| Hotline: 0983.970.780

Tiếng máy cày của Hồ Viên

Thứ Sáu 13/08/2010 , 09:13 (GMT+7)

Sáng sớm, khi con gà rừng đầu dốc vào bản Cà Xen (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) chưa chịu cất tiếng gáy te te thì mọi người trong bản đã nghe tiếng máy cày nhà Hồ Viên nổ giòn.

Hồ Viên bên chiếc máy cày mới
Sáng sớm, khi con gà rừng đầu dốc vào bản Cà Xen (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) chưa chịu cất tiếng gáy te te thì mọi người trong bản đã nghe tiếng máy cày nhà Hồ Viên nổ giòn. Lâu lâu sau, khi ngọn lửa bập bùng trong bếp mỗi nhà dân thì tiếng máy cày Hồ Viên cũng xa dần. Tiếng của ai đó chợt vang lên: "Dậy đi làm thôi. Hồ Viên đi cày rồi đó". 

"Cái đầu biết làm nhiều việc hay"

Ngồi trong căn nhà sàn làm bằng gỗ, Hồ Viên (55 tuổi) mời khách bằng bát nước chè lá rừng đặc quánh rồi thủ thỉ: Hồi trước, bà con dân tộc Mã Liềng sống du canh du cư xung quanh khu vực vùng Quạt, cách nơi định cư này khoảng một ngày đường trèo núi, băng rừng. Cuộc sống nay đây mai đó, cứ hễ nhìn thấy có ngọn núi nào cao nhất, đất đai màu mỡ là chọn làm nơi sinh sống. Sống ở đó được chừng hai, ba mùa rẫy, đất đai khô cằn, nghèo kiệt là mọi người lại kéo nhau đi chỗ khác kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống chỉ dựa vào mấy vạt ngô, sắn và săn bắt muông thú nên cái đói, cái rét cứ đeo bám dai dẳng; ăn ngủ, sinh hoạt chủ yếu trong những hang đá. Đói nghèo bám riết nên từ già tới trẻ không ai có cái chữ trong đầu.

Vậy rồi, đầu năm 1993, một đoàn cán bộ dưới xuôi băng rừng lội suối tìm vào vận động bà con ra định canh định cư để ổn định cuộc sống. Họ nói với bà con rằng, nếu về định canh định cư thì bà con sẽ được nhà nước hỗ trợ làm nhà để ở, bày cho cách mà làm ăn, con cái sẽ được đến trường học chữ, đau ốm có y tá điều trị... Ban đầu nghe thì thích, nhưng đa số bà con Mã Liềng vẫn chưa tin lời. Họ cho rằng, sống với rừng đầy rẫy muông thú, rau, củ, quả... cái chân tha hồ được phiêu bạt khắp núi rừng, như thế mới sướng. "Riêng bản thân miềng thấy cán bộ nói có lý, ưng cái bụng, rứa là quyết định đưa vợ con xuống núi định canh định cư tại bản Cà Xen mãi cho tới ngày nay", Hồ Viên nhớ lại.

Đưa vợ con "hạ sơn" định canh định cư tại bản Cà Xen, Hồ Viên vừa làm quen với cuộc sống mới và tiếp tục phối hợp cùng cán bộ dưới xuôi vào rừng vận động bà con rời hang, từ bỏ dần những hủ tục lạc hậu, vận động con em đến lớp học chữ... Đi đến mòn gót chân rồi, nói rỉ rả như nước mưa đọng trên tán cây nhỏ xuống thì được một, hai hộ đồng tình. Rồi dần dần cả bản Cà Xen, Bạch Tài đều theo chân Hồ Viên xuống bản định cư. Nhưng về bản mới cũng chỉ là chuyện đi và ở. Lúc mới ra sinh sống ở vùng định cư này, trẻ con trong bản cứ hễ nhìn thấy người lạ vào là hoảng sợ, khóc thét, chạy trốn mất tăm. Người lớn thì vốn quen với cuộc sống săn bắt, hái lượm nên đâm ra lười lao động, rượu chè say khướt suốt ngày nên Hồ Viên lại phải như người “bắt tay chỉ việc”.

Nghe lời cán bộ, Hồ Viên tìm cách động viên, dỗ ngon dỗ ngọt mãi tụi trẻ con mới dần thích nghi. Tiếp đến, ông vận động chúng lần lượt tới lớp học chữ. Để làm gương cho tụi trẻ và những người dân Mã Liềng chung quanh, Hồ Viên xung phong đi học cái chữ của Bác Hồ trước. Cái lý mà Hồ Viên đưa ra là khi học được cái chữ của Bác Hồ, cái đầu sẽ biết được rất nhiều chuyện hay, làm công việc gì cũng dễ dàng hơn. Nhưng học chữ cũng không dễ. Hồ Viên như phải bò ra trên sàn nứa mà đánh vật với con chữ. Cái tay cầm rựa phát cây rừng còn nhanh hơn viết nét bút. Nhưng để làm gương thì phải cố. Hồ Viên cùi nhớ lại: "Nói thiệt tình, nhiều bà con và ngay cả bản thân miềng lúc đầu làm quen với cuộc sống định canh định cư vẫn thấy khó. Làm việc gì cái chân, cái tay cứ bứt rứt, lóng ngóng thế nào ấy. “Bắt” được con chữ bỏ vào đầu còn khó hơn bắt con rắn, con khỉ ở trên rừng, nói chung mọi thứ đều lạ lẫm".

Khi cầm tờ báo do cán bộ đưa lên, Hồ Viên đọc to cho cả bản nghe. Ai cũng ồ lên mừng. “Hồ Viên đọc được thì ai cũng phải đọc được chớ...”, bà con nói vào tai nhau như vậy.

Năm đầu, cái khó vẫn còn vây cả bản như cỏ dại mọc mà không có ai phát dọn. Có bữa, mới sáng mở mắt, trước nhà Hồ Viên đã lố nhố người. Các gia đình Hồ Khang, Hồ Rừng, Hồ Phùng, Hồ Hùng (sống tại vùng Bạch Tài)... không chịu được cái cực, cái khổ thời điểm đầu, họ kéo tìm đến “bắt đền” Hồ Viên vì lý do đã vận động họ ra sống định canh định cư mà vẫn thiếu ăn. Bực trong bụng nhưng không nói được, không nói nữa, chỉ làm thôi. Hồ Viên học cách trồng lúa nước, cách làm ăn kinh tế như những người dưới xuôi...Thấy con suối bên đám ruộng không chịu cho nước mà cứ chảy ồ ồ về xuôi, ông hì hục vác đá, chặt cây đóng cọc ngăn suối, nhiều người nghe theo cùng làm và con đập nhỏ đã “bắt’ được cái suối chia nước cho ruộng để mọi người làm lúa nước. Có nước rồi, ông còn chỉ mọi người đào ao thả cá, trên đất thì nuôi thêm trâu, bò, gà, lợn. Vụ mùa liền sau đó, gia đình Hồ Viên thu được thóc lúa chất trĩu gác nhà sàn... Bà con cũng bắt đầu có cái ăn no bữa. Những gia đình đến bắt đền Hồ Viên nay lại đến nhưng là để cảm ơn và mời ăn bữa cơm gạo mới thơm lừng.

Trở thành triệu phú

Cách đây khoảng hai năm, cả bàn Cà Xen lại như ồn ã hẳn lên khi thấy Hồ Viên nhận về cái máy cày bông sen. Lần đầu tiên người dân Mã Liềng có được chiếc máy về tận bản. Ai cũng chen vào sờ một cái vào thân máy cho thỏa lòng... Chọn một ngày đẹp trời, Hồ Viên nổ máy đưa máy cày xuống ruộng, cả bản tập trung đứng trên bờ xem cổ vũ. Lúc đầu còn lúng túng, sau quen dần máy cứ chạy băng băng. Bà con bảo nhau: “Nó khỏe bằng mấy con trâu đang gặm cỏ trên mé đồi kia”.

Tộc người Mã Liềng ở Quảng Bình đã có thời gian tưởng chừng tuyệt chủng. Mãi cho đến khi nhà nước có kế hoạch vận động những người này ra sống định canh định cư tại các bản Cà Xen (thuộc xã Thanh Hóa), bản Chuối, Cáo, Kè (thuộc xã Lâm Hóa), huyện Tuyên Hóa thì họ bắt đầu hồi sinh.
Bây giờ thì bản Cà Xen đã khởi sắc với nhiều ngôi nhà ngói mới, con đường bê tông nối với đường Hồ Chí Minh về tận bản. Ngôi nhà sàn của Hồ Viên rộng rãi thoáng mát. Chiếc máy cày mới đỗ cạnh ngôi nhà lán của giàn máy xay xát. Hồ Viên khoe: “Sau một năm miềng sử dụng máy cày của dự án thì miềng quyết định mua thêm máy cày mới để phục vụ sản xuất và cày ruộng cho nơi khác. Lúc đó, chọn hai con trâu to nhất đen bán cùng mấy tấn thóc được 30 triệu đồng mua nó về đó. Cày ruộng cho mình, cho bà con xong còn chạy ra tận mấy vùng xa hơn để kiếm thêm tiền phục vụ. Ai kêu là miềng đi, trước là giúp, sau là được thêm đồng tiền để dành dụm lại... Năm rồi, nhờ có chiếc máy cày mà nhà mở rộng khai hoang được hơn 1 ha lúa nước, thu được gần 5 tấn thóc”. Ngoài ra, vợ chồng ông còn mua thêm máy xay xát đưa về bản. Bà con ù một cái là có gạo ăn, đỡ thời gian ra để đi làm đồng, trồng rừng...

- Chưa tới mười năm về khu định cư, tài sản của gia đình tới đâu mà được bà con phong triệu phú của bản vậy?

Cười sảng khoái, ông Hồ Viên chỉ ra trước nhà rồi vui miệng: “Bà con nói thì mình nhận cho vui lòng chớ. Dù sao đó cũng là lời từ trong bụng mà. Tài sản thì nằm trên đất cả đó chớ. Cũng được 12 con trâu, hàng chục con gà thả vườn, 2 ao cá rộng chừng 2 sào (1.000 mét vuông), chủ yếu nuôi cá trắm, gáy, trê phi; mấy ha ruộng lúa nước, nuôi heo. Mà còn nữa chớ, ngoài rừng đó”.

Nói rồi, ông kéo tôi đi xem rừng. Cả cánh rừng keo lai gần đến tuổi khai thác thẳng lối như xếp hàng, gió thổi xiên qua xua lá kêu rào rạt. Hồ Viên khoe: "Gần chục ha đấy, được 4 năm tuổi rồi. Khi khai thác xong lấy vốn trồng lại và xin thêm đất để trồng thêm. Với lại, các con miềng cũng có rừng, cũng được bày vẽ nên chăm làm như bố. Nhà cửa đàng hoàng rồi. Đó cũng là cái giàu của miềng đó chớ. Mà không phải riêng miềng mô, vài năm nữa người Mã Liềng sẽ có nhiều người lên triệu phú lắm đó”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm