| Hotline: 0983.970.780

Thoát được nghèo thì cũng trắng tay

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:08 (GMT+7)

Trở thành công dân Thủ đô nhưng những nông dân xứ Mường dường như khó bắt kịp những đổi thay chóng vánh.

Trở thành công dân Thủ đô nhưng những nông dân xứ Mường dường như khó bắt kịp những đổi thay chóng vánh. Họ ngây thơ, chất phác trước cơn bão, cơn sốt đất cuồng quay để rồi phải gánh chịu không ít những thiệt thòi.

>> Chuyện buồn xứ Mường ở Thủ đô

10 ngàn đồng/tháng vẫn không được nghèo

Thôn Trại Mới 1 xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) nằm sát đường cao tốc Láng – Hòa Lạc kéo dài. Sở dĩ phải gọi là Trại Mới 1 vì sau khi sát nhập về Thạch Thất, dân số tăng đông quá nên Trại Mới tách làm hai. Tiến Xuân cũng là xã gần trung tâm nhất trong số những xã thuộc xứ Mường ở Hà Nội. Nhưng sự gần gũi phố phường ấy đôi khi không chỉ có may mắn và thuận lợi, ngược lại, bi kịch có phần nhiều hơn.

Chỉ trong vòng hai năm, thôn Trại Mới 1 có tốc độ thoát nghèo nhanh chóng mặt. Cả thôn có 120 hộ dân, trước khi về Hà Nội thì phần lớn số ấy thuộc hộ nghèo. Hai năm trước vẫn đang còn 32 hộ, vậy mà bây giờ chỉ còn lại 4 hộ mà thôi. Vào Trại Mới 1 có cảm giác như ngôi làng này chỉ toàn người già. Cũng phải thôi, bởi người có sức đã bỏ đi làm thuê hết. Trưởng thôn Quách Minh Tâm thống kê: Trại Mới 1 có hơn 400 khẩu nhưng chỉ được 15 ha đất lúa. Đất rừng thì có, nhưng là trước đây, còn bây giờ đã bán hết, chẳng còn một tấc nào. Mà số ruộng ít ỏi còn lại cũng bị bán tráo lung tung hết cả nên dân chẳng có nghề nghiệp gì.


Hết bán đất rừng sang bán ruộng để thoát nghèo

Hoàn cảnh ấy nên không thể trách chuyện giàu nghèo ở Trại Mới 1 có quá nhiều bất cập. Trưởng thôn Tâm kể rằng, là công dân Thủ đô hẳn hoi đấy, nhưng có những gia đình mỗi tháng không thể kiếm nổi 10 ngàn đồng, hầu như chẳng có gì được gọi là thu nhập cả. Nhưng khối nhà như thế lại không cho nghèo. Lý do? Ông không có thu nhập nhưng con cháu ông chắc là phải có chứ. Cho dù con cái có lập gia đình, tách hộ ra ở riêng rồi nhưng nếu ông bà vẫn còn tồn tại được, sống được thì ai cho ông bà nghèo.

Tôi đã gặp chủ nhân của một trong những gia đình “không ai cho nghèo” ấy. Đấy là bà Thảo. Nhà ông bà có tận 7 đứa con, nhưng tất cả đều đã ra cửa ra nhà hết. Mỗi tội, đứa nào cũng là nông dân, không lương không lậu nên bà tự nhận mình là lao động chính dù đã ngoài 60 tuổi rồi, không phụ thuộc vào ai hết. Hai ông bà sống dựa vào 4 sào ruộng. Trước còn có thêm hai sào đất đồi nhưng phải bán cho người ta vì túng bấn, vì không có sức để làm. Bà bảo “nhà tôi không xét được hộ nghèo bởi vì không đói, nhưng mà cũng chẳng no”. Cũng vì cái đận bán đất ấy mà gia đình bà thoát được nghèo, thôn giảm đi được một chỉ tiêu.

Chuyện bán đất, bán ruộng thoát nghèo gần như là điều kiện bắt buộc, là con đường duy nhất ở Trại Mới. Ngay như nhà trưởng thôn Tâm, nếu chỉ nhìn qua thì có thể gọi là khá giả. Nhà hai tầng, bàn ghế sang trọng, xe máy mới… Nhưng vị trưởng thôn này thừa nhận, những thứ ấy, không bán hết đất đồi cho người ta thì không làm nổi.

“Nông thôn bây giờ, nếu có việc thì phải vay, không vay thì bán ruộng. Như đứa con dâu nhà tôi đấy, nuôi hai đứa đại học, hai vợ chồng nó đi làm thuê cật lực mà không đủ để nuôi con”. Ông Tâm cũng giải thích thêm rằng, nguyên nhân bà bà con trong thôn bán ruộng nhiều chủ yếu là do đám cưới. Dù đã có nghị quyết chính quyền quy định mỗi đám cưới 50 mâm, nhưng mà ở quê, bà con làng xóm, họ hàng hai bên, đâu thể ấn định số cỗ, số bàn. “Đám cưới theo nếp sống mới, làm khoảng 50 mâm. Thể nào cũng âm chừng 30-40 triệu. Có cặp vợ chồng cưới nhau, sinh hai mặt con rồi mà vẫn chưa trả hết nợ. Kêu trời kêu đất, chả làm gì ra được, tiền đi làm thuê không đủ thì phải bán ruộng đi mà trả nợ thôi. Còn như cái họ nhà tôi đây, ăn đi ăn lại phải đến 300 mâm ấy chứ. 50 mâm thì ai ăn ai nhịn, chẳng lẽ không mời người ta à? Giá cả thực phẩm bây giờ, nông thôn thôi mà mỗi mâm cũng phải 500 ngàn. Thử hỏi, không bán ruộng đất thì lấy đâu ra”.

À ra thế, đám cưới bán ruộng, con đi học bán ruộng, làm nhà làm cửa cũng bán ruộng. Nghe ông trưởng thôn nói những chuyện tưởng chừng như bi đát ấy với giọng rất bình thản, như thể không còn cách nào khác thì mới biết, những con số thống kê lý tưởng về tốc độ thoát nghèo chưa hẳn đã phản ánh hết cuộc sống người dân.

Đã nghèo còn gặp dự án treo

Nghèo phải bán ruộng, bán đất đi để rồi phải đi bán sức lao động ở các chợ người là bi kịch của nhiều nông dân ở xã Tiến Xuân. Tất nhiên là họ có lỗi, nhưng có thể bi kịch ấy sẽ không đến với họ nếu không có hàng loạt dự án treo đổ bộ, không có những kẻ ôm tiền đùn cho một vài người đi mua ruộng của bà con để chờ đền bù.

Người ta đã gọi Tiến Xuân là xã có nhiều dự án treo nhất cả nước, đâu chừng 25-30 gì đấy. Đồn thổi quy hoạch, nhập nhằng quản lý khiến nông dân quay cuồng trong muôn vàn thông tin về ruộng đất của mình. Không biết tự bao giờ, ở thôn Trại Mới 1 xuất hiện nghề đi gom ruộng đất của người dân cho các đại gia. Nghề mà trưởng thôn Tâm bảo là hơi lạ vì: “Có dự án vào người ta trả tiền cho những thằng mua nhưng những thằng đã bán rồi thì làm gì có tiền nữa”.


Bán hết đất rừng, nông dân quay ra đi làm thuê

Còn ông T, một nông dân trong thôn đang còn giữ ruộng lại nghĩ khác. Ông xin được giấu tên vì gần nhà mình có tới hai người làm đầu mối thu gom ruộng, chỉ điểm cho các đại gia. Giọng cay đắng, ông nói với tôi rằng: Họ có tiền, biết dân cần tiền nên cứ bơm cho một số người trong thôn làm đầu mối. Những người này nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, nhà nào túng bấn, nhà nào có con đi học đại học, sắp đám cưới, cần bán ruộng là đến “hỏi thăm” ngay. Họ có trách nhiệm đứng ra mua ruộng của bà con, chờ đến lúc nào có dự án đền bù thì đứng ra nhận tiền rồi trả lại cho các “nhà đầu tư” kia. Thành thử, tiếng là người trong thôn bán qua bán lại cho nhau, nhưng thực chất đều là do các đầu nậu về đây thu gom cả. Chỉ riêng thôn Trại Mới 1 thôi mà đã có 3-4 ông làm “đại lý thu mua ruộng đất” rồi.

Chúng tôi định bụng mang chuyện bán ruộng đất và cuộc sống người dân Trại Mới 1 ra hỏi lãnh đạo xã Tiến Xuân. Nhưng khi đăng ký làm việc với UBND xã thì ông Bùi Văn Tình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã bảo là chán báo chí lắm rồi, không làm việc, khi nào có vụ án hoặc khởi tố thì mới làm. Hỏi sang chuyện xây dựng NTM, người đứng đầu xã Tiến Xuân bảo rằng: Không cần phải xây dựng. Lãnh đạo như thế, chả trách người dân cứ bán ruộng đất để thoát nghèo.

Sở dĩ cái nghề làm “đại lý” ấy sống được là vì ruộng đất ở Trại Mới 1 khá dễ bán. Còn lý do dễ bán là nhờ đất ruộng vùng này rơi vào các dự án quy hoạch treo. Nghe nói đây được quy hoạch để xây dựng Đại học dân lập Hòa Bình, rồi thì Khu đô thị Đông Tiến Xuân…

Cũng có thời điểm giá ruộng được thổi lên 60-70 triệu đồng một sào, nhưng hầu hết những thông tin ấy nông dân chỉ biết chạy theo thôi chứ không nắm rõ thực hư ra sao cả. Đến lúc dự án gần như tan nát, những lời đồn thổi cứ tiếp tục để bán ruộng, bán đất chứ thực chất chẳng biết có lấy ruộng của bà con nữa hay không.

Cũng vì nhiễu thông tin như thế nên nhà ông T mới không bán ruộng, chứ thực tế gia đình ông cũng bí lắm rồi. Dù có suy nghĩ, có hiểu biết đến đâu thì gia đình ông cũng không thể đi ngược quy luật: Không bán đất thì không làm được gì.

“Chi phí bây giờ lớn quá. Không cho con ăn học không được, cho con ăn học thì chết. Công nhân viên chức còn có lương, còn nông dân chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Cả thôn này chỉ có khoảng 5 gia đình ổn định vì họ có nghề nghiệp. Còn lại, cần tiền đều phải đi vay. Mà đi vay lãi người ta phải nhìn xem thử gia đình ông có gì không. Nhìn đi nhìn lại thì không có gì ngoài ruộng đất cả. Đến như mua xe máy Tàu vài triệu cũng phải làm cái lễ “rửa xe kẻo nó bẩn”, trong xóm, trong làng, đi tong con lợn 40-50 cân ngay. Bán ruộng để thoát nghèo. Bán xong rồi, tiền không giữ được, cứ véo dần dần, sớm muộn gì cũng tái nghèo thôi”, ông T bảo. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm