béo, vừa ngậy, vừa thơm.

Loại muối này chỉ xuất hiện trong mâm cơm khi diễn ra những sự kiện đặc biệt trong năm như ngày Tết, rằm tháng Bảy hoặc có khách quý đến chơi nhà.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm