| Hotline: 0983.970.780

Thảm họa ở bãi vàng Mà Sa Phìn: 7 hay nhiều hơn thế số người chết và mất tích?

Thứ Hai 29/08/2016 , 12:01 (GMT+7)

Số nạn nhân thiệt mạng mà tỉnh Lào Cai công bố chưa có gì thay đổi. Vẫn chỉ có 7 người!? Chúng tôi xin được cung cấp thêm danh tính những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này đã không được đưa vào danh sách. 23 người chết và mất tích...

Sau hơn một tuần xảy ra thảm họa lũ quét ở bãi vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, Lào Cai), số nạn nhân thiệt mạng mà tỉnh này công bố vẫn chưa có gì thay đổi. Vẫn 7 người.

Chúng tôi xin được cung cấp thêm danh tính những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này đã không được đưa vào danh sách. 23 người chết và mất tích.

Sau cuộc thị sát hiện trường vụ sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn ngày 25/8, lập tức Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong tổ chức một cuộc họp bàn phương án hỗ trợ, khắc phục thiệt hại sau bão số 1, 2 và 3 trên địa bàn tỉnh này vào ngày hôm sau.

Tại cuộc họp, báo cáo của các cơ quan chức năng tiếp tục khẳng định: Hoàn lưu 3 cơn bão vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng về người và tài sản cho người dân trên địa bàn tỉnh. Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh có 23 người chết và mất tích, 10 người bị thương.

Trên 1.500 hộ dân có nhà ở bị hư hại do bão, lũ, trong đó có 119 hộ phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới. Tổng diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại là trên 10.600 ha.

Trong đó, có 598 ha lúa bị mất trắng, gần 11.000 vật nuôi (gia súc, gia cầm) bị chết. Hàng trăm công trình xây dựng cơ bản bị lũ phá hủy, trong đó đáng chú ý là có 23 trường học và 36 công trình thủy lợi bị hư hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 600 tỷ đồng.

Riêng thảm họa lũ quét lịch sử tại bãi vàng Mà Sa Phìn, số nạn nhân chính thức được các cơ quan báo cáo vẫn là 7 người. Mặc dù, chính quyền các cấp khẳng định “sẽ tiếp tục tìm kiếm và cập nhật”, tuy nhiên, theo điều tra của NNVN và một số cơ quan báo chí khác, có những trường hợp gặp nạn khá rõ ràng nhưng không hiểu sao đến thời điểm hiện tại vẫn không được đưa vào danh sách các nạn nhân.

16-40-25_lo-ci-4
Người nhà nạn nhân tìm kiếm xác phu vàng

 

Mới đây nhất, một người phụ nữ tên là Lê Thị Hiền (SN 1991) quê ở xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) gọi điện thoại cho PV bức xúc: “Chồng tôi tên là Hoàng Văn Hưng (SN 1988), mới đi làm ở bãi vàng Mà Sa Phìn được 2 tháng. Hôm 20/8, có một nhóm người nói được chủ bưởng vàng ở Lào Cai thuê đưa thi thể chồng tôi về quê và cho 20 triệu để lo mai táng. Từ đó đến nay chẳng có ai đến hỏi han gì. Hôm vừa rồi mọi người đọc báo thấy danh sách 7 người tử vong do tỉnh Lào Cai công bố không có tên chồng tôi”.

Cũng theo điều tra của NNVN, anh Hoàng Văn Hưng là phu vàng làm thuê cho ông Chu Đình Ngao và bà vợ tên Chiến (cũng ở xã Bằng Vân). Sau trận lũ đêm 19/8 quét qua bãi vàng Mà Sa Phìn, cả ông Ngao và bà Chiến đều thiệt mạng.

Chủ tịch xã Bằng Vân, ông Nông Văn Quảng xác nhận, hiện tại thi thể của ông Ngao đã được đưa về quê mai táng, còn xác bà Chiến vẫn chưa tìm thấy.

Như vậy, ít nhất số nạn nhân trong thảm họa Mà Sa Phìn còn có 3 người ở xã Bằng Vân không được nhà chức trách tỉnh Lào Cai công bố.

Phu vàng Nông Văn Thành, cũng là người làm thuê cho vợ chồng Ngao – Chiến, thoát chết trong thảm họa vừa qua nói: Đêm hôm đó chính mắt tôi nhìn thấy 3 người chết.

16-40-25_lo-ci1
Phu vàng Nông Văn Thành: Tận mắt tôi nhìn thấy 3 người chết

 

Mưa rất lớn, sấm sét kinh hoàng, lán chúng tôi gặp nạn đầu tiên, tuy nhiên tất cả đều chạy thoát. Khi mọi người vừa lên đến lán chỉ huy của ông Ngao- bà Chiến, thì một tiếng động rung trời, đất đá, cây cối ầm ầm đổ xuống, nước lũ càn quét kinh hoàng.

Ông Chu Đình Ngao bị vùi trong đất đá, bà Chiến bị dòng nước lũ nhấn chìm, giơ tay cầu cứu trong vô vọng. Tôi cũng nhìn thấy một đứa bé mới 15 tuổi ở lán bên cạnh bị đất đá vùi lấp, sau đó nước lũ cuốn trôi.

Trong báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, chỉ có một nạn nhân quê ở Thanh Hóa, tuy nhiên, sự thật có ít nhất 2 người quê ở huyện Ngọc Lặc thiệt mạng trong đêm 19/8. Người đầu tiên là ông Phạm Văn Tự (SN 1977) trú tại xã Mỹ Tâm, huyện Ngọc Lặc, đã được công bố. Người thứ hai là Phạm Văn Chức (SN 1997).

Tại Mà Sa Phìn, chúng tôi đã gặp ông Phạm Văn Liên, bố của Chức lên tìm xác con trai gặp nạn đêm 19/8. Đi cùng ông Liên là Phạm Văn Dự (SN 1995), nhân chứng sống trong cơn lũ quét ở Mà Sa Phìn. Chính mắt Dự nhìn thấy Chức bị lũ cuốn trôi. “Lán của bọn em có 16 người, em chỉ biết chắc chắn có 11 người thoát được. Thằng Chức bây giờ còn không biết xác ở đâu”, Dự nói.

Không tìm được xác con mà chỉ tìm được một bộ quần áo, ông Phạm Văn Liên bèn lấy một nắm đất ngay tại bãi vàng, bỏ vào chiếc bát, thắp nén nhang rồi mang về quê thờ cúng.

Cũng trong quá trình điều tra về số người chết tại Mà Sa Phìn, chúng tôi được Triệu Tòn Nhất, một thanh niên ở thôn Phù Lá Ngài, xã Nậm Xây cho biết, chính mắt anh ta nhìn thấy có đến trên 20 thi thể phu vàng được đưa qua đây, thời gian chủ yếu là từ chiều cho đến 12 giờ đêm.

Còn ông Giàng A Khua (Mù Cang Chải, Yên Bái) đã được thuê vận chuyển các phu vàng gặp nạn với tiền công 2 triệu đồng đã khẳng định: Ít nhất chúng tôi đã khiêng hàng chục người chết ra khỏi bãi vàng. Họ không cho đi đường thẳng ra xã Nậm Xây mà bắt đi đường vòng lên bản mới.

16-40-25_lo-ci2
Giàng A Khua: Tôi được thuê để gánh xác người chết, ít nhất cả chục người

 

Và cả một nhóm người Mông ở bản Sà Phìn được thuê lên bãi vàng tìm xác những nạn nhân trong lòng đất. Tìm thấy một xác sẽ được trả công 5 triệu đồng.

16-40-25_lo-ci3
Những thanh niên bản địa được thuê lên Mà Sà Phìn đào xác

 

Rất tiếc rằng, những thông tin này chưa được tỉnh Lào Cai điều tra và công bố.

 

Từng có tiền lệ ém thông tin

Mặc dù tại cuộc họp sau chuyến thị sát Mà Sa Phìn, ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh là không né tránh, không che giấu thông tin mà sẽ thông tin chính xác, khách quan về số người thiệt mạng. Ông Phong cũng yêu cầu huyện Văn Bàn thành lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các nạn nhân mất tích để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ các gia đình nạn nhân đi tìm kiếm.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, 3 năm trước, cũng chính tại huyện Văn Bàn, các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lào Cai đã từng “giấu” số người thiệt mạng trong một vụ sạt lở tại bãi vàng thuộc địa phận xã Minh Lương (huyện Văn Bàn).

Cụ thể, vào đêm 4/9/2013, tại khu vực khai thác vàng xã Minh Lương đã xảy ra sạt lở kinh hoàng khiến nhiều người bị vùi lấp trong đất đá. Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai báo cáo “2 người chết, 7 người bị thương”.

16-40-25_lo-ci5
Còn bao nhiêu xác phu vàng nằm lại dưới đất đá Mà Sa Phìn?

 

Phải đến khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí, tỉnh Lào Cai mới thừa nhận số nạn nhân chết trong thảm họa ở Minh Lương là 12 người người. Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn còn thông tin trong dư luận, số người chết trong đêm 4/9/2013 còn nhiều hơn số tỉnh Lào Cai khẳng định. Thành thử, chuyện tỉnh Lào Cai mới chỉ công bố danh sách 7 nạn nhân gặp nạn ở Mà Sa Phìn cũng là điều dễ hiểu thôi.

Chưa hết, sau khi xảy ra thảm họa Mà Sa Phìn, liên quan đến vấn nạn vàng thổ phỉ, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cũng rơi vào tình trạng “ông nói xuôi bà nói ngược”.

Tại văn bản 368/GP-UBND, tỉnh Lào Cai đã cấp phép khai thác vàng cho Cty Vàng Nhẫn với tổng diện tích khai thác 26,03 ha, thuộc khu vực Sà Phìn và Tsu Ha. Thời hạn khai thác là 11 năm với công suất 59kg vàng/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, ông Phạm Bình Minh, hàng năm, huyện có thành lập các đoàn liên ngành để truy quét, phá hủy các lán trại và máy móc. Thế nhưng, cứ đẩy đuổi hôm trước thì hôm sau thổ phỉ quay lại theo kiểu “đá ném ao bèo”. “Nói chung còn vàng là họ còn tìm đến đây. Nhiều lúc chính quyền địa phương đã phải bất lực với tình trạng này", ông Minh thừa nhận.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Thủy - Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN-MT Lào Cai lại phủ nhận thông tin này. Theo ông Thủy, tại khu vực Mà Sa Phìn không có tình trạng khai thác thổ phỉ. Còn với dự án của Cty Vàng Nhẫn, ông Thủy thừa nhận, từ năm 2015 đến nay, Sở chưa từng tiến hành thanh tra dự án này, chưa có kế hoạch thanh tra.

Ông Hoàng Xuân Phủ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây, khẳng định, khi có thông tin cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, chính quyền đã có thông báo đến Cty cổ phần vàng Nhẫn; tuy nhiên đơn vị này chưa thực hiện tích cực phương án phòng, chống bão lũ, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, việc quản lý lao động của Cty còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp lao động ở địa phương khác đến làm việc không được ký hợp đồng lao động, không khai báo tạm trú tạm vắng với địa phương dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và khi có công nhân gặp nạn thì việc xác minh rất khó khăn.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm