| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên lạnh, cụ già nóng

Thứ Sáu 21/03/2014 , 11:50 (GMT+7)

Thiếu trầm trọng lớp trẻ, nông thôn giờ đây nhiều đoàn thể hoạt động chỉ còn là hình thức thậm chí tê bại.

Con đường làng bùn lệt sệt, bùn lõng bõng, bùn đọng thành vệt, thành rãnh cùng phân trâu, phân bò, phân chó thối oăng. Ai đi qua cũng bịt mũi, cũng toát mồ hôi tính toán từng chỗ đặt bàn chân sao cho khỏi bẩn nhưng đố thấy bóng thanh niên nào ra quét dọn vệ sinh.

Có người bảo thanh niên giờ chỉ sai khiến được bằng sức mạnh của đồng tiền. Điều đó có phần đúng khi cả xã hội kim tiền, thờ đồng tiền, thanh niên không thể đứng ngoài thời cuộc.

Việc nhà nông làm không quá hai tháng một năm, quỹ thời gian còn lại của thanh niên làng là nháo nhào đồng nát, nháo nhào thợ xây, nháo nhào giúp việc, nháo nhào đi buôn (buôn vặt). Nếu không nháo nhào đi đâu được mới đành ở nhà bế con, tổ tôm, ba cây, chắn cạ… Thiếu trầm trọng lớp trẻ, nông thôn giờ đây nhiều đoàn thể hoạt động chỉ còn là hình thức thậm chí tê bại.

16-25-48_dscn6643
Thanh niên nông thôn chí thú làm ăn ở quê rất hiếm

Hội phụ nữ nông thôn còn hoạt động tạm vì đại đa số ở nhà SX, vì gia đình nào hầu như cũng có hội viên. Phụ nữ tham gia vào vận động dồn ô đổi thửa, vào bảo vệ môi trường, vào đường làng, ngõ xóm. Sôi nổi không kém là hoạt động của hội người cao tuổi đặc biệt những dịp họp hành tuyên truyền nhau lợi ích hỏa táng, hỏa thiêu.

Thanh niên Đồng Rồi (La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) đi vãn làng chỉ còn mỗi Bí thư Chi đoàn sót lại. Khi tôi đến nhà, Bí thư đi vắng chỉ còn ông bố tiếp chuyện. Hỏi về con, ông bảo: “Bí thư cái ngữ gì nó, suốt ngày say sưa, thả ra cái là ngửa cổ thật lực cả lít rượu. Tuy có nhà riêng, có vợ con rồi tôi vẫn bắt về ở với bố mẹ. Vẫn ngày hai ba trận rượu nhưng được cái có nguời kiểm soát”.

Trong những dịp hiếm hoi tỉnh táo, Bí thư Chi đoàn Đồng Rồi cũng đi vận động chuyện đoàn, trước mặt người ta còn à ừ nhưng sau lưng ai cũng bảo: “Chấp gì thằng say”.

Thôn An Ninh (La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) từ lâu vắng bóng Bí thư Chi đoàn vì anh này học nghề tận trên Hà Nội. Bởi thế Bí thư Chi bộ đồng thời cũng làm luôn việc của Bí thư Chi đoàn. Hoạt động đoàn duy nhất trong thôn là tổ chức rằm trung thu cho các cháu.

>>Huyện có trên 1.000 người tâm thần

>>Nhảy múa cùng đồng cô bóng cậu

>>Người hót phân trâu cuối cùng

>>Những người muốn... ở viện

Bí thư Chi bộ lúc đó một mặt điện lên, điện xuống cho Bí thư Chi đoàn giục về, một mặt cùng trưởng thôn “vác rá” đi từng nhà xin từng đồng quyên góp. Chỉ đạo tập tành múa hát, chỉ đạo phụ nữ nước cơm, chỉ đạo trưởng thôn đảm bảo an ninh, chỉ đạo cựu chiến binh xắn tay cắm giúp trại. Không việc gì không cần đến tay ông. Làng sôi động mỗi dịp “tùng dinh dinh là tùng dinh dinh” để rồi cả năm lại vắng lặng. Đoàn viên đi biệt, Bí thư Chi đoàn cũng đi biệt.

Vợ chồng ông Đinh Văn Mặc, Nguyễn Thị Sáu làng Tập Thượng (La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) thuộc diện khó khăn nhất thôn. Ông bà sinh được ba người con trai thì tàn tật không tha một đứa nào. Thằng lớn chỉ biết bò lết, hai thằng em cũng sắp phải bò theo vì chân tay ngày một yếu.

Nồi méo úp vung xập xệ. Hai đứa lớn nhà ông rước về hai cô gái tuy không được thật người cho lắm nhưng bù lại không đến nỗi phải đi bò. Đứa út tàn tật nặng hiện vẫn ở cùng bố mẹ. Cả ba thằng con nhà ông Mặc không có công việc gì khác ngoài ngồi còng lưng thêu ga trải giường với tiền công mỗi ngày nhỏm nhẻm 10.000 đ. Gia cảnh khó khăn quá, bà Sáu tuy đã già rồi mà chẳng có lấy một ngày được nhàn hạ. Bươn bả ra thành phố làm người ở, phục dịch người ta mà tháng có việc tháng không.

Tết rồi, thấy nhà nghèo nào trong xã được phát quà, hai thằng lớn trong nhà cũng có còn thằng út thì không, ông thấy lạ mới ra xã ý kiến. Nghe chưa xong, cán bộ đã ngắt lời: “Làm gì có nhà nào được ba suất? Ông chỉ tách hộ ra để muốn hưởng diện hộ nghèo thôi”.

Những lời nói không là muối mà chà xát tận ruột, tận óc. Muốn khóc nhưng ông vẫn phải ngọt nhạt nằn nì: “Có ai muốn đẻ con ra mà què tất cả như đám nhà tôi đâu? Có ai muốn tách hộ ra để thành hộ nghèo như nhà tôi đâu hả chú?”. Để tránh việc ông cứ đứng đó mà nói, cuối cùng người ta cũng phát cho một ít gạo, ít tiền.

Đội màn mưa giăng, tôi đến nhà ông Mặc. Dưới hiên nhà cũ nát, ba người con ngồi trên ba chiếc ghế thõng ba đôi chân chỉ nhỏ như những cái ống giang. Người anh cả tàn tật nặng nhất suốt ngày lê lết trên chiếc ghế gỗ với cây gậy buộc một túm nylon đuổi đàn gà không chạy vào nhà ỉa bậy. Hai người em kế sức khỏe cũng ngày một yếu, cũng sắp phải đi bò như anh, cũng sắp phải suốt ngày lui cui nhìn qua ô cửa hẹp, không biết đến trời cao, đất rộng.

16-25-48_dsc_5601
Ở quê giờ chỉ toàn người già

Nguyễn Đức Vinh con ông Nguyễn Quang Trọng làng Đồng Rồi vốn là một học sinh giỏi thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Người làng ai cũng mừng cho thằng bé chăm ngoan, sau này bố mẹ tha hồ nhờ cậy. Ra trường xong, Vinh đôn đáo đi xin việc, chỗ nào người ta cũng bảo phải tiền, mà tiền hàng vài trăm triệu đồng.

Cầy cục xin việc mãi không được, thằng bé đành trở về quê phụ đỡ việc đồng áng cho mẹ cha. Buổi gặt cuối cùng, Vinh nói với ông nội: “Cháu đi có việc riêng, tối mới về”. Vậy mà tối đó, mấy chục tối sau nó cũng không về. Đến một ngày công an Hà Nội báo tin tìm thấy một chiếc xe máy khóa cổ ở giữa cầu Vĩnh Tuy mang biển số Hà Nam.

Cả gia đình nháo nhào lên, luống cuống mở chiếc cốp xe máy Tàu và chết lặng khi toàn bộ giấy tờ của Vinh còn nguyên ở đó cùng cái ví rỗng. Ngó lên trời, trời vẫn xanh ngằn ngặt, ngó xuống sông, sông vẫn thao thiết một dòng mà ngót năm trời xác Vinh vẫn bặt tăm.

Xưa nông thôn khổ nhất là cái hố xí, đó chỉ là một đống gio cùng cái…que hay nùi lá chuối khô. Giờ ở quê hố xí tự hoại không hiếm, tivi màu, xe máy Tàu lại càng phổ biến hơn nhưng suy cho cùng nông dân vẫn là tầng lớp khổ nhất, thấp cổ bé họng nhất.

Đêm đen như bồ hóng, sánh như thạch. Tiếng chó sủa, rú, rít ư ử cào móng vào cửa sắt, sàn bê tông. Nhà ông Đinh Văn Khả chỉ trong mười ngày đã mất hai con chó. Trộm chó không tha một gia đình nào trong làng, công an xã thôn chẳng khắc phục nổi.

Bức xúc dồn nén như những cơn sóng lừng mới đây chỉ được giải tỏa. Khi bắt được một đôi trộm chó cả làng Tập Thượng xông ra đánh hội đồng, chất rơm đốt cháy rụi, cháy thui cả khung xe máy.

Tôi cố dỗ dành giấc ngủ chập chờn tiếng chó sủa, tang tảng sáng bỗng có tiếng của mấy cái loa thôn thốc vào. Đóng chặt cửa sổ, bưng chăn kín đầu nhưng âm thanh cứ như những mũi khoan, khoan thẳng vào tai, bám dai như đỉa đói. Trẻ con khóc ré, cụ già đấm ngực khúng khoắng ho khan.

Mỗi làng quê giờ vẫn có lệ treo vài ba cái loa. Thời lên cung trăng, bước tung tăng trên sao hỏa, nhà nào chẳng có phương tiện nghe nhìn cá nhân, cái loa công cộng đáng chỉ dành điều hành SX khi thời vụ hay việc thôn, xã thật cần kíp thì nó lại phát rất đều, phát ra rả.

Sáng từ 5 giờ đến 7 giờ, trưa khoảng một tiếng, tối lại từ 5- 7 giờ. Tiếng loa là nỗi khổ cho những nhà trong phạm vi khoảng vài trăm mét. Đang ngủ nghe tiếng loa trẻ con khóc thét, đang run run xúc cháo người già nghe tiếng loa bỗng giật mình nghẹn trào. Ai cũng muốn di chuyển cái loa cho thật xa nhà mình chỉ có mỗi một gia đình không muốn. Nhà đặt loa, thường là cán bộ thôn, xã được chia mỗi năm cho vài chục cân thóc.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm