| Hotline: 0983.970.780

Thầy giáo mù và lớp học trên đồi cát

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:05 (GMT+7)

Những gì thầy giáo Thiện làm được hôm nay, có thể khẳng định: “Chỉ cần có ý chí và quyết tâm, không có gì là không thể!”.

Thầy giáo Thiện trong buổi lên lớp trên đồi Hồng
Số phận thật nghiệt ngã khi bắt anh phải vĩnh viễn sống trong bóng đêm từ năm 10 tuổi. Nhưng, những gì anh làm được hôm nay, có thể khẳng định: “Chỉ cần có ý chí và quyết tâm, không có gì là không thể!”.

1. Một ngày cuối tháng 10, tôi có dịp đi công tác ra vùng biển Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận), trong lúc lang thang ra đồi Hồng, một đồi cát đẹp như tranh vẽ của vùng biển Phan Thiết, tôi thấy một đám trẻ đến vài chục đứa đang quây quần quanh một người đàn ông. Tò mò, tôi tiến lại gần và không khỏi ngạc nhiên: Người đàn ông ấy mù cả đôi mắt! Anh đang nói chuyện với tụi nhỏ bằng tiếng Anh.

Đến bên cạnh một cô bé chừng 7 - 8 tuổi có nước da đen nhẻm và mái tóc cháy nắng, tôi hỏi: “Mấy cháu đang nói chuyện với ai vậy?”. Vẻ mặt tự hào, cô bé nhanh nhảu đáp: “Chú không biết thầy Thiện hả? Thầy giáo dạy tiêng Anh của tụi con đó. Chú là khách du lịch hả?”. Tôi gật đầu rồi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ủa, chú đâu có thấy lớp học đâu?”. Cô bé lại ra vẻ sành sỏi nói tiếp: “Tối mới có lớp, giờ thầy dẫn tụi con ra đây để chỉ cách nói chuyện với mấy người Tây kia kìa, chú hiểu chưa?”. Cô bé kéo dài âm điệu mấy từ cuối khiến tôi không khỏi bật cười.

Đang chăm chú theo dõi cuộc nói chuyện giữa người thầy tên Thiện và đám trẻ thì bất chợt, cô bé lúc nãy níu tay tôi nói: “Chú muốn học tiếng Anh không? Con nói thầy Thiện dạy cho. Không tốn tiền đâu”. Nghe vậy, tôi đáp ngay: “Ừ, chú muốn lắm. Con nói thầy cho chú gặp để chú xin học nha”. Cô bé dõng dạc nói “Ok” rồi nhanh nhảu bước tới nắm tay thầy Thiện lắc lắc, cử chỉ rất gần gũi. Cô bé nói: “Thầy, thầy, có chú kia muốn học tiếng Anh, thầy nhận chú nha”. Người đàn ông ấy vừa đưa bàn tay lên vuốt mái tóc khô cháy của nó vừa cười hiền, bảo: “Ừ, con bảo chú đến gặp thầy đi”. Con bé “dạ” một tiếng rồi quay ra, lại lắc tay tôi: “Thầy con đồng ý nhận chú rồi, không tốn tiền. Nhưng chú có cách nào chữa mắt cho thầy không?”. Tôi lặng im bước theo nó, trong lòng xốn xang. Nghe tôi chào và giới thiệu, Thiện nắm chặt tay tôi nói: “Tôi rất xin lỗi và hẹn gặp anh ngày mai ở Sài Gòn. Mỗi tuần tôi chỉ có 2 ngày ở đây nên muốn dành cho các em”.

2. Không khó khăn gì để tôi tìm đến địa chỉ nhà thầy giáo mù Nguyễn Phước Thiện. Căn hộ nhỏ nhưng ngăn nắp ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q. 3, TP.HCM. Đây là nơi dạy học, cũng là tổ ấm của 2 mẹ con Thiện. Cuộc nói chuyện với người thầy mù đã khiến tôi hết ngạc nhiên lại đến khâm phục.

Thiện sinh năm 1974 tại Sài Gòn. Cha mất sớm, anh lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Cứ tưởng cuộc đời sẽ bình lặng trôi nhưng bất ngờ, năm 10 tuổi, một cú ngã đã khiến anh bị bong giác mạc và đôi mắt cứ mờ dần. Không bao lâu thì bóng tối bao trùm lên cả cuộc đời anh. Việc học bị gián đoạn, nhưng mơ ước được đến trường không ngừng thôi thúc Thiện. Cậu xin mẹ dẫn mình đến trường xin tiếp tục đi học. Chiều con, bà Hồ Thi cho con đi học lớp chữ nổi tại trung tâm dành cho người khiếm thị Bừng Sáng. Sau khi hoàn thiện chương trình chữ nổi, bà không cho con vào học trường dành cho người khiếm thị mà xin cho Thiện vào học trường bình thường (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM).

“Gánh trái cây của mẹ đã nuôi tôi lớn. Tôi biết, nhiều lần mẹ đứng nhìn tôi học và khóc. Thương mẹ nên lúc nào tôi cũng cố gắng hết sức. Học cùng với các bạn bình thường nên càng phải nỗ lực hơn. Trước khi vào lớp, tôi nhờ bạn đọc bài cho nghe một lượt để khi cô giáo giảng bài thì mới tiếp thu kịp”, Thiện tâm sự.

Thế rồi, cái nghề giáo đến với Thiện rất tình cờ. Hồi học lớp 11, cả lớp đã phục tài học Anh văn của cậu học trò khiếm thị này nên đã nhờ chỉ bài giúp. Được vài buổi thấy Thiện giỏi và giảng bài dễ hiểu nên mọi người khuyên Thiện mở lớp dạy thêm. Năm 17 tuổi, Thiện đã thi đậu bằng C tiếng Anh. Năm 1989, học hết cấp 3, thấy mình có duyên với nghề dạy học nên Thiện quyết định thi và đậu khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm TP.HCM. Anh trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường. Bốn năm sau, cậu sinh viên khiếm thị ra trường với tấm bằng loại giỏi.

Đến nay, qua chương trình đào tạo từ xa, Thiện có học trò ở tận Nha Trang, Nghệ An, Nam Định… Số tiền kiếm được, anh dùng một nửa để trang trải cuộc sống. Phần còn lại dành cho những chuyến đi làm từ thiện.

3. Nói về những chuyến đi dạy học từ thiện ở Mũi Né, Thiện kể: “Năm 2008, tôi có dịp cùng các em học sinh đi tham quan kết hợp thực tế để giao tiếp với người nước ngoài. Ở đó, dù không nhìn được nhưng tôi trực tiếp nghe những đứa trẻ nói chuyện bằng tiếng Anh “bồi” với người nước ngoài. Chúng chửi thề, văng tục với nhau. Tôi hỏi thăm mới biết ở đồi Hồng có cả trăm em nhỏ, trong đó mỗi đứa một hoàn cảnh, em thì mồ côi cha, phải phụ mẹ bán cá vụn, em thì hành nghề móc túi, ăn xin. Số còn đủ cha mẹ nhưng nghèo nên chúng phải bỏ học đi kiếm tiền. Còn cha mẹ chúng phải lo bươn chải kiếm sống nên không có điều kiện chăm sóc. Nhiều đêm sau đó, tôi không ngủ được khi nghĩ đến những đứa trẻ trên đồi Hồng. Tôi muốn làm gì đó giúp các em. Một lần, đem câu chuyện kể lại với hai cô học trò và nói dự định đang ấp ủ trong lòng. Không ngờ, nghe tôi nói xong, hai cô ủng hộ và hứa cùng tôi tổ chức lớp học cho lũ trẻ. Ngay sau đó, chúng tôi lên đường ra Mũi Né”.

“Mấy năm nay, thầy Thiện đã làm bọn trẻ thay đổi nhiều lắm. Mừng nhất là tụi trẻ con lễ phép, lịch sự hơn với du khách. Giảm hẳn tình trạng mấy đứa nhỏ chuyên đi móc túi, xin tiền khách. Bây giờ ở đây mọi người ai cũng biết và quí thầy Thiện”, ông Đoàn Ngọc Thanh, Trưởng khu dân số 15, P. Mũi Né, TP Phan Thiết.

“Ban đầu, việc vận động học trò tới lớp gặp nhiều khó khăn. Vốn quanh năm phải mưu sinh, bây giờ cho con đi học nghĩa là thiếu một người kiếm ăn, cuộc sống sẽ chật vật hơn. Lại thấy tôi như vầy, nên mấy em và gia đình họ chưa tin tưởng”, Thiện nhớ lại. Mặc dù trở ngại như vậy, nhưng thầy Thiện vẫn kiên trì đến từng nhà, gặp từng người thuyết phục. Dần dà, sự kiên nhẫn của ông thầy mù đã khiến mọi người đồng cảm. Và, lớp học dần hình thành, lũ trẻ ngày càng tới học đông hơn. “Đến nay, không có buổi học nào sĩ số lớp dưới 60 em. Giúp được các em, tôi vui lắm”, thầy Thiện nói.

Nói là lớp học cho sang nhưng thực chất lớp học nằm ngay dưới gốc cây dương trên đồi Hồng. Một cây xanh hiếm hoi giữa mênh mông cát trắng của bờ biển miền Trung. Bài giảng mà thầy Thiện mang tới cho lũ trẻ trước hết là những bài học làm người, sau mới đến những bài học tiếng Anh. Thầy dạy cho chúng những câu chào hỏi, câu xã giao với người nước ngoài. Cuối mỗi buổi học, thầy lại hát cho học trò nghe. Cứ thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, cái lớp học ấy nằm trên đồi cát, giữa không gian bao la, đầy nắng và gió. Lớp học ấy không phấn trắng, bảng đen, lấy tán cây dương làm mái che, đã duy trì đều đặn 2 ngày cuối tuần, từ gần 4 năm qua.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm