| Hotline: 0983.970.780

Tham vọng chế tạo xe tăng bay của Liên Xô thời Thế chiến II

Thứ Sáu 23/03/2018 , 13:05 (GMT+7)

Một trong những ý tưởng siêu thực được biết đến là kế hoạch phát triển mẫu xe tăng có khả năng bay lượn của Liên Xô mang tên Antonov A-40.

12-28-02_1_zps0b1e2e2f
Mẫu thử nghiệm xe tăng bay A-40 của Liên Xô (Ảnh: Wikipedia)

Đầu những năm 1940, phát xít Đức tăng cường tấn công nhằm vào lãnh thổ Liên Xô. Để chống trả, quân đội Liên Xô lúc bấy giờ cần đến những vũ khí uy lực hơn, có khả năng gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng cho đối thủ. Nhà thiết kế máy bay Oleg Antonov nghĩ tới việc chế tạo những chiếc xe tăng bay.

Trước đó, năm 1935, họ đã thử nghiệm gắn những chiếc xe tăng hạng nhẹ T-37 và xe tăng nhỏ T-27 vào các máy bay ném bom như một cách để đưa chúng ra chiến trường nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cả hai mẫu xe tăng kể trên đều quá nhỏ nên không thể phát huy sức mạnh hủy diệt. Bên cạnh đó, chúng còn có thể gây nguy hiểm cho các oanh tạc cơ TB-3 Liên Xô thực hiện nhiệm vụ chuyên chở. Vì thế, giới chức Liên Xô cho rằng chấp nhận rủi ro để tiến hành phương án trên là không đáng.

Người Nga cũng thử nghiệm thả xe tăng khỏi máy bay (có hoặc không có dù), song tất cả đều không đem lại kết quả khả quan. Trong các trường hợp này, đội ngũ vận hành xe tăng phải nhảy dù riêng rẽ với phương tiện rồi sau đó mới cố gắng tìm cách trở lại xe dưới làn đạn của kẻ thù hoặc trước khi kẻ thù phát hiện.

Đến năm 1940, Oleg cho ra đời bản thiết kế một bộ cánh lượn có thể trang bị cho những chiếc xe tăng đồ sộ hơn, giúp chúng bay nếu được kéo phía sau một phi cơ với vận tốc đủ lớn. Trên giấy, phương án Oleg đề xuất là một ý tưởng thiên tài bởi nó giải quyết được vấn đề để lộ máy bay vận chuyển, biến chúng thành mục tiêu của hỏa lực mặt đất, cũng như việc TB-3 bị giới hạn về trọng tải, khiến nó chỉ đủ sức mang theo các xe tăng nhỏ. Nhưng phải đến hai năm sau, Oleg mới bắt tay vào chế tạo và thử nghiệm xe tăng bay.

Oleg lắp bộ cánh do ông tự chế vào một xe tăng cải tiến T-60. Theo thiết kế, sau khi xe tăng chuẩn bị đáp xuống chiến trường, bộ cánh sẽ tự động rời ra. Người điều khiển xe tăng sẽ lái chiếc cánh gắn thêm thông qua chuyển động của tháp pháo. Di chuyển tháp pháo lên cao xuống thấp sẽ điều chỉnh được độ cao và xoay tháp pháo sang hai bên sẽ giúp “máy bay” lượn trái phải.

Về mặt lý thuyết, mọi thứ có vẻ hoàn hảo. Nhưng vì trọng lượng xe tăng quá lớn và khả năng hoạt động thực tế của bộ cánh cũng chưa được kiểm chứng, Oleg phải giảm lượng đạn dược, nhiên liệu mang theo, thậm chí tháo bỏ cả lớp bảo vệ khỏi xe tăng T-60 trong quá trình bay thử nghiệm.

Nhận trách nhiệm kéo chiếc tăng bay A-40 lên không trung là oanh tạc cơ Tupolev TB-3 nhưng vì quá cồng kềnh, trong lúc thực hiện thử nghiệm, Tupolev TB-3 bị nóng động cơ và phải cắt dây thả xe tăng sớm hơn dự định.

Dù vậy, người điều khiển xe tăng là phi công Sergei Anokin vẫn kịp thời điều hướng và đáp nó “rất êm” xuống một cánh đồng gần bãi thử, theo một số báo cáo. Ông thậm chí còn có thể lái chiếc xe về lại căn cứ.

Dù được ghi nhận là đã đáp thành công, việc điều khiển xe tăng bay thực sự khó khăn. Nó đòi hỏi người lái phải khởi động động cơ xe tăng thật nhanh để tiếp đất. Dù phấn khích với kết quả thử nghiệm, Anokin hoài nghi liệu A-40 có thể hoạt động trơn tru không khi được trang bị đầy đủ đạn dược để tham gia các trận đánh thực chiến.

Qua thời gian, việc TB-3 gặp trở ngại khi kéo xe tăng đã được giảm trọng lượng kết hợp với thực tế là hàng loạt oanh tạc cơ TB-3 đã bị phá hủy bởi cuộc chiến khiến dự án chế tạo A-40 bị đình chỉ.

Dù vậy tham vọng phát triển xe tăng bay vẫn chưa dừng lại. Liên Xô bắt đầu thử nghiệm lại các vũ khí khác lấy cảm hứng từ ý tưởng xe tăng bay sau năm 1945. Đầu những năm 1950, họ chế tạo thành công pháo tự hành diệt tăng ASU-57 có thể được thả bằng dù hay các loại khung cánh từ những máy bay An-8 và An-12 mạnh mẽ hơn. Dự án của Liên Xô thành công đến mức Mỹ đã đáp trả vào năm 1968 khi cho ra đời xe thiết giáp bay do thám M551 Sheridan với cùng phương thức hoạt động.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).